5.11.12

Tiếng Vọng Nơi Đô Thị


Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố này, đã hai mươi bốn năm, vỏn vẹn rời khỏi đây 5 lần. Tất cả đều đi và trở về! Chưa bao giờ rời khỏi "cái chốn quen thuộc đến phát chán" này quá một tháng. 
Nắng khẽ chiếu qua khung cửa số phòng mà tôi đã cố tình kéo màn để lộ ra một khoảng gương hình chữ nhật trên ô cửa sổ tối qua. Ánh nắng làm tôi thức giấc, khẽ nhìn đồng hồ hiển thị trên chiếc điện thoại cầm tay để bên cạnh, chỉ mới sáu giờ sáng ngày Chủ Nhật.

Sau năm phút mơ màng, tâm trí đã thật sự tỉnh táo sau giấc ngủ kéo dài năm tiếng, tôi vẫn nằm đó và nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ của mình. Thật buồn cười khi suy nghĩ rằng, ngay lúc mình còn nằm ở trên giường thế này, ngoài kia mọi thứ đang xoay vòng và chuyển động. Hôm nay thật yên tĩnh quá, nhà hàng xóm có lẽ đã "dong thuyền" ra khơi đánh cá vì tối qua mãi đến 12 giờ khuya, họ vẫn còn tất tả chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho buổi đi buông lưới vào sáng hôm sau. Những đứa trẻ nhà kế bên chắc vẫn còn ngủ bởi tôi vẫn chưa nghe thấy những tiếng khóc gọi mẹ hay những tiếng cười đùa trong trẻo của trẻ con. Không gian có lẽ thật sự quá yên tĩnh, một phần vì sáng nay mẹ tôi không tập thể dục. Sáng nào, cứ theo một quy trình "chuẩn không cần chỉnh" bắt đầu từ lúc 4h50 kéo dài đến 5h30, bà tập luyện một cách đều đặn và mẫn cán, ngẫm lại nhiều khi thấy hình như tôi chưa bao giờ thừa hưởng được từ bà sự quyết tâm đến mãnh liệt như vậy. Ở tôi, cái gì cũng có vẻ nửa vời và đối với mẹ tôi, bà ghét sự nửa vời.

Tôi lặng lẽ chuyển mình và tập trung lắng nghe, ở đâu đó là tiếng thở thật đều đặn của mẹ ở nhà dưới mà tôi biết chắc là chỉ mười lăm phút nữa là bà sẽ tỉnh dậy và chuẩn bị cho ngày hôm nay. Hôm nay chúng tôi có hẹn đi ăn sáng theo kiểu buffe tại một khách sạn quen thuộc. Sở thích của bà cho những dịp đặc biệt nào đấy hoặc đôi lúc chỉ là "hứng lên là làm". Năm phút nữa trôi qua, tôi khẽ ngồi dậy, đeo headphone và bật playlist yêu thích của mình. Nhắm mắt và tưởng tượng đến một không gian nào đó thật khác.

Khi đã yên vị tại bàn của khách sạn, tôi nhìn quanh và cảm thấy thật sự thú vị khi chỉ ngồi đó và quan sát sự chuyển động của những người đến đây để làm đầy cái bụng đói của mình, hay chỉ đơn giản là đến và ngồi trò chuyện cùng những người mà họ yêu quý. Tiếng kêu của những chiếc đĩa sứ được đặt lên, bỏ xuống. Tiếng những chiếc nĩa, dao, muỗng va chạm nhau. Tiếng lò nướng bánh mì kêu một cái "tách" sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ cho ra đời hai lát mì gối được nướng vàng tươm, trông cực kỳ "khêu gợi". Lẫn trong những âm thanh vui tai đó là tiếng í ới gọi nhau của những thực khách mà hầu như ai cũng có tâm trạng vui vẻ, có lẽ vì họ đang ở trong một kỳ nghĩ hoặc vì đang có chuyện vui; trong các dịp đi ăn ở đây, tôi chưa từng thấy ai mặt mày cau có cả.

Nhẹ nhàng lấy cho mình mỗi thứ đồ ăn một ít, tôi ngồi đó và lắng nghe. Nghe những câu chuyện của mẹ và dì tôi xunh quanh cuộc sống thường nhật của họ. Cuộc sống của những người đàn bà quá chồng; một chuẩn bị về hưu và một đã về hưu được ba, bốn năm gì đấy. Những câu chuyện thường chủ yếu xoanh những câu lạc bộ khiêu vũ, thú tiêu khiển đang được coi là mốt cho các bậc trung niên ở cái thành phố này. Lắm chuyện bi hài chả kém trong cái thú vui đó. Chả thiếu chuyện dành dật kép nhảy hay cặp bồ này nọ, mà từ lâu tôi cho rằng đó là điều bình thường trong cái chốn lắm thị phi này. Có người trong nhà đã từng hỏi tôi nghĩ thế nào về việc cả dì và mẹ đều đi khiêu vũ như vậy, lúc đó câu trả lời duy nhất mà tôi biết đến là: "Vui được lúc nào hay lúc ấy". Tiếng còi xe phát ra từ một chiếc ô tô nào đó đột nhiên chen vào tâm trí tôi, đó cũng là lúc tôi tự kéo mình về thực tại. Loáng thoáng tại các bàn cạnh bên, những câu chuyện về cuộc sống, về công ăn việc làm, về chuyện học hành và có cả tình yêu, vẫn được đều đặn "tuôn chảy". Tôi thầm nghĩ, con người chắc chẳng bao giờ có thể "ngừng nói" được. Nếu đem gom hết tất cả các câu chuyện ấy vào một cuốn sách, chắc cuốn sách đó có khi phải nặng gần bằng cả trái đất này.

Rời khách sạn là lúc tôi bắt đầu những giờ uống cà phê tán gẫu miên mang bất tận với bạn bè. Họ kể, tôi kể, họ nói, tôi nói. Tất cả đều dồn sức để kể câu chuyện của mình. Đôi khi tôi tự hỏi, trong những lúc chóng vánh ngồi nghĩ lại, có ai nhớ hết được những gì mình nói sau buổi cà phê ấy và có bao nhiêu lời nói và câu chuyện của mình thực sự được lắng nghe? Có thể nói, ngồi giữa một quán cà phê đông đúc nhất nhì thành phố này, cảm giác chả khác ngồi xem hàng trăm vỡ kịch cùng một lúc là mấy. Âm thanh sống động vô cùng. Thi thoảng, tôi cảm thấy "ngộp thở" với chính cái bầu không khí đó, nhưng kỳ lạ, càng bí bức, càng chật chội thì dường như lại càng hấp dẫn và chỉ muốn ngồi cho đến khi mệt lã đi mà thôi. Chắc chỉ có dân thành thị là thích hành xác nhau kiểu này. Hay chỉ mình tôi như vậy thôi?

Ngày cuối tuần của tôi là ngày của những con đường, tôi thích chạy xe thật chậm dưới cái nắng nhẹ nhàng như của ngày hôm nay. Tôi đi lại trên những con đường hết đỗi quen thuộc nhưng dường như không bao giờ chán cái cảm giác được chạy trên những lối đi ấy. Vẫn những cảnh vật ấy thôi, tuy nhiên vào ngày cuối tuần, dường như cái gì nhìn vào cũng khác, cứ chầm chậm và thư thái đến lạ. Trong tai tôi vẫn là những tiếng nhạc xập xình mà theo lời mẹ tôi nói là "ồn ào không chịu nổi", tôi nhìn những con người đang buôn bán trên phố xá, miệng nói mà tôi chẳng thể nghe được họ nói gì, cứ vậy tôi vừa chạy, vừa ngắm nhìn và vừa suy đoán xem họ đang nói những gì, cộng thêm tiếng nhạc ồn ào trong tai; tôi thấy mình thật sự giống một thằng điên, không hơn không kém!

Lúc này trời đã về khuya, không gian thật sự quá đỗi yên ắng. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng bàn phím đang gõ lộc cộc của mình. Vẫn tiếng nhạc trong tai nhưng lần này là tiếng guitar nhẹ nhàng đến từ một ban nhạc nào đó ở Nhật mà tôi vô tình vớ phải trên mạng. Kết thúc một ngày, tôi nghĩ mình đã có khá nhiều cảm xúc; nhưng chẳng có cái gì đủ rõ ràng để tôi gọi tên; cứ mỗi thứ một ít như vậy đó. Đôi lúc, chính những thứ không rõ ràng như thế này lại làm tôi cảm thấy mệt mỏi.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, có khi nào tôi đang đi trên một con đường dài thật dài để tìm cho mình một tiếng vọng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét