31.3.13

Những con người thầm lặng


Chiều Chủ Nhật hôm nay của tôi hôm nay không tràn ngập nắng như những ngày khác trong tuần, tôi có thể ngửi thấy mùi của những cơn mưa mùa hạ bất chợt trong từng ngóc ngách của bầu không khí đang hiện diện ở đây. Trên đường phố, dòng người vẫn qua lại, nhưng không hấp tấp và vội vã. Tôi vẫn ngồi trong quá cà phê quen thuộc của mình, nhìn ra bên ngoài, mọi thứ dường như nhuốm một màu xám của tĩnh lặng. Những người khách ngồi trong quán này cũng vậy, họ cũng tĩnh lặng một cách đáng ngạc nhiên. Chỉ có năm người trong quán, mỗi người đều tập trung vào thế giới riêng của mình, với sách, máy tính cá nhân và âm nhạc. Họ tồn tại, nhưng lại không hiện hữu; trong một khoảnh khắc, những thế giới riêng, đơn lẻ gặp gỡ và hòa quyện vào nhau một cách lặng lẽ và thầm lặng mà không một ai nhận thấy.

Suy nghĩ về điều thú vị này, quan sát những con người này, nhìn ngắm họ làm tôi bất chợt nhớ về những con người thầm lặng tôi đã và chưa từng gặp trong cuộc đời mình. Họ, những người luôn luôn tồn tại, luôn luôn ở đó, nhưng bằng một cách nào đó, không ai nhận thấy họ. Họ sống cuộc đời của mình một cách dai dẳng và mạnh mẽ, nhưng cũng vô cùng độc lập với dòng chảy của cuộc sống này. Cuộc đời không bỏ quên họ nhưng có lẽ họ cũng không thiết tha làm một cái gì đó hay trở thành một ai đó trong cuộc sống này. Đối với họ, sống là để tồn tại và đơn giản là để được sống.

Nhạc trong quán phát ra những âm thanh hỗn độn, không theo thể loại hay "gu" cố định nào, đây là điểm ưa thích của tôi đối với quán cà phê quen này. Tôi lật vài trang trên tờ tạp chí vừa mua tuần trước, được quảng cáo là dành cho "quý ông thành đạt" với tên gọi Esquire, đây là lần đầu tiên tờ tạp chí này được xuất bản tại Việt Nam. Xem sơ vài trang quảng cáo, những bài viết giới thiệu về lịch sử của Esquire , tôi bị cuốn hút bởi một bài viết dài 6 trang về người xạ thủ đã tiêu diệt tên trùm khủng bố Osama Binladen. Tôi chưa có cơ hội xem bộ phim Zero Dark Thirty nên không rõ đây có phải là hình mẫu để xây dựng nên bộ phim đó hay không. Điều tôi ấn tượng về bài báo này nằm ở những lời tâm sự của người lính kia. Đối với người dân Mỹ và một phần của thế giới, có thể anh là một người anh hùng, nhưng điều đó cũng không làm anh bớt thầm lặng. Ở trong anh là ám ảnh về sự tàn bạo của chiến tranh và sự an lành dành cho gia đình mình. Anh phải im lặng để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người anh yêu thương nhất. Điều đó biến anh và đồng đội thành những con người vô danh. Không một ai trên đất nước hùng mạnh kia biết đến tên các anh, nhưng dường như đối với người đàn ông này, điều đó không quá quan trọng, đối với anh, đó đơn giản chỉ là một việc anh phải làm và anh sinh ra là để làm điều đó. Thậm chí, cái mác anh hùng đó cũng không giúp anh chống lại "cơn lũ" của cơm áo gạo tiền những ngày sau khi giải ngũ, nhưng anh cũng lại cho rằng, đó là một khía cạnh khác của cuộc sống mà anh cần đương đầu.

Gấp tờ tạp chí lại, tôi cảm thấy cuộc đời này đầy những điều trùng hợp, khi tôi chợt nghĩ về những con người lặng lẽ trong cuộc đời mình, tôi lại được đọc về những người anh hùng vô danh và những "vật lộn" của họ với chiến tranh, nhiệm vụ và cuộc sống hậu quân ngũ. Về cơ bản, những con người ở đây và những anh hùng ở phía bờ kia của đại dương chẳng khác nhau là mấy. Chúng ta đều sống cuộc sống của mình một cách lặng lẽ, có người muốn cuộc đời của mình là một dấu ấn của xã hội, là một vết son chói lọi nhưng cũng có những con người chỉ muốn sống theo đúng nghĩa đen của từ này. Nhưng điều này không làm họ tầm thường đi hay những thành thích và danh tiếng kia không làm họ cao quý hơn. Tất cả chỉ là quan niệm sống. Bởi vậy tôi cũng không thích lắm những bài viết cổ động về cách sống như thế nào là tốt, để thành công thì phải như thế nào, vâng vâng và vâng vâng. Đối với tôi, một khi đã chọn cho mình một thái độ sống, chúng ta khó mà có thể thay đổi. Tốt hay xấu, chỉ có chính chúng ta biết và tự chịu trách nhiệm với chính cuộc sống của bản thân mình.

Đối với tôi, những con người với cuộc sống thầm lặng ấy, họ luôn là những "bản mẫu" đẹp đẽ và đáng tôn trọng nhất, bởi họ sống cuộc đời của mình một cách đầy đủ theo nghĩa của từ đó.

21.3.13

Câu chuyện chiếc ly vỡ


Choang!

Những gì là kỷ niệm, là hồi ức, là tuổi thơ, là dấu yêu... phút chốc đều ùa về.

Ngẫm ra, những vật dụng cứ tưởng bình thường nhưng thật sự lại có một ý nghĩa gì đó mà trong tim mỗi người vẫn còn lưu giữ. Khi mà một vật quá đỗi thân thương cứ hiện diện ngày này qua ngày khác, cùng một chỗ, cùng một mái nhà thì cái tình cảm ta dành cho nó vẫn ở mãi một chỗ, khó mà hé lộ ra được. Đồ vật cũng như con người, chỉ một khi làm đau một ai đấy, chỉ một khi mất đi một ai đấy, bản thân mới giật mình nhận ra rằng ta yêu quý họ đến mức nào. Chân lý thì cũ rích mà chưa bao giờ ta có thể học một cách trọn vẹn những điều đã được nghe, được giảng dạy. Con người là vậy, trí óc thì biết cái gì là tốt cho mình, nhưng con tim lại không bao giờ làm chủ được cảm xúc. Cũng như một cái ly thủy tinh vậy, 16 năm uống nước bằng cái ly ấy, cùng nó trải qua nhiều thứ trong đời, vui có buồn có và khi nó vỡ thì cũng là lúc suy nghĩ nhiều thứ về quá khứ, hiện tại và tương lai.

Không có chiếc ly, cuộc sống của ta vẫn tiếp diễn. Cũng giống như không có ai đó, cuộc sống của chúng vẫn tiếp tục. Thế nhưng cái cảm giác trống rỗng khi mất đi một ai đó sẽ luôn hằn sâu trong tim và ở lại đó. Cái cảm giác đó bi kịch hơn là ngẫm nghĩ về một chiếc ly vỡ rất nhiều. Người ta thường nói "thời gian có thể chửa lành mọi vết thương", thật sự thì không phải là như vậy, thời gian chỉ có thể làm liền miệng vết thương chứ không bao giờ có thể xóa bỏ nó. Ta cứ tưởng có thể vứt bỏ đi mọi thứ để có thể làm lại từ đầu, thế nhưng đến khi ta không ngờ nhất, thì mọi thứ lại như những làn khói từ quá khứ bay về cuộn lấy ta trong nỗi đau và sự mòn mỏi. Thời gian không thể chữa lành mọi vết thương mà chỉ có con người có muốn tiếp tục sống cùng những vết thương ấy hay không mà thôi. Con người thường rất hay tự dối gạt bản thân mình, nhất là khi bị ai đó bỏ rơi, chúng ta thường nói "Anh/em không thể sống thiếu anh/em", thật tức cười, vì thật sự chúng có thể sống tốt, sống khỏe, sống trẻ nếu không có một ai đó, nhưng điều quan trọng là, chúng ta có muốn sống theo cách đó hay không mà thôi!

Chiếc ly đã vỡ, kỷ niệm chỉ ùa về trong phút chốc rồi lại ra đi vì bản thân đã quen sống với những gì mà mình biết là mình phải chịu đựng. Sống thiếu một ai đó, suy cho cùng cũng không phải là quá tệ, điều đó giúp mình trưởng thành.

19.3.13

Vị thành niên, một chặng đường gian khó


Một năm trở lại đây, mối quan hệ giữa tôi và em gái không còn tốt như lúc trước; tất nhiên khi nói không còn tốt không có nghĩa là nó đi theo chiều hướng xấu. Tôi cảm nhận một điều rõ ràng là em tôi đang lớn lên từng ngày và bây giờ nó đã là một đứa trẻ vị thành niên. Tôi và em gái đã có những trận cãi vã liên tục về những vấn đến khác nhau ở quan điểm, cách xử lý và cả cách sống. Tôi đã trách mắng nó rất nhiều vì tôi nghĩ con bé đã ích kỷ trong cách suy nghĩ lẫn cách đối nhân xử thế. Sau những cuộc cãi vã lúc nào chúng tôi cũng làm lành như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tôi chắc chắn một điều con bé sẽ không bao giờ quên những cuộc cãi vã và lý do đã tạo nên những bất đồng, bản thân tôi cũng vậy. Tôi cứ suy nghĩ mãi về những lý do về những nguyên nhân đã gây ra những cuộc tranh cãi và vô tình vào một buổi sáng chủ nhật, khi ngồi nhấm nháp từng ngụm cà phê với tầm mắt hướng ra phía bờ sông của thành phố trong ánh nắng ấm áp, tôi bật ra một câu trả lời, phải rồi, nó vẫn chỉ là một đứa trẻ trong tuổi vị thành niên và dường như tôi đã vô tình quên mất mình đã khó khăn như thế nào khi ở độ tuổi ấy.

Tôi tự cười thầm bởi tôi không thể tin được mình đã quên mất một điều quan trọng như vậy, làm sao tôi có thể quên khoảng thời gian bối rối vô định, không thể kiểm soát của một thời tuổi trẻ đầy khó khăn như thế? Tôi đã đi qua tuổi vị thành niên của mình bằng những câu hỏi, những băn khoăn, những bối rối và sự cô đơn. Tất nhiên tôi mừng vì tất cả những điều đó là nền mống tạo nên "thằng tôi" của ngày hôm nay, nhưng để đem tất cả những khó khăn đó thành vật liệu cho một bước đệm vững chắc, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cả sự đau khổ. Tôi, hầu như đã không thông cảm với em gái mình đủ mức cần thiết mà nó cần.

Đối với tôi, vị thành niên là khoảng thời gian mà ở đó tôi không cần một người phải chỉ cho tôi làm cái này hay cái nọ, tôi không cần một người phải nói cho tôi nghe cái gì là tốt đẹp cái gì là không bởi lúc đó tâm trí của tôi như một khu rừng rậm với quá nhiều thông tin, quá nhiều cảm xúc. Và bởi vì tôi đang ở đỉnh cao của sự nổi loạn và muốn được thể hiện mình, tôi muốn tự mình phải tìm được câu trả lời cho tất cả những mơ hồ của bản thân. Tôi không cần một người hướng dẫn mà tôi cần một người biết thông cảm và lắng nghe. Tôi đã ước, không, phải nói rằng tôi đã khao khát một cách mãnh liệt, giá có ai đó có thể ngồi im và nghe tôi nói bất cứ chuyện gì, hoặc chỉ cần họ ngồi đó, lặng im và suy nghĩ về mọi thứ, chỉ cần như vậy là đủ với tôi vào thời điểm lúc ấy. Phài thành thật mà nói, trong thời gian này, trong cái độ tuổi mà ai cũng nói là độ tuổi đẹp nhất của đời mình, tôi luôn cảm thấy bất an và căng thẳng. Tôi vừa muốn được đối mặt với thế giới ngoài kia nhưng lại vừa sợ hãi nó. Tôi không biết mình phải đặt niềm tin vào điều gì bởi mọi thứ đều quá mới mẻ và lý thú nhưng đồng thời lại quá nguy hiểm. Tôi cô đơn trên ốc đảo của mình và tôi lạc lối trong khu rừng của tâm tưởng. Giờ ngẫm lại, tôi cũng không rõ mình đã đi qua được giai đoạn đó bằng cách nào. Thẳng thắn mà nói, khi tôi còn là một cậu nhóc 15, 16 tuổi, ý nghĩ về cái chết và tự tử chưa bao giờ xa lạ, nó giống như một sự kích thích và tôi là kẻ đứng trên bờ vực, chỉ cần mất thăng bằng, tôi có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Không phải nói quá, nhưng qua những gì tôi thấy, qua bạn bè tôi và những người tôi quen biết, tôi biết rằng đã có những người trẻ tuổi vĩnh viễn phải nằm lại ở độ tuổi huy hoàng này, họ đã không tìm được cho mình cách giải thoát nào khác ngoài việc nhảy xuống "vực". Đó là một điều đau buồn bởi trong cái tuổi đẹp nhất ấy, những suy nghĩ về cái chết và mất cân bằng luôn ẩn mình chờ đợi, nó tấn công ta một cách bất ngờ mà không cần hỏi thăm ta đã chuẩn bị như thế nào. Những người trụ lại không phải họ mạnh mẽ hơn mà chỉ vì họ đã may mắn hơn mà thôi.

Tôi còn muốn nói nhiều về tuổi vị thành niên, về những cảm xúc và đau khổ mà tôi phải từng đối mặt nhưng có lẽ vào lúc này tôi đã quá xa lạ với những điều đó. Tôi không còn là một đứa trẻ vị thành niên, tôi đã bước ra khỏi vùng đất ấy và bây giờ tôi phải quan sát nó từ phía bên ngoài, từ con mắt của người ngoài cuộc. Một lần nữa tôi lại cảm thấy cái cảm giác sợ hãi ấy, sợ hãi vì mình không thể nhìn rõ những gì ở trước mặt và sợ hãi bởi tất cả những hỗn độn không lời giải đáp trong cuộc sống từng ngày. Tôi tin em gái mình đang sợ hãi và tôi tin nó không cần một người "ra lệnh" cho nó phải làm gì. Tôi thật sự muốn là người ở cạnh nó để chỉ lắng nghe. Để làm được điều đó, nỗ lực, yêu thương và thông cảm là điều cần thiết. Tôi ước mình đủ bao dung để không phán xét, và chỉ vậy là đủ. Tôi vẫn tin, vị thành niên là một chặng đường gian khổ mà ai cũng phải bước qua để mà trưởng thành, chính vì vậy trẻ vị thành niên luôn là những người dũng cảm nhất mà tôi từng được biết. Chỉ mong, chúng ta, những người trưởng thành đủ bao dung và tin tưởng để nhìn về những đứa trẻ ấy, những đứa trẻ dũng cảm ấy, đầy tự hào và thầm cổ vũ cho chúng vững bước đi trên con đường mà chũng phải bước đi cho dù có muốn hay không.

17.3.13

Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người

Tôi nghĩ rằng ít nhất trong cuộc đời mỗi người đều một lần nghe đến câu nói này "bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người". Câu nói đó thì hẳn nhiên đúng, hẳn nhiên là chân lý và không có gì để có thể bàn cãi ở đây và cũng chẳng ai có thời gian để bàn cãi về nó. Điều tôi muốn nói là, dù được căn dặn như vậy, được đọc về lời vàng ý ngọc đó không biết bao nhiêu lần, thật sự có bao nhiêu người trong chúng ta, khi thực hiện xong một công việc nào đấy hay làm ra được một cái gì đấy hoặc đơn giản chỉ là chuẩn bị cho ai một cái gì đấy, đều tự nghĩ rằng không phải mọi người đều sẽ hài lòng với những gì mình làm? Tôi nghi ngờ rằng, con số đó không phải là nhiều, cho dù biết được sự thật là sẽ không bao giờ có chuyện tất cả mọi người đều hài lòng với những gì ta làm, nhưng ở đâu đó trong tâm trí ta, vào khoảnh khắc chúng ta hoàn thành xong điều mà chúng ta đã bỏ hết công sức của mình, đôi khi là cả máu và nước mắt, chúng ta vẫn hy vọng rằng bất kỳ ai cũng sẽ hài lòng tiếp nhận những gì chúng ta làm được.

Nói dông dài như ở trên, thật ra tôi cũng chẳng có ý gì, điều tôi muốn nói đến trong bài viết này bắt nguồn từ bài báo sau trên tờ The New Yorker, Anne Hathaway: In Defense of the Happy Girl (phỏng dịch là Anne Hathaway: Lời bào chữa cho một cô gái hạnh phúc). Đối với ai không biết Anne Hathaway là ai, vui lòng tìm kiếm thông tin trên Google. Trong bài báo nói trên, tác giả đã chỉ ra rằng Anne Hathaway là một hiện tượng lạ lùng ở Hollywood khi mà đi đôi với thành công của những bộ phim cô đóng, những giải thưởng cao quý mà cô gặt hái không phải là sự yêu mến rộng rãi từ khán giả Mỹ. Nhắc đến Hathaway, người ta thường nhắc đến một sự ganh tỵ và ghen ghét không thể chống cự. Công chúng nhìn vào những gì Hathaway làm và họ "đánh giá" không nhân nhượng. Họ chê bai khuôn mặt của cô cho dù nó đẹp như thế nào trong mắt rất rất nhiều người, họ chê bai hàm răng và cái miệng to quá cỡ của cô, họ soi mói vào cách cô trả lời phỏng vấn một cách trơn tru, bài bản và chuyên nghiệp mà ở đó họ nghĩ rằng cô đang đóng kịch và không thật sự là con người của chính của cô. Họ cảm thấy lúng túng trước nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi Anne Hathaway cho dù trước đó cô có gặp phải scandal gì. Họ nhìn cách cô đi và tạo dáng trên thảm đỏ và cũng bàn tán về việc cô "không thật" như thế nào, đối với họ cô quá hoàn hảo để có thật trên đời này và điều đó tạo nên một cảm giác khó chịu nơi công chúng Mỹ. Và cuối cùng, đỉnh điểm của những "đánh giá" đó một bài báo được xuất bản chỉ để chỉ ra những định kiến của khán giả dành cho cô, sự yêu ghét vô lý của truyền thông và nguyên nhân của nó. Nguyên nhân rất đơn giản bởi Anne Hathaway là một cô gái hạnh phúc, vui vẻ, đầy đam mê và không ngần ngại thể hiện điều đó ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ lúc nào, bằng một nụ cười thật sự rực rỡ - như một đứa trẻ.
Anne Hathway với giải Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc trong Les Miserable
Trên phương diện cá nhân, tôi là một người yêu thích những vai diễn của Anne Hathaway, cô là một người phụ nữ trẻ và là một nữ diễn viên tài năng khi liên tục xuất hiện trong những bộ phim bom tấn và phim độc lập mà ở phim nào cô ít nhiều đều thể hiện được khả năng diễn xuất tyệt vời của mình. Tôi yêu cách Anne Hathaway bộc lộ những cảm xúc chân thật với vai con nghiện trong Rachel Getting Married. Tôi khâm phục những cố gắng cô đã bỏ ra trong Les Miserable, khi phải giảm cân và hy sinh mái tóc của mình. Tôi bị quyến rũ bởi bởi sự huyền bí của nhân vật Cat Woman trong The Dark Knight Rises và thương cảm cho nữ nhân vật chính của Love and the other drug. Không hề che dấu mà nói thẳng rằng tôi bị mê hoặc bởi nụ cười của Anne Hathaway và cách cô luôn hào phóng ban tặng cho người dối diện sự vui vẻ mà cô có cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Quả thật tôi không tìm thấy điểm nào không hài lòng ở người phụ nữ này. Nhưng đó lại là chuyện của tôi và rất nhiều người Mỹ không đồng tình với tôi về điều đó. 

Nụ cười rạng rỡ thường trực trên kkuoon mặt của Anne Hathaway
Tôi vẫn luôn biết rằng cố gắng để tất cả mọi người thích và yêu quý mình là điều không thể làm được và cũng chẳng nên dại dột mà làm. Nhưng lần này tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy rằng việc tỏ ra vui vẻ hạnh phúc cũng là nguyên nhân làm cho bạn bị ghét và bị đàm tếu. Tôi thật sự không hiểu làm sao có thể ghét một người khi họ tỏ ra quá hạnh phúc? Và bất chợt tôi như vỡ lẽ ra rằng, có lẽ là vì ganh tỵ và sợ hãi. Tôi chợt nhớ lại khoảng thời gian trước đây, khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ, tôi đã từng háo hức như thể nào khi được là thành viên của một nhóm bạn mới. Tôi hồ hởi òa vào đám bạn với một niềm hạnh phúc khôn tả và tự hào khoe với chúng những gì tốt đẹp nhất mà mình có. Tất cả đều vui vẻ chia sẻ với tôi những điều hạnh phúc ấy, và như vậy tôi mang theo mình cảm giác vui vẻ và hạnh phúc vào cuộc đời. Tôi đem niềm đam mê và sự say mê mà tôi coi là hạnh phúc ấy cho những người tôi gọi là đồng nghiệp khi trưởng thành và tôi nghĩ rằng họ sẽ như những đứa trẻ thời thơ ấu, vui vẻ cùng tôi chia sẻ những điều tuyệt diệu. Không! Tôi nhầm to. Cái tôi nhận được sau này là những ánh nhìn lẫn lộn, họ không ghét nhưng cũng chẳng yêu thương tôi. Họ bối rối. Đến lúc này tôi đã hiểu vì sao Anne Hathaway bị người khác ghét như vậy. Họ ghét cô bởi họ không thể hiểu được niềm hạnh phúc mà cô đang có. Họ cảm thấy lo sợ bởi nhìn vào đó họ sẽ cảm thấy cuộc đời của chính họ quá trống trãi vì không hiểu được hạnh phúc từ sự đam mê là gì. Họ e sợ thể hiện điều đó và họ cũng e sợ cả những con người biết thể hiện điều tuyệt diệu ấy. 

Có lẽ từ đây về sau tôi vẫn sẽ mãi thích một Anne Hathaway ở thời điểm này, một người phụ nữ luôn sống trong sự vui vẻ và hạnh phúc của mình bởi cô có một niềm đam mê lớn lao với công việc và cuộc sống của mình, và điều quan trọng nhất là cô luôn sẵn sàng thể hiện điều đó ra bên ngoài. Có thể đó cũng là một bài học cho chính tôi, cho dù tôi không thể làm hài lòng tất cả mọi người, nhưng chỉ cần tôi có đủ đam mê và hạnh phúc với những gì tôi đang làm, tự khắc điều đó cũng đủ làm tôi hài lòng và làm cho những người hiểu được niềm hạnh phúc của tôi hài lòng. Như vậy đã là quá đủ. Giá như tất cả chúng ta đều như những đứa trẻ, luôn sống trong sự hồn nhiên vầ đầy ấp niềm vui cũng như tin tưởng nhau một cách tuyệt đối, cuộc sống của chúng ta, có lẽ đã dễ thở hơn một chút. 

10.3.13

Quốc Bảo cùng những cái tên, những mặt người

 Ngày hôm qua vui hơn, vì ngày hôm qua có tình thân để lại. Có ấm áp đọng lại, bạn tôi ạ. 
Quốc Bảo 

Trước đây tôi chỉ biết đến Quốc Bảo qua vai trò là nhạc sỹ và là một trong số những nhạc sỹ mà tôi biết tiên phong trong phong trào ra album ca nhạc của chính mình, tất nhiên chỉ dành cho những sáng tác của riêng ông. Nhạc của Quốc Bảo thường không gây quá nhiều ấn tượng cho tôi qua lần đầu nghe, ngoại trừ bài Bình Yên do Hà Trần thể hiện và album Bình Yên của Quốc Bảo cũng là album mà tôi yêu thích nhất. Tôi cũng từng biết Quốc Bảo còn là một nhà báo và đã từng có một vài cuốn sách đã được xuất bản mà tiêu biểu và nổi tiếng nhất là cuốn Thị Dân. Và tôi chưa từng đọc cuốn sách hay bài báo nào Quốc Bảo viết, cho đến lúc tôi được đọc cuốn sách được xuất bản gần đây nhất của ông, Những cái tên, những mặt người.


Những cái tên, những mặt người là tập bút ký chân dung, tập hợp trên hai mươi người có ảnh hưởng nhất định đến cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sỹ Quốc Bảo, sách được chia làm hai phần: Những cái tên gồm các bài viết đã hoặc chưa từng đăng báo của tác giả và Những mặt người tập hợp một số bức ảnh chân dung trắng đen do chính Quốc Bảo chụp một số nhân vật được đề cập đến trong cuốn bút ký này. Bìa sách được thiết kế khá đẹp bởi tác giả cũng là một người có gu và lao động thật sự nghiêm túc trong nghệ thuật. Cuốn sách cũng dày 128 trang, chỉ cần mất khoảng 2 tiếng là đã đọc xong.

Điều đầu tiên tôi phải nói răng, khi khép cuốn Những cái tên, những mặt người lại, cảm xúc đọng lại trong tôi là một tình yêu nồng nàn của tác giả dành cho Sài Gòn, mảnh đất của nắng, của nóng và của nhịp sống không ngừng chảy. Tác giả không chỉ khắc họa chân dung của những người bạn, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà qua đó, qua những con người đặc biệt ấy, một tình cảm nồng nàn dành cho Sài Gòn luôn ẩn hiện, đôi lúc rõ nét, đôi lúc là thoáng qua. Dường như với Quốc Bảo, bạn bè chính là Sài GònSài Gòn chính là bạn bè. Cũng vì vậy mà đây là tập hợp những bài viết mang đậm cảm xúc và sự chân thật trong tình cảm của người viết dành để khắc họa những người mà tác giả trân trọng. Có thể có một số bài đã được chỉnh sửa để đăng báo, nhưng khi đọc vào từng câu chữ, người đọc vẫn dễ dàng nhận thấy không có một từ ngữ nào là khoa trương, đó cũng chính là điểm làm cuốn sách này thật sự gây cảm giác gần gũi nơi độc giả.

8.3.13

Lảm nhảm ngày 8/3



Có một câu nói khá nổi tiếng mà nữ người mẫu nổi tiếng Jerry Hall, người tình/người vợ lâu năm của danh ca Mick Jagger (thủ lĩnh ban nhạc Rolling Stones), "Mẹ tôi bảo rằng để giữ chân một người đàn ông rất đơn giản; con hãy là một cô giúp việc trong phòng khách, một đầu bếp trong phòng ăn và một cô gái làng chơi trong phòng ngủ (you must be a maid in the living room, a cook in the kitchen and a whore in the bedroom)." Câu nói này sau đó trở nên nổi tiếng đến độ được chọn in trong cuốn sách Wild Words from Wild Women và được nhiều người phụ nữ coi đó là kim chỉ nam khi nhìn vào "thành tích" giữ chân "kẻ đào hoa" Mick Jagger trong hơn 12 năm của Jerry Hall. Tất nhiên, không phải tất cả phụ nữ đều đồng ý với cách ví von này, đặc biệt là những người theo phong trào nữ quyền cực đoan. Tuy nhiên, phần lớn những người phụ nữ trong khoảng thời gian đó đều cảm thấy đó là một câu nói và một cách hợp lý để "giữ" người đàn ông của đời mình. Và câu nói ấy được một người phụ nữ nói lên.

Một ngày cuối năm 2011, một ứng viên Thượng viện bang New Jersey, Mỹ đã viết trên trang Twitter của mình như thế này: "Phụ nữ, bạn hãy chiếm lợi thế trong việc giữ chân người đàn ông của mình bằng cách làm một người chung thủy, một quý cô trong phòng khách và một cố gái làng chơi trong phòng ngủ". Ngay lập tức, vị ứng viên thượng viện này gặp một làn sóng phản đối mạnh mẽ, tới mức ông phải đính chính và xin lỗi trên Twitter.

Chúng ta thấy gì trong hai trường hợp trên, cũng chỉ cùng một câu nói, nhưng có lẽ khi nó được phát ra từ miệng của một người đàn ông, điều đó dường như  khó chấp nhận hơn với một nữa còn lại của thế giới, cho dù người đàn ông ấy đang nói đúng một sự thật rất trần trụi. Theo quan điểm rất riêng của tôi, những người đàn ông thực chất chỉ là những đứa trẻ trong suốt cả cuộc đời của mình; đối với những người phụ nữ mà họ thương yêu, họ luôn mong muốn nhận được một sự chiều chuộng. Chiều chuộng ở đây, nó gần với việc nhượng bộ một tí cái này, nhượng bộ một tí cái kia, để người đàn ông luôn cảm thấy rằng mình là "một kẻ mạnh", người đủ vững chãi để có thể bao bọc người phụ nữ mình yêu cả cuộc đời. "Những đứa trẻ lớn xác" thường muốn được vòi vĩnh, được thỏa mãn, cả về tình cảm tinh thần lẫn thể xác. Không một người đàn ông nào không mong muốn người mình yêu thể hiện một chút gì đó lẳng lơ, gợi tình và quyến rũ đối với riêng mình họ ở trên giường. Nó giống như một "giấc mơ" thưở vị thành niên phải "giải tỏa sinh lý" với hình ảnh những cô người mẫu bốc lửa trong đầu trở thành hiện thực. Nhưng có lẽ điều này, đối với một số người phụ nữ là điều không thể chấp nhận, đặc biệt là những người phụ nữ hiện đại.

Phụ nữ hiện đại rất độc lập, rất bản năng và sống một cách đầy đam mê; đối với tôi đây quả thật là một hình mẫu lý tưởng. Tôi mê mẫn những người phụ nữ như thế, tôi yêu cái vẻ hoang dại và độc lập của họ, nhưng nếu ai hỏi tôi muốn cưới và chung sống suốt cả cuộc đời với một cô gái như thế nào, tôi sẽ không ngại ngần mà trả lời rằng tôi muốn dành cả cuộc đời của mình để yêu một người phụ nữ độc lập, sống một cách đầy đam mê và hừng hực xuân sắc, nhưng cũng phải là một người có thể chiều chuộng "đứa trẻ" bên trong tôi, là người có thể cho tôi cái cảm giác mình có đủ khả năng để bao bọc và che chở cho người con gái ấy. Tôi có lẽ không thể tiếp cận người con gái nào quá sức độc lập, quá mức bình đằng giới tính. Những người như vậy thường cho tôi cái cảm giác, tôi đang phải sống với những người đàn ông khác.

3.3.13

Đôi điều về tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên qua một vài truyện ngắn trong cuốn Năm Mười Mười Lăm Hai Mươi, có một vài truyện khá ấn tượng và một vài truyện khác không thuộc gu của tôi, và đó đã là chuyện của 3 năm trước.


Qua một bài giới thiệu của dịch giả Lâm Vũ Thao (Goldmund), tôi được biết đến cuốn tản văn mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa được xuất bản, với một cái tựa không thể nào dài hơn:  Tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác. Tò mò bởi một cái tựa đề sách dài đằng đẳng ấy và một phần thấy thú vị bởi từ trước đến nay tôi chưa hề đọc bất kỳ bài tản văn nào của Nguyễn Vĩnh Nguyên, cho dù là bài bình sách trên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Phải nói rằng tôi đã không sai lầm khi chọn mua cuốn sách dày 255 trang do NXB Lao động và công ty Alphabooks phát hành với giá 59.000 VNĐ, cùng một cái bài thiết kế đúng kiểu ưa thích của tôi.

Điều đầu tiên phải nói rằng cuốn tản văn này của Nguyễn Vĩnh Nguyên không phải là loại dễ đọc, đối với người có tốc độ đọc tương đối tốt như tôi, khi tập trung tôi cũng không thể đọc nhanh như bình thường được, bởi tác giả đã có những phân tích mang tính chuyên sâu, vừa thú vị, vừa mang tính học thuật và bên cạnh đó còn lồng ghép những suy nghĩ và  cảm nghĩ của chính Nguyễn Vĩnh Nguyên về cuộc sống, xã hội và con người Việt Nam.

Sao mà không thú vị được khi mà chỉ từ cái hành vi "ngậm tăm" sau buổi ăn của người dân Việt Nam, tác giả đã tạo ra một bài viết dài 10 trang theo khổ sách bình thường mà không hề khô khan hay đầy rẫy trích dẫn của các tài liệu nghiên cứu, mà lại khá gần gũi và dễ thấm! Cũng cái hành động "ngậm tăm" ấy mà hệ quả dẫn đến thái độ sống, hành xử "ngậm tăm" trong một số đại bộ phận không nhỏ của người dân nước nhà. Tác giả đã khiến người đọc phải vừa đọc vừa dừng lại suy nghĩ, thẩm thấu và hiểu. Cái hay ở tập sách này  nằm ở chỗ, nó giúp chúng ta nhìn nhận lại một số các sự việc, sự kiện, cách hành xử, thái độ sống mà chúng ta cho rằng rất đỗi bình thường. Từ bài viết về xã hội của những chiếc Tivi, khi mà những bộ phim truyền hình giải trí của thập niên 90 đã ảnh hưởng đến lối sinh hoạt, cuộc sống của con người Việt Nam như thế nào và rồi trong xã hội hiện đại này, chiếc TV một phần nào đó thể hiện sự cô đơn của con người Việt Nam hiện đại, bật TV chỉ để nghe thấy tiếng người bởi "... Em thì ngủ còn tivi thì vẫn nói suốt đêm". Ở đâu đó trong tác phẩm là những hoài niệm về những ký ức không dừng lại với tình yêu dành cho những chiếc bookmark, cho văn hóa đọc và những cuộc tình trong kỷ niệm. Hay những trăn trở rất riêng về một cái Tết truyền thống, một cách nhìn lại cách sống của mỗi người trong những ngày lễ hội. Nguyễn Vĩnh Nguyên còn có một bài khá dài để luận về cà phê cóc và thói quen uống cà phê của người Việt Nam, qua đó thể hiện rõ một nét văn hóa dân dã của hình thức thưởng thức cà phê này và đó mới là một điểm cốt yếu quan trọng, cà phê chất lượng như thế nào đôi khi không phải là điều tiên quyết như trong những tranh luận của Trung Nguyên và Starbuck dạo trước đây.

Phải nói trong tập sách này, tôi thích nhất bài viết về Việt Nam và văn hóa xe máy, vởi những ghi chép tham chiếu thú vị từ những nhà báo nước ngoài và cảm nhận riêng của tác giả. Bài viết đã chỉ ra một nét vân hóa tất yếu của con người Việt Nam và cuộc sống gắn liền với chiếc xe máy. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng không quên báo động về sự lạc quan tếu của những bài báo tung hê Việt Nam là đất nước hạnh phúc hay sự quan ngại về vai trò và sự đấu tranh của tri thức trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay. Có một bài viết thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất là bài viết về sự đọc và viết mà qua đó Nguyễn Vĩnh Nguyên nêu rõ vai trò quan trọng của người đọc, nhiệm vụ của người viết và mối liên hệ với các tác phẩm mình viết ra qua đó nhấn mạnh những gì một nhà văn cần và phải làm để tác phẩm của mình được ngược đọc công nhận chứ không phải viết ra vì giải thưởng rồi sau đó nếu không được giải thì lên báo làm om xòm cả lên. Bài viết này còn làm tôi suy nghĩ nhiều về những gì mình đã và đang đọc, nó là động lực thôi thúc để tôi đi tiếp đến cái tận cùng của những tác phẩm văn học và suy nghĩ về chúng nhiều hơn nữa.

1.3.13

Dành cho tháng hai


1. 

Tháng hai mở đầu bằng việc chuyến đi ra khỏi Việt Nam lần đầu tiên của mình kết thúc. Lần đầu tiên, lúc nào cũng vậy, thật khó quên. Tháng hai cũng là tháng của lễ hội, của sự sum vầy và của bạn bè. Đây có lẽ là khoảng thời gian mình cảm thấy hạnh phúc và thanh thản nhất sau một năm 2012 biến động. Sự giao mùa, mang theo tất cả những nỗi buồn, sự mơ hồ, bối rối đi cùng với nó, để lại sự hồi hộp, hy vọng và niềm tin cho một sự khởi đầu. Tất nhiên, mình không lạc quan tếu bởi lúc này mình vẫn còn đó những trăn trở, thất vọng bởi mọi thứ vẫn chưa nằm trong vòng kiểm soát và tương lai phía trước vẫn là một con đường dài, nhưng ít ra, mình vẫn cảm thấy được một sự tươi mới và cảm giác đầy ấp tin tưởng vào những gì mình mong muốn làm. Mình vẫn đang rất cần một sư thay đổi, và tháng hai, một lần nữa nhắc mình rõ ràng về những gì còn mơ hồ và về một Sài Gòn vẫn đang vẫy gọi. Chờ ta thêm một chút nữa thôi nhé! 

Bạn bè, những người đã và đang đồng hành cùng mình, họ đã và đang lớn lên từng ngày. Những gương mặt đó, những con người đó, có người đã xây dựng cho mình tổ ấm mà họ mong ước rồi cùng nhau đếm từng ngày để chờ đợi đứa con đầu lòng, có người thì vẫn đang vất vả mưu cầu cuộc sống trên đất khách quê nhà, có người sau bao năm không gặp, chúng tôi đã có cơ hội ngồi lại cùng nhau để truyện trò. Mọi người, ai cũng có những tâm sự và cuộc đời của họ để sống. Tôi cảm thấy những điều đó thật mãnh liệt và đầy sức sống. Tương lai, chẳng ai nói trước được điều gì, nhưng điều quan trọng là tôi biết rằng, ít nhất ra, mình sẽ vẫn còn hiện diện dài lâu trong chặng đường phía trước, trong cuộc đời phía trước của những người tôi gọi là bạn.

2. 

Tháng hai, tháng của những con đường hoa, của câu bài, của giật tít và của những ồn ào xunh quanh chuyện cướp hoa, giật hoa. Mình thấy thật buồn cười, nếu là trước đây, có lẽ mình đã nhảy cả lên, làm một "anh hùng bàn phím" thứ thiệt để mà bảo vệ cho hình ảnh của thành phố này trước những bài báo sai sự thật như thế, như bất cứ một đứa con chân chính nào của thành phố; nhưng bây giờ mọi việc đã khác, mình đã quá quen với những bài báo như vậy, quá quen với cái cách báo chí tường thuật sự việc theo hướng thu hút độc giả một cách tiêu cực và không đúng sự thật như vậy. Mình thấy buồn cười, bởi cuối cùng, mình thật sự không biết phải tin vào những gì mà mình đang đọc hàng ngày trên những trang báo, và điều đó là mình sợ, bởi một khi mơ hồ thì con người ta thường đi tìm cho mình những câu trả lời, phần lớn là không đúng sự thật cho lắm. Và cũng thật buồn cười, khi những lùm xùm đó vốn có thể được giải quyết ngay từ đầu nếu được người có chức năng đính chính và lên tiếng, nhưng "cuộc chơi" này vốn dĩ không đơn giản như thế. Người được lợi sau cùng vẫn là người chiến thắng, còn chuyện cái chính trên một tờ báo ư? Chắc chục năm nữa chúng ta mới thấy! 

Chủ nghĩa anh hùng thường khiến con người ta ngộ nhận. Ai cũng có thể cho rằng mình là anh hùng khi lên tiếng về một vấn đề nào đó mà những người khác không nói ra, được họ tung hê, tán thưởng và "tôn thờ". Mỉa mai một chỗ là những "người anh hùng" thường không bao giờ mang lại hạnh phúc cho chính gia đình họ. Thật đáng tiếc và theo mình, chẳng có ý nghĩa gì khi những người thân yêu nhất trong gia đình không phải là những người đầu tiên được các bậc "anh hùng" đó bảo vệ. Có lẽ, để tử vì đạo, anh hùng cẩn phải cô đơn. Còn không, những tiếng tung hô và danh tiếng, thường khiến người mang danh hiệu đó quên rằng, rốt cuộc họ cũng là con người, có thể họ cũng đang bị dắt mũi bởi một đám hèn nhát chờ một vị "anh hùng" lên tiếng để có thể từ đó hùa theo. Sống, quả thật là phức tạp!