Gần đây xuất hiện trên feeds của Facebook mình là bức hình một số bạn trai khóc lóc khi đón các thần tượng ca nhạc Hàn Quốc tại sân bây ở trên cùng với một bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân được chia sẽ khá nhiều bởi mọi người. Dưới đây là bài thơ đó và ở dưới nữa là những cảm nhận của mình.
HÃY TIẾT KIỆM THỨ CÒN LẠI DUY NHẤT
(Đôi lời nhắn nhủ của nhà thơ Đỗ Trung Quân)
Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết , tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến “
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân , đứa đi làm rẫy. đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu - chiến
Ngày Polpot tràn qua An Giang , Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã
Ai không tử sĩ
Ai không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.
Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ
Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Qúa
Đủ
Trước hết, mình phải nói rằng bài thơ này hay quá! Nhưng bác Quân à, cháu chỉ có một thắc mắc nho nhỏ, sao bác đã sống đến chừng đó tuổi rồi mà lòng khoan dung của bác đối với những bạn trẻ kia ở đâu cháu chẳng tìm thấy? Cái thời của bác và cái thời này của các bạn ấy và của cả cháu khác nhau nhiều lắm. Làm sao bác có thể dồn nỗi buồn của cả một thế hệ đi trước lên đầu những người chưa một lần chứng kiến cảnh chiến tranh loạn lạc và để rồi bác trách và móc bởi những giọt nước mắt họ dành cho những người xa lạ - xa lạ mà làm họ cảm thấy hạnh phúc và gần gũi. Làm sao bác có thể nhìn vào nước mắt của những đứa trẻ " ấy và rồi nhét cho chúng những cái đao to búa lớn như là nỗi nhục quốc thể lẫn biển Đông và biển đảo?
Cháu buồn những người trẻ ấy bao nhiều thì cháu buồn bác bấy nhiêu bác Quân ạ. Bác dành ra thời gian và chữ nghĩa để phê phán những đứa trẻ ấy trong khi bác đã bao giờ nhìn vào những đứa trẻ ấy thật kỹ và tìm hiểu thật kỹ tâm tư, tình cảm và cả những nỗi niềm của chúng?
Bác à, bạn cháu đã từng nói và cháu cũng tin rằng 'thế hệ nào cũng có tuổi thơ với những điều xấu hổ vụn vặt, tuổi trẻ nào cũng có lúc đam mê đến cuồng tín. Và nói về nước mắt, ngày xưa mình cũng có những giọt nước mắt hết sức "tào lao". Đọc sách hay - cảm động là khóc. Nghe nhạc - xúc động, khóc. Nghe tin thần tượng qua đời - cũng bật khóc, viết "tâm thư". Rồi khóc vì té đau, khóc vì điểm kém. Rồi thì cũng còn nhiều những lí do khóc hết sức tào lao khác, đánh điện tử thua bạn - tức quá khóc; thấy bác sĩ - sợ quá khóc; đánh lộn thua - đau quá khóc... Thế hệ nào cũng trải qua một thời của sự cuồng tín thái quá, sự khác biệt ở đây là cách các em thể hiện sự cuồng tín và đam mê nó khác xa với nhận thức của thế hệ cũ.'
Và bác ơi, chẳng đâu xa, ngay trong bài thơ của bác cũng đã ám chỉ đến những lý tưởng, những sự ngông cuồng để được thể hiện những khát khao và mong muốn của tuổi trẻ, cho dù việc đó đồng nghĩa với tranh cãi với gia đình, nói dối và tự ý hành động theo ý mình. Xét về khía cạnh ấy, chúng ta cũng chẳng khác gì những đứa trẻ kia, cũng một thời trẻ tuổi bồng bột tìm đủ cách để làm theo mong muốn của mình.
Có khi nào bác mảy may suy nghĩ liệu chăng những đứa trẻ ấy đang ẩn chứa trong lòng một nỗi cô đơn mà không có ai để tâm đến. Liệu có khi nào thứ duy nhất làm bạn với chúng là âm nhạc và hình tượng của những “đứa lạ hươ lạ hoắc” mà chúng đón ở sân bay. Ở cái thời này, khi chủ nghĩa vật chất hiện diện ở mọi ngóc ngách, người người bằng mọi cách để kiếm tiền, lao lực ra mà kiếm tiền và có lẽ ba mẹ chúng cũng chẳng nằm ngoài vòng xoáy đó. Họ kiếm tiền, họ lao mình vào công cuộc kiếm tiền và cái họ để lại là sự trống vắng trong chính căn nhà của mình cho chính những đứa con của mình. Có thể những đứa trẻ kia, ngoài tiền bạc để làm bạn chúng chẳng có gì. Ngày ngày đều phải chứng kiến gia đình mình “lặng lẽ” tan vỡ. Cả tuần thậm chí chẳng ai nói với nhau câu nào. Có khi nào bác từng nghĩ, nếu như chúng có được người nhà quan tâm. Ba mẹ chúng dành thời gian nhiều hơn cho chúng, cuối tuần dẫn chúng đi tham gia các hoạt động của những người trong gia đình với nhau hay đơn giản hơn là dành nhiều thời gian nói chuyện với chúng, cố gắng đến tận cùng để tìm hiểu mong muốn và suy nghĩ của chúng và chỉ cho chúng thấy cuộc sống này còn rất nhiều thứ hay ho hơn ngoài âm nhạc và thần tượng, thì có khi chúng chẳng còn quan tâm nhiều đến những “đứa lạ hươ lạ hoắc kia”.
Liệu bác có từng mảy may suy nghĩ, nếu nhà nước chúng ta dành nhiều tiền bạc hơn để xây dựng những thư viện công rộng lớn với nhiều đầu sách phong phú cùng thời gian làm việc hợp lý để tất cả những đứa trẻ kia có điều kiện tiếp xúc với văn hóa đọc hơn nữa, tiếp xúc với những kho tàng tri thức rộng lớn của những trang sách hơn nữa; chứ không phải đến thư viện sau giờ học và nhận được cái nhìn lạnh lùng của cô thủ thư trước khi cô ấy ra về. Hay nhà nước chúng ta xây dựng nhiều hơn nữa những nhà triễn lãm các tác phẩm hội họa, những bảo tàng lịch sử với nội dung hấp dẫn và hoạt động có hiệu quả, hay tổ chức những buổi công chiếu kịch có chất lượng cho rộng rãi mọi người có thể tham gia. Thì những đứa trẻ kia đã có thể có nhiều thứ hơn để quan tâm hơn là những “đứa lạ hươ lạ hoắc” kia.
Và bác ơi, nỗi buồn của sự cô đơn nó cũng khủng khiếp như khi bác nhìn những người bạn, những người đồng chí của mình ngã xuống. Sự lạc lõng và không có định hướng nó cũng kinh khủng như khi bác chứng kiến tổ quốc mình đang bị lâm nguy. Thời các bác, các bác có lý tưởng cho tự do. Thời chúng nó, ai cho chúng lý tưởng giữa cái xã hội mà chính quyền thì tham nhũng, gia đình thì tan tác và con người ta thì cứ chạy theo thành tích. Ai sẽ cho những đứa trẻ kia lý tưởng đây???
Bác Quân ơi, tâm hồn một khi đã yếu đuối thì thường dễ rơi lệ; cho dù là người cứng rắn đến thế nào; huống hồ gì là tâm hồn những đứa trẻ vốn chỉ có những “đứa lạ hươ lạ hoắc kia” là thần tượng, là bạn và là “thế giới” mà chúng biết đến. Xin hãy khoan dung hơn với những giọt nước mắt kia. Hãy chỉ cho chúng về một thế giới nghệ thuật khác mà ở đó có những giá trị khác cũng tốt đẹp không kém để chúng nhận ra rằng thần tượng cũng chỉ là người và có những điều chúng làm thật là “xuẩn ngốc tuổi học trò”. Xin hãy dành thời gian mà phê phán những “người lớn” và “những ông lớn” đã góp một phần không nhỏ tạo ra một loạt những đứa trẻ yếu đuối như thế.Xin đừng đem “lưỡi dao” của ngôn từ “đâm” vào những đứa trẻ ấy.
Đôi lờn nhắn nhủ với mấy em trai trong ảnh, khóc thì cũng được thôi các em ạ, nhưng hãy để dành nước mắt cho những cảm xúc thật hơn, những chuyện quan trọng hơn nữa. Kẻo sau này, đến khi khóc đã thành một thói quen, nước mắt chảy ra tự nhiên nhưng lại chẳng còn chút giá trị nào nữa thì thật là buồn.
Và lời cuối cho chính bản thân mình, mình vẫn luôn tin rằng những đứa trẻ kia sẽ là những nguồn lực đủ mạnh để làm kinh tế với sức sáng tạo và sức mạnh tri thức dồi dào để mang lại những đóng góp lớn lao cho nền kinh tế thị trường này khi họ trưởng thành. Và rồi họ sẽ quay lại và mỉm cười vì mình đã có một thời "ngây thơ và ngốc nghếch" như thế.