29.11.12

Hãy khoan dung hơn với những người trẻ




Gần đây xuất hiện trên feeds của Facebook mình là bức hình một số bạn trai khóc lóc khi đón các thần tượng ca nhạc Hàn Quốc tại sân bây ở trên cùng với một bài thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân được chia sẽ khá nhiều bởi mọi người. Dưới đây là bài thơ đó và ở dưới nữa là những cảm nhận của mình.

HÃY TIẾT KIỆM THỨ CÒN LẠI DUY NHẤT
(Đôi lời nhắn nhủ của nhà thơ Đỗ Trung Quân)

Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết , tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến “
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân , đứa đi làm rẫy. đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu - chiến

Ngày Polpot tràn qua An Giang , Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã

Ai không tử sĩ
Ai không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.

Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ

Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Qúa
Đủ

Trước hết, mình phải nói rằng bài thơ này hay quá! Nhưng bác Quân à, cháu chỉ có một thắc mắc nho nhỏ, sao bác đã sống đến chừng đó tuổi rồi mà lòng khoan dung của bác đối với những bạn trẻ kia ở đâu cháu chẳng tìm thấy? Cái thời của bác và cái thời này của các bạn ấy và của cả cháu khác nhau nhiều lắm. Làm sao bác có thể dồn nỗi buồn của cả một thế hệ đi trước lên đầu những người chưa một lần chứng kiến cảnh chiến tranh loạn lạc và để rồi bác trách và móc bởi những giọt nước mắt họ dành cho những người xa lạ - xa lạ mà làm họ cảm thấy hạnh phúc và gần gũi. Làm sao bác có thể nhìn vào nước mắt của những đứa trẻ " ấy và rồi nhét cho chúng những cái đao to búa lớn như là nỗi nhục quốc thể lẫn biển Đông và biển đảo?

Cháu buồn những người trẻ ấy bao nhiều thì cháu buồn bác bấy nhiêu bác Quân ạ. Bác dành ra thời gian và chữ nghĩa để phê phán những đứa trẻ ấy trong khi bác đã bao giờ nhìn vào những đứa trẻ ấy thật kỹ và tìm hiểu thật kỹ tâm tư, tình cảm và cả những nỗi niềm của chúng?

Bác à, bạn cháu đã từng nói và cháu cũng tin rằng 'thế hệ nào cũng có tuổi thơ với những điều xấu hổ vụn vặt, tuổi trẻ nào cũng có lúc đam mê đến cuồng tín. Và nói về nước mắt, ngày xưa mình cũng có những giọt nước mắt hết sức "tào lao". Đọc sách hay - cảm động là khóc. Nghe nhạc - xúc động, khóc. Nghe tin thần tượng qua đời - cũng bật khóc, viết "tâm thư". Rồi khóc vì té đau, khóc vì điểm kém. Rồi thì cũng còn nhiều những lí do khóc hết sức tào lao khác, đánh điện tử thua bạn - tức quá khóc; thấy bác sĩ - sợ quá khóc; đánh lộn thua - đau quá khóc... Thế hệ nào cũng trải qua một thời của sự cuồng tín thái quá, sự khác biệt ở đây là cách các em thể hiện sự cuồng tín và đam mê nó khác xa với nhận thức của thế hệ cũ.'

Và bác ơi, chẳng đâu xa, ngay trong bài thơ của bác cũng đã ám chỉ đến những lý tưởng, những sự ngông cuồng để được thể hiện những khát khao và mong muốn của tuổi trẻ, cho dù việc đó đồng nghĩa với tranh cãi với gia đình, nói dối và tự ý hành động theo ý mình. Xét về khía cạnh ấy, chúng ta cũng chẳng khác gì những đứa trẻ kia, cũng một thời trẻ tuổi bồng bột tìm đủ cách để làm theo mong muốn của mình.

Có khi nào bác mảy may suy nghĩ liệu chăng những đứa trẻ ấy đang ẩn chứa trong lòng một nỗi cô đơn mà không có ai để tâm đến. Liệu có khi nào thứ duy nhất làm bạn với chúng là âm nhạc và hình tượng của những “đứa lạ hươ lạ hoắc” mà chúng đón ở sân bay. Ở cái thời này, khi chủ nghĩa vật chất hiện diện ở mọi ngóc ngách, người người bằng mọi cách để kiếm tiền, lao lực ra mà kiếm tiền và có lẽ ba mẹ chúng cũng chẳng nằm ngoài vòng xoáy đó. Họ kiếm tiền, họ lao mình vào công cuộc kiếm tiền và cái họ để lại là sự trống vắng trong chính căn nhà của mình cho chính những đứa con của mình. Có thể những đứa trẻ kia, ngoài tiền bạc để làm bạn chúng chẳng có gì. Ngày ngày đều phải chứng kiến gia đình mình “lặng lẽ” tan vỡ. Cả tuần thậm chí chẳng ai nói với nhau câu nào. Có khi nào bác từng nghĩ, nếu như chúng có được người nhà quan tâm. Ba mẹ chúng dành thời gian nhiều hơn cho chúng, cuối tuần dẫn chúng đi tham gia các hoạt động của những người trong gia đình với nhau hay đơn giản hơn là dành nhiều thời gian nói chuyện với chúng, cố gắng đến tận cùng để tìm hiểu mong muốn và suy nghĩ của chúng và chỉ cho chúng thấy cuộc sống này còn rất nhiều thứ hay ho hơn ngoài âm nhạc và thần tượng, thì có khi chúng chẳng còn quan tâm nhiều đến những “đứa lạ hươ lạ hoắc kia”.

Liệu bác có từng mảy may suy nghĩ, nếu nhà nước chúng ta dành nhiều tiền bạc hơn để xây dựng những thư viện công rộng lớn với nhiều đầu sách phong phú cùng thời gian làm việc hợp lý để tất cả những đứa trẻ kia có điều kiện tiếp xúc với văn hóa đọc hơn nữa, tiếp xúc với những kho tàng tri thức rộng lớn của những trang sách hơn nữa; chứ không phải đến thư viện sau giờ học và nhận được cái nhìn lạnh lùng của cô thủ thư trước khi cô ấy ra về. Hay nhà nước chúng ta xây dựng nhiều hơn nữa những nhà triễn lãm các tác phẩm hội họa, những bảo tàng lịch sử với nội dung hấp dẫn và hoạt động có hiệu quả, hay tổ chức những buổi công chiếu kịch có chất lượng cho rộng rãi mọi người có thể tham gia. Thì những đứa trẻ kia đã có thể có nhiều thứ hơn để quan tâm hơn là những “đứa lạ hươ lạ hoắc” kia.

Và bác ơi, nỗi buồn của sự cô đơn nó cũng khủng khiếp như khi bác nhìn những người bạn, những người đồng chí của mình ngã xuống. Sự lạc lõng và không có định hướng nó cũng kinh khủng như khi bác chứng kiến tổ quốc mình đang bị lâm nguy. Thời các bác, các bác có lý tưởng cho tự do. Thời chúng nó, ai cho chúng lý tưởng giữa cái xã hội mà chính quyền thì tham nhũng, gia đình thì tan tác và con người ta thì cứ chạy theo thành tích. Ai sẽ cho những đứa trẻ kia lý tưởng đây???

Bác Quân ơi, tâm hồn một khi đã yếu đuối thì thường dễ rơi lệ; cho dù là người cứng rắn đến thế nào; huống hồ gì là tâm hồn những đứa trẻ vốn chỉ có những “đứa lạ hươ lạ hoắc kia” là thần tượng, là bạn và là “thế giới” mà chúng biết đến. Xin hãy khoan dung hơn với những giọt nước mắt kia. Hãy chỉ cho chúng về một thế giới nghệ thuật khác mà ở đó có những giá trị khác cũng tốt đẹp không kém để chúng nhận ra rằng thần tượng cũng chỉ là người và có những điều chúng làm thật là “xuẩn ngốc tuổi học trò”. Xin hãy dành thời gian mà phê phán những “người lớn” và “những ông lớn” đã góp một phần không nhỏ tạo ra một loạt những đứa trẻ yếu đuối như thế.Xin đừng đem “lưỡi dao” của ngôn từ “đâm” vào những đứa trẻ ấy.

Đôi lờn nhắn nhủ với mấy em trai trong ảnh, khóc thì cũng được thôi các em ạ, nhưng hãy để dành nước mắt cho những cảm xúc thật hơn, những chuyện quan trọng hơn nữa. Kẻo sau này, đến khi khóc đã thành một thói quen, nước mắt chảy ra tự nhiên nhưng lại chẳng còn chút giá trị nào nữa thì thật là buồn.

Và lời cuối cho chính bản thân mình, mình vẫn luôn tin rằng những đứa trẻ kia sẽ là những nguồn lực đủ mạnh để làm kinh tế với sức sáng tạo và sức mạnh tri thức dồi dào để mang lại những đóng góp lớn lao cho nền kinh tế thị trường này khi họ trưởng thành. Và rồi họ sẽ quay lại và mỉm cười vì mình đã có một thời "ngây thơ và ngốc nghếch" như thế.

27.11.12

Cuối Cùng Cho Một Ngày




1. Đối với tôi, một ngày dài là ngày tôi căng mình đón nhận không phải thử thách mà là những việc lặt vặt khiến bản thân chợt nhận ra mình vẫn chưa thật sự đủ chín chắn như vẫn thường nghĩ. Tôi bực bội bởi không phải những việc lặt vặt đó, mà tôi cảm thấy giận chính mình bởi cách mình ứng xử. Tất nhiên những gì đã suy nghĩ, đã cảm thấy thì không thể nào quên đi được. Cảm giác vẫn còn đó và chỉ khiến bản thân nhận ra mình đã không có một ngày tốt lành. Vậy thôi!

2. Về nhà với tâm trạng không mấy thoải mái như vậy, tôi cũng chỉ nhai trệu trạo một vài muỗng cơm rồi sau đó đắm chìm trong những trang sách. Không khí thật sự quá sức yên ắng. Không một ai ở nhà vào lúc này cả.  Cứ như vậy, những suy nghĩ đó cứ lởn vởn trong tâm trí tôi khiến cho những dòng chữ trên trang sách mờ đi tự lúc nào không rõ. Tôi cứ vậy mà miên man suy nghĩ; mà thật sự là đến giờ tôi cũng không rõ mình đã suy nghĩ về những chuyện gì hoặc về những người nào.

3. Khi mọi người đã có mặt đầy đủ ở nhà, tôi cũng không cảm thấy khá hơn là mấy. Sự hiện diện của gia đình cũng không làm tôi cảm thấy mình đang thật sự "có mặt" tại ngôi nhà thân yêu này. Bực dọc với chính những cảm giác của mình, tôi quyết định về phòng riêng, đeo headphone và tìm đến nơi những bản nhạc vang lên không ngừng nghỉ. Lướt trên một danh sách với những bản nhạc dài đằng đẳng, tôi cứ để những âm thanh ấy cất lên một cách ngẫu nhiên, không chọn lựa. Và nhắm mắt. Tiếng nhạc rộn rã vang lên, tiếng huýt gió nghe nhẹ bẫng đến rợn cả người. Cứ vậy mà tôi bật dậy, tôi đung đưa cơ thể mình theo từng tiếng bass mạnh bạo. Vặn âm lượng lớn lên, mắt vẫn nhắm và như vậy tôi cứ cuốn đi. "Tonight we do it big, and shine like stars. We don't give a fuck cause that's just who we are...". Tiếng hát của ca sỹ cứ vang lên một cách đều đặn và trong tâm trí tôi lúc này, tất cả chỉ là một màu đen tối như mực. Rồi từ đâu đó, một luồng sáng rực rỡ xuất hiện, tôi cứ vậy mà cảm thấy hân hoang đến cực độ. Tôi điên cuồng lắc đâu tóc của mình và tưởng tượng mình như những ngôi sao nhạc rock với mái tóc dài khủng khiếp và cứ theo điệu nhạc ấy mà giật, mà hất đầu; cứ như thể nếu chỉ cần dừng lại thì đầu của tôi sẽ bay ra khỏi cổ vậy. Tôi quay cuồng với từng tiếng sync, tiếng trống. Tôi quay vòng quanh phòng mình, đập mình vào những bức tường để cảm nhận chính cơ thể mình. "The crazy kids, them crazy, them crazy kids..." . Tôi dường như phát điên lên với chính bản thân mình. Tôi vừa nhẩm theo từng câu chữ vừa đưa tay lên cao và bắt đầu nhảy. Tôi nhảy không ngừng nghỉ. Mỗi lần chạm đất là mỗi lần tôi muốn bật cao hơn nữa.  Tôi nhảy liên hồi cho đến khi tôi gục người xuống và thở dốc vì cảm thấy toàn thân đau buốt. Nhưng tôi lại đang phấn khích cực độ. Nhạc lại chuyển sang một bản nhạc dance khác. Lúc này tôi gần như phát khùng bởi tôi thấy trước mắt mình là những mảng màu rực rỡ. Màu vàng của ánh mặt trời với những đường cong uốn lượn xanh màu da trời mà tôi nghĩ chắc chắn đó phải là những cánh chim. Rồi cả cái không gian vàng rực ấy vỡ òa ra, hòa trộn với những điểm màu xanh ấy để cuộn tròn lại. Chúng cứ xoắn vào nhau mãi như vậy. Và rồi tất cả dừng lại. BÙNG NỔ. Tất cả vỡ vụn ra. Tôi có thể nhìn thấy những xác màu đỏ rực đang tung bay. Chúng không hoàn toàn là đỏ nhưng nhìn thế nào đó cũng là những mảng màu đỏ rực. Và cuối cùng tôi mở mắt. Bản nhạc cũng đã kết thúc từ lúc nào.

4. Tôi dội từng gàu nước mát lạnh lên người. Nhịp thở vẫn gấp gáp. Nước mát lạnh và gần như tôi chẳng còn để ý đến điều gì nữa cả. Thât sự là một cảm giác yên bình đến lạ lùng. Quấn chiếc khăn quanh người, tôi rót cho mình một ly nước lọc thật đầy, bỏ vào đó vài cục đá. Tôi cầm ly trên tay một vài phút cho đá hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ly nước đã lạnh ngắt trên tay tôi. Cầm ly nước trong tay, mặt hướng về cửa sổ và nhìn vào màn đêm ở bên ngoài, tôi khẽ thở ra một cách nhẹ nhàng. Châm lửa và đốt một điếu thuốc, đây là lần đầu tiên sau ngừng ấy năm tôi hút thuốc ở nhà. Phun vào không trung một làn khói trắng, tôi đưa ly nước lên miệng và uống một mạch cho đến hết. Nước lạnh đến buốt cả đầu. Tôi tắt thuốc và dụt nó vào thùng rác dù chỉ rít một hơi. Tôi đã lấy lại thăng bằng cho chính bản thân mình. Như vậy cũng đã là cuối cùng cho một ngày.

*Ảnh sử dụng trong entry này có tên: Exciting works of fiction của tác giả Joel Robison. Tôi không có bất kỳ quyền gì đối với tác phẩm này. Nếu bạn sử dụng hình ảnh trên, xin vui lòng để credit cho tác giả. 

23.11.12

Không ai bị bỏ lại đằng sau


1. Nhìn bức ảnh này, tự nhiên trong lòng tôi nhói lên một chút bởi cảm giác chỉ thấy những sống lưng của bạn bè. Cái cảm giác chỉ nhìn thấy tấm lưng của người khác đôi lúc thật sự không thoải mái. Nó giống như một tiếng gọi vang vọng từ đâu đó, đặc quánh lại và thì thầm vào tai bạn và nói cho bạn biết, con người, về bản chất quả thật là cô đơn. Người ta cứ thấp thỏm nhìn về phía trước, vội vàng tiến về phía trước và để lại đằng sau, những sống lưng vô cảm. Bất chợt tôi rùng mình, bởi trong cái không gian đẹp đến nhường ấy, với cái nắng chiều dịu dàng và cả những tiếng nói cười rộn ràng mà đến bây giờ hồi tưởng lại, tôi vẫn còn thấy rõ cái phong vị vui vẻ dễ chịu; vậy mà len lỏi đâu đó, vẫn mơ hồ một chút cảm giác trống vắng. Đôi khi, nhìn người khác từ phía sau, có lẽ là một điều buồn nhất. 

2. Chúng ta cứ tiến về phía trước như những con tàu băng băng trên đại dương để tìm về một cái đích cụ thể nào đó. Nói cho cùng, phải chăng mục đích duy nhất của cuộc sống là tìm cho mình một điểm dừng? một bến đỗ? Trong cuộc hành trình dài thật dài ấy, đã bao giờ chúng ta nghĩ về những người mà chúng ta đã đi qua, đã để lại phía sau để mà bước tiếp? Có những người chỉ đơn giản là họ tự tách ra và đi trên chính con đường của họ, nhưng cũng có những bóng hình đã vĩnh viễn ở lại phía sau. Có một thoáng nào đó, đôi khi nghĩ lại, những hình bóng ấy chợt hiện ra rõ mồn một. Cứ. Như. Một. Sự. Ám. Ảnh. 

3. Cuộc sống là một chuỗi dài những niềm vui bất tận; tôi nhớ đã có ai nói với tôi như vậy. Khi tôi hỏi, vậy còn nổi buồn đã đi đâu? Người đó chỉ nhìn tôi và trả lời, trong vui là đã có buồn, không có đau khổ thì đã chẳng có sung sướng đến trọn vẹn. Hãy cứ nghĩ nỗi buồn như một phần của niềm vui thì tự khắc sẽ thấy cuộc sống là một chuỗi những sự kiện đầy hoan hỉ và tươi sáng. Có như vậy thì mới thật là dễ sống. Tôi chỉ mỉm cười và nói, thật quá sức phi thực tế. Nhưng bây giờ nghĩ lại, có lẽ lời của người đó cũng chẳng có gì không đúng. Cách mình nhìn cuộc sống của mình thế nào là do chính mình lựa chọn. Trong mắt của người đó, cuộc sống là như vậy và đó là cách mà anh ta sống. Rốt cuộc, tôi cũng đã bỏ anh lại đằng sau mà đi trên con đường của mình. Cuộc sống của tôi, chắc chắn chẳng phải là những chuỗi dài những niềm vui như thế, nhưng tôi chấp nhận những nổi buồn của mình mà không đánh đồng nó với sự vui vẻ. Bất giác, tôi tự mỉm cười bởi dường như tôi chả thể bỏ lại "anh ta", rốt cuộc, tôi vẫn mang theo những gì anh ta nói từng ngày và luôn suy nghĩ về những điều đó. Tưởng đã bỏ lại đằng sau; nhưng cuối cùng lại chẳng thể nào làm được.

4. Tôi đã từng hy vọng, mình sẽ là người có mặt trong những kỷ niệm hạnh phúc của bạn bè và những người tôi quen biết và quý trọng. Tôi muốn họ ghi nhớ hình ảnh của mình mãi như vậy và khi nghĩ về tôi, họ sẽ chỉ toàn nghĩ về những điều tốt đẹp. Nhưng điều này dường như là vô lý quá. Bởi bản thân tôi vốn chẳng tốt đẹp gì, tôi chưa chắc đã là chính tôi. Vậy tôi có quyền gì mà muốn mọi người nghĩ về tôi một cách tốt đẹp. Tôi là một mẫu không hoàn hảo và rồi tôi cũng sẽ xuất hiện trong tâm trí mọi người như vậy, một kẻ "không hoàn hảo". Sẽ có những mảng tối trong hình ảnh của tôi  và sẽ có rất nhiều thứ a, b, c, x, y, z thứ khác trong đầu mọi người. Nhưng như vậy cũng đủ khiến tôi hài lòng vào lúc này, chí ít là họ còn nhớ đến tôi và nhớ về tôi.

5. Những con đường, những cuộc gặp gỡ, những người bạn và những người quen. Tất cả đều là những kỷ niệm, là sự yêu thích và có một chút gì đó của sự tiếc nuối. Không có bữa tiệc nào là không tàn và cũng chẳng có niềm vui nào là kéo dài mãi. Nhưng tôi chỉ mong, chí ít, tất cả những kỷ  niệm sẽ vần còn một chút gì đấy trong trái tim của những người đã từng "đồng hành" với nhau. Chỉ cần như vậy là đã đủ để "chúng ta" song hành mãi mãi bên nhau. Nói gì thì nói, cảm giác bị bỏ lại phía sau quả thật không phải là một cảm giác dễ chịu. 


16.11.12

Book Review: Xách ba lô lên và đi - Hành trình của tuổi trẻ


Nếu bạn tìm kiếm một cuốn sách với những mẹo vặt bổ ích dành cho dân "phượt" hay những bài viết hướng dẫn những kỹ năng để "sống sót" qua những chuyến du lịch bụi thì tốt nhất đừng mua cuốn sách này.

Nếu bạn tìm kiếm một "cuộc hành trình", một nguồn cảm hứng hay tìm kiếm vẻ đẹp của những chuyến đi để được thỏa sức tưởng tượng, thỏa sức chìm đắm trong những ước vọng được khám phá và để được sống trong cái không khí gấp gáp, liều lĩnh của những con người trẻ tuổi. Đây chính là "món quà" mà bạn xứng đáng được nhận.

Tôi gọi cuốn sách Xách ba lô lên và đi của cô bé trong độ tuổi xuân xanh Huyền Chíp là một "món quà" bởi qua từng trang sách, tôi đã tìm lại được sự diệu kỳ của tuổi trẻ. Tôi tìm thấy được khát khao được đi, được trải nghiệm và cả những nỗi niềm khi đứng trước những thay đổi của con người, cảnh vật và cả tư tưởng của chính mình. Tôi tìm được trong "món quà" của tôi là sự háo hức trước những vẻ đẹp đang ngày ngày hiện diện trên thế giới này nhưng chưa một lần nào tôi chú tâm và dồn hết tâm huyết để một lần được khám phá. Tôi tìm thấy trong "món quà" của mình những trăn trở trước sự chia cách của sắc tộc, tôn giáo và nỗi buồn đằng sau những sự khác biệt mà vô tình con người đã tạo ra; dù chỉ nhẹ nhàng và thi thoảng mới xuất hiện trong sách nhưng thật sự rất thấm thía. Tôi cũng tìm được sự dũng cảm và không quản ngại gian khổ để được làm những điều mình thích, điều mà bất kỳ người trẻ nào cũng phải cần để tìm ra được lẽ sống của đời mình, điều mà hầu như bất kỳ người trưởng thành nào cũng vô tình quên mất. Và trên hết cả, tôi tìm được cho mình nguồn cảm hứng từ những con người tuyệt vời cho dù chưa một lần tôi gặp mặt, tôi cảm thấy được sự gần gủi và thu hút bởi những việc Huyền Chip và bạn bè cô đã làm được và điều đó làm tôi cảm thấy mình vẫn còn đủ khả năng để "thở" và để "sống".

Là tập đầu tiên trong bộ sách về chuyến hành trình của mình, tất nhiên không thiếu những sai sót về mặt văn chương và cách bố cục trong quyển sách; nhưng đó là điều không quan trọng lắm bởi xuất bản được một cuốn sách thế này dù là dân "tin học" thì cũng quá là đáng nể rồi. Tập trung vào những trải nghiệm của Huyền Chíp trên con đường du lịch qua những quốc gia khác nhau tại Châu Á, sách được chia làm ba phần để nói về các quốc gia ở Đông Nam Á, Ấn Độ - Nepal và Trung Đông. Trong đó, phần tôi yêu thích nhất có lẽ là phần viết về Nepal và Trung Đông. Theo ý kiến riêng của mình, nếu được biên tập chắc tay thêm một chút, phần đầu viết về Đông Nam Á sẽ hấp dẫn tôi hơn chút. Tuy nhiên, một lần nữa, đây không phải là cái gì đó quá quan trọng.

Điều làm tôi xúc động và yêu thích nhất ở quyển sách này là nó không cố gắng nhồi nhét những kỹ năng hay mẹo vặt cho dân du lịch. Điều tuyệt vời nhất mà cuốn sách này làm được là nó đã kể những câu chuyện và lồng ghép khéo léo suy nghĩ của Huyền Chíp vào để từ đó chúng ta sẽ thấy được hỉnh ảnh của Huyền được khắc họa một cách rõ nét với những tích cách đặc trưng của một cô gái trong độ tuổi xuân thì, đầy hoài bão và tham vọng; đầy đặc trưng của tuổi trẻ nhưng không hề lẫn đi đâu được; là một cô gái thật sự dũng cảm và phi thường.

Tim tôi đập rộn ràng khi đọc lời đề tặng của Veera dành cho Chip về những chuyến đi và hành trình của cô. Tôi đã thật sự ngậm ngùi khi đọc đến chương mà Huyền Chip viết cho Yarfel, một cậu bé trầm lắng với ước mơ được đi du lịch cháy bỏng và khao khát đến những chân trời mới chẳng khác gì cô; nhưng hiện thực phũ phàng không phải lúc nào cũng như chúng ta mong đợi. Có những lúc, cuộc sống chẳng bao giờ cho ta cơ hội để làm điều mà chúng ta mong muốn; vì vậy; nếu được hãy làm những gì chúng ta muốn ngay lúc chúng ta còn có thể. Tôi đã cực kỳ ấn tượng trước những suy nghĩ của Huyền về sự xung đột giữa Isarel và Paslestine. Chẳng ai có lỗi trong một cuộc chiến như thế, tất cả đều cố gắng hoàn thành tốt công việc và niềm tin của họ đối với chính quê hương và tổ quốc của mình. Sự khác biệt tại sao muốn tồn tại lại khó khăn đến như vậy? Có quá nhiều máu và nước mắt đã đổ xuống, và điều chúng ta có thể làm là cầu nguyện và tin tưởng vào một thế hệ mới và một tương lai mới tốt đẹp hơn (hy vọng là vậy) mà thôi.
Nói đến vậy cũng đủ, sự yêu thích và lòng khâm phục của tôi dành cho Huyền Chip"món quà" này của tôi có thể gói gọn trong hai từ "cảm ơn". Cảm ơn vì Huyền đã khuấy động lòng đam mê vốn đang tĩnh lặng và làm bùng lên sự khao khát khám phá của ngọn lửa tâm hồn tuổi trẻ đang có xu hướng giảm nhiệt độ của tôi. Cảm ơn vì "món quà" mà cô đã mang đến cho những bạn trẻ ngoài kia, để họ có thể hiểu rằng, cuộc sống của họ vẫn còn đang sung sướng lắm so với nhiều người. Và cũng cảm ơn vì những chuyến hành trình của cô và những con người cô đã gặp đã đem đến những suy nghĩ mới mẻ và đầy chất trẻ cho tôi; đúng như những gì Veera đã viết:

"...hành trình thực sự không phải là về những nơi em đến, mà là về những người em gặp."

*Hình ảnh được sử dụng trong entry này được lấy từ cuốn sách và bản quyền hoàn toàn thuộc về tác giả. 

Đằng Sau Những Câu Chuyện


Tôi là người thích những câu chuyện, tôi có thể ngồi để nghe người khác kể những câu chuyện cuộc đời họ hoặc những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống vỗn dĩ bận rộn của họ. Tôi có thể lắng nghe để được tưởng tượng mình là một phần của những câu chuyện ấy và để có thể cho mình "cái quyền" được hiểu họ nhiều hơn nữa. Nhưng như vậy không có nghĩa là tôi đã có thể hiểu hết một ai đó. Bởi đằng sau những gì được phơi bày ra "ánh sáng" vẫn luôn có một góc khuất mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy. Đằng sau những câu chuyện luôn có những khởi nguồn, diễn biến và kết thúc mà ở bất cứ giai đoạn nào cũng đều có những chi tiết mờ ảo mà nếu lắng nghe thật kỹ, đôi khi chúng ta sẽ nhận thấy được sự vui sướng, sự buồn tủi hay thậm chí là sự căm giận đã được che đậy một cách khéo léo.

Tôi đã từng ngạc nhiên đến quặn lòng khi vô tình biết được một cô bạn; với vẻ ngoài bất cần đời, miệng mở ra là "phun châu nhả ngọc", tính tình thô lỗ; lại cũng có hoàn cảnh chẳng khác nhà tôi là mấy; thậm chí còn bi thảm hơn. Cha cô bỏ ra đi khi cô còn nhỏ, và cô đã phải lao vào dòng đời quá khắc nghiệt này khi vẫn còn là học sinh cấp 3. Từ đó, dù có không thích nhưng không bao giờ tôi có thể ghét cô cả. Và tôi chợt nhận ra, mình đã không biết chút gì rõ ràng và nghiêm túc đối với tất cả bạn bè hay người thân xung quanh mình. Họ đã ở gần mình đến vậy, đã cùng sống, cùng học, cùng chơi với nhau trong khoảng thời gian cũng không phải là ít ỏi, nhưng dường như những chi tiết về cuộc đời họ chưa bào giờ rõ ràng trong mắt tôi cả.

Tôi có một người chú có tật nói ngọng, từ nhỏ chú đã là tâm điểm của những trò trêu trọc đến mức chưa học xong cấp 2 chú đã bỏ học. Nhiều năm sau đó, xã hội này đã nhào nặn ra một người đàn ông giận dữ. Ông giận dữ với chính cả gia đình mình. Dường như chưa bao giờ ông có một phút giây tỉnh táo. Cả cuộc đời ông gắn liền với bia rượu. Và trong những cơn say, ông trút giận lên vợ con mình và đôi lúc là cả anh chị em mình. Có một thời điểm, tôi đã nhấc điện thoại lên và gọi đến số 113 để công an đến giải quyết khi chứng kiến ông đánh đập vợ con mình. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình có chút ít tàn nhẫn, nhưng vào giây phút ấy tôi nghĩ đó là điều cần thiết. Trong gia đình tôi, không ai cười cợt khi nghe những người ngọng nói chuyện bởi chúng tôi hiểu nỗi đau của họ. Khi xem những vỡ kịch hài trên truyền hình mà diễn viên giả sứt môi để nói ngọng, chúng tôi đã không ai cười. Và khi nghe những người bạn của mình đùa giỡn về tật nói ngọng của một người nào đó, tôi đã cảm thấy không thoải mái. Tất nhiên, tôi chẳng trách ai cả bởi nếu tôi ở trong một hoàn cảnh khác, có lẽ tôi cũng đã cười. Chỉ đơn giản là đằng sau câu chuyện của tôi, luôn có hình ảnh của một người chú ngọng nghịu và đáng thương. Có lẽ vì thế mà tôi không thể cười.

Khi tôi nghe một câu chuyện về người này, về người kia; đôi lúc tôi dừng lại và suy nghĩ, đằng sau những câu chuyện ấy, liệu có những lý do nào chăng? Một cô diễn viên phải đi nâng ngực để phù hợp với vai diễn mà cô cho rằng sẽ giúp cô thay đổi cả cuộc đời mình, điều đó đáng đúng không? Một tên trộm chó sẽ không phải bị đánh chết nếu người ta biết được hắn phải nuôi một nhà với năm miệng ăn, hắn đang có một công việc nhưng thu nhập không đủ và đi trộm chó là một cách để kiếm thêm thu nhập mà hắn vừa biết đến. Nếu biết được điều đó thì những người dân tàn nhẫn kia có còn xuống tay?

Nhưng có lẽ thật là khó, những câu chuyện luôn là những câu chuyện. Chúng ta lắng nghe nhưng chỉ ít người chú tâm đến những gì nằm sau đó. Có lẽ chúng ta đã quá đủ bận rộn trong cuộc đời mình, cho những việc khác quan trọng hơn là dành thời gian để tìm ra những thứ mà có thể chẳng giúp ích gì cho chúng ta nhiều ngoài một chút an ủi trong cõi lòng.

12.11.12

Khi Tôi 24

1. Đối với tôi, con số 24 cũng không có nhiều ý nghĩa đặc biệt lắm. Nó cũng giống những con số mà tôi đã, đang và sắp bắt gặp trên con đường mình đang đi. Chỉ là một cột mốc để đánh dấu cho một thời điểm nào đó trong cuộc đời. 24 là cái mốc cho 24 năm tồn tại, cũng là cái mốc cho 24 năm suy nghĩ và nhận thức. Cuối cùng, đó cũng chỉ là một con số. Phải vậy không?

2. Tôi đã cộng cho mình thêm một tuổi vào lúc 0h ngày 9 tháng 11 năm 2012. Nhưng chưa hẳn đã cộng thêm cho mình tí "khôn lớn" nào. Tôi lên giường vào lúc 23h và nằm chờ đến đúng 0h. Mắt vẫn mở và tự nhủ thầm, vậy là mình đã thêm một tuổi. Trong một phút giây, tôi khao khát kinh khủng một tin nhắn sẽ chợt xuất hiện trên chiếc màn hình điện thoại trong căn phòng tràn ngập bóng đêm; rốt cuộc là chẳng có gì. Tự nhiên thấy cô đơn kinh khủng, nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua vậy thôi. Có lẽ là một phút yếu lòng trong một khoảng khắc nào đấy. Ngẫm lại, tự cười vào chính mình vì mình vẫn còn thật quá trẻ con.

3. Tôi đã học được nhiều điều trong những năm qua mà cũng chẳng học được gì nếu tôi thật sự nhìn nhận mọi thứ đến cùng tận. Tôi thường nghĩ rằng tôi đang thay đổi từng ngày, nhưng có lẽ không phải như vậy. Tôi vẫn vậy, cứng đầu đến cực đoan khi tôi tin tưởng vào một điều gì đó. Tôi vẫn vậy, tàn nhẫn với chính mình và những người xunh quanh khi tôi bị tổn thương dù rằng tôi chẳng bao giờ tìm hiểu ngọn nguồn của những vết thương đó. Và vẫn là tôi đấy, tính toán và suy nghĩ đến điên cuồng nhưng rốt cuộc, chẳng đủ bãn lĩnh để làm được một cái gì đó theo đúng tiếng gọi của trái tim mình; có lẽ tôi vẫn chưa đủ trưởng thành và nhiệt huyết để nghe thấy được tiếng nói con tim mình chăng? Tôi vẫn như thế, chẳng tốt lên được miếng nào. Và điều đó làm tôi phiền muộn. Chút ít thôi, nhưng vẫn là phiền muộn.

4. Tôi nghĩ mình cần phải học hỏi nhiều hơn, từ những điều nhỏ nhặt nhất cho đến những điều giản dị nhất. Đối với tôi lúc này, dường như những gì to lớn và hoa mỹ đã không còn đủ hấp dẫn. Tôi muốn là người cuối cùng ra khỏi thang máy, khi tất cả mọi người đều đã đi ra. Tôi muốn là người bước lên đầu tiên để mở cửa cho tất cả mọi người đi vào và tôi muốn là người cười với một người lạ cho dù chỉ là một lần gặp gỡ thoáng qua. Tôi muốn là người, đến cuối ngày sẽ có thể mỉm cười với chính mình vì đã có một ngày thật nhẹ nhàng, cho dù công việc có nhiều như thế nào đi chăng nữa. Và tôi muốn, mình sẽ là một người khoan dung hơn nữa.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về Chú bé chăn cừu và con sói. Chú bé nói dối dân làng về sự xuất hiện của sói để mọi người ồ ạt chạy đến. Một lần rồi hai lần, chẳng có chú sói nào, mọi người tức giận ra về. Đến lần thứ ba, sói đến thật, cho dù cậu bé có kêu to đến thế nào, chẳng còn ai đến cả. Kết quả là cậu bé bị ăn thịt. Trước đây, tôi thường nghĩ mình sẽ là những người dân làng kia, tôi không tha thứ cho sự lừa dối và không khoan nhượng với sự bất tín. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy mình thật sự thiếu khoan dung, cuộc đời tôi vốn cũng chẳng thiếu những lỗi lầm, tôi có thể mắc cùng một lỗi hết lần này đến lần khác, vậy tại sao tôi lại không thể khoan dung cho người khác khi họ vừa chỉ mới sai lầm? Nếu dân làng khoan dung hơn một chút, thì có lẽ cậu bé kia đã không chết. Nếu tôi khoan dung hơn một chút, cho dù là với chính mình hay đối với những người khác, có lẽ tôi đã hạnh phúc và vui vẻ hơn.

Có phải vậy không? Chào những ngày đầu của một tuổi mới!

5.11.12

Tiếng Vọng Nơi Đô Thị


Tôi sinh ra và lớn lên tại thành phố này, đã hai mươi bốn năm, vỏn vẹn rời khỏi đây 5 lần. Tất cả đều đi và trở về! Chưa bao giờ rời khỏi "cái chốn quen thuộc đến phát chán" này quá một tháng. 
Nắng khẽ chiếu qua khung cửa số phòng mà tôi đã cố tình kéo màn để lộ ra một khoảng gương hình chữ nhật trên ô cửa sổ tối qua. Ánh nắng làm tôi thức giấc, khẽ nhìn đồng hồ hiển thị trên chiếc điện thoại cầm tay để bên cạnh, chỉ mới sáu giờ sáng ngày Chủ Nhật.

Sau năm phút mơ màng, tâm trí đã thật sự tỉnh táo sau giấc ngủ kéo dài năm tiếng, tôi vẫn nằm đó và nhìn ra bên ngoài khung cửa sổ của mình. Thật buồn cười khi suy nghĩ rằng, ngay lúc mình còn nằm ở trên giường thế này, ngoài kia mọi thứ đang xoay vòng và chuyển động. Hôm nay thật yên tĩnh quá, nhà hàng xóm có lẽ đã "dong thuyền" ra khơi đánh cá vì tối qua mãi đến 12 giờ khuya, họ vẫn còn tất tả chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho buổi đi buông lưới vào sáng hôm sau. Những đứa trẻ nhà kế bên chắc vẫn còn ngủ bởi tôi vẫn chưa nghe thấy những tiếng khóc gọi mẹ hay những tiếng cười đùa trong trẻo của trẻ con. Không gian có lẽ thật sự quá yên tĩnh, một phần vì sáng nay mẹ tôi không tập thể dục. Sáng nào, cứ theo một quy trình "chuẩn không cần chỉnh" bắt đầu từ lúc 4h50 kéo dài đến 5h30, bà tập luyện một cách đều đặn và mẫn cán, ngẫm lại nhiều khi thấy hình như tôi chưa bao giờ thừa hưởng được từ bà sự quyết tâm đến mãnh liệt như vậy. Ở tôi, cái gì cũng có vẻ nửa vời và đối với mẹ tôi, bà ghét sự nửa vời.

Tôi lặng lẽ chuyển mình và tập trung lắng nghe, ở đâu đó là tiếng thở thật đều đặn của mẹ ở nhà dưới mà tôi biết chắc là chỉ mười lăm phút nữa là bà sẽ tỉnh dậy và chuẩn bị cho ngày hôm nay. Hôm nay chúng tôi có hẹn đi ăn sáng theo kiểu buffe tại một khách sạn quen thuộc. Sở thích của bà cho những dịp đặc biệt nào đấy hoặc đôi lúc chỉ là "hứng lên là làm". Năm phút nữa trôi qua, tôi khẽ ngồi dậy, đeo headphone và bật playlist yêu thích của mình. Nhắm mắt và tưởng tượng đến một không gian nào đó thật khác.

Khi đã yên vị tại bàn của khách sạn, tôi nhìn quanh và cảm thấy thật sự thú vị khi chỉ ngồi đó và quan sát sự chuyển động của những người đến đây để làm đầy cái bụng đói của mình, hay chỉ đơn giản là đến và ngồi trò chuyện cùng những người mà họ yêu quý. Tiếng kêu của những chiếc đĩa sứ được đặt lên, bỏ xuống. Tiếng những chiếc nĩa, dao, muỗng va chạm nhau. Tiếng lò nướng bánh mì kêu một cái "tách" sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ cho ra đời hai lát mì gối được nướng vàng tươm, trông cực kỳ "khêu gợi". Lẫn trong những âm thanh vui tai đó là tiếng í ới gọi nhau của những thực khách mà hầu như ai cũng có tâm trạng vui vẻ, có lẽ vì họ đang ở trong một kỳ nghĩ hoặc vì đang có chuyện vui; trong các dịp đi ăn ở đây, tôi chưa từng thấy ai mặt mày cau có cả.

Nhẹ nhàng lấy cho mình mỗi thứ đồ ăn một ít, tôi ngồi đó và lắng nghe. Nghe những câu chuyện của mẹ và dì tôi xunh quanh cuộc sống thường nhật của họ. Cuộc sống của những người đàn bà quá chồng; một chuẩn bị về hưu và một đã về hưu được ba, bốn năm gì đấy. Những câu chuyện thường chủ yếu xoanh những câu lạc bộ khiêu vũ, thú tiêu khiển đang được coi là mốt cho các bậc trung niên ở cái thành phố này. Lắm chuyện bi hài chả kém trong cái thú vui đó. Chả thiếu chuyện dành dật kép nhảy hay cặp bồ này nọ, mà từ lâu tôi cho rằng đó là điều bình thường trong cái chốn lắm thị phi này. Có người trong nhà đã từng hỏi tôi nghĩ thế nào về việc cả dì và mẹ đều đi khiêu vũ như vậy, lúc đó câu trả lời duy nhất mà tôi biết đến là: "Vui được lúc nào hay lúc ấy". Tiếng còi xe phát ra từ một chiếc ô tô nào đó đột nhiên chen vào tâm trí tôi, đó cũng là lúc tôi tự kéo mình về thực tại. Loáng thoáng tại các bàn cạnh bên, những câu chuyện về cuộc sống, về công ăn việc làm, về chuyện học hành và có cả tình yêu, vẫn được đều đặn "tuôn chảy". Tôi thầm nghĩ, con người chắc chẳng bao giờ có thể "ngừng nói" được. Nếu đem gom hết tất cả các câu chuyện ấy vào một cuốn sách, chắc cuốn sách đó có khi phải nặng gần bằng cả trái đất này.

Rời khách sạn là lúc tôi bắt đầu những giờ uống cà phê tán gẫu miên mang bất tận với bạn bè. Họ kể, tôi kể, họ nói, tôi nói. Tất cả đều dồn sức để kể câu chuyện của mình. Đôi khi tôi tự hỏi, trong những lúc chóng vánh ngồi nghĩ lại, có ai nhớ hết được những gì mình nói sau buổi cà phê ấy và có bao nhiêu lời nói và câu chuyện của mình thực sự được lắng nghe? Có thể nói, ngồi giữa một quán cà phê đông đúc nhất nhì thành phố này, cảm giác chả khác ngồi xem hàng trăm vỡ kịch cùng một lúc là mấy. Âm thanh sống động vô cùng. Thi thoảng, tôi cảm thấy "ngộp thở" với chính cái bầu không khí đó, nhưng kỳ lạ, càng bí bức, càng chật chội thì dường như lại càng hấp dẫn và chỉ muốn ngồi cho đến khi mệt lã đi mà thôi. Chắc chỉ có dân thành thị là thích hành xác nhau kiểu này. Hay chỉ mình tôi như vậy thôi?

Ngày cuối tuần của tôi là ngày của những con đường, tôi thích chạy xe thật chậm dưới cái nắng nhẹ nhàng như của ngày hôm nay. Tôi đi lại trên những con đường hết đỗi quen thuộc nhưng dường như không bao giờ chán cái cảm giác được chạy trên những lối đi ấy. Vẫn những cảnh vật ấy thôi, tuy nhiên vào ngày cuối tuần, dường như cái gì nhìn vào cũng khác, cứ chầm chậm và thư thái đến lạ. Trong tai tôi vẫn là những tiếng nhạc xập xình mà theo lời mẹ tôi nói là "ồn ào không chịu nổi", tôi nhìn những con người đang buôn bán trên phố xá, miệng nói mà tôi chẳng thể nghe được họ nói gì, cứ vậy tôi vừa chạy, vừa ngắm nhìn và vừa suy đoán xem họ đang nói những gì, cộng thêm tiếng nhạc ồn ào trong tai; tôi thấy mình thật sự giống một thằng điên, không hơn không kém!

Lúc này trời đã về khuya, không gian thật sự quá đỗi yên ắng. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng bàn phím đang gõ lộc cộc của mình. Vẫn tiếng nhạc trong tai nhưng lần này là tiếng guitar nhẹ nhàng đến từ một ban nhạc nào đó ở Nhật mà tôi vô tình vớ phải trên mạng. Kết thúc một ngày, tôi nghĩ mình đã có khá nhiều cảm xúc; nhưng chẳng có cái gì đủ rõ ràng để tôi gọi tên; cứ mỗi thứ một ít như vậy đó. Đôi lúc, chính những thứ không rõ ràng như thế này lại làm tôi cảm thấy mệt mỏi.

Nhiều lúc tôi tự hỏi, có khi nào tôi đang đi trên một con đường dài thật dài để tìm cho mình một tiếng vọng?