29.10.12

Sương Khói Quê Nhà: Câu chuyện muôn năm cũ

Sương Khói Quê Nhà - Nguyễn Nhật Ánh
Tôi luôn có tình cảm đặc biệt dành cho những tác phẩm của bác Nguyễn Nhật Ánh. Từ những tác phẩm viết về tình yêu thưở đầu đời hãy những câu chuyện hồn nhiên trong trẻo xoay quan thế giới của tuổi học trò và trẻ nít cho đến những câu chuyện mang màu sắc thần bí viễn tưởng (có mượn chút ít từ Harry Porter),  bất kỳ trang viết nào cũng mang đậm dấu ấn của bác: giản dị, mộc mạc và tưng tửng. Bởi yêu những tác phẩm của bác nhiều đến vậy mà tôi cảm thấy không hài lòng lắm với tuyển tập tản văn Sương Khói Quê Nhà vừa được phát hành.

Sương Khói Quê Nhà là tập hợp những bài báo, tạp văn của bác Ánh được viết dưới những thời điểm khác nhau và bao gồm những sự việc, những vấn đề khác nhau. Tác phẩm được chia làm ba phần rõ rệt: phần một viết về những suy nghĩ và hoài niệm của tác giả về tuổi thơ, về quê hương và về cuộc sống; phần hai là những bài viết về những người bạn, người thầy và đồng nghiệp của bác Ánh và phần cuối cùng của cuốn tản văn là tập hợp những bài viết về xứ người trong những dịp bác Ánh đi công tác hoặc đi vì việc gia đình.

Theo tôi, tản văn là thể loại mà người viết có cơ hôi đưa những suy nghĩ của mình đến gần với độc giả hơn, thông qua chính những trang viết của mình dưới chính cách mình trò chuyện và cảm nhận thế giới xung quanh và để từ đó, giúp cho độc giả cũng nhìn được và cảm được những câu chuyện mà người viết muốn chia sẻ. Điểm mạnh của tản văn là dễ lấy thiện cảm của người đọc nhưng điểm yếu là nếu không có một sự sắp xếp rõ ràng, mạch lạc với những câu chuyện đi theo một chủ đề thống nhất thì kết quả là người đọc sẽ cảm thấy rối trong chính những câu chuyện và mạch cảm xúc của người viết. Trong trường hợp này của tôi, Sương Khói Quê Nhà làm tôi không biết phải suy nghĩ thế nào về những bài viết tác phẩm chứa đựng. Quá yêu thích cũng không mà quá nhàm chán cũng không hẳn.

Có lẽ chính sự sắp xếp không hợp lý các câu chuyện và việc cố gắng dồn các bài viết theo ba chủ đề tách bạch đã làm mất đi sự liên kết của cả tác phẩm. Phần một của cuốn tản văn lại đi vào lối mòn của những hồi ức, nó như những câu chuyện kể của bác Ánh đã từng kể trong các tác phẩm của mình và bây giờ nó được kể lại qua chính miệng của tác giả mà thôi. Chính vì điều này đã khiến các bài viết trong phần này mất đi sự thú vị bởi người đọc đã biết quá rõ về những "vùng trời ký ức" của tác giả qua các tác phẩm thành công rực rỡ trước đây. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng khi bác Ánh bàn về những trăn trở của mình đối vơi văn hóa đọc, và bài viết tôi thích nhất là bài viết so sánh tình yêu và bóng đá, đây mới chính là phong cách tưng tửng của bác mà tôi yêu thích. Còn lại, dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó trong các bài viết này. Một chút gì đó thuộc về cảm xúc và chính con người của bác!

Phần hai là phần hay nhất của toàn bộ cuốn tản văn. Bằng sự chân thành và giản gị của mình, bác đã khắc họa chân dung của những nhà văn, nhà thơ yêu nghề. Họ chính là những nhà trí thức tuyệt vời của đất nước này bởi sự tận tụy của mình. Tôi đã thực sự thấy xúc động khi đọc từng dòng chữ của bác Ánh. Bác đã thể hiện một khía cạnh khác trong lối viết của mình trong phần hai này và điều đó càng làm tôi yêu quý bác nhiều hơn nữa bởi sự chân thành và yêu quý bạn bè của bác thật đáng ngưỡng mộ!

Phần ba cũng không có gì quá đặc sắc, có lẽ bác Ánh không phù hợp với những thể loại du ký như thế này. Trong từng bài viết, tôi không tìm thấy được sự đồng cảm trên những chuyến hành trình của bác, sau khi đọc xong các bài viết trong phần này, những gì đọng lại trong tôi là thông tin: ngày đó bác đi đâu, đã làm gì... và sau đó là "quên". Câu chuyện tôi thích nhất trong phần này là câu chuyện cuối cùng: "Tuyết", câu chuyện đậm chất Nguyễn Nhật Ánh nhất trong phần ba này.

Tuy vậy, Sương Khói Quê Nhà vẫn thật sự là một cuốn sách nên đọc. Qua cuốn tản văn này chúng ta sẽ thấy được sự tận tụy tuyệt vời của những nhà văn, nhà thơ và những nhà tri thức của Việt Nam và cả những nổi niềm và trăn trở của họ; để từ đó chúng ta có cơ sở mà tin rằng đất nước chúng ta rồi sẽ tốt đẹp lên từng ngày. Đọc Sương Khói Quê Nhà để thấy cái phong vị quê hương đậm đà luôn hiện diện trong lòng những người con xa xứ. Đọc để mơ về một ngày khi chúng ta đã già, chúng ta sẽ có những câu chuyện muôn năm cũ như thế này để mà kể cho con cháu sau này.

19.10.12

Đừng Bối Rối - Phương Vy



Mình rất thích video này của Phương Vy. Từ màu sắc của video đến thần thái và trang phục của Vy. Đối với mình như thế này mới ra chất của những ca sỹ trẻ tuổi. Tuổi trẻ là khoảng thời gian mà họ có quyền được nổi loạn, có quyền được thể hiện những suy nghĩ của mình bằng những cách năng động nhất và trẻ trung nhất.

Phần nhạc tuy chưa thật sự xuất sắc và mới lạ bởi cách sử dụng bass và trống là điểm nhấn của bài hát cũng đã khá cũ. Tuy nhiên đây thật sự là một video đáng xem!

10.10.12

Review: Giá Đâu Đó Có Người Đợi Tôi


Tôi gặp gỡ mọi người. Tôi quan sát họ. Tôi hỏi xem buổi sáng họ thức dậy lúc mấy giờ, họ làm nghề gì để sinh sống và chẳng hạn như họ thích ăn món gì tráng miệng. Tiếp theo đó, tôi nghĩ về họ. Tôi lại hình dung ra khuôn mặt, đôi bàn tay và thậm chỉ cả màu sắc đôi tất họ mang dưới chân. Tôi nghĩ đến họ suốt thàng tiếng đồng hồ, thậm chí hàng năm trời, thé rồi một ngày kia, tôi thử viết về họ
Anna Gavalda
Tôi thích những câu chuyện đơn giản, mà cụ thể là những mẫu chuyện ngắn, thê lương cũng được, hài hước càng tốt và châm biếm thì càng tuyệt. Tất cả hội tụ đủ trong “Giá đâu đó có người đợi tôi” của Anna Gavalda.

Nếu kỳ vọng quá nhiều vào cuốn sách với tựa đề rất chi là lãng mạn và hay ho này, người đọc có thể sẽ hơi thất vọng một chút. Muốn tìm kiếm những câu chuyện tình lung linh với những tình tiết có thể lấy nước mắt hoặc những khung cảnh văn học khiến bạn phải xuýt xoa mãi vì sự lãng mạn của nó thì tốt nhất đừng đọc “Giá đâu đó có người đợi tôi”. Không có cái gì gọi là lung linh và lãng mạn trong 12 câu chuyện này cả. 12 truyện ngắn trong cuốn sách này có thể gọi là “chuyện đời tự kể” cho dù chúng được dựng lên dưới ngòi bút của một nữ tác giả người Pháp! Có thể nói “Giá đâu đó có người đợi tôi” là một phòng triễn lãm những bức chân dung chân thật của những con người bước ra từ những câu chuyện rất đỗi đời thường.

Chúng ta có thể bắt gặp những tên tán gái điệu nghệ; những cô nàng xinh đẹp, bãn lĩnh nhưng vẫn đau đớn nhận ra tình yêu là thứ xa xỉ với họ, hay đâu đó là bà mẹ mừng rỡ trước đứa con chuẩn bị ra đời rồi lại ngậm ngùi nhìn người khác cầu chúc cho một điều không còn có thể diễn ra; hoặc ở kia là chàng binh nhì thô kệch nhưng lại mang trong mình một nỗi đơn độc và ký ức rõ ràng về một cô bé gái tuổi 12, hay một lúc nào đó là cặp tình nhân lạ lùng mang trong mình những kỷ niệm không bao giờ có thể quên ở thời quá khứ nhưng trong hiện tại, họ sinh ra không để dành cho nhau. Rồi cũng có thể bạn sẽ bắt gặp những cô gái Pháp giỏi giang, mắc kẹt trong cái nghề mà mình không muốn làm, cô đơn, mệt mỏi với cuộc đời và điều đáng sợ hơn là cô độc trong chính gia đình của mình. Và rồi cuối cùng bạn cũng sẽ bắt gặp hình ảnh của tác giả, được khắc họa một cách hài hước và đầy châm biếm trong truyện ngắn cuối cùng.

Cái làm tôi cảm thấy thú vị trong “Giá đâu đó có người đợi tôi” là ở chỗ nó mang một cách viết tưng tửng, tưởng là ngẫu hứng nhưng thật chất lại là sự lựa chọn một cách kỹ càng từng câu chữ, chỉ một người luôn nghĩ vê nhân vật của mình, suy tư cho tình cảm của con người thật nhiều mới có thể diễn tả một cách hài hước nhưng vô cùng cay đắng trong từng lời nói, từng hành động của nhân vật. Thú vị, hài hước và châm biếm nhưng cũng sẽ lấy đi nước mắt của những ai thấy được đằng sau cái vẻ bóng lộn và hào nhoáng của cuộc đời còn có những nỗi lòng khác, những khía cạnh khác. Cuộc đời là vậy, đẹp đẽ nhưng không công bằng, cái chúng ta có được chưa chắc đã là cái chúng ta mong muốn; nhưng tất cả phụ thuộc vào chúng ta, chấp nhận hay không chấp nhận mà thôi!

Tôi đã nhìn thấy chính mình trong từng câu chuyện của Anna Gavalda. Khi thì thế này, khi thì thế khác, tuy đó không phải là tôi nhưng rốt cuộc lại phản ánh chính xác những gì tôi đang suy nghĩ. Quả thật, khó thể nói được truyện ngắn nào đã lôi cuốn tôi hay toàn bộ quyển sách đã để lại trong đầu tôi những điều khó có thể phủ nhận.

Có người thích, có người không thích cuốn sách này, đó là lẽ đương nhiên, nhưng tôi mong những ai không thích nó hãy đọc nó lại một lần nữa. Hãy nằm dài thư giãn trên chiếc giường của mình, tai có thể nghe những bản nhạc nhẹ nhàng yêu thích. Hãy đừng đọc để cố lấy nội dung của quyển sách mà hãy cứ để chúng từ từ đến với bạn, hãy thưởng thức nó một cách từ từ nhưng đang xem một bộ phim ngắn. Rồi bạn sẽ thấy ở “Giá đâu đó có người đợi tôi” có những mảng sáng rực rỡ của một bầu trời xám mùa đông.

“Giá đâu đó có người đợi tôi… Kể ra ước mong này cũng đâu có gì là phức tạp”*

*: một câu trích từ truyện ngắn Về Phép


PS1: Ai cần biết thông tin về tác giả thì bấm vào đường link tôi để trong phần quote của cô ấy nhé!

PS2: Cái tựa tiếng Việt hay như vậy đấy chứ cái tựa tiếng Anh dở muốn chết luôn! Tựa tiếng Pháp của quyển này là Je voudrais que quelqu'un m'attende quelque part, không biết tiếng Anh có dịch trực tiếp từ cái cụm đó ra không, tôi nghi lắm vì tựa tiếng Anh nó là thế này: I Wish Someone Were Waiting for Me Somewhere, tôi thấy không còn gì dở hơn!

3.10.12

Gáy người thì lạnh...

Gáy Người Thì Lạnh - Nguyễn Ngọc Tư

Những giấc ngủ đến bật chợt thường làm con người chìm trong những mộng mị không đầu không cuối. Có những giấc mộng làm chúng ta hạnh phúc mỉm cười một cách đầy mãn nguyện. Lại có những giấc mơ khiến chúng ta đau xót và thẩn thờ… Bất chợt tỉnh giấc, có chút gì đó nuối tiếc, lưng chừng và đầy suy nghĩ.

Tản văn đối với tôi cũng vậy, cái thể loại văn chương ấy sao kỳ lạ lắm đổi. Nó khiến tôi mê đắm không ngừng nghỉ. Tôi có thể đọc tản văn của những nhà văn khác nhau từ ngày này qua tháng nọ. Tôi gặm nhấm từng chút một, chút một những niềm vui, nỗi buồn, sự giận dữ, sự đắng cay và cả những câu hỏi bỏ lửng. Đối với tôi đó là cả một thế giới đầy những cung bậc cảm xúc mà ở đó tôi thấy mình được là chính mình. Tôi có thể được mơ mộng và yêu cái sự mơ mộng đó của mình.

Cuốn tản văn tôi đọc gần nhất là của chị (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư). Đã tự bao giờ, tôi luôn cố tìm mua tất cả những gì liên quan đến văn của chị. Đọc hết tất cả những gì chị viết và cố gắng cảm nhận tất cả những điều chị muốn truyền đạt thông qua những tác phẩm của mình. Tôi khóc như một đứa trẻ khi đọc xong “Cánh đồng bất tận” và không hề xấu hổ khi nói về điều đó! Tôi rưng rưng khi đọc “Khói trời lộng lẫy” và thơ thẩn với “Gió lẻ”. Chưa bao giờ chị làm tôi thất vọng. Tôi thấy được trong văn chương của chị có sự đau đớn với thân phận của những con người nghèo khó trên mảnh đất miền Tây nam bộ đầy nắng. Tôi thấy sự xót xa và sự nhảy cảm với từng suy nghĩ, từng hành động, từng lời nói, từng sự thay đổi của con người trong những câu chuyện của chị. Đối với chị, thiên nhiên và cảnh vật cũng là những tâm hồn dễ bị tổn thương và cô độc. Và từ đó mà buồn!

Với “Gáy người thì lạnh” cũng là vậy, không có nhiều sự thay đổi, không đanh thép đầy giận dữ, không sâu cay nhiều tầng nghĩa. Vẫn cái văn phong giản dị ấy, vẫn cách kể chuyện đơn giản mà buồn để não lòng. Ở đâu đó trong từng câu chuyện chị viết ta vẫn tìm thấy sự hóm hỉnh và hài hước đúng kiểu người miền Nam. Đọc “Gáy người thì lạnh” tôi tìm thấy được hình ảnh của mình, niềm mơ ước cháy bỏng được trải nghiệm những nét đẹp của đất nước này theo ý riêng của mình. Tôi tìm thấy tình yêu lạ lùng của tôi dành cho thành phố nơi tôi đang sống. Tôi thấy sự ăn năng đầy bức rức với chính gia đình và người thân của mình. Ngoài ra, tôi còn tìm thấy sự chua xót với nhân tình thế thái và xã hội ngày nay, nhưng được diễn đạt theo một cách rất khác. Tôi còn tìm thấy được nhiều thứ nữa, nhưng có lẽ tôi phải giữ lấy những điều này cho riêng chính bản thân mình. Rốt cuộc, cũng có những điều không bao giờ có thể chia sẽ rộng rãi! Muôn đời vẫn thế!

Bất chợt, thấy cần phải viết một cái gì đó, cần phải làm một cái gì đó và cần phải yêu một ai đó, có điều gáy người thì lạnh mà liệu ta có đủ yêu thương để sưởi ấm tất cả? Làm người sao khó quá!

1.10.12

Còn đó những ngày nắng...




Tối qua là Trung Thu 2012 và tôi 24.

Tôi chỉ còn nhớ khoảng thời gian mà mình háo hức với tiếng rộn ràng, nhộn nhịp của tiếng trống, tiếng xèn và cả tiếng rối rít của những đứa trẻ đi xem hội là khi tôi 16 tuổi. Đã sáu năm trôi qua, có lẽ tôi đã thực sự quên mất niềm hân hoang cho mỗi mùa trung thu là như thế nào rồi. Đối với tôi, dường như đó chỉ là những mảng ký ức vụn vặt và không có gì đáng nhớ, ngoài sự lung linh huyền ảo của một chiếc lồng đèn do chính tay ba làm tặng tôi, chắc cũng lâu lắm rồi, khi tồi còn 4 hay 5 tuổi gì đấy. Chiếc lồng đèn cháy ngay lần đầu tôi mang nó trên tay nhưng đối với tôi, đó có lẽ là món quà đẹp nhất tôi từng được nhận. Có lẽ vậy!

24, tôi đi dọc con đường Lê Duẩn và nhìn ngắm sự lung linh của một tối Trung Thu. Mà rốt cuộc, tìm mãi cũng chẳng thấy được cái cảm giác đó. Tôi đã cố đi tìm nhưng có lẽ khó mà tìm thấy lại được. Mọi thứ đã khác đi quá nhiều. Giờ nhìn đâu tôi cũng chẳng còn thấy sự huyền ảo và vui tươi của một ngày lễ hội vốn dành cho trẻ em. Dường như, người ta càng ngày càng lo nhiều cho con cái về mặt vật chất thì họ thường có xu hướng bỏ rơi con cái họ về mặt tinh thần thì phải. Đó là tôi nghĩ vậy, còn người khác như thế nào thi tội chịu. Cũng chỉ là ý kiến chủ quan mà thôi.

Vẫn những con lân đó, vẫn những nụ cười đó và vẫn những dòng người chạy hối hả đấy. Nhưng đâu rồi cái không khí của những ngày xưa củ. Đâu rồi cái cảm giác "ngọt như mật" mà chỉ cần đứng giữa đường bạn cũng có thể cảm nhận nó ngập tràng trong bầu không khí của phố, của phường và của những con người đang sinh sống trên mảnh đất này.

Tôi về đến nhà với một chút hụt hẩng và một chút buồn, thế rồi tiếp tục, nếp sinh hoạt hằng ngày vẫn tiếp diễn với chương trình truyền hình tôi ưua thích, cuốn sách tôi vẫn đang đọc dở và một cuộc đời đáng để sống. Ngày cứ thế mà kết thúc và thời gian cứ thế mà trôi đi! Tôi chợt nghỉ, thôi thì ngày mai trời sẽ nắng và mọi thứ sẽ trở về nguyên trạng của nó và còn đó rất nhiều những ngày như thế ở phía trước!

Trung Thu 2012 vui vẻ dù là muộn...

Tái bút: Sáng nay trờ mưa cả sáng, tời giờ chưa thấy "miếng nắng" nào! Haizz...