2.12.12
Vỡ kịch không có hồi kết
Lại một buỗi trưa cả khu xóm này phải "chứng kiến" một "vỡ kịch" không mấy thoải mái. Vẫn là gia đình ấy - cái gia đình sát vách cạnh nhà tôi, với những tiếng khóc, tiếng đồ đạt bị đập vỡ và những tràng chửi bới bất tận.
Tất cả diễn ra như một tần số bất biến có chu kỳ cụ thể và dường như nó không có điểm dừng. Mở đầu là những tiếng cãi vã, lúc đầu thì nhỏ rồi một lớn dần lên, không quên kèm theo cả sự hằn học và xúc phạm lẫn nhau. Từng lời, từng lời một như những "lưỡi dao" mà người ta cố gắng dùng hết sức mình để cắm phập vào "lồng ngực" của đối phương. Tôi thầm nghĩ, có lẽ đã từ lâu, chẳng có "giọt máu" nào chảy nữa rồi, bởi những vết "đâm" cứ đều đặn và thường xuyên như thế và con người ta có lẽ đã quá quen thuộc với tình cảnh ấy. Cứ như vậy, "vỡ kịch" cứ thế tiếp diễn, phụ họa cho những tiếng loảng xoảng của đồ đạt bị ném, bị đập là những tiếng khóc, tiếng gào thét, tiếng kể khổ và những lời thóa mạ. Phụ nữ thì la khóc và than thân trách phận, đàn ông thì đập, phá và đánh nhau. Tất cả đều có "lớp", có "lang" và đều quá đỗi quen thuộc, nó quen đến mức chỉ cần ngồi một chỗ trong phòng, tôi đã có thể tưởng tượng ra tiếp theo những người đàn bà trong căn nhà ấy sẽ nói gì, những thằng đàn ông trong nhà đó sẽ làm gì và cả những người hàng xóm sẽ làm gì. Cao trào của "vỡ diễn" là sự va chạm vào nhau, dữ dội và hùng hỗ của một kẻ được "phân vai" là "con" và của một người được đảm nhiệm "vai" một "người cha". Họ lao vào nhau, xoay vần trong cuồng nộ và đánh nhau. Tất nhiên sẽ có những người hàng xóm "tốt bụng" đóng vai "phụ" để vào can ngăn. Tất cả những người còn lại sẽ hoàn thành vai diễn của mình một cách mỹ mãn - những vai diễn "quần chúng" ngồi đó để chứng kiến "vỡ kịch" hay có thể bị buộc là những khán giả bất đắc dĩ. Họ ngồi trong nhà của mình, đưa mắt theo dõi từng hành động và lời nói của những "diễn viên" một cách chán chường và hờ hững. Chẳng có gì khó hiểu khi một "vỡ kịch" như thế, dù với nhiều âm thanh và hành động sống động, lại không chứa đựng trong nó một chút xíu xúc cảm nào cho "người xem". Tất cả đều như một quá trình được biên soạn sẵn. Chính xác như một chu kỳ.
Thật đáng nể phục khi người ta phải căng mình lên để "phun" vào nhau những lời nói cay độc và cũng phải căng mình lên để hứng chịu và phá hoại. Những người trong căn nhà ấy đã, đang và sẽ "đóng" cho trọn vai diễn của mình. Không có điểm dừng lại. Tất cả rồi sẽ tiếp diễn theo một mạch sống thường ngày. Rồi chỉ trong chốc lát nữa thôi, mọi thứ sẽ chìm xuống, và gia đình đó sẽ lại ngồi cạnh nhau trên cái sân trước của căn nhà, cùng nhau tất bật chuẩn bị cho một vụ đánh bắt cá mới của ngày hôm sau. Họ sẽ vẫn ngồi đấy, làm những công việc họ vẫn thường làm. Nói những điều họ vẫn thường nói hoặc đôi khi chỉ là ngồi đó với những đôi tay làm những động tác thuần thục và nhuần nhuyễn mà không nói một tiếng nào.
Cũng gia đình ấy, tháng trước vừa mới nhận vào nhà mình một người con dâu ở độ tuổi 17-18 gì đấy, trẻ hơn chồng của cô ta một hay hai tuổi. Hai vợ chồng trẻ kia, sẽ ngồi cạnh nhau, cạnh cha mẹ mình vào những buổi tối. Họ sẽ im lặng và làm công việc của mình. Đôi lúc nhìn họ, tôi tự hỏi, liệu sau này họ có thay thế cha mẹ mình để đóng tiếp những "vỡ kịch" vô nghĩa kia không? À mà có lẽ tôi lầm, họ cũng đã tham gia vào "vỡ kịch" đó rồi, chỉ là chưa đến lúc để đảm nhận "vai chính" mà thôi.
Lại một tiếng chửi bới, tiếng đập phá dữ dội và một tràng dài la hét. Tôi mở mắt, cầm điện thoại và gọi đến số 113. Trong đầu chợt nghĩ, đã đến lúc cần một ai đó hạ màn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét