27.5.13

[Photo of the week] Quán ven đường

Quán bánh tiêu ven đường

Tiệm (gọi là tiệm cũng không đúng, bởi quán được dựng lộ thiên và chỉ có vài cái bàn cái ghế) bán bánh tiêu, bánh bao chiên trước nhà thờ thiên chúa giáo (mé tường bên trái phía trước cổng nhà thờ) trên đường Cao Thắng thuộc phường Thanh Bình, Đà Nẵng, đối diện với trường Cao Đẳng Công Nghệ Thông Tin (nay đã là trường Đại học cao đẳng công nghệ thông tin) này đã có được 7 năm, kể từ khi tôi còn học lớp 12. Tôi không rõ hoàn cảnh gia đình của cô chủ quán lắm nhưng đủ biết nhà cô không khá giả và ít nhất có một đứa con. 

Việc buôn bán bánh mấy năm nay có vẻ thuận lợi, hầu như không có sự mất trật tự nào từ khách đến ăn bánh và đại diện nhà thờ cũng không yêu cầu cô phải chấm dứt việc buôn bán này, vậy mà cách đây một tháng đại diện ban quản lý phường xuống gặp và yêu cầu cô dẹp quán đồng thời cấm bán bất cứ cái gì tại không gian phía trước khu tường bao quanh nhà thờ. Nhiều người dân sống tại đó cũng có mặt khi đại diện trên phường xuống đưa thông báo và hầu như ai cũng khá bất bình trước sự việc này.

Mỗi lần đi ngang qua đây, thấy cô ngồi nép vào một góc trước cửa nhà của người dân, thương tình vì hoản cảnh cho cô đứng bán, tôi lại thấy chạnh lòng. Tôi lo sợ rằng liệu cô còn có thể kiếm đủ tiền để nuôi con sau khi việc buôn bán bị hạn chế vì cấm đoán như thế này? Và liệu tương lai của con cô và gia đình có bị ảnh hưởng nặng nề hay không? Nghĩ vậy, mỗi ghé ngang con đường này, dù không hề đói tôi vẫn mua giúp cô một vài cái bánh rồi sau đó cho lại người khác và chỉ có thể hy vọng rằng mọi chuyện với cô đều ổn.

Tôi thật sự nghĩ cái lý cũng nên đi đôi với cái tình, việc buôn bán của người dân nếu không làm ảnh hưởng đến người khác và cũng không có ai than phiền thì nếu cho qua được thì nên cho qua, đây cũng là việc làm phước để giúp người dân có cơ hội làm việc bằng chính sức lao đông của họ, người ta đã bán được 7 năm mà không ai đả động đến, vì sao bây giờ lại cấm? Hay có ông chủ tịch phường mới lên thay? Ngẫm mà thấy xót xa. 

23.5.13

Những điều tốt đẹp không mang quốc tịch

Có rất nhiều cách để làm việc tốt, mỗi người hãy làm theo cách họ thấy phù hợp nhất, và hãy để người khác làm theo cách của họ.

Có lẽ Nick Vujicic  không biết rằng cuộc viếng thăm và diễn thuyết của anh, dù dưới danh nghĩa nào đi chăng nữa, một cuộc chiến tranh luận về tinh thần dân tộc và số tiền bỏ ra để đưa anh đến Việt Nam đã nỗ ra ầm ỉ trên các trang mạng xã hội.

Người thì thở thường thượt và đặt câu hỏi tại sao những tấm gương khuyết tật của Việt Nam không được đoái hoài đến, không được truyền thông quảng bá và không được nhiều người biết đến. Có anh MC thì phân tích số tiền 32 tỷ mà công ty Hoa Sen bỏ ra để đưa sách của Nick và bản thân anh đến Việt Nam để diễn thuyết, là phí phạm như thế nào và số tiền đó có thể làm được những điều mà theo họ là có ích hơn cho những người khuyết tật của người Việt Nam. Người thì đi xa hơn và nói về "bệnh sính ngoại" của người dân Việt Nam. Nói tóm lại là họ nói rất nhiều.

Tôi biết đến Nick Vujicic trước khi sách viết về anh trở thành một hiện tượng ở Việt Nam, tôi còn biết đến Spencer West, biết đến thầy hiều trưởng Nguyễn Ngọc Ký, anh Nguyễn Công Hùng v...v... và đối với tôi, họ giữ một vị trí ngang nhau, bởi họ là minh chứng cho những điều kỳ diệu và sự tốt đẹp, và những điều tuyệt vời đó không bao giờ có quốc tịch.

21.5.13

Sức mạnh của ý chí

Có lẽ không ít người biết đến sự kiên chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic với nghị lực sống mạnh mẽ đến Việt Nam để quảng bá sách và tham gia các hoạt động truyền thông bên lề gần đây. Tất nhiên tôi ngưỡng mộ nghị lực sống và những thành công của người đàn ông này. Sự hiện diện của anh là một minh chứng rõ ràng cho sức mạnh vĩ đại của tinh thần và ý chí.

Tuy nhiên, đây không phải là bài viết nói về Nick Vujicic. Người tôi muốn nói đến ở đây là Spencer West, một vận động viên leo núi không chân. Nếu so sánh với Nick Vujicic thì Spencer vẫn còn may mắn hơn rất nhiều khi còn có hai tay, nhưng điều đó không có nghĩa là anh kém bất hạnh hơn. Thế nhưng hai người đàn ông này có một điểm chung là sức mạnh tinh thần và ý chí mạnh mẽ. Nếu Nick truyền cảm hứng của mình thông qua những buổi diễn thuyết và sự hiện diện của anh trên cuộc đời thì Spencer lại thể hiện điều đó thông qua những chuyến hành trình leo núi của mình cùng những vận động viên leo núi hoàn toàn lành lặn và khỏe mạnh.  Qua những hoạt động này, Spencer đã vận động quyên góp được hơn $500,000 cho các dự án cứu trợ nạn nhân hạn hán và thiếu nước sạch tại Kenya.


Tôi biết đến Spencer West lần đầu tiên thông qua lyric MV của nữ ca sỹ người Canada Nelly Furtado nhằm quảng bá cho dự án của Spencer cũng như đĩa đơn Spirit Indestructible của Nelly. Chỉ trong vòng mấy phút ngắn ngủi, những khó khăn và sự cố gắng của Spencer được thể hiện trước mắt người xem và gây được ấn tượng cực kỳ sâu sắc. Lúc anh đặt chân đến đích vào cuối video cũng là lúc cảm xúc trong tôi vỡ òa.  Quảng thời gian ghi hình cho video là lúc anh đang thực hiện chặng đường leo đỉnh núi Kilimanjaro để kêu gọi mọi người quan tâm đến dự án nước sạch cho châu Phi.


Điều khiến tôi ngưỡng mộ nhất ở Spencer chính là việc anh quyết định tham gia chặng đường leo núi cùng cái vận động viên bình thường khác. Trong quá trình thực hiện chuyến hành trình của mình anh luốn cố gắng đuổi kịp các bạn đồng hành và cư xử như mình là một thành viên hoàn toàn bình thường của đoàn leo núi. Tất nhiên vẫn có khá nhiều sự giúp đỡ được dành cho anh, nhưng tất cả mọi người trong đoàn đều phải nể phục trước khả năng chịu đựng và tinh thần của Spencer.



Spencer West là niềm cảm hứng và là một nguồn động viên tinh thần to lớn cho bản thân tôi khi cảm thấy chán chường với cuộc sống. Nhìn vào những chặng đường núi anh đi qua, những công sức và nỗ lực anh bỏ ra, thật khó mà nói rằng cuộc đời này có những khó khăn và trở ngại mà con người không thể vượt qua.

Bạn có thể ủng hộ Spencer West cùng những dự án của anh thông qua các địa chỉ sau:

http://www.freethechildren.com/redefinepossible
http://www.metowe.com/speakers-bureau/view-all-speakers/spencer-west/
https://www.facebook.com/Spencer2TheWest


[Book review] Trời hôm ấy không có gì đặc biệt



Tôi tìm đến Trời hôm ấy không có gì đặc biệt bởi cái bìa sách dễ thương và tếu táo, thêm cái tone màu cam nhìn tươi mắt và một điều quan trọng nữa là quyển sách được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khuyên đọc trong một entry nào đó trên blog của chị mà tôi không nhớ và cũng không có nhu cầu tìm lại.

Những gì đọng lại trong tôi khi đọc quyển truyện không phải là đầu tay này của Phan An cũng chẳng có gì nhiều, bởi những gì quyển sách đề cập đến cũng không có gì mới lạ. Cái để lại ấn tượng ở đây là sự tưng tửng, trào lộng và hài nhảm khá khéo léo của Phan An khi nhắc đến những tệ nạn và vấn đề xã hội trong tác phẩm của mình. Về phần cá nhân mình, tôi cảm thấy Phan An, admin của trang lacai.org có phần thú vị hơn Phan An của Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, tiếc là trang web kia đã đóng cửa không biết ngày trở lại, cũng phải, bởi tác phẩm còn phải qua kiểm duyệt nên khó mà bày hết trò được. Tuy nhiên cũng cần phải nói rằng đây là quyển sách khá hài hước và đọc để thư giãn cũng như tìm vài tiếng cười trong một khoảng thời gian thì quả đây là một chọn lựa sáng suốt.

Trời hôm ấy không có gì đặc biệt là một câu chuyện kể về những sự kiện bi hài cười ra nước mắt xảy ra xung quanh một sự kiện hy hữu của một cậu sinh viên trường kiến trúc. Thông qua những câu chuyện và hồi tưởng của cậu sinh viên này, đọc giả sẽ được dẫn dắt từ hồi ức này đến kỷ niệm kia với tốc độ chóng mặt của tàu con thoi mà nếu không cẩn thận hoặc chú tâm thì dễ bị lạc trong một rừng chữ và câu kéo tương đối lộn xộn có chủ đích của tác giả. Tất nhiên, trọng tâm của cuốn sách theo ý hiểu của tôi là sự phê phán một cách mỉa mai và hài hước đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống mà chủ yếu là nhằm vào nền giáo dục nước nhà. Kết thúc truyện cũng không khiến người đọc bất ngờ hoặc có gì luyến tiếc, chỉ đơn giản như chúng ta vừa xem một  màn hài kịch và đến đậy như vậy là đủ.

Sách không quá mỏng, mất khoảng 3 tiếng là có thể đọc xong. Rất thích hợp cho những người đang thần kinh căng thẳng vì công việc hay cuộc sống. Nói cho cùng, tiếng cười thì thường dễ được hâm mộ và yêu quý hơn, còn cười kiểu gì thì thường phụ thuộc vào người đọc chúng ta. Tôi mừng là đã có được vài phút giây giải trí vui vẻ.

PS1:
Mà bên lề quyển sách này cũng có điều làm tôi thấy rất hài hước, một trong số đó là các comment của các em teen về cuốn sách trên Facebook của Nhã Nam. Nó "thú vị" đến mức tác giả phải share về bên FB của mình. Quả nhiên, sự hài hước không phải ai cũng có thể hiểu.

PS2:
Tôi vừa khám phá ra là Phan An đã từng làm ở Gameloft Hồ Chí Minh trong cưa vị là Department Lead của eCommerce team. Tôi cũng đã từng làm việc tại Gameloft Đà Nẵng trong cương vị Producer, điều này càng khiến tôi phục bác này vì có thể viết ra một cuốn sách vui nhộn như thế khi phải làm việc trong một công ty có áp lực khá là lớn. 

PS3:
Phan An có một website riêng của mình tại đây, các bạn có thể vào đó để coi bác ấy "chém gió". 

20.5.13

Món nợ của các bậc nhà giáo


Tôi muốn viết một cái gì đó vui vẻ về quyển sách Trời hôm ấy không có gì đặc biệt của Phan An nhưng có một số thứ đập vào mắt khiến dự định thay đổi, thôi đành có thêm chút gì đó đắng chát cho ngày hôm nay vậy.

Trong những ngày nóng nực của tiết trời mùa hè dường như cái gì cũng khiến mọi thứ như nằm trên lửa, từ bầu không khí của thiên nhiên cho đến hầm bà lằng các thứ khí khác từ đời thực cho đến đời ảo. Tất nhiên không thể bỏ qua tin tức nóng hổi, mà hình như một đại bộ phận không nhỏ các thành viên của mạng xã hội, những con người "yêu nước" và các thành phần khác đều quan tâm, về một phiên tòa nho nhỏ tại một thành phố nho nhỏ trên một cái đất nước cũng nho nhỏ nốt. Một bản án 6 năm và 10 năm được đưa ra lại càng làm cho tình hình nóng dần lên. Và một loạt những trò lố với tagline "Hồ Chí Minh sống mãi trong em", cùng với việc cộng thêm cho bác 50 năm tuổi.

Ở đây tôi không có nhu cầu bàn về các vấn đề yêu hay ghét chế độ, tôi cũng không bàn về các quan điểm chính trị hay các vấn đề có liên quan đến chính trị. Câu hỏi tôi đặt ra với bản thân mình trong tình huống này là biết tin vào bên nào? Điều này nói ra thì không hề quá ngạc nhiên bởi chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà thông tin thì đầy rẩy nhưng thực chất cũng như là chẳng có gì bởi các nguồn tin thì nhiều chiều mà tính xác thực thì không có ai kiểm chứng hay khẳng định, ngoài chính bản thân người đọc. Điều này dẫn đến một sự hồ nghi và hoang mang rất lớn. Tôi vốn không thích sự hồ nghi và bực bội với những gì gây hoang mang nên đối với những chủ đề không hứng thú tôi chọn cách thức bỏ qua, không quan tâm đến. Tôi không rõ những người khác trong trường hợp tương tự sẽ hành xử thế nào? Lờ đi hay tìm hiểu đến cùng?

Suy nghĩ này dẫn tôi đến hai câu hỏi lớn:

1. Nếu lờ đi như vậy, liệu nó sẽ trở thành một thói quen khiến con người bỏ qua những gì mơ hồ và gây hoang mang, cho dù đó là những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống của mình? Về lâu về dài chúng ta sẽ mặc định chấp nhận những điều mơ hồ đó và bị nó chi phối?

2. Nếu tìm hiểu đến cùng thì giữa những nguồn thông tin trái chiều như vậy và chỉ có bản thân chúng ta quyết định đâu là thông tin chúng ta có thể tin tưởng thì như vậy có quá mạo hiểm? Một nguồn thông tin sai có thể dẫn đến những cách nghĩ sai lệch và hệ quả của nó có thể lớn hơn những gì mà chúng ta tưởng tượng.

Ở hai câu hỏi trên, tôi nghĩ mỗi người sẽ có cho riêng mình một câu trả lời và chúng không hẳn là giống nhau. Nhưng dù câu trả lời như thế nào, để có thể giải quyết những vấn đề mà câu hỏi trên đặt ra, tôi nghĩ chúng ta cần có cho mình một kỹ năng biện chứng và một đầu óc đủ độc lập để quyết định cái gì là tốt cho mình. Và đây là điều tôi cảm thấy các bậc nhà giáo ở Việt Nam đã nợ các thế hệ học trò của mình rất là nhiều. Tôi không bàn về cơ cấu và hệ thống giáo dục của Việt Nam tệ thế nào ở đây, tôi cũng không bàn về những đợt cải cách thiếu khoa học và những căn bệnh thành tích cố hữu. Tôi không bàn về những gì thuộc về vai trò của hệ thống và tổ chức. Điều tôi muốn nói đến trong bài viết này là về vai trò của người thầy trong việc xây dựng nên khả năng tư duy biện chứng và cách nhìn nhận vấn đề một cách độc lập ở học sinh, những người được gọi là thế hệ tương lai của đất nước.

Trong những năm tháng dài ngồi trên ghế nhà trường và có người thân trong gia đình làm nghề gõ đầu trẻ, tôi hiểu được nổi vất vả của những người giáo viên khi họ phải chạy đua với cuộc sống mưu sinh hằng ngày cũng như phải chạy đua với căn bệnh thành tích của ngành, nhưng điều đó không có nghĩa là họ được phép đi ngược lại nghĩa vụ thiêng liêng của một người giáo viên là truyền đạt kiến thức và dạy dỗ học trò phải biết cách suy nghĩ chứ không phải là sao chép. Theo cách nghĩ của cá nhân tôi, nghề giáo là một ngành nghề cao quý mà ở đó người giáo viên là người thắp lửa và truyền đạt cho học viên niềm đam mê học tập cũng như cách thức tự mình tìm tòi nghiên cứu nguồn kiến thức vô hạn. Một người thầy giỏi không phải là người dạy tất cả mà là người biết làm thế nào để học sinh có thể tự mình tìm kiếm những kiến thức quý giá. Ở đây, trong trường hợp mà tôi muốn đề cập đến là cách suy nghĩ độc lập trước một vấn đề ở học viên, điều dường như không được giáo viên dạy trong 12 năm đi học của đời học sinh. Học sinh không được khuyến khích để nói lên quan điểm của mình trước một vấn đề nào đó trong quá trình giảng dạy của giáo viên. Học sinh không được chỉ bảo cách thức suy nghĩ theo cách hiểu của mình trước một bài thơ hay một tác phẩm văn học và học sinh cũng không được dạy cách thức đối diện với những luồng thông tin trái chiều và cách tự vấn bản thân xem mức độ đáng tin cậy của những nguồn thông tin ấy là như thế nào.

Tôi nhớ  vào năm tôi học lớp 11, khi tôi giơ tay xin phát biểu ý kiến về một đoạn thơ (trong một bài thơ nào đó mà tôi cũng quên mất tên) và hoàn toàn không có trong sách, lúc này cũng đã gần hết tiết và các bạn ngồi cạnh tôi đã tỏ ra khá khó chịu khi tôi đứng lên đặt câu hỏi với thầy giáo để giờ dạy tiếp tục. Bản thân thầy dạy Văn của tôi cũng khá lúng túng trước câu hỏi trên và câu trả lời tôi nhận được cũng khá là chung chung và tôi hầu như không thỏa mãn với những gì mình nhận được. Điều này để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc và từ đó tôi không bao giờ tìm đến giáo viên cho những câu hỏi của mình, tôi tìm đến thư viện và sách và tự quyết định rằng những gì mình thắc mắc là phù hợp hay không phù hợp. Điều này nói nên rằng các nhà giáo cũng không chuẩn bị cho mình một kiến thức đủ tốt để có thể chỉ cho học sinh của mình những cách nhìn nhận rộng lớn hơn, khác biệt hơn và tạo ra sự phấn khích và niềm đao mê tìm tòi trong lòng học sinh. Mưu cầu về một cuộc sống no đủ khiến một nhà giáo phải tất bật dạy thêm và không dốc hết công sức cho lớp học chính quy có thể được tôi bỏ qua và thông cảm, những áp lực về mặt thành tích và số lượng học sinh một lớp quá đông cho một giáo viên quan tâm đến từng học viên cũng có thể làm tôi thông cảm; nhưng sự thiếu lửa và thờ ơ với những con người trẻ tuổi đang cần được dạy dỗ về tính định hướng và sự tự suy là không thể chấp nhận đối với những người được mệnh danh là người "mở đường". Trong suy nghĩ của tôi, nếu đã không thể truyền đạt được những gì tốt đẹp mà học sinh cần, anh tốt nhất là không nên trở thành nhà giáo. Đó cũng là lý do tôi từ chối lời đề nghị ở lại làm giảng viên tại trường Đại học mà tôi tốt nghiệp bởi trong thâm tâm tôi biết rằng mình không phải là người có thể truyền đạt và dạy người khác những gì họ cần.

Chúng ta có thể thấy được một hệ quả to lớn trước mắt mà các bậc nhà giáo đã để lại là một bộ phận lớn các bạn trẻ không thể tự suy nghĩ cho riêng mình, họ hùa vào đám đông bởi họ nghĩ rằng những gì nhiều người tin và cho là đúng thì nó là đúng. Họ không tự phân biệt và chọn cho mình một cách nghĩ đúng và hơn hết là họ không xây dựng được tính tự phê bình bản thân và từ đó không thông cảm hay có một cách nghĩ đúng về những lời góp ý hoặc nhận xét từ người khác. Chúng ta cũng đã có một loạt những người trẻ tuổi bị nhào nặn đến mức không thể phân biệt được các giá trị của các tác phẩm văn học nếu không đươc người khác chỉ ra cho. Đến cả cách tư duy cho chính bản thân mình họ còn không làm được thì làm sao có thể hy vọng họ sẽ hiểu và thông cảm cho những người khác? Và trách nhiệm thuộc về ai? Bản thân họ hay những người làm nghề giáo?


Tôi cảm thấy bức ảnh trên rất thú vị, họ đều là thành phần của một thế hệ mới và họ có cho mình hai cách suy nghĩ khác nhau với những hành động khác nhau. Họ đều là một thành phần của một "sự thúc đẩy" mới cho đất nước này nhưng dường như cả hai đều đi theo hai hướng, không mấy thực sự tốt đẹp và có tương lai. Tất nhiên tôi không vơ đũa cả nắm vì còn rất rất nhiều bạn trẻ tài giỏi ở ngoài kia. Nhưng thật sự, nhìn vào bức ảnh trên tôi không thể tránh khỏi một cảm giác "châm biếm" đầy nghịch lý xâm chiếm bản thân mình. Nó như là một sự tiếc nuối trước những gì đang diễn ra và mình chỉ có thể bất lực đứng nhìn những dòng chuyển động ấy. Vâng, một lần nữa, chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi, nếu được, để chứng kiến những dòng chuyển động này, thật mỉa mai thay!

Đối với tôi, 6 năm hay 10 năm, thuộc về phe phái nào đều không quan trọng. Điều quan trọng là họ có được cho mình một cách nhìn nhận vấn đề riêng và họ tin tưởng vào điều đó cho dù kết quả cuối cùng có hơi tàn khốc đối với quảng đời tuổi trẻ phía trước. Niềm tin đôi lúc cần phải trả một cái giá, nhưng nếu được chuẩn bị tốt hơn, cái giá chúng ta phải bỏ ra sẽ không quá khắc nghiệt và đắt đỏ như vậy.

18.5.13

Mẹ tôi và 6 lời khuyên về Internet


Kỷ nguyên của Internet bắt đầu khi mà tôi vẫn còn là một đứa trẻ thò lò mũi chưa sạch, tất nhiên trong thời buổi đói ăn mà tôi được nuôi lớn, mẹ tôi không có bất kỳ khái niệm nào về thời đại công nghệ số đang đến và những ảnh hưởng của nó lên xã hội và đặc biệt là đến tôi.

Nhưng có lẽ bản thân bà cũng không biết rằng bà đã dạy tôi rất nhiều điều bổ ích để có thể sống sót trong kỷ nguyên số  chỉ đơn giản từ những bài học trong cuộc sống hằng ngày được truyền từ đời này sang đời khác của bà.

Dưới đây là sáu bài học tôi học được từ mẹ của mình để trở thành một công dân của thời đại số:

1. "Nếu con không biết phải nói gì cho tử tế thì tốt nhất là đừng nói gì cả"


Sống trong xã hội online của kỷ nguyên công nghệ thông tin này tôi phải xử lý khá nhiều thông tin, đọc những bài viết và cả những bình luận của những công dân mạng khác, tôi khẳng định đây là lời khuyên quý giá nhất mà tôi nhận được từ mẹ của mình cho dù bà không hề biết gì về internet. Những công kích cá nhân không dựa trên bất kỳ một dẫn chứng nào với những lời lẽ thô tục, hay tệ hơn là cả một đám đông cùng nhau bắt nạt và ngược đãi một cá nhân trên internet bằng những bình luận hiểm ác có thể dẫn đến những bi kịch đau lòng. Chúng ta vẫn nhớ về những trường hợp các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên đã phải kết liễu cuộc sống của mình vì những bình luận ác ý như thế này. Tôi luôn nhớ lời dặn này khi trả lời một bài viết hay đăng một comment mình nào đó của mình trên mạng xã hội. Nếu thật sự không thể nói một điều gì đó lịch sự và tử tế, tôi sẽ cố gắng hết mình để không cất lên tiếng nói làm đau lòng người khác.

2. "Con nhớ tìm hiểu thật kỹ trước khi làm điều gì đó"
 

Mẹ tôi thường nhắc nhở tôi như vậy khi yêu cầu tôi làm bài tập về nhà hay quyết định một điều gì đó, cho dù tôi là một đứa trẻ hay là một người đàn ông trưởng thành. Đối với Internet, đây là lời khuyên vô cùng hữu ích bởi trong thế giới số rộng lớn kia có rất nhiều thông tin trái chiều mà chúng ta không thể nhận biết là đúng sai ngay lần đầu tiên. Để là một công dân mạng tốt, chúng ta nên tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc của thông tin, đâu là nguồn trích dẫn đáng tin cậy và đó là thông tin đúng hay sai về một vấn đề, cá nhân hay tổ chức nào đó trước khi chia sẻ nguồn thông tin này đến những người chúng ta quen biết hoặc đến với toàn thế giới trong cộng đồng mạng của mình.

3. "Hãy nhìn vào mắt người khác khi con nói chuyện với họ"


Đối với Internet, câu nói của mẹ tôi có thể được hiểu rằng "hãy lắng nghe người khác khi họ đang nói". Sự phát triển của mạng xã hội cho phép chúng ta cập nhật thông tin, trạng thái, hình ảnh hay phát sóng video của mình một cách nhanh nhất, ở bất kỳ địa điểm nào và bất kỳ thời gian nào chúng ta muốn; nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta cho phép mình mù quáng đăng tải những gì mình thích. Hãy dừng lại một chút và lắng nghe phản hồi hoặc ý kiến từ những người mà chúng ta chia sẻ thông tin, hình ảnh hoặc video. Cho dù chúng ta đang ở trong một cộng động trực tuyến nhưng điều đó không hề ngăn chặn sự tương tác hai chiều để tăng chữ tín và lòng tin cậy lẫn nhau khi chúng ta chia sẽ một nội dung số nào đó. Hãy cho người khác chúng ta đang thật sự lắng nghe những gì mà họ nói.

4. "Đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài"


Mẹ tôi liên tục lặp đi lặp lại điều này với tôi trong cuộc sống hằng ngày và tôi nhận ra rằng điều này hoàn toàn đúng đối với mạng xã hội và thế giới số. Internet cho phép người dùng tìm kiếm những gì hoàn hảo nhất của bản thân và khoe nó ra trước toàn thế giới với những bức ảnh đại diện đẹp lung linh hay những dòng status, những entry thú vị về cuộc sống hiện tại; nhưng những điều đó không hoàn toàn phản ánh chính xác con người thật sự của chúng ta trong cuộc sống thực tại. Thật dễ dàng khi chỉ chia sẻ những hình ảnh đẹp hay những nội dung tích cực trên mạng internet, nhưng chúng ta nên nhớ rằng ai cũng có một cuộc đời thật ngoài kia trước khi họ đưa nó lên internet và không phải điều gì thực tế cũng giống như những gì được đăng tải trên mạng.

5. "Cẩn thận với lời ăn tiếng nói"


Thế giới vốn đã rộng lớn và ở một khía cạnh nào đó Internet còn thật sự vĩ đại hơn nhiều. Mẹ tôi luôn yêu cầu tôi phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói của mình khi giao tiếp với xã hội, tránh chửi thề và sử dụng từ ngữ thô tục hoặc không phù hợp với hoàn cảnh. Trong thế giới số, chúng ta thường không biết chính xác mình đang nói chuyện với ai và người khác có thể cảm thấy bị xúc phạm như thế nào với một số từ ngữ mà chúng ta dùng. Chính vì vậy, tôi cảm thấy rằng thật sự cần thiết khi chúng ta chọn lựa từ ngữ của mình ở trên mạng để giao tiếp với người khác một cách khôn khéo và phù hợp nhất có thể.

6. "Bạn con làm gì thì con phải làm y như vậy sao?" 


Đây là bài học quan trọng nhất mà tôi luôn ghi nhớ. Cho dù ở đời thực hay trên internet, điều quan trọng vẫn là "thành thực với chính bản thân mình". Chúng ta cần cố gắng giữ cho mình một thương hiệu cá nhân riêng, một tiếng nói riêng. Trong mạng xã hội, những trạng thái tinh thần thường gây hiệu ứng tác động lên đám đông một cách rộng rãi và mạnh mẽ, chúng ta được tiếp xúc với những tin tức nóng hổi ngay tức thời và điều đó đòi hỏi mỗi người một sự tỉnh táo và tránh bị cuốn theo những cơn bão thông tin mà bản thân vẫn chưa định hình và hiểu một cách thấu đáo.

Tóm lại, chẳng cần phải học đâu xa, thậm chí những điều bình thường từ một bà nội trợ cũng có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về cuộc sống, thực hay ảo. Những kinh nghiệm được đúc kết, luôn là những gì đáng quý và trân trọng.

(Nguồn từ Mashable, có được tinh chỉnh cho phù hợp với bản thân tôi) 

17.5.13

[Tập Viết] Lựa chọn


Thi thoảng, giữa những bộn bề công việc hay giữa những lúc cảm thấy cuộc sống của mình đang ở trong một guồng quay gấp gáp, tôi dừng lại và suy nghĩ về những sự lựa chọn. Tôi tự hỏi con người sinh ra là đã có sẵn những lựa chọn đang chờ đợi, hay đến một thời điểm nào đó bản thân phải tự quyết định đâu là chọn lựa của mình?

Trong một lúc ngồi nhìn bâng quơ tại một quán cà phê quen thuộc, tôi bất chợt đưa ánh nhìn của mình về chiếc tivi đang chiếu một bộ phim hành động Hollywood, một phim gì đấy của Arnold Schwarzenegger. Tôi nhớ mình đã từng xem bộ phim này trước đây, nhưng chịu không thể nhớ được tựa đề của nó. Phim hình như kể về chuyện nhân bản vô tính con người thì phải. Tôi cứ lơ đểnh nhìn bộ phim diễn ra mà không thật sự chú tâm vào nó, tuy nhiên tôi chợt bắt gặp một câu thoại trong phim và câu thoại đó chợt lôi thẳng tôi về thực tại và cứ thế lẫn quẩn trong đầu tôi  mãi, mà thậm chí đến bây giờ nó vẫn không dứt ra khỏi. Câu thoại là của một nhà đầu tư cho công trình nghiên cứu nhân bản vô tính con người, ông ta đưa ra lý lẽ của việc nên thông qua việc cho tiến hành nhân bản vô tính này. Luận điểm được ông ta sử dụng để bảo vệ cho quyết định và hành động của mình như sau: giả sử bậc phụ huynh của gia đình nào đó chỉ có duy nhất một người con, người mà họ hết mực yêu thương trong cuộc đời này, bỗng chốc có một ngày nằm liệt giường, chờ từng ngày để được chết vì bệnh ung thư não. Không cần phải nói chúng ta cũng có thể hình dung được rằng những bậc cha mẹ đó sẽ phải chịu đau khổ nhường nào khi ngày qua ngày phải chứng kiến đứa con rứt ruột đẻ ra của mình chống chọi trong vô vọng với cái chết. Lúc này, theo lời nhà đầu tư đó, cách duy nhất để cứu đứa con của gia đình ấy, chính là nhân bản con người. Bằng cách tạo ra một bản sao hoàn hảo, "bản gốc" sẽ được cứu sống bởi sự hy sinh của "bản sao". Nói cách khác, họ tạo ra một con người để làm vật hy sinh cho một con người khác. Đó là mục đích cuối cùng của việc nhân bản vô tính. Dẫu biết đó chỉ là một bộ phim giải trí nhưng tôi cũng không tránh khỏi rùng mình bởi ý nghĩ và mục đích của việc nhân bản vô tính đó.

Tôi tự hỏi, giả sử tôi là người cha của gia đình bất hạnh ấy, và bác sỹ đến trước mặt tôi mà nói rằng phương án nhân bản vô tính trên là con đường duy nhất để cứu lấy đứa con tội nghiệp đang chờ chết của tôi. Tôi phải quyết định thế nào đây? Một bên là tình cảm lớn lao dành cho hình hài bé bỏng mà cả cuộc đời tôi yêu thương, một bên là đạo đức và lý trí của phần "người" trong tôi. Làm sao có thể xuống tay lấy đi bộ não của một con người, cho dù đó là sản phẩm của một quá trình nhân bản từ chính những tế bào của con cái mình. Có là người nhân bản, thì họ vẫn có cảm xúc, có tình cảm, có nỗi đau, làm sao có thể cho họ một sự sống để rồi sau đó lấy nó đi một cách thật tàn bạo. Làm sao họ có thể tự nguyện hiến dâng sinh mạng mình cho một người mà họ không hề quen biết cho dù họ được tạo ra từ tế bào của người ấy đi chăng nữa. Còn người khác thú vật ở điểm chúng ta có tình cảm, có suy nghĩ và có nền tảng đạo đức. Tuy nhiên, đó là những phạm trù luôn đấu đá lẫn nhau khi chúng ta cần phải quyết định một chuyện gì đó thật sự quan trọng. Tình cảm luôn làm đầu óc chúng ta suy nghĩ thật không rõ ràng, lý trí luôn chống đỡ không mệt mỏi với những ký ức tràn ngập yêu thương và nền tảng đạo đức luôn làm trái tim phải đau khổ vì những suy nghĩ mà chúng ta biết chắc chắn rằng một khi đã làm hành động gì đấy ảnh hưởng đến những “thành trì đạo đức” mà chúng ta tin tưởng sẽ khiến lương tri của chúng ta hối hận cả một đời. Có người nói“không có gì đẹp đẽ bằng con người và cũng không có gì kinh khủng hơn con người”, quả thật câu nói đó thật sự đúng trong những trường hợp như thế này. Đôi lúc tôi cũng không thể tưởng tượng được là tại sao cùng một lúc con người có thể tạo ra những điều cực kỳ tốt đẹp để rồi sau đó lại gây ra những lỗ hổng không bao giờ lấp đầy trên dòng lịch sử nhân loại, quả thật là kỳ diệu, kinh khủng nhưng kỳ diệu.

Trở lại với suy nghĩ trên, tôi biết rõ mình sẽ phải đối diện với một cuộc tranh đấu tư tưởng mà cho dù lý trí hay tình cảm chiến thắng, người chịu đau khổ vẫn chỉ có bản thân tôi mà thôi. Một bên là niềm hạnh phúc vì đã cứu được "giọt máu" của mình, một bên là sự ảm ảnh bới tính thú vật và tính sát nhân trong quyết định có thể ám ảnh cả cuộc đời còn lại của tôi. Có quá nhiều mâu thuẫn cùng một lúc xảy ra, có quá nhiều điều đáng sợ có thể được thực hiện.
Tiếp nối sau đó còn là cảm giác lo sợ, lo sợ chính đứa con của mình sẽ phát hiện ra việc làm kinh khủng của cha , rồi lo sợ từ đó nó sẽ không còn yêu thương con người nữa. Nhưng cuối cùng thì, tôi vẫn phải tiến lên để mà đưa ra quyết định cuối cùng, đau khổ đấy nhưng đó là việc phải làm và đó là lựa chọn của riêng mình tôi để quyết định. Tôi đã có trong đầu lựa chọn của mình và điều đó khiến tôi sợ hãi.

Tôi từng mơ tưởng rằng khi lâm vào một tình thế nào đó để phải ra quyết định và cân nhắc những chọn lựa, tôi sẽ cố chọn giải pháp để mình không bao giờ phải hối tiếc. Nhưng cuộc sống thật ra không bao giờ dễ dàng như vậy, lựa chọn nào rồi cũng sẽ làm chúng ta hối tiếc khi nhìn lại những quyết định mình đã đưa ra, cái chính là chúng ta có quên đi được sự hối tiếc để mà tiếp tục sống và thực hiện những chọn lựa khác nhau này hay không mà thôi. Có quá nhiều lựa chọn, chưa bao giờ là một điều tốt.

PS: Sáng nay đọc tin tức về Nguyễn Phương Uyên bị tù 6 năm, cảm thấy chạnh lòng, âu đó cũng là lựa chọn của em, nhưng cái giá phải trả cho nó thì thật sự là quá đắt.

16.5.13

[Tập viết] Tình yêu là gì?



Trong một đêm không ngủ được, tôi vô thức đọc lại những note, entry tôi đã từng viết trên Facebook, trên blog cá nhân và cả trên Tumblr, tôi chợt nhận ra một điều, tuổi 22 của tôi thường xoay quanh những câu chữ về tình yêu đôi lứa. Tuổi 23 của tôi là những dòng tâm sự bí ẩn đến mức mà giờ đọc lại tôi cũng chả hiểu. Vậy còn tuổi 24 này thì sao? Và cũng chẳng còn bao lâu nữa tôi cũng sẽ bước qua tuổi 25, cái tuổi đánh dấu một phần ba đoạn đường của một đời người (ấy là nếu tôi sống đến năm 75 tuổi), đến lúc đó tôi sẽ suy nghĩ như thế nào? Về tình yêu.

Cũng đã hơn một năm nay, tôi không đặt cho mình những câu hỏi về thứ tình cảm mà cả nhân loại tôn thờ, tôi không nghĩ nhiều tình cảm lứa đôi, trừ cái note nhắn nhít tôi viết để chọc ghẹo bạn bè trên Facebook, dường như tôi đã lờ đi những gì liên quan đến chữ YÊU. Trông thoáng chốc, tôi buộc mình phải suy nghĩ về nó, hy vọng tìm lại được những cảm xúc mãnh liệt mà tôi từng cảm nhận được. Việc này, giống như một quá trình cố gắng tìm lại vị giác của một món đồ ăn ngon mà đã lâu rồi không ăn lại, tưởng chừng như đơn giản, nhưng tìm mãi thế nào cũng không chính xác.

Tuổi 22 của tôi, tình yêu là sự mãnh liệt. Tôi vội vã, tôi hấp tấp và tôi như một kẻ chông chênh. Đối với tôi, yêu là cảm nhận bằng cảm xúc, là thật với chính mình và với người khác. Yêu là sự vỗ về ngọt ngào, những câu nói thì thầm, những cái ôm siết chặt, những giọt nước mắt đến tê tái và cả những cái nhìn đến lạnh buốt. Tuổi 22 của tôi, yêu là cả một sự ích kỷ, là sở hữu và là tất cả những gì chỉ thuộc về tôi và của tôi. Tôi căm ghét những ai nói rằng nếu yêu ai đó thật lòng thì dù có chia tay cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu người ta yêu hạnh phúc. Tôi, tự đào hố, chôn tình yêu của mình.

Tuổi 23 của tôi, tình yêu là sự tự do, là không ràng buộc và mong muốn được là chính mình. Yêu đối với tôi trở thành một trải nghiệm dưới những hình thức khác nhau. Những cái ôm, những lời hứa và cả những nụ hôn đã không còn "vị" như trước đây. Theo một cách hiểu nào đó, đã trở nên quen thuộc. Tôi đã biết phải làm gì với tình yêu, tôi đã biết phải kiên nhẫn nhưng tôi cũng biết phải tránh bị tổn thương như thế nào. Tình yêu, như ngọn lửa leo lắt, chưa tàn nhưng không thể bùng cháy trở lại. Tôi, tự đẩy tình yêu của mình đi xa.

Vậy bây giờ thì sao? Tình yêu với tôi là gì? Tôi thường cố gắng lờ đi những câu hỏi này. Tôi cố gắng sống một cách bản năng nhất nhưng cũng tìm cách che dấu đi những gì mình cảm nhận, bởi đơn giản, tôi nhận ra, tình yêu, rốt cuộc cũng chỉ có thể tự mình cảm nhận, dù ngọt  ngào hạnh phúc hay đắng chát khổ đau, thì vẫn là một trải nghiệm đẹp. Tình yêu giúp tôi trưởng thành và hàn gắn nỗi đau. Đôi lúc tôi lạc lối, nhưng nghĩ về những kỷ niệm và trải nghiệm đó giúp tôi vững tin hơn trên đoạn đường đời của mình.

Tuổi 25 của tôi, tình yêu của tôi, mọi thứ rồi sẽ khác. Còn khác thế nào thì tôi cũng không trả lời được.

12.5.13

Tôi viết gì khi viết về mẹ



1. 
Hôm nay là Chủ Nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2013. Đối với toàn thế giới, hôm nay là Ngày Của Mẹ. Đối với gia đình tôi, hôm nay là ngày tròn 16 năm ngày ba tôi qua đời. Tôi chợt cảm thấy cuộc sống thật có quá nhiều điều trùng hợp thú vị. Rốt cuộc, dù đã thuộc về hai thế giới khác nhau, ba mẹ tôi cũng có chung một ngày của riêng mình, cứ như họ vẫn còn có một mối liên hệ nào đấy. Cũng như những đứa con trên toàn thế giới, tôi mua cho mẹ mình một ổ bánh (tôi không mua hoa vì biết bà vốn không thích phung phí tiền bạc vào những bông hoa), cũng ôm mẹ một cái và cố gắng thốt ra cái câu "Con thương mẹ" một cách ngại ngùng. Tất nhiên, những hành động trên ngoài xuất phát từ sâu trong trái tim bởi ý nghĩ muốn làm một cái gì đó khác biệt so với nhịp sinh hoạt thường ngày của gia đình, nó còn có một chút gì đó chạy theo phong trào và tôi nghĩ điều đó cũng không có gì xấu cho lắm, phải không? Nghĩ lại một chút, cuối cùng tôi muốn kết thúc ngày hôm nay bằng cách viết một cái gì đó về mẹ, người phụ nữ đã dạy tôi tất cả những gì tôi nghĩ là cần thiết cho cuộc sống này. 

2.
Tôi nhớ đã từng đọc một câu truyện ngắn trên báo Hoa Học Trò cách đây đã rất rất lâu. Trong câu truyện được đăng báo, tác giả tả về một giờ học tập làm văn, trong đó giáo viên cho một đề văn miêu tả về mẹ. Có một vài tiếng phàn nàn của các bạn học sinh vì trật tủ và có bạn nói không biết phải viết cái gì về mẹ cả, chính điều này đã làm tác giả buồn và viết ra một câu truyện ngắn. Tóm lại là tôi cũng chỉ nhớ có từng đó và thật tình tôi cũng khó mà trách bạn học sinh nào đó ở trên đã nói không biết phải viết cái gì về mẹ, bản thân tôi có thể dễ dàng vung bút viết về những chuyện, những con người ở tận đâu đâu, thậm chí là ở đâu đó cách đất nước này nửa vòng trái đất, vậy mà để viết ra một đoạn văn đàng hoàng tử tế về mẹ của mình cũng khiến tôi đôi lúc cảm thấy bất lực. Mỗi khi nghĩ về mẹ của mình, những hình ảnh về quá khứ, cảm xúc về tình mẫu tử luôn làm tôi cảm thấy mình khó mà tìm được một từ ngữ nào thích hợp để miêu tả về những gì mẹ đã làm cho mình. Và hôm nay, trong ngày dành cho mẹ, tôi cố gắng hết sức mình để viết ra một cái gì đó để dành cho bà cho dù bà sẽ không bao giờ đọc được, bởi xét trên một phương diện nào đó, viết  có lẽ là cách duy nhất tôi biết để thể hiện tình cảm của mình.

Để bắt đầu, tôi phải nói rằng mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán, nếu nghĩ về một hình mẫu phương Tây nào để so sánh, tôi thường liên tưởng nét tính cách của mẹ mình có phần nào đó hao hao cố thủ tướng nước Anh - Margaret Thatcher; tất nhiên là chỉ hao hao phần nào đó theo quan điểm của tôi. Có thể một số người quen biết tôi ngoài đời sẽ cho rằng bởi ba tôi qua đời sớm và một mình bà phải nuôi hai đứa con nên mẹ tôi bắt buộc phải trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập. Điều đó hoàn toàn không đúng. Qua những gì tôi được nghe kể lại từ mẹ và từ những người cậu, mợ trong gia đình, ngay từ nhỏ mẹ của tôi đã là một cô bé có cá tính. Từ năm lên 4 tuổi bà đã phải lãnh trách nhiệm trông nom cậu út trong nhà ngoại của tôi, năm 6 tuổi bà phải ra Huế để trông nom cho anh họ tôi để dì tôi lúc đó là vợ của một đại tá của Việt Nam Cộng Hòa. Ở ngoài Huế, không có ai chăm lo, đã có lúc bà sốt rất cao và nằm trên chiếc xích đu trong vườn nhà, cậu tôi từ Sài Gòn vào chơi thấy vậy thì vô cùng bực mình và bế thẳng bà trở về Đà Nẵng. Bà đã phải sống tự lập ngay từ khi còn nhỏ bới lúc đó gia đình ngoại tôi nghèo. 

Cách mạng về, ông ngoại tôi trắng tay cho dù trước đây cũng không có nhiều của ăn của để gì, bởi tiền bạc và vàng gởi trong ngân hàng đã mất sạch và không còn chút giá trị dưới chế độ  mới.  Bởi nghèo và vốn tính nghiêm khắc thường thấy của người Huế, ông ngoại tôi trở nên xa cách và hằn học với con cái, đặc biệt là với những người con gái. Năm 11 tuổi mẹ tôi đã phải đi phụ bán nước mía cùng dì tôi. Năm 12 tuổi ông ngoại không cho bà đến trường để ở nhà phụ giúp gia đình. Cả cuộc đời bà, có lẽ chỉ được 3 năm chính thức ngồi ghế nhà trường. Năm 13 tuổi, mùa hè bà tự đẩy xe nước mía ra đầu xóm để bán, các khoản thời gian khác thì phụ bà ngoại buôn bán ngoài biển Thanh Bình, một cái vịnh của thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là khoản thời gian mà bà gặp ba tôi lần đầu tiên, tuy nhiên cuộc chạm trán này lại không để lại ấn tượng tốt đẹp gì trong tâm trí bà. Ba tôi vốn là bạn của cậu tôi, hai người thường xuyên cãi vã nhau vì những lý do trẻ con vặt vãnh, một hôm vì bực mình cậu tôi mà ba tôi đã cầm một cục đá ném bể tủ kính bán thuốc lá của mẹ tôi. Tối hôm đó, mẹ tôi đã bị ông ngoại cho ăn một trận đòn nhừ tử vì đã không giữ gìn tủ thuốc. Tất nhiên bà rất là ức và không tiết lời tổng xỉ vả ba tôi, và bà thề rằng từ đó về sau sẽ không bao giờ nói một lời với "thằng khốn" đó. Vậy mà năm bà 25 tuổi, bà đã lấy người bà từng gọi là thằng khốn đó làm chồng, duyên nợ cuộc đời quả thật thú vị, nhưng đó lại là một câu chuyện khác mà tôi hy vọng có thể chia sẽ với mọi người sau này. 

Có thể nói từ năm 11 tuổi đến năm 15 tuổi mẹ tôi đã phải làm khá nhiều công việc buôn bán lặt vặt khác nhau để trợ giúp gia đình, bên cạnh đó bà còn phải làm tất cả các công việc trong nhà. Có những đêm đã hơn 11 giờ tối, bà vẫn phải thức chờ ông ngoại đi đạp xích lô về để dọn cơm và sau đó rửa chén bát, nhiều lúc bà ngồi chờ với cái bụng đói và sau đó thèm thuồng nhìn cậu út ăn chiếc bánh mỳ nóng hổi ông ngoại tôi mang về (lúc đó ông ngoại chỉ cưng nhất có hai người trong đám con cái 10 đứa của mình là cậu út và một người dì bị bệnh tim bẩm sinh của tôi). Sự thèm thuồng, sự cơ cực và tủi thân đó đã để lại trong đầu mẹ tôi một ấn tượng sâu sắc mà sau này bà nói rằng, bà sẽ cố gắng làm việc và cho dù bà có đói thế nào cũng sẽ không bao giờ để con bà phải thèm thuồng bất cứ cái gì, lúc đó tôi thật sự không hiểu lắm những gì bà nói, nhưng sau ba năm đi làm, tôi có thể hiểu được tình cảm sâu sắc và tâm tư của bà khi nói ra câu nói đó. Năm 16 tuổi, vì muốn sống một cuộc sống tự do và cũng muốn được giúp đỡ gia đình mình nhiều hơn, mẹ tôi đã xin ông ngoại vào làm trong một lò vôi ở Hội An. 

Trong lò vôi tại Hội An, mẹ tôi là người con gái nhỏ tuổi nhất tại đó. Cuộc sống tại lò vôi trong giai đoạn này vô cùng cực khổ, cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, bà phải làm tất cả các công việc bưng bê vôi sống như bất kỳ người đàn ông nào, có những lúc vôi làm bỏng rát cả hai vai của bà, nhưng điều đó cũng không hề khiến bà dừng lại. Bà làm lụng và tiết tiết kiệm để dành tiền gởi về nhà sau khi đã trang trải một ít chi phí cá nhân. Thời gian đó mẹ tôi vô cùng gầy gò và mảnh khảnh bới đói ăn (chế độ tem phiếu) và làm việc cực nhọc, nhưng bà luôn nói rằng đó là khoản thời gian bà cảm thấy hạnh phúc vì bà được sống một khoảng thời gian của niềm vui tuổi trẻ, được sống với bạn bè. Bà ở lại Hội An một năm thì ông ngoại gọi về, sau khi về Đà Nẵng, bà đi học bổ túc trong hai năm và rồi xin học trường đào tạo mầm non, rồi xin vào làm cấp dưỡng cho nhà trẻ Tiên Sa, cũng là nơi bà gắn bó cả cuộc đời của mình cho đến tận bây giờ. 

Để xin vào vị trí cấp dưỡng tại nhà trẻ Tiên Sa, bà đã phải chạy 5 phân vàng cho mẹ của một người mà mẹ gọi là người yêu cũ. Lúc đó nhà trẻ thông báo tuyển cấp dưỡng mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào, nhưng vì không biết thông tin và bị mẹ của người yêu cũ lừa nên mẹ tôi phải chạy chọt mượn tiền để xin vào làm. Sau này biết được thông tin đó mà bà đã chia tay ông người yêu cũ đó, tôi thì cho rằng đây quả là ý trời. Lúc đó bà có chơi một chân hụi trong xóm và sau đó thì bị họ quỵt tiền hụi. Mẹ tôi đã rất tức giận và đến tận nhà người quỵt tiền để đòi, khi họ nói không có tiền, bà đã lao vào nhà lấy chiếu và mùng để cầm cố. Khi kể lại điều này với tôi bà đã cười không ngớt mà nói rằng không hiểu bà lấy đâu ra sức mạnh để làm điều đó, điều mà trước đây bà không bao giờ nghĩ tới. Sau đó, anh đội trưởng công an phường, người có quen biết với mẹ tôi đã đến và khuyên mẹ trả lại chiếu và mùng cho gia đình kia vì như vậy là phạm pháp, bà đành phải trả lại mọi thứ trong ấm ức và nước mắt đầm đìa. 

Trong khi học tại trường đào tạo cô nuôi dạy trẻ lúc bấy giờ, mẹ tôi thuộc vào top 3 của trường, cho dù bà chỉ được đào tạo chính quy có 3 năm. Bà đã phải dấu điều này khi xin vào trường đào tạo cô nuôi dạy trẻ vì bà cho rằng không gì xấu hổ bằng việc không có kiến thức và không được giáo dục. Thành thích học tập của bà trong khóa đó rất cao và bà được chọn để báo cáo điển hình cuối khóa. Vào lúc đó, có một cô, hình như là tên Tâm, vì ghen tức với thành thích của mẹ tôi nên đã đặt điều nói xấu bà với mọi người bà. Khi nghe người khác kể lại, bà đã hẹn gặp cô Tâm đó để nói rõ mọi chuyện, sau một hồi cãi nhau và cô Tâm đó có một vài lời xúc phạm đến mẹ tôi, bà đã không ngại ngừng vung tay tát cô ta một bạt tai. Mọi người chứng kiến đều rất là sốc bởi mẹ tôi vốn nổi tiếng hiền lành, nết na và sống biết điều ở trong trường. Sau sự kiện cái bạt tai đó, mẹ tôi đã không được báo cáo điển hình cuối khóa nữa. Mẹ nói với tôi rằng bà đã không hối tiếc khi làm như vậy, bà cho rằng cho dù hiền lành đến thế nào, phẩm giá của một người là điều tối quan trọng, khi phẩm giá bị xúc phạm và chúng ta đã dùng cách hòa bình nhất để giải quyết mà không được gì thì chỉ còn cách sử dụng bạo lực mà thôi. Tất nhiên là bà cấm tôi đánh người khác. Nhiều khi tôi thấy các bật phụ huynh thật là mâu thuẫn. 

Sau khi làm ở trường mầm non Tiên Sa, đến năm 25 tuổi mẹ tôi cưới ba tôi và một năm sau đó tôi chào đời. Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn và tất nhiên nhà nào cũng đói. Ba tôi lại có tham vọng ra làm riêng nên đã bỏ việc thợ máy mà ra mở cửa hàng cơ khí riêng. Mẹ tôi đã phải làm hai ba công việc một lúc, buổi sáng thì nấu cháo để bán, tối lại sau khi hoàn thành công việc tại trường thi làm sữa chua để bán và tới 8h tối thì ra phụ bà nội tôi bán trứng vịt lộn trước ga Đà Nẵng. Làm nhiều như vậy nhưng nhà tôi lúc nào cũng không đủ ăn bởi phải trả thêm chi phí thuê ki-ốt làm cửa hàng cho ba tôi, lại gặp điều kiện kinh tế khó khăn nên ba tôi không làm ăn ra. Lúc đó ông lâm vào cảnh thất chí và uống rượu suốt ngày, sau khi uống rượu thì lại đi đánh bài để quên đi hiện thực tàn khốc và cũng cố gắng tìm một vận may nào đó. Một hôm, mẹ tôi vừa trông tôi vừa nấu nước sôi để làm sữa chua, bà bô tình trượt chân trên một vũng nước và làm bỏng cả một bên chân vì nước sôi đổ vào người. Trong suốt thời gian bà bị thương, bà vẫn tìm cách để ngăn ba tôi không đi đánh bạc. Hằng đêm, bà nghe phong phanh thông tin chỗ nào ba tôi đến đánh bạc, bà đều tìm đến con đường có tụ điểm ấy, nhìn  vào từng nhà để kiếm. Một ngày, trên đường Nguyễn Hoàng, tình cờ phát hiện ra chiếc xe đạp của ba tôi trước một căn nhà. Bà đòi vào gặp ba tôi nhưng người giữ cửa không cho, bà ở ngoài kêu gào tên ba tôi và đòi ông ra ngoài cho bằng được, một lúc sau ba tôi bị đẩy ra ngoài. Ông đuổi mẹ tôi về nhưng bà nhất quyết chỉ ra về khi ông cùng về. Bà khuyên ngăn ba tôi hết lời, có lẽ vì thấy giáng vẻ tôi nghiệp với cái chân phỏng của bà, mà ba tôi đã thú nhận là đã thua khá nhiều tiền, ước tình chừng 1 hay 2 chỉ vàng gì đấy và ông muốn gỡ lại những gì đã mất. Mẹ tôi đã lột 5 phân vàng cuối cùng của gia đình và đưa cho ba tôi, bà nói rằng ông có thể đánh hết hôm nay và nếu ông thua hết 5 chỉ vàng này thì kể từ nay về sau ông tuyệt đối không được đụng đến bài bạt nữa, nếu không bà sẽ bồng tôi và bỏ nhà ra đi. Tất nhiên là ba tôi thua sạch. Nhưng điều đó không ngăn ông tiếp tục dấn thân vào con đường cờ bạc. Vậy là mẹ tôi đã bồng tôi và bỏ về ngoại. Ba tôi về nhà không thấy vợ con đâu thì phát hoảng, ông chạy xuống ngoại nhưng cũng không thấy mẹ tôi, ông sợ vợ mình làm bậy nên chạy thẳng ra biển thì quả nhiên thấy bà đang bế tôi đứng ngoài đấy, mặt ba tôi theo lời mẹ tôi kể là tái mét không còn giọt máu vì nghĩ rằng mẹ tôi định tự vẫn, khi kể lại cho tôi thì bà ôm bụng cười vì bà nói rằng thật ra lúc đấy bà chỉ đứng đó và làm ra vẻ như vậy để hù ba tôi mà thôi; nghe như vậy tôi phải nói rằng phụ nữ quả thật không hề đơn giản. Ba tôi đã phải lạy lục và thề sống thề chết sẽ không bao giờ đụng đến bài bạc nữa thì mẹ tôi mới chịu theo ông về nhà, và quả thật kể từ đó cho đến lúc ông qua đời, không bao giờ ông con đụng đến một con bài nào cả. 

Năm tôi lên 6 hoặc 7 tuổi, cuộc sống của gia đình có phần khắm khá hơn khi ba tôi bắt đầu lằm ăn nên ra. Lúc này ông muốn mẹ tôi bỏ nghề cô nuôi dạy trẻ để ở nhà chăm sóc gia đình hoặc ra buôn bán ngoài vì ông cho rằng đồng lương kiếm từ nghề nuôi dạy trẻ quá ít trong khi mẹ tôi phải làm việc quá nhiều. Mẹ tôi đã kiên quyết phản đối vì bà muốn giữ cho mình một cái nghề và muốn mình được tự chủ hơn trong vấn đề kinh tế. Bà nói với tôi rằng bà không muốn trở thành một người phụ nữ phụ thuộc vào chồng và suốt ngày chỉ biết có gia đình và bếp núc. Bà tiếp tục tham gia lớp học lấy bằng 12+1 và 12+2 trong hai năm liền để trở thành giáo viên chính được đứng lớp. Mẹ tôi là giáo viên đầu tiên thuộc thế hệ của bà tại trường mầm non Tiên Sa có bằng 12+2. Năm tôi lên 9 tuổi cũng, mẹ tôi mang thai em gái tôi và cũng là lúc ba tôi qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim. Gia sản ba tôi để lại chỉ vài chục triệu sau khi trừ đi các khoản nợ thanh toán cho công nhân làm công trình. Tất nhiên tôi nghĩ rằng mẹ tôi tuyệt vọng vào thời điểm đó. Nhưng có lẽ chưa bao giờ trong ký ức tuổi thơ của tôi có hiện diện một hình ảnh nào của một người phụ nữ tuyệt vọng, có lẽ mẹ đã không cho tôi thấy điều đó. Bà vẫn lặng lẽ lo lắng chu toàn đám tang của ba trong khi chỉ còn 2,3 tháng nữa là em tôi chào đời. Sau khi hạ sinh em tôi, 2 tháng sau bà đã quay trở lại trường làm việc và làm thêm để kiếm tiền. Trong khoảng thời gian em tôi một tuổi, bà làm 3 công việc cùng một lúc, sáng bán căng tin tại một trường tiểu học, cả ngày làm giáo viên dạy trẻ và tối thì đi ghi sổ công trình đổ đất cho cậu tôi. Tất cả những gì bà làm, cốt để nuôi sống anh em chúng tôi và sửa lại căn nhà của gia đình tôi bên quận ba để 3 mẹ con có thể quay về nhà với một không khí ấm cúng hơn. Trong khoản thời gian này, bà cũng tiếp tục nộp đơn đi học đại học để lấy bằng đại học tâm lý mầm non. Bà cũng là giáo viên đầu tiên trong trường lấy được bằng đại học này. 

Mẹ tôi là một người đa cảm và lãng mạn. Đối với bà, âm nhạc, thơ ca là những thứ có thể làm bà xúc động. Nhưng đối với chuyện tình cảm, bà cũng rất là dứt khoát. Bà yêu với một lý trí vững vàng và bà biết đâu là thời điểm cần phải dừng lại. Trong tâm trí bà, con cái là điều quan trọng nhất, tất cả những thứ khác đều phải đứng sau. Có một dạo bà yêu một người đàn ông có gia cảnh tốt, phù hợp với mẹ tôi rất nhiều nhưng ông ta muốn chỉ bà và em gái nhỏ của tôi sống cùng ông, còn tôi lúc này đã học lớp 9 có thể tự lo và sống tự lập ở nhà của mình, hằng tuần bà có thể về thăm tôi thường xuyên. Tất nhiên là mẹ tôi đã không đồng ý và chia tay với người đàn ông đó mặc dù tôi cho rằng bà vẫn còn có tình cảm rất nhiều với ông ta. Chỉ duy nhất một lần tôi thấy bà mù quáng vì yêu, điều đó cũng gây cho tôi một sự khổ tâm mà mãi về sau có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được. Tôi chỉ mong ước mẹ của mình có một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người mà bà yêu thương, nhưng dường như điều đó là không thể tại thời điểm đó. Sự dằn vặt và cả mâu thuẫn, tất cả đều đi đến một hồi kết mà người bước ra khỏi mớ lộn xộn tình cảm ấy, vẫn luôn là mẹ tôi. Bà sẵn sàng bỏ lại hạnh phúc cá nhân của mình đằng sau để gia đình tôi có thể sống yên ổn. Điều đó làm tôi vừa nể phục bà, vừa không tán đồng với bà, nhưng có lẽ tôi phải luôn tôn trọng những gì mà bà đã làm. Suy cho cùng, tất cả những điều đó chỉ nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp cho hai anh em tôi mà thôi. 

3. 
Người phụ nữ đã sinh ra và nuôi nấng tôi thành người cũng là người đã dạy cho tôi tất cả những đức tính tốt đẹp của một con người tốt. Bà nghiêm khắc với tôi nhưng cũng vô cùng dịu dàng. Bà dạy tôi phải sống như một con người và phải biết tha thứ với lỗi lầm của người khác, điều quan trọng và tốt đẹp nhất của một con người là sự khoan dung, thứ mà có lẽ đến giờ tôi cũng không hiểu rõ mấy cho dù có được mẹ dạy nhiều như thế nào. Bà dạy tôi về sự cần mẫn và lòng quyết tâm để đạt được một điều gì đó; tôi luôn tin rằng nếu bà được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả hơn và được học hành tử tế, chắc hẳn bà sẽ làm được một điều gì đó lớn lao và thành công. Tôi học được rất nhiều thứ từ người phụ nữ tuyệt vời này, và điều quan trong khiến tôi luôn tự hào về bà là bởi bà luôn tôn trọng những gì tôi làm, bà không phải đối cho dù bà không thích một vài hành động hay ý tưởng mà tôi có. Trong gia đình của tôi, mọi thứ phải bắt đầu bằng sự trao đổi, thảo luận và đi đến một sự đồng thuận chung và chính bà là người tạo ra được một tiền đề tuyệt vời ấy. 

Tất nhiên mẹ tôi cũng có những rắc rối và tật xấu của bất kỳ người phụ nữ nào khác, và đôi khi điều đó cũng khiến tôi cảm thấy bức bối và khó chịu. Nhưng điều đó càng làm tôi ngưỡng mộ bà nhiều hơn nữa bởi bà là một người phụ nữ không hoàn hảo. 

Có thể sau này, khi nhìn lại, ký ức của tôi sẽ chỉ còn là những vệt màu loang không rõ nét, nhưng chắc chắn một điều, trong những vệt màu ấy, ký ức và hình ảnh về mẹ, luôn là những gì sống động và đẹp đẽ nhất, bởi đó là mẹ của tôi. 

8.5.13

Chó chết người chết


Tôi nhớ có một thời điểm tin tức về những vụ người dân trong một làng hoặc xã cùng nhau đánh chết những kẻ bắt trộm chó xuất hiện khá nhiều trên các trang báo điện tử, gần đây tôi cũng đọc được một vài tin như vậy. Có chỗ thì kẻ đập chó bị đánh đến chết hoặc trọng thương nhưng không ai gọi cấp cứu và để nằm đó đến chết, có chỗ thì trói kẻ phạm tội lại và sử dụng một số biện pháp sỉ nhục đối tượng công khai về mặt thể xác và tinh thần để răn đe. Một lần nữa, những hành động này của những con người mà tôi vẫn gọi là đồng loại kia làm tôi cảm thấy rùng mình. Nó làm tôi tự hỏi bản thân mình, "chúng ta có quyền đối xử với người khác như vậy sao?"

Ở đây tôi không nói về quyết định tin tưởng vào một điều gì đó của những người ủng hộ hay phản đối những hành động mà tôi cho là tàn nhẫn ở trên, có người quyết liệt phản đối nhưng cũng không ít người cho rằng những kẻ trộm chó đáng bị đối xử như vậy. Có khái niệm đúng hay sai không trong những gì tôi đang bàn đến hay không? Tôi nghĩ là không, không có một ranh giới nào cả, nó tùy thuộc hoàn toàn vào sự lựa chọn tin tưởng của mỗi cá nhân. Điều này làm tôi nhớ lại có lần tôi đã chia sẻ ý kiến của mình trên Facebook cá nhân với một sự phẫn nộ rất lớn tại thời điểm đó, đối với tôi việc đánh đến chết một con người lúc nào cũng mang rợ và tàn ác cả. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ ủng hộ tôi, nhưng thật ra không phải như vậy, có hơn 30% ý kiến cho rằng những kẻ trộm chó và đập chó - con vật trung thành của loài người, "người bạn" được nuôi nấng và yêu thương như thành viên trong gia đình, thứ tài sản vô giá và có ý nghĩa, đáng phải bị như vậy và đó là hình phạt thích đáng dành cho những kẻ mà họ cho là "thanh niên trai tráng, thiếu gì việc để làm lại đi đánh một con chó mà khả năng tự vệ yếu hơn con người". Đối với họ, việc mất đi một con vật cưng, nguồn an ủi và động viên về mặt tinh thần, giống hệt như mất đi một người thân, chính vì vậy họ đòi hỏi công lý cần phải được thực hiện. Họ có sai hay không? Trước đây, khi tôi 20 tuổi, tôi nghĩ đây là một suy nghĩ khủng khiếp và nó làm tôi run sợ, nhưng bây giờ tôi có thể hiểu và đồng ý rằng đó là một quan điểm của họ và tôi tôn trọng điều đó.

Về cá nhân mình tôi không phải là người sở hữu hay nuôi nấng bất kỳ một con vật nuôi nào từ trước đến nay, nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi hiểu được cảm giác khi mất đi một ai đó thân thuộc trong gia đình. Trong cương vị của tôi, nếu một ai mà tôi yêu thương mất đi do tai nạn hoặc do bị ai đó gây ra, tất nhiên tại thời điểm đó tôi sẽ căm hận người khiến bi kịch đó diễn ra, chắc chắn trong trí óc tôi sẽ bùng lên cảm giác muốn được trả thù ngay lập tức. Nhưng rồi sau đó thì sao? Tôi tự hỏi chính mình. Liệu nếu có cơ hội đối mặt với kẻ đó, tôi có làm vậy không? Tôi nghĩ là không bởi tôi tin vào luật nhân quả, vai trò của công lý và pháp luật. Tôi luôn quan niệm rằng, những kẻ gây ra tội ác cần phải bị trừng phạt bởi công lý và luật pháp, chứ không phải là luật rừng. Nếu tôi có một chú chó mà tôi yêu quý, nếu chú chó ấy bị đánh chết bởi một kẻ trộm chó và tôi có cơ hội đối diện với người thanh niên kia. Tôi sẽ làm gì? Tôi biết chắc chắn một điều là tôi muốn người đứng trước mặt tôi phải cảm nhận được nỗi đau và sự mất mát của mình. Tôi làm điều đó thế nào nếu không phải bằng bạo lực? Có lẽ tôi sẽ nhìn sâu vào mắt của kẻ đánh chó ấy và khóc, cứ như vậy, nước mắt chảy ra khi tôi nhìn hắn, chỉ đơn giản như vậy. Tôi muốn hắn thấy được nỗi mất mát và đau đớn của mình và tôi muốn hắn phải cảm nhận điều đó bằng chính trái tim của hắn và điều đó, có lẽ sẽ khiến hắn phải nhớ cảm giác đau đớn ấy thật lâu, và tự bản thân hắn sẽ phải đặt câu hỏi cho chính lương tâm của mình. Nước mắt, không có gì là xấu hay yếu đuối, đó là hình thức để thể hiện nỗi đau và sự thống khổ, tôi sẽ không ngại ngần thể hiện điều đó ra bên ngoài để cho người khác có thể thấy được tôi đã đau đớn như thế nào bởi những hành động mà họ gây ra. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách để cảm hóa những hành động tàn ác. Chúng ta thường quên mất rằng, những người gây ra lỗi lầm cũng là con người có lương tri và lương tri đó cần được đánh thức, chứ không nên gieo vào đó sự đau đớn và hận thù.

Những sự việc như thế này làm tôi nhớ lại những gì đã đọc trong cuốn du ký Gỗ Mun của nhà văn người Ba Lan Ryszard Kapuscinski về con người và cộng đồng ở Châu Phi trong từ những năm 60 đến 90. Ở các quốc gia Phi Châu non trẻ vừa dành được độc lập, nghèo đói, bệnh tật và trộm cắp là nỗi ám ảnh tại đây. Những người nghèo ở Châu Phi muốn đi làm cần phải có một cái gì đó để làm kế sinh nhai như một cái thau, một bộ áo quần tươm tất; đối với họ đó là những thứ có giá trị nhất, là cần câu cơm quan trọng nhất và quý giá nhất, quý còn hơn cả sinh mạng. Bị trộm hoặc cướp đồng nghĩa với trắng tay, tuyệt vọng và đói đến chết. Có một đoạn trích trong tác phẩm làm tôi liên tưởng đến cách hành xử với những kẻ trộm chó mình đang nói đến trong entry này. Đoạn trích đó như sau:
Ở trường hợp chiếc xe Toyota của chúng tôi, chuyện đó kéo dài bốn tiếng đồng hồ và khi chúng tôi đã sắp lên đường thì người tài xế tên là Traoré - một anh nông dân trẻ lực lưỡng, cường tráng - khẳng định rằng có người đã ăn cắp cái bọc anh để trên ghế gói chiếc váy bên trong. Những trò trộm cắp như thế này là chuyện thường ngày trên khắp thế giới, nhưng tôi cũng không hiểu tại sao Traoré nổi cơn thịnh nộ, điên lên, phát rồ, khiến mọi người trong xe co rúm lại vì sợ anh ta sẽ xé xác mình - những hành khách vô tội! Một lần nữa tôi lại tình cờ nhận thấy ở Châu Phi, phản ứng đối với việc trộm cắp có một nét gì đó không tỉnh táo, nằm ở ranh giới của sự điên rồ, mặc dù ở đây trộm cắp đầy rẫy. Bởi vì ăn cắp của một kẻ nghèo xác, thường chỉ có một cái bát hay một chiếc áo tả tơi, thực sự là một việc phi nhân tính, cho nên phản ứng của anh ta đối với trộm cắp có vẻ như cũng phi nhân tính. Đám đông đánh đập tên kẻ cắp trong chợ, trên quảng đường, trên phố, có thể giết anh ta tại chỗ. Do đó, thật nghịch lý, ở đây nhiệm vụ của cảnh sát dường như không phải là bắt kẻ trộm cắp, mà là bảo vệ và cứu hắn ta.
Như vậy đấy, ở một xã hội tăm tối con người đối xử với nhau như vậy đã đành, khi chúng ta phát triển hơn một chút, mọi chuyện trong một vài trường hợp cụ thể cũng không khác nhau là mấy. Bạo lực xuất phát từ sự tăm tối và đói nghèo. Bạo lực liệu có phải là câu trả lời? Đánh chết kẻ trộm chó này thì có làm kẻ khác run tay mà không làm nữa khi nhu cầu ăn thịt chó ở Việt Nam không hề giảm đi hay không? Và có một điều tôi muốn nhấn mạnh, gây ra cái chết của những kẻ đập chó là cả một đám đông - một cộng đồng, chính điều đó không làm một cá nhân nào có mặc cảm tội lỗi. Cá nhân cho rằng đó không phải là lỗi của họ mà là lỗi của một đám đông. Về lâu về dài, điều đó nảy sinh quan điểm rằng họ có quyền trừng phạt tội lỗi bằng bạo lưc, nó có thể trở thành một hành động mang tính bộc phát khi đối mặt với một vấn đề mang tính chất sai phạm trong tâm trí của cá nhân đó. Những người có cùng suy nghĩ bạo lực này, liên kết lại với nhau sẽ trở thành một nhóm người với chủ trương sử dụng bạo lực để hành xử và giải quyết bất kỳ một hành động sai trái (theo quan điểm của họ). Điều đó có tốt không? Lịch sử đã chứng minh, bạo lực thường đi liền với máu và nước mắt, nó có thể có tính đúng sai nhưng đó chưa bao giờ là một điều tốt lành với thế giới này cả.

Và có một câu hỏi quan trọng hơn mà tôi thường nghĩ đến, chúng ta sẽ dạy con cái của mình nhân từ với người khác như thế nào khi những người lớn ngoài kia vẫn hành xử một cách bạo lực như vậy? Đây không phải là những ví dụ cho trẻ con thấy rằng chúng hoàn toàn có thể đánh chết người khác nếu họ phạm phải một sai lầm nào đấy và đây là bài học cho cái gọi là "máu phải trả bằng máu" ư? Tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên lắm khi ngày nay các trang báo mạng liên tục đưa những tin tức về tội phạm vị thành niên với những hành động giết người kinh khủng, một phần nào đó, chính người lớn phải chịu trách nhiệm cho những đứa trẻ ấy, bởi họ đã dạy chúng rằng bạo lực là câu trả lời cho các câu hỏi.

Tôi vẫn tin vào thuyết nhân quả và sự tha thứ, nếu có thể, hãy tha thứ và mở cho người khác một cơ hội, bởi bất cứ người nào cũng có cho mình một lương tri. Đó là điều mà tôi tin tưởng.

3.5.13

Bấm like liệu có cứu người!?


Tôi thường có một mối quan hệ yêu ghét không rõ ràng với những bức ảnh, status mà một cá nhân hay tổ chức đăng tải để vận động tài trợ, quyên góp cho một hoạt động hay chiến dịch từ thiện nào đó hoặc cho những chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về một vấn nạn xã hội.

Yêu là bởi:

  • Những bức ảnh, status có lượng likes lớn sẽ nâng cao tỷ lệ nhiều người khác trên mạng có thể biết về hoạt động hoặc các chiến dịch mang mục đích và ý nghĩa nhân văn to lớn kia nhờ cơ chế hoạt động của Facebook cho phép bạn bè có thể thấy được những bức ảnh hoặc đường dẫn mà chúng ta bấm like. Tỷ lệ nhận biết cao thường đồng nghĩa với cơ hội gia tăng số lượng người tham gia vào những sự kiện tình nguyện.


  • Bấm like, một phần nào đó biểu hiện ý muốn được là một phần của những hoạt động mang tính cộng đồng kia, nó khơi dậy trong ta một ý niệm về hành động tốt và ý nghĩ muốn giúp đỡ người khác. Những hành động thường xuất phát từ những ý niệm, một ý niệm tốt luôn làm gia tăng khả năng làm việc có ích của một người. Đôi lúc những ý nghĩ đó sẽ nằm mãi trong đầu chúng ta và thôi thúc chúng ta phải hành động.


Ghét là bởi:

  • Có một khả năng khá lớn là con người chúng ta thường bị tính bầy đàn chi phối, thấy người khác like thì cũng bấm like cho dù không thật sự đọc qua nội dung mà người khác muốn chia sẻ. Điều này thể hiện rõ nhất đối với những hình ảnh và status có lượng likes cao ngất ngưởng nhưng số lượng tương (comment, chia sẻ) tác lại khá thấp.
  • Hành động bấm like, xét về mặt tâm lý, có thể nói rằng nó mang lại cảm giác làm được một điều gì đó có ích cho những đối tượng, sự kiện cần nhận được sự chú ý của công chúng và cộng đồng mạng xã hội. Nhưng thật chất không phải là vậy, việc bấm like mang nặng về mặt ý niệm đối với việc cần làm một hành động tốt, chứ bản thân nó chưa phải là một hành động mà đối tượng chính của các chiến dịch kia thật sự cần. Những ý nghĩ như vậy thường chỉ thoả mãn tâm trí của người bấm like tại thời điểm đó mà thôi. Nó còn mang lại sự ngộ nhận khi chúng ta cho rằng nhiều người like thì sẽ có nhiều người giúp đỡ và quyên góp, đó là một ngộ nhận hết sức lớn lao. Ý niệm tốt là cần thiết, nhưng đôi lúc lại không đủ mạnh để cho ra đời một sự ủng hộ hay giúp đỡ người khác.


Một ví dụ rõ ràng hơn là tổ chức UNICEF Thụy Điển vừa thực hiện một chiến dịch truyền thông mới trên Youtube, mà ở đó họ nhấn mạnh vào việc có nhiều likes không hẳn mang lại lợi ích thiết thực cho những đối tượng cần được giúp đỡ như mong đợi, chi tiết có thể xem tại clip dưới đây.


Trong đoạn video nói trên, cậu bé tên Rahim nói với mọi người rằng câu rất lo lắng nếu mình bị ốm vì sẽ không có ai chăm sóc cho cậu em nhỏ của mình, nhưng giờ cậu đã không còn bận tâm nhiều đến vấn đề đó nữa bởi hiện tại trên UNCIEF Facebook Fanpage đã có 177,000 lượt likes và dự kiến đến mùa hè con số này sẽ là 200,000 lượt. Chúng ta có thể thấy được sự tương phản rõ ràng trên nét mặt của cậu bé nghèo khổ này. Kết thúc đoạn video, UNICEF nhấn mạnh rằng "Likes don't save lives. Money does." (tạm dịch: Likes không thể cứu mạng người nhưng tiền quyên góp thì có thể).

Từ đó có thể thấy, một ý nghĩ tốt vẫn là chưa đủ cho dù nó thật sự là một tiền đề quan trọng. Từ những ý nghĩ này cần có những hành động tốt thiệt thực, mà trong trường hợp cụ thể ở đây không hẳn chỉ gói gọn trong việc quyên góp tiền trực tiếp mà có thể chia sẽ thông tin đến những cá nhân hoặc tổ chức có khả năng quyên góp. Điều đó sẽ giúp ích cho những chiến dịch và cá nhân cần sự trợ giúp đó một cách thực tế và hiệu quả hơn nhiều.

Nói như vậy không có nghĩa tôi lên án hành động bấm like trên Facebook, bởi như tôi đã nói, tất cả đều bắt đầu từ một ý niệm tốt mà qua việc bấm nút like, chúng ta đã xây dựng cho mình một tiền đề tốt để bắt đầu cho một công việc nhân đạo. Lý tưởng nhất là những ý niệm nhân văn ấy được nhân lên rộng rãi để mọi người trong cộng đồng cùng ý thức về một việc tốt mình cần phải làm và từ đó có được những hành động cụ thể để giúp đỡ và quyên góp. Nói cho cùng, vật chất mới là thứ hữu hình chúng ta có thể trợ giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh hơn; và tại thời điểm đó, vật chất là thứ cấp thiết mà họ đang cần. Động viên tinh thần cũng rất quan trọng, nhưng nó cần được đánh giá một cách công bằng và thứ yếu tùy thuộc vào tình hình của các chương trình, chiến dịch hoặc đối tượng.

Tóm lại, hành động là điều mà các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoặc các tổ chức khác muốn hướng đến, tuy nhiên để biến ý nghĩ của người tham gia mạng xã hội thành hành động thì không thể chỉ trông chờ vào bản thân của các thành viên tham gia. Cần phải có những phương thức hoặc hình thức ủng hộ đơn giản bằng các công cụ dễ nhận biết và dễ sử dụng, ví dụ như chia nhỏ giá trị quyên góp và sử dụng các hình thức tiếp nhận trực tiếp và dể liên hệ, bởi bản thân con người vốn lười, chúng ta thường tìm đến những gì đơn giản và tiện lợi nhất để mà làm. Theo ý tôi, like hay không like, thật sự không quan trọng lắm, điều quan trọng là sự tương tác và những gì mà người tham gia sẽ đóng góp và hành động mới là cái đích cuối cùng, không chỉ của các tổ chức phi lợi nhuận mà còn của các doanh nghiệp. Và tóm lại điều tôi muốn tóm lại ở trên là mọi người ngoài bấm like, còn phải share, comment và hành động nữa nhé ^^. Bấm like không thôi thì không thể cứu người đâu!

PS: Trong entry này tôi chỉ lấy ví dụ về Facebook là đại diện cho Social Media (Mạng xã hội), Google+ hay Pinterest hoặc Tumblr đều như trên, chỉ khác là thay thế nút like bằng những nút khác.

2.5.13

Dành cho tháng tư


1. Tháng Tư, tháng của những tin tức không vui vẻ, những ý nghĩ nặng nhọc và cả sự bất an bởi những điều không phải của riêng mình. Tháng Tư cũng là tháng xuýt gặp phải tai nạn và có thể tệ hơn nữa là vào quan tài. Tất cả những sự kiện, tin tức và những điều tình cờ đều khiến mình suy nghĩ về cuộc sống hiện tại, về những người xung quanh và về một thái độ sống. Đối với cuộc sống lúc này, tôi chợt nhận ra, quý giá hơn tôi vẫn tưởng và nói về nó rất nhiều. Người xưa nói không sai, trải nghiệm làm nên một người đàn ông, nhưng cái giá để trả cho những trải nghiệm đó, đôi khi không dễ chịu cho lắm.

2. Tháng Tư, tháng giao mùa để chuẩn bị chào đón không khí nóng nực đến ngột thở của mùa hè. Tháng của nắng, của nóng và của những đêm mất ngủ. Tôi bắt đầu nghiện cái cảm giác ngồi một mình trong bóng tối, nhìn vào ánh đèn đỏ rực hắt ra từ gian thờ trước phòng ngủ, vào những khoảnh khắc ấy tôi cảm nhận rõ rệt sự bức bối của không khí và của cả những cảm xúc không rõ ràng. Những đêm tháng Tư, những đêm của cái nóng nhiệt đới cho dù hè vẫn thật sự chưa đến có thể khiến cho con người ta mê sảng. Tôi rõ ràng không biết mình đang đứng ở ranh giới nào, tỉnh táo hay mộng mị. Rất có thể mọi thứ chỉ là do tôi tưởng tượng ra, như một kẻ rối loạn tâm thần.

3. Tôi không muốn nghĩ nhiều về những mối quan hệ tôi đang có. Khoảng thời gian nay, mọi thứ cứ ở một mức độ lưng chừng,hờ hững, không có gì thật sự là gắn bó. Tôi cố gắng hướng tình cảm vào gia đình, càng nhiều càng tốt. Một lần nữa, tôi nhận ra rằng họ thật sự quan trọng với tôi đến nhường nào. Những thứ khác, có lẽ không thật sự làm tôi phải bận tâm quá nhiều. Tôi suy nghĩ về những sợi dây gắn kết trong cuộc sống hiện tại, tôi cảm nhận được sự mỏng manh của từng mối liên kết ấy, nhưng biết làm sao được, ai cũng có cuộc đời của mình để sống. Tôi trân trọng ý nghĩ ấy. Tôi cũng đau buồn và lo lắng khi nghe tin những người bạn của mình gặp chuyện không may trong gia đình, nhưng tôi tự hỏi mình thật sự có thể làm được gì ngoài cầu chúc họ may mắn và gởi lời động viên. Những mối quan hệ, thường phức tạp hơn những gì tôi có thể nghĩ đến, để nuôi dưỡng nhiều mối quan hệ cùng một lúc, thường làm tôi mệt mỏi.

4. Tôi bắt đầu lại thói quen chạy bộ của mình đã được gần 2 tháng. Tối nào trong tuần tôi cũng cố gắng chạy liên tục cho hết quãng đường 5km. Không nhiều nhưng có lẽ cũng không ít, đối với tôi. Khi chạy, tôi không suy nghĩ được gì nhiều và tôi thật sự thích thú cảm giác trống rỗng đó. Những dòng năng lượng, những cơn thở dốc đủ để khiến tôi chỉ tập trung vào một điều duy nhất, làm sao hoàn thành chặng đường đã được đặt ra mà không dừng lại dù chỉ một lúc. Những khoảng thời gian như vậy giúp tôi chỉ tồn tại trong thế giới của riêng mình, thế giới của những bước chạy và âm nhạc. Tôi không suy nghĩ về những vấn đề của mình hay của những người khác, tất cả chỉ còn lại tôi và một tôi duy nhất. Cái cảm giác độc tôn đó có chút gì đó vừa vô nghĩ, vừa cô độc nhưng cũng vừa hạnh phúc. Tôi hy vọng, mình đủ kiên trì để duy trì thói quen này, ít nhất là cho đến lúc tôi có thể rời khỏi thành phố này.

5. Tháng Tư, tháng tôi thấy vui vì đọc được hai quyển sách thật sự ý nghĩa và tuyệt vời. Hai quyển sách khiến tôi phải suy nghĩ, phải chất vấn bản thân. Tôi được tiếp xúc với một Trần Dần tinh tế, sắc gọn với những trang viết về con người đi lạc giữa những định kiến và ranh giới của một xã hội đang sang trang, trong "Những ngã tư và những cột đèn". Và cũng thật may mắn khi tôi được tiếp xúc với một Châu Phi của những thập kỷ trước, của những sự xung đột xã hội, sắc tộc và tôn giáo qua những trang du ký đặc sắc của Ryszard Kapuscinski trong "Gỗ mun". Tất cả đều gợi cho tôi những liên tưởng về con người và xã hội và cũng mở cho tôi một góc nhìn mới, có lẽ là đầy cảm thông hơn. Nó khiến tôi phải mìm cười với chính sự nhiệt tình đến nông nổi của nhưng năm tháng tuổi 20, khi cái nhìn của mình vẫn còn đầy định kiến và sẵn sàng đối chọi với những ai không đồng quan điểm. Đến lúc này, quả thật là một bước tiến dài khi tôi nhận ra rằng mọi người đều có quyền chọn cho mình một niềm tin, dù điều đó là đúng hay sai.

P.S: Chào tháng năm! Chào mùa hè đang vẫy gọi.