17.10.13

Thông báo chuyển nhà

Mình có một thông báo,

Hôm nay  mình xin phép được chuyển nhà từ blogspot sang trang web riêng của mình tại địa chỉ http://duynt.com. Đây sẽ là nơi mình tiếp tục viết những suy nghĩ và cảm nhận của mình về cuộc sống, về nghề. Mong tiếp tục nhận được sự đồng cảm và chia sẻ của các bạn từng xem qua blog của mình.

Thân ái,

13.10.13

Sài Gòn, tối thứ sáu, trời mưa

Tối nay tôi lại không ngủ được cho dù trước đó đã cho vào người năm lon bia Tiger lạnh ngắt. Có thể nồng độ cồn chưa đủ hoặc có thể chỉ đơn giản là cơ thể tôi vẫn chưa muốn ngủ, nguyên nhân có thể có rất nhiều, nhưng kết quả thì chỉ một, đó là đến lúc này tôi vẫn tỉnh như sáo và đầu óc thì cứ nghĩ ngợi linh tinh, vớ vẩn.

Tôi để tâm trí mình cứ lượn lờ ở đâu đó trong những miền ký ức kia. Có lúc ập vào tất cả các giác quan là không khí lạnh buốt của cơn mưa lớn bất chợt tối qua lúc 11h giờ đêm trên đường Bùi Viện của Sài Gòn, nơi tôi và một người bạn đứng dưới mái hiên của một căn nhà xa lạ với một cái cửa sắt màu xanh, hoặc là một màu nào đó khác. Tôi nhớ cái cảm giác khi ngước lên những ngọn đèn vàng rực để ngắm nhìn những tia mưa phun xối xả như những chiếc kim dài nhọn lũ lượt đổ từ trên trời xuống, tạo nên những tiếng rào rào vừa dữ dội nhưng cũng thật dễ chịu.

5.10.13

Ai cần các "ngài" lo?

Để nói về con người, trước hết mình muốn nói một chút rất ít về Arthur Schopenhauer. Theo triết gia vĩ đại này, ý chí của của con người quyết định tất cả, bất chấp lý trí của anh ta cự tuyệt thế nào. Điều đó có thể là, ý chí anh giằng co bởi các chuẩn mực đạo đức của cái xã hội mà người ta gọi thuần Á Đông này khi anh mở web lên và vào một cái trang Liên Xô Chống Mỹ để mà coi Porn hay còn gọi là phim khiêu dâm, rằng như vậy là không tốt là có lỗi với bạn gái/ vợ tương lai của anh, nhưng đấu tranh một hồi thì anh vẫn thản nhiên xem hết một bộ phim xxx dài gần 90 phút với đủ các tư thế khác nhau, bởi một điều đơn giản là ý chí của anh đã quyết định hôm nay anh phải xem porn và không làm gì khác là ngồi trước màn hình và thưởng thức cái thú vui trần tục của anh. Đó là vì ý chí đã quyết định như vậy.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Con người, bị quyết định bởi ý chí của chính bản thân họ chứ không phải của một người nào khác, không phải của một con bé chưa học đại học đi lang thang ở một vài quốc gia rồi về ngồi viết sách kiếm tiền, không phải của một ông nào đó được nhận một cái học bổng từ đất nước Mỹ xã xôi đang trong tình trạng đóng cửa chính phủ vì mâu thuẫn giữa hai cái đảng điều hành đất nước ấy, và cũng không phải từ bất kỳ một cá nhân nào khác, ngoài chính bản thân con người ấy. Mỗi cá nhân tự quyết định điều họ muốn nói, động cơ sau những lời nói đó, việc họ muốn làm, những việc đó để đạt mục đích gì. Sự quyết định này, bản thân mỗi người đã có sẵn câu trả lời trong sâu thẩm suy nghĩ của mình, những lời góp ý, những lời bình luận từ người khác, chỉ đóng vai trò tư vấn và cung cấp một cái nhìn khác, đa chiều hơn chứ không phải là nhân tố quyết định. Ở khía cạnh ấy, con người có thể thần tượng một ai đó nhưng khó mà bị ảnh hưởng bới lối sống (có thể không tốt hoặc có thể quá vĩ đại) của những thần tượng này, khi cá nhân người hâm mộ đã có sẵn mong muốn và ý định trở thành một người như thế nào, sống một cuộc đời ra sao.
Cộng đồng thường cho rằng một cá thể là vô cùng yếu đuối và cần có sự bảo vệ của những người xung quanh mà thường quên mất một điều rằng, ý chí của một cá nhân có sức mạnh vô cùng to lớn. Con người ta có thể bị bỏ mặt một mình ở nơi không có ai bên cạnh nhưng họ vẫn có thể tồn tại. Con người, nói một cách khác, có thể sống mà không cần cộng đồng nhưng cộng đồng lại không thể tồn tại nếu không có từng cá thể ghép lại. Ở đây, nó là một mối quan hệ tương hỗ không tách rời, cộng đồng và cá nhân có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lên nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là cả một cộng đồng đủ khả năng ảnh hưởng và điều khiển một cá nhân phải suy nghĩ như thế nào và hành xử ra sao nếu như ý chí của cá nhân đó không thật sự quyết định như vậy.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi cá nhân có được một nền tảng vững chắc về các giá trị đạo đức và xã hội, nơi mà anh ta/cô ta được sinh ra, nuôi nấng và trưởng thành. Ý chí của cá nhân có thể bị ảnh hưởng được không? Tất nhiên là được, khi mà cá nhân đó vẫn hoàn toàn chưa có được một khái niệm rõ ràng về chính ý chí của bản thân. Khi con người được nuôi dưỡng và tác động tích cực từ lúc còn nhỏ, anh ta/ cô ta sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc về cách thức suy nghĩ và đánh giá những gì đang diễn ra trước mắt đề từ đó tham khảo và đối chiếu với các chuẩn mực của bản thân, rồi sau đó đưa ra một quyết định cuối cùng.
Nói một cách khác, đừng đỗ lỗi cho xã hội hay cộng đồng làm hư hỏng một cá nhân nào đó, mà hãy nhìn lại cách anh ta/cô ta được nuôi dạy như thế nào trong gia đình. Gia đình chính là nguồn tác động lớn lao lên cách thức suy nghĩ và hành xử của một cá nhân. Nếu một cá nhân được cha/mẹ hoặc người thân thiết nhất tác động theo một cách tích cực, với lối suy nghĩ đầy cảm thông và nhân ái thì cá nhân đó khi trưởng thành sẽ nhìn cuộc sống với ánh mắt thiện cảm hơn rất nhiều. Đừng hy vọng con cái chúng ta có thể lớn lên và tự xác định được cái gì là đúng là sai nếu như ngay từ nhỏ chúng ta thản nhiên nói dối trước mặt trẻ con về một vấn đề gì đấy, hay thản nhiên vứt rác ra giữa đường phố hoặc đối xử một cách tàn tệ với người khác cho dù là xúc phạm về mặt tinh thần trước mặt con trẻ hay tệ hơn là xúc phạm thầy cô giáo của con trẻ trước mặt chúng; bởi tất cả những điều mà người lớn chúng ta làm ở trên mâu thuẫn với những giá trị đạo đức về sự trung thật hay về trách nhiệm của cá nhân với xã hội mà trẻ em được học ở trường hay tình chính những gì cha mẹ chúng vẫn thường khuyên bảo hàng ngày. Những mâu thuẫn trong suy nghĩ của trẻ là nền mống cho việc nhìn nhận các giá trị của cuộc sống một cách lệch chuẩn và mơ hồ, dẫn đến có một đánh giá không đúng hay nhìn nhận một chiều về một vấn đề nào đấy. Nói tóm lại, nếu một người trẻ có vấn đề, trước hết hãy nhìn lại chặng đường mà họ đã trải qua và nhìn vào cách mà họ “được” gia đình đối xử, rồi sau đấy hãy đánh giá về tư cách con người và sự ảnh hưởng của xã hội và môi trường xunh quanh. Một lần nữa, đừng mong rằng xã hội sẽ dạy bạn tốt đẹp lên hay cho rằng xã hội sẽ làm bạn xấu đi, không, không ai làm được điều đó, ngoài chính bạn và những người sinh ra và có trách nhiệm dạy dỗ bạn. Đó mới là căn nguyên của mọi vấn đề.
Tóm lại một lần nữa, đối với các nhà “đạo đức học” đang ra rả diễn thuyết trên mặt báo, mặt blog, mặt facebook ngoài kia, đừng khoác lên vai người khác những cái áo quá rộng để rồi quy chụp cho họ một cái trách nhiệm to lớn mà họ không hề có ý định vơ vào. Hãy góp ý làm thế nào cho các bậc cha mẹ dành nhiều thời gian nói chuyện với con cái nhiều hơn, dạy chúng những điều hay lẽ phải nhiều hơn, cho chúng được có quyền lựa chọn và làm những điều chúng mơ ước hay đơn giản là phân tích cho con trẻ hiểu được những tình huống phải lựa chọn giữa việc phải làm việc này hay làm việc kia với những dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục chứ không phải vì lý do “vì ba/mẹ nói vậy”; có như vậy các ngài mới có quyền hy vọng vào những điều tốt đẹp nơi những người trẻ và hy vọng vào một xã hội có văn hóa và tình người.

26.9.13

Khi những mùa vui đi qua (2)


Như đã nói vài lần trong các post trước đây (ở đâyở đây), ngay từ khi mới là một cậu học sinh lớp 10 tôi đã có một ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính đối với trẻ em vị thành niên ở Việt Nam. Tôi luôn cho rằng, công việc quan trọng này dường như không được đánh giá một cách nghiêm túc và đúng đắn tại đất nước của chúng ta, một phần là vì văn hóa và một phần là số đông người lớn - người có trách nhiệm trong việc hướng dẫn những đứa trẻ non nớt trên con đường trưởng thành về mặt thể chất, vẫn chưa thật sự đặt trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc để giáo dục con cái và người thân về tầm quan trọng của giáo dục giới tính và tình dục an toàn.

Nói về hậu quả của những hành động này thì có lẽ việc đất nước có chỉ số lạc quan nhất thế giới này cũng là một trong những nước có tỷ lệ phá thai ở độ tuổi vị thành niên cao nhất thế giới đã là một mình chứng hùng hồn. Tôi luôn thấy phẫn nộ khi nghe những câu chuyện của mẹ mình kể về những đứa trẻ phải trở thành mẹ quá sớm rồi sau đó lại vứt bỏ đứa con của mình để mưu cầu cuộc sống, hay đơn giản chỉ là vứt đi một gánh nặng. Hay những trường hợp chết trên bàn mổ phá thai của những thiếu nữ đang độ xuân thì, độ tuổi đẹp nhất của một đời người. Tôi bật cười thành tiếng một cách ái ngại khi thấy các bạn nữ trong độ tuổi 20 vẫn đỏ mặt và nhảy đành đạch khi chúng tôi bắt đầu nói về bao cao su cũng như những vấn đề liên quan đến tình dục an toàn, một cách nghiêm túc. Và ngay đến một số bạn nam tôi biết cũng vậy, nói đến tình dục và những chuyện tục quanh đó thì rất là hào hứng và tham gia nhiệt tình, nhưng chỉ cần nói đến vấn đề đó một cách nghiêm túc thì ai cũng lảng tránh và tản đi chỗ khác, việc này giống như một phản xạ tự nhiên vậy. Tôi tự hỏi, họ có thật sự yêu bạn gái của họ nhiều đến mức đủ để bước ra khỏi bức tường e ngại vì xấu hổ để quan tâm đến sức khỏe của cả hai, hay đơn giản hơn là quan tâm đến những hậu quả có thể dẫn đến nếu không thực hiện các biện pháp tình dục an toàn? Nghe có vẻ to tát, nhưng đó thật sự là điều tôi nghĩ.

Tôi không mơ về một đất nước Việt Nam mà ở đó tât cả cha mẹ đều thoải mái bàn chuyện về tình dục an toàn hay kiến thức giới tính với con cái như những người bạn đầy tâm lý và hiểu biết, nhưng tôi luôn mong muốn sống trong một xã hội mà ở đó cha mẹ có thể là người cho con cái những lời khuyên thật sự về việc dùng bao cao su khi quan hệ tình dục và sự thiêng liêng của tình dục đối với tình yêu. Tôi luôn mong muốn rằng cha mẹ phải là người đầu tiên mà con cái có thể tìm đến khi chúng đối mặt với các câu hỏi về giới tính, về tình dục, cũng như là người mà chúng có thể an tâm để tin cậy chia sẻ khi chẳng may có thai ngoài ý muốn. Chính các bậc cha mẹ mới là nhân tố quan trọng nhất góp phần vào việc thay đổi nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục giới tính và tình dục an toàn. Và để bắt đầu điều đó, hãy trò chuyện với con cái mình nhiều hơn một chút, hãy làm cho chúng thoải mái bằng cách THẬT SỰ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng để chúng có thể tâm sự về nhưng lo ngại và mơ hồ của tuổi mới lớn. Những câu nói kiểu như "đó không phải là câu hỏi mà trẻ con nên hỏi", "con nít mà nói mấy vấn đề này làm gì?" hay "còn nhỏ mà đã bày đặt trai gái" không giúp cho con cái bạn trưởng thành hơn hay ngoan ngoãn hơn mà chỉ góp phần đẩy con bạn ra xa khỏi bạn mà thôi.

Bên cạnh đó, tôi vẫn mong có nhiều tổ chức phi lợi nhuận quan tâm đến các vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam nhiều hơn. Trong những năm trở lại đây, tại Việt Nam hình như chỉ có tổ chức DKT là hoạt động hiệu quả trong việc phân phối các sản phẩm bao cao su OK, cũng như tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Nếu có nhiều tổ chức như thế này với các hoạt động hiệu quả hơn nữa tại Việt Nam thì vấn đề về nhận thức giáo dục giới tính trong cộng đồng những người trẻ sẽ sớm được cải thiện, tôi hy vọng là vậy.

Nhân ngày Thế giới phòng tránh thai (26/9/2013), lại viết một vài dòng để tự nhắc nhở mình rằng, sau này có con, mình sẽ là người dạy nó những điều về kiến thức giới tính chứ không để nó phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin từ những nguồn không đáng tin cậy trên internet như hiện nay, nếu có tìm thì mình sẽ chỉ nó vào những trang chính thống như thế này. Tôi không muốn con mình hay cháu mình sẽ phải rơi vào tình cảm như thế này:
Hai đứa cháu hiện tại của cô, một đứa bảy tuổi, một đứa 3 tuổi. Con bé bảy tuổi khôn đáo để. Nó lớn và già dặn đến khủng khiếp. Nó giúp cô làm việc nhà, nó chăm em và nấu cơm để đỡ đần cô. Có lần cô có hẹn đi chơi, nấu sẵn đồ ăn và cơm để ở nhà cho hai chị em nó ăn. Cô đi trong vội vã và quên bấm nút nồi cơm điện. Đến giờ ăn, con em đói bụng đòi cơm, con chị dọn cơm ra thì nồi cơm chỉ toàn nước. Nó lột mì gói khô cho con em ăn. Con em không ăn, chỉ khóc. Con chị đánh con em, càng đánh nó càng khóc; khóc cho đến khi mệt nhòi và ngủ thiếp đi. Con chị để em nằm đó, gói mì gói vẫn để mở đấy, lấy bài vở ra học. Vừa viết bài vừa khóc. Bà nội nó về hỏi sao cả nó lẫn em đều khóc, tại sao lại không ăn cơm. Sau khi kể hết mọi chuyện với bà nội, nó òa ra khóc và nói: “Nếu có mẹ con ở đây thì con đã không đánh em và để nó khóc như vậy”.Có lần khác, nó cứ mở tủ lạnh ra chơi và để vậy, cuối tháng tiền điện nhảy lên đến 200 ngàn. Cô đồng nghiệp của mẹ tôi la nó. Cô nói cứ như vậy tiền đâu ra mà cô nuôi được bọn chúng. Ngày hôm sau, con bé từ chỗ đang học bán trú và ở lại trưa ở trường. Nó bỏ về nhà trong buổi trưa. Cô ngạc nhiên và hỏi sao nó lại về. Nó hồn nhiên trả lời: “Từ nay con không đi học bán trú nữa đâu, bà nội sẽ không tốn tiền và có tiền để trả tiền điện”
Khi những mùa vui đi qua, hy vọng sẽ là những mùa vui khác tiếp nối chứ không phải là những nỗi đau đớn và sau đó là một chuỗi các bi kịch không chỉ cho người ở thì hiện tại mà cho cả những đứa trẻ của thì tương lai.

21.9.13

Để tin tưởng, đôi khi cần phải dũng cảm

Có một bộ phim mà khi nghĩ về tôi luôn cảm thấy có một chút gì đó thôi thúc trong lòng, nó gợi lại cho tôi về niềm tin và sự kiên định. Bộ phim là cuộc đấu tranh cả về mặt vật chất, tinh thần và tình cảm với thiên nhiên và với chính bản thân mình của một người đàn ông bị bỏ lại trên một hoang đảo. Tất nhiên sẽ có người biết tôi đang nói đến Cast Away được công chiếu cách đây 13 năm và do nam diễn viên tài năng Tom Hanks đảm nhiệm vai chính và cũng tất nhiên là sẽ có nhiều người biết rằng kết phim thì nhân vật chính của chúng ta đã trở về được với đất liền, với xã hội bằng sự cố gắng và niềm tin mãnh liệt của ông.

Đấy, cứ nghĩ đến cái niềm tin to lớn và kiên định của nhân vật trong phim là cũng đủ làm tôi rùng mình, nó làm tôi phải suy nghĩ về những việc mình làm và những điều mình tin tưởng. Đứng trước một việc tôi nghĩ rằng sẽ khó mà thực hiện được, tôi luôn tự hỏi mình liệu người đàn ông ngoài hoang đảo kia có dễ dàng từ bỏ niềm tin như tôi hay không? Chỉ cần nghĩ như vậy là cũng giúp tôi có đủ động lực để tiếp tục tin tưởng vào lựa chọn của mình. Nhưng, trong thời đại này, tin tưởng thôi dường như vẫn là chưa đủ. Khi chúng ta sống trong một xã hội mà tất cả những giá trị tốt đẹp luôn bị đem lên bàn để mổ xẻ để tìm đến tận cùng những gì khiếm khuyết cho dù là nhỏ bé nhất sau đó thổi phòng nó lên, gieo rắc nó hết các hang cùng ngỏ ngách dưới sức mạnh như bão táp của những con người chỉ biết ngồi một chỗ  sử dụng bàn phím và mạng xã hội như một thứ quyền lực tối thượng để vùi dập và đạp đổ cả những gì mà họ cảm thấy chướng mắt hay chỉ đơn giản là để cho vui theo kiểu của họ, thì để tin tưởng một điều gì đó cần có cả một sự dũng cảm lớn lao.

Ví dụ như, ngoài việc dũng cảm để luôn kiên định với những gì mình tin tưởng như một cô gái 22 tuổi tin vào những chuyến hành trình đi đến những nơi khác nhau trên thế giới để tìm cho mình cảm hứng về cuộc sống và có thể truyền đạt được những gì cô trải nghiệm đến với những người khác, truyền cho họ động lực đi để khám phá cuộc đời, cuộc sống để thấy được ở ngoài kia còn có rất nhiều điều thú vị về tất cả mọi thứ, thì ta cũng phải đủ dũng cảm để gồng lên mà chống đỡ vô vàn công kích trên cả phương diện cá nhân lẫn xã hội từ một đám đông háu chiến sẵn sàng đạp vỡ và nghiền nát những ai không có cùng niềm tin như họ cũng như những ai đủ can đảm và may mắn để làm được những điều mà họ nghĩ sẽ không bao giờ làm được; và cũng đủ dũng cảm để tự nói với bản thân rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi sau bao sóng gió và bão táp để rồi tự động viên tinh thần mà bám vào, ôm chặt lấy cái niềm tin của mình, biến nó thành động lực mãnh liệt hơn nữa để mà đi đến cái đích mình đã chọn. Để làm được tất cả những chuyện ấy, không có chỗ cho người yếu bóng vía.


Sự dũng cảm cũng sẽ giúp chúng ta biến những điều mà ngay cả khi bản thân chúng ta hay những người khác luôn lặp đi lặp lại rằng mình không thể làm được điều đó thành hiện thực. Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ lại khi còn là một thằng bé 13 tuổi, đám đông đối với tôi là một sự sợ hãi tột độ, tôi không thể làm bất cứ điều gì trước mặt nhiều người mà tôi không hề quen biết, tôi không thể đi vào một cửa hàng bách hóa bình thường để hỏi thứ mình cần mua chỉ vì trong đó có quá nhiều người. Vâng, một thằng bé 13 tuổi là tôi lúc đó đã nghĩ rằng cả cuộc đời này về sau có lẽ không bao giờ tôi có thể làm được việc gì cho ra hồn. Hai năm sau, trước mặt gần 2000 học sinh trung học phổ thông tại ngôi trường tôi theo học, tôi đã đứng trên sân khấu của trường để thuyết trình về chủ đề "vai trò của nam giới trong giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên", cho dù tim tôi đập như một hồi trống trận, tay tôi lạnh ngắt vì sợ và chân tôi dường như không thể đứng vững, tôi cũng đã hoàn thành được những gì cần nói, mặc kệ một vài tiếng huýt sáo diễu cợt cũng như một vài nụ cười châm chọc vì tôi đã nói về một chủ đề không mấy bạn nam lấy làm thoải mái. Điều gì đã giúp tôi biến điều mà tôi cho rằng cả cuộc đời này tôi cũng không thể làm được như vậy và chính bản thân tôi cũng không thể tin là mình có thể làm được thành một sự kiện mà tôi luôn cảm thấy tự hào về chính mình? Đó chính là niềm tin mà mẹ tôi đã gieo vào đầu óc của tôi. Bà truyền cho tôi niềm tin về việc không có gì là không thể làm nếu ta cố gắng và sự dũng cảm đương đầu với khó khăn để giữ vững niềm tin của chính bản thân. Xét về một khía cạnh nào đấy, tôi và cô gái trẻ kia đều có chung một điểm, chúng tôi làm những điều mà người khác hay thậm chí chính bản thân đều không nghĩ là mình có thể làm được, và không phải ai cũng tin vào những điều chúng tôi làm.

Có thể việc mà nhiều người cho là không thể thì có những người khác sẽ làm được nếu họ tin tưởng và đủ dũng cảm để dấn thân và việc tin vào họ cũng đòi hỏi chúng ta có sự dũng cảm để giữ cho những niềm tin đó đủ vững chắc trước những con người với lý lẽ đầy "đanh thép" không ngoài mục đích nào khác là đập bỏ niềm tin của chúng ta. Tôi chọn tin vào những mặt tốt đẹp của cuộc sống và tôi tin rằng những giá trị tốt đẹp, dù nhỏ đến đâu nó cũng đủ sức mang lại một điều gì đó tốt đẹp không kém trong lòng người khác, theo cách này hay cách khác, chính vì vậy việc truyền cảm hứng và truyền lửa cho những người trẻ, theo tôi luôn là những điều thật sự đẹp đẽ và những người làm được điều đó luôn xứng đáng có được một sự tôn trọng và tin tưởng. Có được cảm hứng là bước đầu tiên, còn dùng nó như thế nào là tùy vào cái đầu của mỗi người chứ không phải của người truyền cảm hứng bởi một điều đơn giản: đời ai nấy sống, hồn ai nấy giữ, vậy đấy.

11.9.13

Giáo viên mầm non không bằng CON Ở

Đem lên đây để mong mọi người đọc được và tác động đến bạn bè nào đang có con nhỏ được gởi tại các trường mầm non. Giáo viên mầm non đã khổ vì đồng lương ít ỏi rồi vậy mà đến cái quan trọng nhất là nhân phẩm và sự tôn trọng của phụ huynh với hai chữ "nhà giáo" họ còn không nhận được nữa thì còn đâu tâm huyết để họ có thể ở gần 12 tiếng đồng hồ với "con của người ta" đây.


29.8.13

Client Brief – Cánh cửa đầu tiên dẫn đến “mê cung” yêu cầu của khách hàng

Đối với các bạn sinh viên mới ra trường và có tham vọng làm việc tại vị trí account executive cho các digital agency, có một kỹ năng quan trọng mà các bạn cần thành thạo đó là khả năng đọc và hiểu client brief. Với những công ty chuyên nghiệp, thông thường khách hàng sẽ chủ động gửi client brief đến các agency, tuy nhiên đối với những công ty nhỏ và ít kinh nghiệm hơn thì agency phải cử người liên hệ trực tiếp và gửi cho khách hàng bản brief để họ điền thông tin vào, account executive chính là người thực hiện công việc này.

Vậy Client brief là gì?

Nói một cách ngắn gọn, đó là một văn bản nhằm giúp khách hàng cung cấp cho agency những thông tin cần thiết và cô đọng để agency có thể hiểu được trọn vẹn và rõ ràng những yêu cầu của khách hàng trong chiến dịch hoặc dự án chuẩn bị thực hiện.

Vì sao brief lại quan trọng?

Trong bất kỳ một chiến dịch marketing nào, hiểu rõ được yêu cầu của khách hàng là điều tối quan trọng đối với các agency. Và brief là cánh cửa đầu tiên mà các agency cần phải mở khóa để bước vào “mê cung” yêu cầu của khách hàng. Nếu như không có được một bản brief đầy đủ thông tin thì việc thực hiện dự án sẽ rất dễ đi sai định hướng ban đầu, dẫn đến việc đề ra những ý tưởng không phù hợp với yêu cầu thật sự của khách hàng, gây hao tổn rất nhiều thời gian và công sức của cả client và agency.

Vậy nội dung cơ bản của một bản brief gồm những gì?

Client brief có thể có các trường thông tin khác nhau phụ thuộc vào từng loại dự án, từng loại công việc. Để có được một bản brief chất lượng với đầy đủ các thông tin cơ bản cần thiết thì agency nên tùy biến thông tin cho phù hợp với mô hình khách hàng, tính chất dự án và quy mô của dự án… Tuy nhiên sau đây, Time Universal xin được giới thiệu đến các bạn một mẫu tham khảo chung có thể sử dụng được cho phần lớn các dự án digital.

Về cơ bản, một bản brief cho dự án digital marketing sẽ bao gồm những mục nội dung chính sau đây mà các account executive cần phải khai thác được từ phía client:

1. Project information:
Đây là phần thể hiện các thông tin cơ bản của client. Nó cho agency một cái nhìn tổng thể về khách hàng hoặc thương hiệu mà client muốn thực hiện các chiến dịch digital marketing.
Trong phần này, account executive cần làm rõ được những thông tin sau:

+ Các thông tin liên quan đến lịch sử hình thành công ty, đối tượng mục tiêu cần hướng đến, bao gồm thông tin về độ tuổi, giới tính, ngành nghề … và mong muốn của khách hàng sau khi thực hiện dự án.

+ Mục đích của project.
Ví dụ: xây dựng nhận biết về thương hiệu trong vòng 06 tháng thông qua các kênh digital, xây dựng và phát triển website hoặc chiến dịch digital marketing để ra mắt một sản phẩm/dịch vụ cụ thể.

+ Deadline: thời gian đề xuất ý tưởng sau khi nhận được brief từ client.

Càng có được đầy đủ thông tin thì những người trực tiếp thực hiện dự án sẽ càng hiểu rõ về công ty và thương hiệu từ đó giúp họ có được một cái nhìn toàn cảnh hơn về dự án.


2. Current state:
Cần yêu cầu client cung cấp những thông tin tình trạng sản phẩm/dịch vụ hiện tại có liên quan đến dự án để giúp agency hiểu rõ về sản phẩm/dịch vụ của khách hàng, từ đó có cơ sở đưa ra những đề xuất hợp lý cho dự án.
Ví dụ: nếu đây là một dự án liên quan đến việc phát triển website thì agency cần phải nắm được các thông tin liên quan đến các chỉ số thống kê hiện tại của trang web như tổng lượt pageviews, số lượng visits, bounce rate…

Nếu là một dự án liên quan đến cải thiện doanh số sản phẩm thì agency cần có được thông tin liên quan đến số lượng sản phẩm bán ra trong một tháng, một quý và một năm. Các thông tin phản hồi về chất lượng sản phẩm từ phía người tiêu dùng…

3. Objectives:

Xác định cụ thể mục tiêu của khách hàng đối với dự án này là gì? Khách hàng mong muốn đạt được điều gì sau khi thực hiện dự án và đây là những mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn?

Đối với một kế hoạch digital marketing để quảng bá thông tin về chương trình khuyến mãi và bốc thăm trúng thưởng nhân kỷ niệm ngày thành lập của một công ty có thể có mục tiêu như sau:

Trong vòng 8 tuần, với ngân sách 600 triệu, cần đưa được thông tin về chương trình khuyến mãi với mức giảm giá hấp dẫn và chương trình bốc thăm trúng thưởng cùng nhiều giải thưởng lớn nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập công ty đến với đối tượng mục tiêu trong độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi trên cả nước thông qua các kênh digital như truyền thông mạng xã hội, PR online và quảng cáo hiển thị. 

4. Tone & Manners:

Đây là phần thông tin liên quan đến các quy tắc định vị thương hiệu của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ của họ. Account executive cần biết được client có những quy định cụ thể nào đối từng sản phẩm/dịch vụ.

Ví dụ: Trong một dự án phát triển website, tone sẽ liên quan đến màu sắc được quy định sử dụng. Các font chữ nào được phép sử dụng… Còn đối với một triển dịch truyền thông, đây là quy định về cách hành xử của thương hiệu trên internet, quy định về cách thức nói chuyện/tương tác với khách hàng như thế nào…

5. Mandatories:
Đây là những thông tin liên quan đến các yêu cầu bắt buộc phải có trong dự án đến từ phía client. Những tư vấn về mặt ý tưởng và chiến lược thực hiện cần phải bám theo những yêu cầu này.

6. Output:
Kết quả đầu ra sau khi agency nhận brief là gì? Khách hàng mong muốn nhận được những gì từ phía agency?
Ví dụ: Từ sau khi nhận brief đến deadline, client muốn có một bản đề xuất (proposal) cho việc ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới trong thời gian kéo dài 3 tháng. Hoặc, agency cần present 3 bản demo website cho client…

7. Budget:

Kinh phí là một trong những tiêu chí đặc biệt quan trọng trong việc đề xuất các ý tưởng, tối ưu hóa chi phí cũng như đưa ra các chỉ số đo lường phù hợp với mục tiêu.

Trên thực tế, các client ít kinh nghiệm hoặc không chuyên nghiệp thường không tiết lộ thông tin liên quan đến budget hoặc nếu có thì đó thường không phải là con số chính xác. Các khách hàng chuyên nghiệp và đã có sẵn một kế hoạch dài hơi được tính toán cẩn thận không bao giờ ngần ngại đưa ra một con số cụ thể đối với budget của dự án.

Việc agency biết được ngân sách cho dự án là bao nhiêu sẽ tốt hơn rất nhiều cho client, thông tin này sẽ giúp các agency biết cách làm thế nào để tối ưu hóa các chiến dịch trong khoản ngân sách cụ thể, còn nếu không biết được mình sẽ có bao nhiêu tiền để thực hiện dự án thì nó cũng tương tự như việc mò mẫm tiêu tiền mà không biết sử dụng vào đâu và như thế nào.

8. KPIs:


Tùy vào mỗi client và tính chất của dự án mà khách hàng sẽ có yêu cầu về KPIs cho dự án đó. Trong client brief, KPIs xuất phát từ những kỳ vọng của khách hàng. Tuy nhiên, digital là một lĩnh vực tương đối mới tại Việt Nam, việc xác định KPIs cần do người có kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực chọn ra các chỉ số đo lường cần thiết nhất để đạt được mục tiêu của chiến dịch.

Ở thời điểm hiện tại, khi nhắc đến KPIs cho các chiến dịch digital marketing, client thường lựa chọn những chỉ số liên quan đến traffic, impressions, registered users… đây là những chỉ số khá phổ biến nhưng không phải lúc nào cũng là những KPIs mang lại hiệu quả thật sự. Các chỉ số KPIs như tỷ lệ tương tác, engagement, CTR, tỉ lệ conversation… thể hiện được độ hiệu quả thực sự của chiến dịch hơn nhiều. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy, điều này còn tùy thuộc vào mục tiêu của chiến dịch là bán hàng hay tăng độ nhận diện thương hiệu, dựa vào các mục tiêu này mà các chỉ số KPIs phù hợp cần được cân nhắc sử dụng.

Client thường có xu hướng chủ quan khi chọn KPIs để đo lường hiệu quả của chiến dịch, điều này xuất phát từ việc không hiểu rõ mục tiêu của dự án cũng như không có đủ kiến thức trong lĩnh vực liên quan đến digital marketing. Account executive là người đại diện cho agency để thương lượng với client, sử dụng những kinh nghiệm và kiến thức của mình qua các dự án trước đây để cung cấp thông tin, thảo luận và thuyết phục khách hàng chọn ra được một chỉ số đo lường phù hợp nhất với mục tiêu của dự án.

Với kho dữ liệu khổng lồ từ internet thì các bạn sinh viên mới ra trường hoặc các bạn account executive mới vào nghề sẽ có thể tìm cho mình những bản brief mẫu để tùy biến theo yêu cầu của mỗi agency hoặc quy mô của khách hàng, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là cách mà các bạn khai thác thông tin từ phía khách hàng như thế nào, kỷ năng đặt những câu hỏi cần thiết, rõ ràng và dễ hiểu cho client để từ đó nhận được những câu trả lời chi tiết và tiệm cận với yêu cầu thật sự của họ, chỉ có như vậy bạn mới có được một bản brief thật sự tốt và giúp được rất nhiều cho đội ngũ sản xuất tại agency.

Các bạn có thể download mẫu mẫu brief mà Time Universal đang sử dụng để lấy các thông tin ban đầu từ client. Hy vọng mẫu brief này sẽ giúp các bạn có được một hình dung rõ ràng về cách tiếp cận và những thông tin cần hỏi đối với client.