10.12.12

Doraemon, người hùng thân thiện nhất Châu Á



 Đi lang thang trên mạng tình cờ kiếm được một số bài báo của Tạp chí TIME viết về những người mà tạp chí này cho là những người hùng của Châu Á trong thời đại hiện nay (bài viết này cũng đã lâu, từ năm 2008 hoặc 2009). Duy nhất trong những nhân vật đó, chỉ có Doraemon là hình mẫu tưởng tượng được coi là người hùng Châu Á.

Có lẽ tất cả chúng ta đều không xa lạ gì với chú mèo máy Doraemon. Đọc bài báo của tờ TIME xong tự nhiên thấy nhớ về tuổi thơ với chú mèo máy này kinh khủng. Tuổi thơ của mình đã gắn liền với Doraemon từ khi mình biết đọc. Năm mình lên 4 tuổi cũng là lúc Dorameon được đưa về Việt Nam. Năm mình 5 tuổi mình đã đọc những cuốn truyện Doraemon đầu tiên đến mức nằm lòng từng câu chữ. Đối với mình, Dorameon, Nobita và những người bạn đã không còn là những nhân vật truyện tranh. Họ đã bước ra khỏi trang sách và làm "giàu" thêm thời thơ ấu của mình. Đối với mình họ là những người bạn "tuyệt vời" khi đã dạy cho mình những bài học đầu tiên về sự tuyệt vời của "tình bạn" và sự kỳ diệu của những nỗ lực không ngừng.

Ngày hôm qua đã là kỷ niệm 20 năm ngày Doraemon đến Việt Nam, nên mình muốn viết một cái gì đó về Doraemon. Tình cờ thấy bài báo nào nên dịch ra và để lên blog cho mọi người cùng đọc. Đây quả thật là một bài báo hay và cũng như một lời cảm ơn mình muốn gởi tới "chú mèo máy" tuyệt diệu này. Cảm ơn vì đã đồng hành với mình trong suốt thời thơ ấu không phải lúc nào cũng tràn ngập niềm vui của mình.



NGƯỜI HÙNG THÂN THIỆN NHẤT CHÂU Á

“Có thể nói rằng Doraemon (どらえもん) là một điều tốt đẹp và dễ thương nhất mà người Nhật Bản mang lại cho thế giởi”, Pico Lyer* nói, “và sự lạc quan không ngừng của Doraemon là một nguồn cảm hứng xuyên lục địa.”

Chắc chắn một lần trong đời bạn đã từng nhìn thấy Doraemon cho dù bạn không biết tên của chú mèo máy. Và một khi đã nhìn thấy Doraemon, bạn ắt hẳn sẽ bị lôi cuốn bởi bầu không khí đầy sức sống và lạc quan xung quanh chú mèo máy màu xanh này. Cái đầu tròn như quả bóng với nụ cười rộng, đôi tay giơ lên khi chào và một vẻ tười cười hồn nhiên, không lo âu; được bắt gặp không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên những con đường ở Hà Nội, trong lớp học của những trường Đại học tại Mỹ và cả trong những rạp chiếu phim ở Hồng Kông. Người ta lấy Doraemon làm hình mẫu cho pháo hoa, làm tem thư, làm con trỏ màn hình máy vi tính của Sony, và Doraemon còn xuất hiện trên cả phim ảnh. Nhưng trên hết thảy, Doraemon mang đến một thông điệp cho tất cả mọi người, cho dù chúng ta là ai, thuộc chúng tộc nào, nghèo nàn hay giàu có thì tương lai sẽ trở nên tốt đẹp, thực tại có thể sửa chữa được, và bạn có thể hạnh phúc cho dù bạn đang buồn.

Từ nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản đã tạo nên cho thế giới những cỗ máy sang trọng với kiểu dáng tao nhã bật nhất, những tác phẩm truyện tranh và hoạt hình của họ hấp dẫn cả thế giới đến nỗi ban nhạc điện tử Gorillaz đã sử dụng những đặc trưng hình ảnh hoạt hình ấy để làm đại diện cho chính họ trong các video ca nhạc, hay bộ phim hoạt hình nổi tiếng Vua Sư Tử lấy cảm hứng từ một bô phim hoạt hình kinh điển của bậc thầy Osamu Tezuka(おさむ てずか). Những vận động viên thể thao như Ichiro Suzuki (いちろ すずき) hay Hidetoshi Nakata(ひでとし なかた) đã đem lại sinh khí mới cho làng thể thao thế giới với những cử động uyển chuyển, đầy kỹ thuật và hiệu quả của họ. Thế nhưng không một biểu tượng văn hóa nào của Nhật Bản có được sự ấm áp, đầy thân thiện và đầy tính nhân đạo đối với tất cả mọi người trên thế giới bằng chú mèo máy màu xanh da trời đến từ thể kỳ 22 với chiếc túi thần kỳ trước bụng này.
 


Doraemon không sống trong một thế giới khác chúng ta là mấy, với những chương trình truyền hình hàng tuần và những bộ phim hàng năm cho thấy chú mèo máy này sống trên những con phố rất bình thường, có những hàng xóm rất bình thường ở Nhật Bản. Bạn thân nhất của DoraemonNobita (のびた)(cái tên có nghĩa là “bị hạ gục”), một cậu bé yếu ớt, hậu đậu, thường xuyên cần được giúp đỡ, học lớp 4, đeo kính và luôn bị bắt nạt bởi bạn bè trong trường lớp cũng như hay bị thầy cô và bố mẹ la mắng. Như bất kỳ một người bạn tốt nào, Doraemon cùng đi tập bóng chày với Nobita, ngồi bên cạnh Nobita mỗi khi cậu phải “vật lộn” với bài tập về nhà, và luôn cố gắng bảo vệ Nobita khỏi cậu bé mách lẻo Suneo(すねお)( Xê-kô) hay “chàng lực sỹ” Gian(ギアン)(Chai-en). Tuy nhiên không như những người bạn bình thường khác, Doraemon ngủ trong một cái tủ áo trong phòng của Nobita, và cổ máy thời gian của cậu ta thì lại ở trong ngăn kéo bàn học.

Cũng như những nhân vật hoạt hình kinh điển khác như chú chó Snoopy hay chú gấu Paddington, Doraemon cũng có những đặc trưng tính cách và lai lịch riêng. Chú mèo máy cân nặng 129,3 kg, cao 129,3 cm và sinh nhật vào ngày 3 tháng 9 năm 2112. Món ăn ưa thích của Doraemon là bánh rán (dorayaki(どらやき) – một loại bánh của Nhật Bản với nhân đậu ngọt ở giữa 2 miếng bánh). Ngoài ra Doraemon còn có một cô em gái – Dorami(どらみ), cô mèo máy màu vàng, có tai và lông mi thật dài. Trong khi những thần tượng của giới trẻ Nhật Bản hay những ngôi sao nhạc Pop được “sản xuất” hàng loạt thường có những đặc điểm chung chung thì những nhân vật hoạt hình ở đất nước này, như Doraemon, lại luôn có cá tính riêng biệt đậm nét và đầy chất “nổi loạn” của đời thực.

Một phần khiến cho Doraemon thu hút, cũng giống như những nhân vật hấp dẫn của Hanna-Barbera như: Top Cat hay Yogi Bear, là ở chỗ Doraemon luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, và hầu hết là chuẩn bị sai. Khi nào Nobita bị bắt nạt, Doraemon sẽ lấy từ trong chiếc túi thần kỷ của mình ra chiếc chong chóng tre (takeoputa) (たけおぷた) hay cánh cửa thần kỳ cho phép họ đi đến bất kỳ đâu. Tuy nhiên với chong chóng tre cả hai chỉ có thể bay thấp trên những nóc nhà của thị trấn, và với cánh cửa thần kỳ thì thường là đưa họ đến những nơi mà cả Doraemon Nobita đều muốn tránh. Lý do mà Doraemon có màu xanh, theo như được giải thích, do có một chú chuột rôbốt đã gặm mất tai của Doraemon và chính vì lý do đó mà Doraemon bị bạn gái cười chế nhạo, vừa xấu hổ vừa tức giận đã khiến da của chú mèo máy chuyển sang màu ngọc lam. Có lẽ, trong thế giới của những chú mèo máy thế kỷ 22, Doraemon như là Nobita của thế kỷ này vậy.

Tất cả những gì ở trong và xung quanh Doraemon đều mang đậm tinh thần và phẩm chất Nhật: sự thần kỳ ở những bảo bổi của Doraemon (tất cả đều di động), quyết tâm đối mặt với mọi thứ bằng vẻ mặt tươi cười và không bao giờ chịu từ bỏ, và thậm chí là trong một số phong cách rất riêng của chú mèo máy này (Doraemon có một bảo bối có thể giúp cậu và Nobita nhìn trộm Shizuka(しずか) (Xuka) – cô bé mà Nobita để ý- trong lúc tắm). Trong sâu thẳm, Doraemon lại mang tính người một cách sâu sắc: đó là niềm vui khi cậu có một cô bạn gái mèo tên là Michan(みちゃん), nhưng cô nàng này dường như lúc nào cũng rất khó tiếp cận.

Trên thực tế, sự hấp dẫn xuyên quốc gia, lục địa của Doraemon sẽ dễ thấy hơn nếu chúng ta so sánh cậu ấy với các nhân vật hoạt hình khác của Nhật Bản có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu. Hello Kitty (ハローキティ) chẳng có lý do nào để tồn tại ngoài việc đó là một cô mèo dễ thương; rất đáng yêu, luôn mặc đồ màu hồng và hoàn toàn thụ động. Hello Kitty dường như được lấy mẫu từ hình ảnh của những cô gái châu Á được dạy bảo là phải cư xử như vậy tại chốn đông người. Trong khi đó, Doraemon lại đại diện cho hình ảnh của một nhân viên văn phòng béo tốt, vui vẻ sau một vài cốc bia. Hello Kitty, suy cho cùng, không có miệng và không bao giờ di chuyển. Trong khi đó thì Doraemon lại luôn lắm mồm, trong suốt 30 phút của một tập phim, chúng ta có thể thấy Doraemon với nhiều trạng thái tâm lý đa dạng: khi thì lo lắng (cho Nobita), lúc thì cười như nắc nẻ, lúc lại tức đến nổ mắc, khi lại đập lên sàn một cách giận dữ và rồi lại thư thái ngồi nhấm nháp chiếc bánh rán của mình.

Những nhà nghiên cứu thường cho rằng Doraemon có dáng vẻ của nhân vật Astro Boy- một nhân vật của Osamu Tezuka ở thập niên 60- người có hơn 100.000 mã lực sức mạnh ở cánh tay, đèn pha trong mắt và một nhà máy sản xuất điện hạt nhân ở trong ngực. Trong khi GodzillaGamera, một ví dụ của thời đại hạt nhân thể hiện khoa học có thể làm gì giúp cho chúng ta, Doraemon (giống như Astro Boy) lại cho thấy một nền công nghệ hứa hẹn và tốt đẹp hơn. Có thể bạn sẽ cho rằng ảnh hưởng của Doraemon cũng giống như Pokemon hay Totoro của Hayao Miyazaki – nhà làm phim hoạt hình tài ba mà hãnh phim Disney mua tất cả bản quyền những tác phẩm ông sáng tác. Nhưng thật ra, Doraemon mang những phẩm chất của chính cậu ta: không chỉ là một người bạn (như Winnie the Pooh) và không chỉ là một biểu tượng (như Mickey Mouse). Trong khi nhân vật Bart Simpson nói và làm những điều mà chúng ta sợ phải làm thì Doraemon lại làm những việc mà chúng ta mơ ước được làm. Như Donald George, người biên tập của ấn phẩm Lonely Planet, nói sau một buổi chiếu của Doraemon ở Califorrnia, “Doraemon tượng trưng cho sự kết hợp tuyệt vời của sự ngây thơ và trí tưởng tượng, sau khi xem phim, bạn ra về với một tâm trạng của “trẻ nít” và cảm giác rằng mọi việc đều có thể. Nó cũng giống như cảm giác mà tôi có khi tôi đi du lịch.”

Một phần khác của huyền thoại Doraemon khiến cậu ta trở thành đề tài luyến tiếc nhất tại Nhật Bản hơn 3 thập kỷ qua đó chính là câu chuyện đằng sau câu chuyện. Gần như mọi người ở Nhật đều biết câu chuyện của Hiroshi Fujimoto(ひろし ふじもと), người tạo ra nhân vật Doraemon ở dạng truyện tranh vào năm 1969 và sau đó thuê một người bạn thời tiểu học của mình là Abiko Moto(あびこ もと) làm việc cho ông (khi Fujimoto qua đời năm 1999, câu chuyện này được đăng trên trang nhất). Và Nobuyo Oyama(大山 のぶ代), người lồng tiếng nhân vật Doraemon, là một diễn viên xuất hiện thường xuyên trên TV Nhật. Khi mà Nhật Bản thay đổi chính mình hàng tuần để tìm vị trí của nó trong thế giới hiện đại thì Doraemon là một trong một số ít nhân vật có thể đem một cụ bà mặc Kimono (きもの)và một cậu bé tóc nhuộm vàng lại gần nhau. Cho đến nay, Doraemon đã sống lâu hơn 17 thủ tướng của Nhật.


Bạn có thể thắc mắc liệu tất cả những điều nói trên có khiến Doraemon trở thành một người hùng? Một người hùng, theo định nghĩa của Joseph Campbell là một hình mẫu: rời xa nhà, vượt qua khó khăn và bằng cách nào đó nói với tất cả mọi người rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn chúng ta đang làm và chúng ta có thể trở thành những con người tốt đẹp hơn. Với những định nghĩa đó, chú mèo máy màu ngọc lam đôi khi ngớ ngẩn nhưng lúc nào cũng vưi tươi với những tia hy vọng không thể cưỡng lại trong đôi mắt, thật sự là một anh hùng. Doraemon cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn phải đối mặt với u sầu và sự mệt mỏi nhưng hãy biến những điều đáng buồn ấy trở thành niềm vui và nụ cười.

*Pico Lyer, tác giả cuố Global Soul, một cộng tác viên của tờ TIME, sống tại Nara, Nhật Bản.


Dịch từ tờ Time

*Hình ảnh trong entry được lấy từ Internet. Mình hoàn toàn không có bản quyền đối với các hình ảnh sử dụng ở trên. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét