27.2.13

Những người đàn bà nhăn rúm và Trần Thị NgH


Tôi tình cờ biết đến nhà văn Trần Thị NgH và các tác phẩm của bà qua mục điểm sách của bác Nhị Linh và bị thu hút đặc biệt bởi bìa sách của các tác phẩm này, tất cả các trang bìa cho ba cuốn tuyển tập truyện ngắn phát hành ở Việt Nam đều do chính tay bà Trần Thị NgH vẽ minh họa.

Ai có thể làm ngơ trước những quyển sách có bìa đẹp như thế này chứ?

Trần Thị NgH tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng, một nhà văn thuộc thế hệ trước năm 1975 tại Việt Nam, bà xuất hiện khá muộn so với các tên tuổi cùng thời và có thể đã có một cuốn sách được xuất bản vào năm 1975, trước khi sự kiện 30 tháng 4 diễn ra. Bà sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam và hiện đang làm việc - sáng tác tại Sài Gòn và Paris. Các tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam do NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam bảo trợ bao gồm 3 tuyển tập truyện ngắn: Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạnNhăn rúm. Trong đó, Nhăn rúm là cuốn có độ dày nhiều nhất với hơn 236 trang.

Trong quá trình tiếp cận lại với các tác phẩm Việt Nam, tôi cho rằng thật may mắn khi đọc Đỏ của Ngyễn Dương Quỳnh (tôi đã có một bài viết về Đỏ tại đây) đầu tiên và tiếp theo là bộ ba cuốn tuyển tập truyện ngắn này của Trần Thị NgH. May mắn ở chỗ, các tác phẩm của hai người phụ nữ này - một già, một trẻ - đều không mang nặng sự dài dòng, lang mang của các tác phẩm văn học Việt Nam tôi được đọc trước đây, mà về điểm này tôi xin được phép phiến diện một chút bởi hai lý do sau:
  
1.     Tôi không có cơ hội đọc nhiều các tác phẩm văn học Việt Nam trước đây, và phần nhiều những gì tôi đọc đều khiến tôi cảm thấy dài dòng, không tập trung và nặng tính "lạc quan chính trị"

2.     Đây là cảm nhận riêng của cá nhân tôi đối với những tác phẩm văn học Việt Nam tôi có cơ hội đọc trong một giới hạn tương đối hạn hẹp về số lượng, nên nhận xét này chỉ tham chiếu trên giới hạn đó. Tôi không có ý định phủ đầu và khái quát cho cả một hệ thống các tác phẩm văn học trong nước với một bề dày sâu rộng. 

Nếu ở Đỏ là sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và lắng đọng cùng với hơi thở của thời đại, của tuổi trẻ; thì các truyện ngắn của Trần Thị Nguyệt Hồng lại là sự khắc họa đến chân thật cuộc sống nội tâm và suy nghĩ của những người phụ nữ trong thời kỳ chuyển mình giữa chế độ xã hội này sang chế độ xã hội khác. Với giọng văn gọn, chắc và lạnh, Trần Thị NgH đã giúp người đọc gặp gỡ những người phụ nữ, trẻ có, trung niên có, già có; với những suy nghĩ hết sức độc lập và tự chủ trong một thời kỳ lạ lùng của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Họ, có thể là một thiếu nữ mới lớn với khát vọng sống một cách trọn vẹn cuộc sống của đời mình, muốn trải nghiệm cho bằng hết những giới hạn của cuộc sống để cuối cùng được là chính mình (Lạc đạn); hoặc cũng có thể là một người phụ nữ độc lập, tìm cách "trơ" với cuộc đời, để mà sống mà vượt lên tất cả những ganh tỵ, những điều tiếng và cả những cuộc tình, nhưng đâu đó, sâu bên trong cõi lòng là sự mất cân bằng bởi khao khát được yêu thương và được quan tâm, không chỉ từ người tình mà còn từ phía gia đình (Nhăn rúm). Và cũng không thiếu, gương mặt của người đàn bà lụy tình với người đàn ông đã có gia đình, sự ê chề, mệt mỏi và cả yêu thương trĩu nặng sẽ đi theo họ đến cuối cuộc đời và sẽ đau nhói khi nhìn vào những ngôi nhà có cửa khóa trái (Nhà có cửa khóa trái). 


Trần Thị NgH thường nói về tình yêu, một mối tình lặng lẽ, một phía từ những người phụ nữ trung niên trong hầu hết các truyện ngắn. Họ bị giằng xé bởi cảm giác và khát khao được yêu thương nhưng lại sợ hãi trước khoảng cách của tuổi tác, của điều tiếng và của cả ham muốn được sở hữu. Họ, rất tự do nhưng lại thật yếu đuối, theo một lẽ rất đàn bà. 


 Xuyên suốt các truyện ngắn trong bộ ba tuyển tập này, người đọc còn được bắt gặp những câu truyện thú vị về người phụ nữ trung niên Việt Nam trên đất khách với những suy nghĩ phức tạp về cuộc sống, về gia đình. Kẻ thì bức bối với chính cuộc sống gia đình của mình đến nổi đập vỡ đầu chồng (Phòng cho thuê), người lang thang lạc lối trong cái hồn đã lìa khỏi xác (Dặm trường), hay những kẻ lạc lối trên con đường quyên sinh (Cocktail). Ngoài ra còn có cả những yếu tố siêu hình (Mộ chí) hay một âm mưa bắt cóc hù dọa hàng xóm chỉ vì kẻ chủ mưu mất ngủ triền miên (Lexomil).


Đối với tôi, ba tuyển tập này của Trần Thị NgH là một "nồi canh ngon" với đầy đủ các gia vị cuộc sống đến từ những người đàn bà. Sự vừa phải trong từng câu truyện được tiết chế một cách khéo léo giúp người đọc không bị hẫng hay nuối tiếc khi đi hết từ cuộc đời này sang cuộc đời khác của các nhân vật trong những câu truyện của tác giả. Tất nhiên có một số câu truyện tương đối mờ ảo và khó hiểu và có một vài đoạn văn sướt mướt một cách lạ lùng, nhưng tựu chung lại các tác phẩm của Trần Thị NgH giúp tôi cảm thấy hiểu hơn cách mà những người phụ nữ suy nghĩ về gia đình, người tình, cuộc sống và về chính họ.


1 nhận xét: