24.10.11

Khi những mùa vui đi qua




Đã hết rồi những ngày mà niềm vui chảy dài như suối nguồn, đã hết rồi những ngày nhìn đâu cũng thấy một màu tươi sáng và cũng đã hết rồi những ngày trong mắt nhau tình yêu còn hơn cả thế giới, hơn cả cuộc sống

Đề rồi ở lại sau đó là nước mắt, sự già dặn, sự thương xót và câu hỏi: “Liệu lịch sử có lặp lại?”

Nhân một buổi trưa cúp điện, ba mẹ con quay quần bên bàn ăn với nổi cơm cũng lâu đến cả ba thế kỷ không nấu bằng nồi cơm điện, vừa ăn vừa bàn chuyện mà theo lời mẹ tôi là “thời sự trong và ngoài nước”. Tôi vừa ăn vừa nghe bà kể…
Mẹ tôi có một người đồng nghiệp, cũng là giáo viên mầm non. Cô thua mẹ tôi một vài tuổi. Cô giống mẹ tôi ở chỗ là hiện tại không có chồng, chỉ có khác chồng mẹ tôi thì chết còn chồng cô thì bỏ cô ra đi như một cái mềnh rách để chạy theo một cuộc sống mà theo lão là “đời còn nhiều thú vui”. Cô giống mẹ tôi ở chỗ cô có hai đứa con, đứa đầu lớn hơn tôi một hai tuổi, đứa sau lớn hơn em tôi ba bốn tuổi gì đấy, chỉ có khác là đứa con đầu của cô giờ là kẻ đầu đường xó chợ, phá làng phá xóm và ra tù vào tội, chỉ mới quay ra làm ăn được một hai năm gần đây; đứa thứ hai thì thần kinh có vấn đề, dở dở ương ương cả ngày không làm gì chỉ đi chọc phá người ta để rồi bị họ dí đánh. 
Cô cũng như mẹ tôi, khao khát tìm cho mình một tình yêu thương, một vòng tay che chở. Nhưng chỉ có khác là cô không tự chủ được bản thân mình, cô lao mình vào những cuộc vui, những cuộc hẹn hò, những câu lạc bộ cầu lông, những trò chơi “vờn bắt lẫn nhau”. Cuộc đời hậu ly dị của cô là những ngày tháng dài của sự đau khổ, cô độc và lại đau khổ. 
Những đứa con chưa bao giờ là chỗ dựa, chưa bao giờ là niềm tự hào mà là sự bối rối trước những lời mắng chửi của hàng xóm láng giềng, là sự xấu hổ trước những trò sốc nổi tuổi mới lớn là sự đau đớn khi những lời lăng mạ, chửi bới từ những đứa con như những con dao đâm thẳng vào tim cô. Là sự đau xót khi chứng kiến con mình vào tù vì tông xe bỏ chạy. Là sự tủi hổ trước những lời nói ra nói vào của đồng nghiệp trên trước. Tất cả, thật sự là một đống hỗn loạn. Nhưng trách ai được đây? Trách cô đã quá yếu mềm, trách cô đã không biết dạy con hay trách cô vì cô chỉ là một người phụ nữ?
Đứa con ra tù! Những lời nói ăn năn. Những lời hứa tu chí làm ăn. Sự tha thứ và rộng vòng tay đón nhận từ cô như mở ra một cách vô điều kiện và đầy bản năng. Của một người làm mẹ.
Và rồi, nó yêu. Cô gái đó cũng chẳng có nghề ngỗng gì. Cả hai đứa cứ thế dắt nhau về sống. Nhà ngoại phản đối, từ con. Rồi thì một cái đám cưới nhỏ nhỏ trong gia đình nội. Mừng đôi uyên ương. 
Và rồi, lại túng quẫn vì nghèo, lại say, nó lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay lần này không chỉ với mẹ nó và còn với cả vợ nó. Và rồi lại làm hòa, lại lao vào nhau. Cô gái có bầu. Hai lần. Hai đứa con bụ bẩm, xinh xắn được chào đời.
Chúng nó chia tay nhau. Cô gái bỏ đi làm gái bao hạng sang. Nó lao vào một cuộc tình mới. Cô đồng nghiệp của mẹ tôi đón hai cháu về nuối trước sự khước từ của nhà ngoại chúng nó. Vậy là tiếp tục, cô vác lên vai hai gánh nặng mới của cuộc đời.
Nó, thằng con lớn của cô. Kẻ mà cô từng nghĩ rằng sẽ là một niềm tự hào của cuộc đời cô. Kẻ mà tôi thoáng hình dung lại cái hình ảnh thưở niên thiếu, nơi tôi đã từng trông thấy hắn, thật hiền. Kẻ mà giờ đây, lại ôm ấp trong tay một cô sinh viên cao đẳng với cái bụng bầu 3 tháng. Tiếp tục bị chối bỏ bởi gia đình của cô gái. Mẹ tôi được cô đồng nghiệp đó nhờ vả ra Huế để nói giúp cô, nói để gai đình đó chấp nhận đám cưới, cô hứa sẽ mang hai mẹ con cô gái đó về nuôi nấng và chăm sóc. Mẹ tôi từ chối! Thật sự chỉ có điên mới làm như vậy. Bởi, chẳng mấy chốc cuộc tình kia rồi sẽ qua đi. Thằng bố sẽ bỏ đi tìm kiếm những niềm vui mới, con mẹ sẽ bỏ con cho bà nội nuôi để chạy theo tương lai của cuộc đời mình. Và rồi, rốt cuộc, đứa cháu phần cô.
Hai đứa cháu hiện tại của cô, một đứa bảy tuổi, một đứa 3 tuổi. Con bé bảy tuổi khôn đáo để. Nó lớn và già dặn đến khủng khiếp. Nó giúp cô làm việc nhà, nó chăm em và nấu cơm để đỡ đần cô. Có lần cô có hẹn đi chơi, nấu sẵn đồ ăn và cơm để ở nhà cho hai chị em nó ăn. Cô đi trong vội vã và quên bấm nút nồi cơm điện. Đến giờ ăn, con em đói bụng đòi cơm, con chị dọn cơm ra thì nồi cơm chỉ toàn nước. Nó lột mì gói khô cho con em ăn. Con em không ăn, chỉ khóc. Con chị đánh con em, càng đánh nó càng khóc; khóc cho đến khi mệt nhòi và ngủ thiếp đi. Con chị để em nằm đó, gói mì gói vẫn để mở đấy, lấy bài vở ra học. Vừa viết bài vừa khóc. Bà nộii nó về hỏi sao cả nó lẫn em đều khóc, tại sao lại không ăn cơm. Sau khi kể hết mọi chuyện với bà nội, nó òa ra khóc và nói: “Nếu có mẹ con ở đây thì con đã không đánh em và để nó khóc như vậy”
Có lần khác, nó cứ mở tủ lạnh ra chơi và để vậy, cuối tháng tiền điện nhảy lên đến 200 ngàn. Cô đồng nghiệp của mẹ tôi la nó. Cô nói cứ như vậy tiền đâu ra mà cô nuôi được bọn chúng. Ngày hôm sau, con bé từ chỗ đang học bán trú và ở lại trưa ở trường. Nó bỏ về nhà trong buổi trưa. Cô ngạc nhiên và hỏi sao nó lại về. Nó hồn nhiên trả lời: “Từ nay con không đi học bán trú nữa đâu, bà nội sẽ không tốn tiền và có tiền để trả tiền điện”
Rồi có lần khác nó ôm bà nội nó và nói: “Nội ơi, con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này lớn lên đi du học. Co sẽ đi du học, vừa học vừa làm để gời tiền về nuôi bà nội”
Nghe tới đó, nước mắt tôi ở đâu cứ chực trào ra. Tim tôi thắt lại như có bóp chặt lại và tôi nghẹn lời đến không thể nói nên lời. Trời ơi, sao mà đau khổ đến vậy. Trời ơi, sao mà người ta có thể vui vẻ, có thể sung sướng, có thể tận hưởng trong cái phút giây ấy để rồi bỏ mặc tất cả, bỏ mặc cả trách nhiệm với những hình hài bé bỏng ấy. Bỏ mặc chúng như thể quên luôn cả sự tồn tại của chúng. Để rồi, chúng phải tự lớn lên trong tâm tưởng của mình, phải già dặn đi. Rồi đây tương lai của hai đứa bé gái ấy sẽ ra sao? Liệu cô đồng nghiệp ấy của mẹ tôi có thể nuối chúng lớn lên và “trưởng thành” hay không? Hay lại tiếp tục, cô sẽ “tiếp tay” để chúng đi theo vết xe đổ của ba mình. 
Tôi tự hỏi, liệu lịch sử có lặp lại hay không? Và còn đứa nhỏ trong bụng cô sinh viên cao đẳng kia thì sao? Rốt cuộc, nó có được cho mình một người mẹ thật sự hay không? Hay nó sẽ giống như hai người chị cùng cha khác mẹ của nó, từ khi sinh ra đã có một con đường dài và cô độc đón chờ nó rồi?
Khi những mùa vui đi qua, khi những niềm hạnh phúc và dục vọng tầm thường. Có mấy ai đủ trách nhiệm và trưởng thành để đón nhận lấy kết quả của những thời phút huy hoàng ấy? Liệu chăng, có mấy ai biết được, đằng sau những ngày vui ấy lại là sự bất hạnh và một tương lai có thể không bao giờ tươi sáng, của những cô bé, cậu bé. Vốn sinh ra đã bị ruồng bỏ.
Liệu lịch sự có bao giờ lặp lại?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét