20.4.13

Thế giới tàn nhẫn


Bạn có thấy như vậy không?

Tất nhiên tôi không thuộc kiểu người có cái nhìn bi quan về cuộc sống, tôi suy nghĩ nhiều về những sự kiện xảy ra xung quanh mình, nhiều khi là quá nhiều. Tôi dễ xúc động đối với những tình cảnh khác nhau, đôi khi chẳng có gì bi kịch trong một sự kiện, một con người, một cuộc sống cũng khiến tôi bùi ngùi. Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng cuộc sống này đen tối hay bế tắc. Nhưng, cuộc sống này thật sự là tàn nhẫn, đó là một sự thật.

Tôi đang tập cho mình thói quen chạy bộ mỗi tối, thật ra tôi đã có thói quen này từ năm cấp 3, nhưng sau này lại bỏ. Mỗi ngày tôi dành ra khoảng 45 phút để chạy 5 km không nghỉ. Tất nhiên với một người có thân hình quá khổ như tôi, hằng ngày việc chạy bộ như vậy lúc nào cũng mang lại cho tôi một cảm giác mệt nhọc cho dù tôi đã chạy hơn hai tháng nay và tôi đã quen với nhịp chạy như vậy. Nhưng lần nào cũng vậy, khi những bước chân của mình trải dài trên con đường biển cùng gió, những ánh nhìn và bóng tối, tôi luôn cảm thấy mình thật sự hạnh phúc, bởi trong những giây phút ấy, tôi không phải quan tâm đến bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai. Tất cả chỉ có tôi và đường chạy. Tôi không suy nghĩ gì cả, tôi chỉ tập trung làm thế nào để hoàn thành 5 km đường chạy ấy mà không đứt quảng, đó thật sự là một cảm giác lạ lùng. Nói như vậy để thấy, chạy bộ mang lại cho con người một thứ khoái cảm, một cảm giác chỉ thuần hạnh phúc.

Có những lúc tôi chạy bộ trên đường, có một vài người qua đường nhìn tôi và hô "Cố lên!" thật to. Họ vừa nói, vừa cười, và điều đó khiến tôi cảm thấy vui, bởi nó giống như một lời động viên và tôi đã có cho mình những khán giả xem và cổ vũ cho mình. Nó thật sự giống như một cuộc trình diễn và mọi người đều vui. Chỉ một điều nhỏ như vậy thôi mà cũng mang lại một cảm giác phấn khởi thì hãy tưởng tượng nếu chúng ta có một đám đông, những người chạy bộ và khán giả, là những thành viên trong gia đình của người tham gia chạy bộ, ắt hẳn tại sự kiện đó, sẽ tỏa ra một luồng sáng của sự ấm áp, của hạnh phúc và của niềm vui. Trong tâm trí tôi khi viết những dòng này, tưởng tượng về một dòng người đầy những vận động viên không chuyên chạy bộ, và dõi theo họ là những người vợ, người mẹ, người con, với những tràn cỗ vũ, với sự chờ đợi và hy vọng, chỉ nghĩ về những hình ảnh giản dị ấy thôi cũng khiến tôi cảm thấy ấm áp.

Vậy mà, có những cá thể, nhẫn tâm giết chết đi niềm hạnh phúc hiếm hoi đó của một cuộc sống vốn dĩ bận rộn và lạnh lùng. Khi người ta quây quần lại với nhau để chia sẻ niềm hạnh phúc của gia đình, của cuộc thi và của những khao khát vượt lên chính mình thì họ bị bóp chết bởi sự tâm tối đơn lẻ. Giữa niềm vui đó, chỉ cách nhau vài phút đồng hồ là bi kịch, là máu, là nước mắt và là nỗi đau. Vâng, tôi đang nói đến thảm kịch đánh bom cuộc thi marathon tại Boston, Mỹ. Tôi đọc những bài báo viết về thảm kịch này, chứng kiến những con người bê bết máu, đọc về những nạn nhân trẻ tuổi, những đứa trẻ phải chết khi đứng chờ cha mình chạy đến đích, có cả những người mất cả gia đình mình. Thật sự là một thảm kịch. Tôi thật sự không thể hiểu, tại sao người ta có thể nhẫn tâm giết đi những niềm vui như vậy trong cuộc sống. Chắc chắn phải có một động cơ đằng sau hành động tàn nhẫn ấy, nhưng dù là gì, nó cũng đã giết đi một niềm vui thú nhỏ nhoi, không những trong giây phút này mà mãi mãi về sau. Giờ đây, bóng ma về vụ thảm sát sẽ còn đó, liệu sau này sẽ còn bao nhiêu người hào hứng tham gia vào sự kiện chạy bộ chỉ thuần hạnh phúc ấy với sự vô tư và đam mê? Đôi khi, đam mê vì vậy mà cũng bị giết chết.

Bi kịch tại Boston cũng giống như bi kịch của những vụ đánh bom chốn công cộng khác, nó cũng giống như những cuộc chiến tranh hay bất kỳ một sự kiện kinh hoàng nào có người phải chết vì hành động của một nhóm thiểu số. Đó là những bi kịch chúng ta vẫn phải đối mặt và chứng kiến từng ngày. Ta có thể làm được gì là câu hỏi mà tôi thường đặt ra sau khi đọc những tin tức liên quan đến những sự kiện đau buồn ầy. Câu trả lời thường không giống nhau, thường cũng không có một câu trả lời rõ ràng. Đôi khi tôi thậm chí cố gắng không nghĩ về những điều đó. Những có một điều chắc chắn mà tôi nghĩ về, đó là tôi sẽ cố gắng sống tốt hơn từng ngày. Sự đau buồn như một biểu hiện nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cần trở thành những người tốt hơn và đem những điều tốt lành đến thế giới tàn nhẫn này. Tôi không tin vào những giáo điều lạc quan tếu, nhưng tôi tin nếu tôi đối xử với những người xunh quanh mình tốt hơn, thì một phần nào đó, tôi đang tác động đến cuộc sống của mình và của người khác theo một chiều hướng tốt đẹp hơn. Và đối với tôi, chỉ như vậy là đủ.

Thế giới này có tàn nhẫn không? Với tôi câu trả lời luôn là có. Vậy nó có khác gì khi chúng ta luôn cố gắng làm những việc tốt đẹp? Nó cũng sẽ chẳng khác gì so với hiện tại, nhưng ít ra những việc làm mà ta tin tưởng là tốt, sẽ thay đổi con người chúng ta, ít nhất đó là điều quan trọng và nó làm ta hạnh phúc.

P/S: Tôi vẫn tin vào tính nhân đạo của con người, đặc biệt là cách họ ứng xử thế nào sau thảm kịch, như những điều tốt đẹp mà công dân tại Boston đã làm. Trong một thoáng, tôi sợ phải nghĩ rằng nếu một ngày tại đất nước mình, một thảm kịch như thế này sẽ xảy ra, lúc đó con người ta sẽ phản ứng với nhau như thế nào? Ở thời điểm này tôi vẫn cố gắng thuyết phục mình tin vào một điều gì đó tốt đẹp, nhưng thật sự là tôi không biết chắc.

3.4.13

Sách đọc tháng 03

Tháng 03 vừa rồi tôi đọc không nhiều bằng tháng trước đó, một phần vì mấy chuyệt vặt làm tâm trạng không thoải mái lắm, phần vì lo chuẩn bị một số thứ. Tuy nhiên có một số quyển sách đã đọc trong tháng này khiến tôi khá là thích.

Trong tháng này tôi đọc được 6 quyển sách: 03 quyển là tản văn và 03 quyển là tiểu thuyết, xem ra cũng khá là cân bằng. 

1. Về tản văn:


Đây là lần đầu tiên tôi đọc một tác phẩm của bác Cao Huy Thuần. Tôi biết đến cuốn này thông qua một người o ruột - bà là một người thích đọc những thể loại như vầy. Những câu chuyện trong Chuyện trò mang đậm tư tưởng triết lý Phật giáo nhưng lại không hề phức tạp. Những câu chữ trong tác phẩm khiến tôi phải đọc đi đọc lại nhiều không phải vì khó đọc mà vì mỗi lần đọc tôi lại cảm nhận một cách rõ ràng hơn và hiểu sâu hơn, và chính vì vậy lại càng khiến tôi muốn quay trở lại đọc lại một lần nữa để tìm kiếm những tầng nghĩa khác. Sách dễ đọc và khá thú vị chứ không tẻ nhạt. Sau cuốn này, tôi sẽ tìm đọc cuốn Thấy Phật, nghe nói là cuốn hay nhất của Cao Huy Thuần


Tôi không có chủ định đọc quyển tản văn này của Đặng Nguyễn Đông Vy cho dù được nghe khá nhiều người nhắc về nó. Đọc được quyển này vì giữ hộ sách cho một người bạn và được mượn về sau một chuyến đi. Chỉ mất khoảng 2 tiếng để đọc xong cuốn Hãy tìm tôi giữa cánh đồng. Thành thật mà nói, văn phong của Đông Vy không thật sự quá xuất sắc trong thể loại tản văn như thế này, nhưng cảm xúc lại khá chân thật và cảm động, tôi nghĩ đó mới là điểm mấu chốt lôi cuốn đọc giả. Tôi vẫn thích phần tản văn hơn là truyện ngắn (sách gồm 2 phần: tuyển tập tản văn và tuyển tập truyện ngắn), vì mấy truyện ngắn của Đông Vy, có lẽ không còn phù hợp với tuổi của tôi nữa, đối với tuổi học trò hoặc thiếu niên, nó có lẽ sẽ thấy lôi cuốn hơn nhiều. 


Đây là quyển tôi thích nhất và cũng đã viết về nó. Quốc Bảo với tản văn lúc nào cũng khá thú vị, mà càng thú vị hơn khi chữ đi cùng với hình ảnh đẹp. Một quyển sách rất Sài Gòn

2. Về tiểu thuyết:


Chuyện ở nông trại là một trong hai tác phẩm nổi tiếng và xuất sắc nhất của George Orwell (tác phẩm còn lại là 1984 - nguồn cảm hứng để Haruki Murakami viết nên quyển sách dày cộm 1Q84 mà Nhã Nam phải dịch ra đến ba phần với ba cuốn cũng dày không kém). Sách viết về nông trại và những con vật được nhân cách hóa, nhưng nó lại hoàn toàn không phải là một tác phẩm văn học thiếu nhi. Ẩn sau những con thú là cái nền của chính trị, của chủ nghĩa cộng sản và chế độ độc tài. Có rất nhiều thứ hay ho mình có thể học được từ tác phẩm này. Mình sẽ viết về nó nhiều hơn nếu có dịp.


Nội dung của Bắt lửa không kịch tính bằng phần đầu - Đấu trường sinh tử nhưng lại khá hấp dẫn về cách phân tích tâm lý nhân vật và câu chuyện cũng khá logic hơn. Người đọc có thể cảm nhận được sự trưởng thành của Katniss và những suy nghĩ nội tâm tương đối phức tạp. Sách thuần về giải trí và cũng đáng để đọc cho đầu óc bớt căng thẳng. 


Đọc quyển Trời hôm ấy không có gì đặc biệt của Phan An, tôi cam đoan một điều là bạn sẽ cười từ đầu đến cuối. Đây là dạng sách tưng tửng, hài nhảm đặc trưng; tất nhiên đọng lại gì trong đầu của mỗi người là chuyện khác, bởi vậy mới có chuyện tác giả đăng trên Facebook của mình mấy cái một bức ảnh được chụp lại mấy comment của một số "độc giả trẻ tuổi" chê bai tác phẩm, mà thật tình tôi phải đọc đi đọc lại đến cả hơn chục lần mới biết mấy bạn đó viết cái gì trên cái comments kia nữa cơ. Chắc chắn sẽ chẳng khó khăn gì để nhận ra rằng tác giả đã lồng ghép các chuyện chính trị, xì căng đan của cả nước vào những câu chuyện hư cấu của mình, ai là fan của tờ lacai.org thì đương nhiên thích cuốn này; cùng một tác giả mà lại. tôi cũng rút ra được khá nhiều suy nghĩ từ cuốn tiểu thuyết này của Phan An, sẽ tìm đọc một tác phẩm viết theo kiểu khác của Phan An nếu có cơ hội.

Tháng 04 này dự định sẽ đọc chủ yếu là tiểu thuyết thôi, tôi đang quyết tâm đọc cho xong mấy cuốn tiểu thuyết mua trước đó mà chưa đụng tới, đầu tiên sẽ bắt đầu bằng Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, sau đó là Suối Nguồn (nhìn cái độ dày của nó thì đã khiếp cơ mà nhiều người nói hay nên xem thế nào). Hy vọng vẫn là một tháng tư tốt lành. 

2.4.13

Những người phụ nữ cô đơn...



Đọc những gì bạn viết , cảm giác khó chịu trong người cứ ngây ngây ra, không hiểu khó chịu vì chuyện gì. Khó chịu vì thấy buồn cho người chị gái trong câu chuyện của bạn kể hay khó chịu vì những người tôi liên tưởng đến cuộc sống chunh quanh mình, về những người phụ nữ cô đơn?

Tôi luôn cho rằng, về bản chất, con người vốn rất yếu đuối, phụ nữ thì lại càng yếu đuối hơn, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Có thể, tôi đã từng bắt gặp những người phụ nữ vô cùng mạnh mẽ, thế nhưng trong tình yêu, tất cả những cái gọi là độc lập, tất cả những gì gọi là nữ quyền đều biến mất để nhường chỗ cho một sự ủy mị hết mực dễ thương mà chỉ những người phụ nữ mới có. Thật sự, tôi không hoàn toàn đồng ý với những gì người chị gái trong câu chuyện của bạn đã phải làm và chịu đựng, nhưng ở một khía cạnh nào đó, qua những gì tôi chứng kiến ở những người mình thương yêu, tôi đồng cảm với những việc làm đó. Khi cô đơn, người phụ nữ có thể làm rất nhiều điều mà lúc thường ngày họ không nghĩ là mình có thể làm được. Cho dù họ quen với sự cô độc và nỗi buồn mà nó mang lại, khi có chơ hội chộp lấy được một niềm hạnh phúc mỏng manh, họ sẽ bám lấy nó, mơ tưởng đến nó, lấy nó làm hơi thở của mình, sống cùng nó, vui cùng nó, đau khổ cùng nó, từ đó làm thành một chuỗi những cảm xúc liên tiếp, dồn dập và không ngừng, đó cũng chính là lý do một khi đã “bám víu” vào cái “hạnh phúc” như thế thì họ rất khó “dứt” ra, cho dù bản thân họ đủ thông minh và đủ bản lĩnh để nhận ra rằng, thứ hạnh phúc đó cũng mơ hồ như là một giấc mơ vậy.

Chỉ khi cô đơn, chúng ta mới thấm thía được hoàn cảnh mình đáng thương biết chừng nào. Tôi đã từng chứng kiến người phụ nữ mà tôi yêu thương nhất phải đau khổ tìm kiếm niềm hạnh phúc của riêng bà ra sao. Trong cái bộn bề của cuộc sống, trong cái bận rộn của đủ thứ chuyện, tôi đã từng nghĩ chắc mẹ tôi không có đủ thời gian cho cô đơn. Thế nhưng tôi đã nhầm, cho dù có bị quay cuồng trong công việc và mọi thứ linh tinh của cuộc sống gia đình và con cái, cô đơn vẫn len lõi vào cuộc sống của bà, vẫn làm bà cảm thấy cần tìm cho mình một niềm hạnh phúc mơ hồ nào đó. Những người đàn ông đến rồi đi, đến rồi đi, hết “giấc mơ” này đến “giấc mơ” khác. Cho đến cuối cùng, bà vẫn chưa tìm được cho mình niềm hạnh phúc đích thực của quãng đời còn lại. Mà nói cho cùng, có ai biết được hạnh phúc đích thực là thế nào đâu? Chúng ta đâu thể nói rằng hạnh phúc mà mẹ tôi đang theo đuổi không phải là hạnh phúc đích thực của bà, đúng không? Chữ hạnh phúc thât khó mà định nghĩa, đó cũng là lý do mà tất cả chúng ta đều ngộ nhận nó, khoác lên nó những bộ cánh đẹp đẽ nhất để rồi từ đó nó trở nên lộng lẫy đến mức chính chúng ta cũng không thể chạm vào nó. Hạnh phúc chỉ đơn giản là chúng ta được yêu thương và yêu thương, được vui vẻ và làm cho người chúng ta yêu thương vui vẻ, vậy cũng là hạnh phúc. Có người nói rằng có được một thời gian ngắn bên cạnh người mà chúng ta thất sự yêu thương đáng giá gấp nhiều lần cuộc sống bên cạnh người chúng ta không hề yêu thương. Tôi thấy rằng điều đó thật chính xác.

Có lần mẹ kể cho tôi nghe câu chuyện về một nữ dân công đã về hưu trong xóm. Chiến tranh đã đi qua, để lại bà với một nỗi niềm cô đơn không thể tả; không người thân, không gia đình, cuộc sống lúc về già với bà là căn nhà và bốn bức tường. Cuối cùng bà cũng kiếm cho mình một “giấc mơ” mà nhiều người gọi đó là tạm bợ. Một ông chồng say xỉn và lấy đó làm cái cớ đánh đập bà. Người nói thế này, kẻ nói thế nọ nhưng rốt cuộc bà cũng không từ bỏ “giấc mơ” của mình. Bà đã vừa khóc vừa nói rằng “thà tôi bị ổng đánh, ổng chửi, còn đở hơn là từng đêm ngồi câm nín thắp đèn nhìn mình với cái bóng". Trời ơi, bị chửi, bị đánh mà vui thì mới thấy được rằng, sự cô đơn có thể làm con người chúng ta yếu đuối thế nào. Nhưng biết đâu được, người nữ dân công kia đã tìm được cho mình “một hạnh phúc đích thực” bên cạnh người chồng say xỉn kia. Đó là giấc mơ bà đã tìm thấy và hài lòng với điều đó cho đến cuối cùng. Không ai trong chúng ta biết rõ câu trả lời, chỉ mình bà mới có thể hiểu được ý nghĩa của sự lựa chọn đó.

Hạnh phúc hay không hạnh phúc? Tạm bợ hay không tạm bợ? Chỉ khi chúng ta trải qua nó chúng ta mới có thể trả lời câu hỏi đó. Khi con người cô đơn, mọi chuyện đều có thể xảy ra…

1.4.13

Những người mẹ độc thân


Năm tôi lên 9, ba tôi mất sau một giấc ngủ vì chứng nhồi máu cơ tim, một tháng sau, em gái tôi chào đời. Kể từ giây phút đó, mẹ tôi trở thành người mẹ đơn thân một nách hai con cho đến tận hôm nay. Trong chặng đường trưởng thành của mình, tôi đã chứng kiến bà phải vất vả đánh vật với cuộc sống như thế nào để kiếm ra bữa ăn hằng ngày cho hai anh em tôi, có nhiều lúc, bà phải nhịn đói để hai đứa có cái bỏ vào miệng. Một ngày của bà bắt đầu từ 3 giờ sáng để chuẩn bị bánh trái và đồ ăn sáng cho căn-tin tại một trường tiểu học nhỏ nơi bà đấu thầu để được bán hàng tháng; đến 6h sáng bà phải có mặt tại trường mầm non bà làm việc với tư cách là một nhà giáo, nơi mà một lớp 40 trẻ chỉ có 2 cô giáo lo toan hết tất cả các công việc từ chăm trẻ, bón ăn, dạy dỗ và dọn vệ sinh; đến 5 giờ chiều bà phải tất bật chạy về nhà lo cho em tôi và nấu cơm cho cả gia đình; 7 giờ tối là lúc bà lái chiếc xe dream Trung Quốc ra khỏi nhà để đi ghi sổ cho công trình đổ đất cát xây dựng nơi chú tôi làm thầu xây dựng, ngày nào cũng vậy, bà về đến nhà là 11 giờ đêm sau khi đã đi về trên đoạn đường dài 10km không một bóng người. Nhiều lúc tôi tự hỏi, sức lực nào có thể khiến bà làm được những điều phi thường như vậy. Bà cứ cố gắng hết ngày này sang ngày khác bởi bà biết rằng bà không thể dừng lại khi trên hai vai bà là những đứa con còn thơ dại. Bà - một người mẹ đơn thân với những nỗi khổ mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy.

Có một dạo, trong xóm lao động mà tôi ở có một chị không chồng mà có con. Một lẽ tất nhiên là không ít lời đàm tếu xung quanh chị ấy và đứa trẻ vừa chào đời. Ngày nào chị cũng phải chịu tiếng mắng nhiếc từ chính cha mẹ ruột của mình, chưa kể đến ánh mắt ghẻ lạnh của những người trong xóm. Tôi, ở cái tuổi 13, đã hùa theo những đứa trẻ trong xóm, mỗi lần đi qua nhà chị, chúng tôi tập hợp thành một nhóm và cùng nhau hát to một bài vè mà đến bây giờ tôi không nhớ rõ nội dung, chỉ nhớ rất rõ một từ trong đó: "con đĩ". Mẹ tôi một lần nghe thấy tôi hát, đã chạy ra tận nơi, trước mặt những đứa trẻ cùng xóm, bà tát tôi một cái thật mạnh, mạnh đến mức răng tôi rỉ máu. Ấn tượng về cái tát đó vẫn hằn mãi trong trí óc tôi đến tận bây giờ. Tất nhiên là tôi  khóc dữ dội, một phần vì đau, một phần khác là vì nhục. Tôi bỏ bữa cơm chiều hôm đó. 

Tối lại, sau 11 giờ đêm khi đã đi làm về, mẹ nhẹ nhàng đến bên giường tôi và chỉ cho tôi biết tôi đã sai như thế nào. Bà nhẹ nhàng vuốt tóc tôi và nói: "Để nuôi một đứa trẻ trưởng thành là một việc vô cùng khó, chọn lựa sinh ra một đứa con là một việc làm đáng trân trọng và dũng cảm. Chị L đã dũng cảm hơn nữa khi chỉ có một mình mà vẫn quyết định sinh ra đứa bé đó, đó là điều cùng thiêng liêng và đáng cảm phục con ạ. Con thấy một mình mẹ đã phải vất vả như thế nào mới nuôi nổi hai đứa, nhưng mẹ con may mắn vì mẹ đã có chồng, còn chị ấy thì sao, biết bao nhiều điều tiếng của xã hội, rồi cả sự rầy la của cha mẹ ruột, những điều đó chị ấy hẳn phải biết là sẽ phải đối mặt khi sinh ra đứa bé. Nhưng chị ấy vẫn quyết định để nó chào đời và quyết định thương yêu, chăm sóc nó. Một người phụ nữ như vậy thật quá dũng cảm và đáng thương. Con không thấy như vậy sao? Những điều con và bạn bè nói là không tốt, nó sẽ làm tổn thương chị ấy, cuộc sống đã vốn dĩ khó khăn rồi, tại sao lại làm người khác đau bằng những lời không đúng như vậy. Con có hiểu không?" Những lời dặn ấy đi theo tôi đến khi tôi trưởng thành. Trong tâm trí tôi, những người phụ nữ, những người mẹ độc thân, những người quyết định đổi lại sự tự do, không ngại điều tiếng và cái nhìn đánh giá của xã hội, để sinh ra những sinh linh bé bỏng trên cuộc đời này và nuôi dạy chúng trưởng thành, là những con người dũng cảm nhất và đáng trân trọng nhất. Chỉ việc họ sinh đứa bé đó ra, đã là một nghĩa cử cao đẹp và trân quý. 

Tôi nói những điều trên là bởi vô tình đọc về những tranh cãi xung quanh việc ca sỹ Thái Thùy Linh, một bà mẹ đơn thân, được nhận giải thưởng tiêu biểu của Trung Ương Đoàn vì những đóng góp của mình cho công tác xã hội. Sự tranh cãi bắt nguồn từ một nhà báo với bút danh Bút Lông, đăng một bài viết trên một diễn đàn cũng dành cho các nhà báo. Nhà báo này phê phán việc Thái Thùy Linh được nhận giải là không đúng và việc cô là một người mẹ đơn thân, không chồng mà được TW Đoàn trao giải như vậy là không xứng đáng và sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến thế hệ trẻ; đại ý là cỗ vũ lối sống buôn thả, không lấy chồng mà vẫn có con.


Thú thật, khi đọc những gì nhà báo kia viết, tôi thật bất ngờ với những thành kiến mà anh ta dành cho Thái Thùy Linh. Tôi thường nghĩ, một nhà báo phải là người có óc quan sát, có một cái đầu rộng mở để có thể nhìn sự việc đa chiều, và nhất là cần phải có một trái tim nóng, để nhìn thấy được những điều tốt đẹp cũng như những gian trá trong xã hội một cách rành rọt. Ở đây, tôi không thấy gì hết ngoài những thù ghét cá nhân và suy nghĩ hủ lậu. Tôi tự hỏi anh ta đã từng ở cạnh một người mẹ độc thân bao giờ chưa? Hay anh ta có quen biết ai phải một mình nuôi con hay không? Và việc họ làm mẹ nhưng không có chồng thì có liên quan gì đến những thành quả mà họ đóng góp cho xã hội. Tất nhiên tôi tôn trọng những ý kiến đa chiều, nhưng ít nhất nó phải liên quan đến những gì mà nhà bào kia đang nhận xét. Tôi tự hỏi, anh ta đang nhận xét về cái gì:

1) Về Thái Thùy Linh trên phương diện con người và những ràng buộc về mặt đạo đức với đặc thù văn hóa và lễ giáo Việt Nam, hay

2) Về giải thưởng mà Thái Thùy Linh được TW Đoàn trao tặng.

Nếu là về điểm 1, thì những gì anh nhận xét không có liên quan với cái giải thưởng mà cô ca sỹ này được nhận. Anh đang nói về sự đoan chính và việc không chồng mà có con có thể ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ trẻ. Cái này cần nhiều nghiên cứu rộng rãi hơn là một bài viết bừa từ một người tự nhận là nhà báo. Xét về mặt đạo đức, Linh không mất đạo đức khi cô đã dũng cảm sinh ra đứa trẻ của mình trong khi cô có quyền không làm như vậy để giữ gìn danh tiếng của một ca sỹ. Xét về mặt văn hóa và truyền thống, đó là sự tranh cãi lâu đời giữa lễ giáo và lối sống hiện đại mà mỗi người có một cách nhìn khác nhau, anh đem cách nhìn cá nhân của mình để cho rằng người khác có thể gây ảnh hưởng xấu đến cả một thế hệ là một cáo buộc không có cơ sở. Và trên phương diện là một nhà báo, điều đó là vô đạo đức bởi anh có một tiếng nói đối với một công đồng và trên phương diện là một nhà báo, lời nói của anh và những gì anh viết cần có tính minh bạch hơn là những công kích cá nhân.

Nếu là về điểm 2, thì những gì anh nhận xét về đời tư của Thái Thùy Linh không liên quan gì đến giải thưởng mà cô ấy được nhận vì những đóng góp cho xã hội mà Linh đã làm được với danh nghĩa là một ca sỹ và là người của công chúng. Cô không làm điều đó với danh nghĩa là một bà mẹ độc thân không chồng. Các hoạt động xã hội là cái mà chúng ta quan tâm khi đánh giá về giải thưởng mà cô ấy nhận được; những câu hỏi đặt ra nên là: tính minh bạch của những chuyến quyên góp áo quần hay tính hiệu quả của các chương trình công ích đó; chứ không phải là những điều vớ vẫn như chuyện có con không chồng hay vấn đề về tư cách đạo đức và sự ảnh hưởng của nó đối với cả một thế hệ vốn không phải do Thái Thùy Linh có trách nhiệm dạy dỗ mà cũng không thể nào làm như vậy.

Nói nhiều như vậy, chỉ để thấy rằng tôi thật sự buồn khi có những người được mệnh danh là trí thức lại nhìn đời và đánh giá con người qua việc cô ta có chồng khi sinh con hay không và từ đó phủ định sạch sẽ những gì người khác đã làm được. Cách nhìn đó nó hàm chứa một sự thù ghét lớn lao với những người phụ nữ mà theo như anh ta là không đoan chính. Anh ta lấy cái thang "đoan chính" đó mà đánh giá cuộc sống, đánh giá xã hội trong khi cái chữ "đoan chính" liệu anh ta đã thật sự hiểu. Một người phụ nữ có chồng có con vẫn có thể không đoan chính. Đoan chính hay không nó thể hiện qua những hành động và công việc mà người phụ nữ ấy làm chứ không phải thông qua việc họ phải cưới chồng mới được có con.

Thái Thùy Linh cũng đã có một note khá dài nói về chuyện này trên Facebook về những bức xúc của cô đối với anh nhà báo Bút Lông. Sau đó Bút Lông cũng đã đăng tải thông tin xin lỗi về những gì mình đã phát ngôn, nhưng quả thật, những gì đã nói, đôi khi xin lỗi cũng chẳng thể làm mọi chuyện khác đi, huống hố  anh ta xin lỗi vì thực tâm anh ta cảm thấy mình sai hay vì sức ép dư luận buộc anh ta phải làm vậy? Những cái miệng, thường làm nên những trò cười ra nước mắt, quả thật đồn vẫn như lời