8.5.13

Chó chết người chết


Tôi nhớ có một thời điểm tin tức về những vụ người dân trong một làng hoặc xã cùng nhau đánh chết những kẻ bắt trộm chó xuất hiện khá nhiều trên các trang báo điện tử, gần đây tôi cũng đọc được một vài tin như vậy. Có chỗ thì kẻ đập chó bị đánh đến chết hoặc trọng thương nhưng không ai gọi cấp cứu và để nằm đó đến chết, có chỗ thì trói kẻ phạm tội lại và sử dụng một số biện pháp sỉ nhục đối tượng công khai về mặt thể xác và tinh thần để răn đe. Một lần nữa, những hành động này của những con người mà tôi vẫn gọi là đồng loại kia làm tôi cảm thấy rùng mình. Nó làm tôi tự hỏi bản thân mình, "chúng ta có quyền đối xử với người khác như vậy sao?"

Ở đây tôi không nói về quyết định tin tưởng vào một điều gì đó của những người ủng hộ hay phản đối những hành động mà tôi cho là tàn nhẫn ở trên, có người quyết liệt phản đối nhưng cũng không ít người cho rằng những kẻ trộm chó đáng bị đối xử như vậy. Có khái niệm đúng hay sai không trong những gì tôi đang bàn đến hay không? Tôi nghĩ là không, không có một ranh giới nào cả, nó tùy thuộc hoàn toàn vào sự lựa chọn tin tưởng của mỗi cá nhân. Điều này làm tôi nhớ lại có lần tôi đã chia sẻ ý kiến của mình trên Facebook cá nhân với một sự phẫn nộ rất lớn tại thời điểm đó, đối với tôi việc đánh đến chết một con người lúc nào cũng mang rợ và tàn ác cả. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ ủng hộ tôi, nhưng thật ra không phải như vậy, có hơn 30% ý kiến cho rằng những kẻ trộm chó và đập chó - con vật trung thành của loài người, "người bạn" được nuôi nấng và yêu thương như thành viên trong gia đình, thứ tài sản vô giá và có ý nghĩa, đáng phải bị như vậy và đó là hình phạt thích đáng dành cho những kẻ mà họ cho là "thanh niên trai tráng, thiếu gì việc để làm lại đi đánh một con chó mà khả năng tự vệ yếu hơn con người". Đối với họ, việc mất đi một con vật cưng, nguồn an ủi và động viên về mặt tinh thần, giống hệt như mất đi một người thân, chính vì vậy họ đòi hỏi công lý cần phải được thực hiện. Họ có sai hay không? Trước đây, khi tôi 20 tuổi, tôi nghĩ đây là một suy nghĩ khủng khiếp và nó làm tôi run sợ, nhưng bây giờ tôi có thể hiểu và đồng ý rằng đó là một quan điểm của họ và tôi tôn trọng điều đó.

Về cá nhân mình tôi không phải là người sở hữu hay nuôi nấng bất kỳ một con vật nuôi nào từ trước đến nay, nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi hiểu được cảm giác khi mất đi một ai đó thân thuộc trong gia đình. Trong cương vị của tôi, nếu một ai mà tôi yêu thương mất đi do tai nạn hoặc do bị ai đó gây ra, tất nhiên tại thời điểm đó tôi sẽ căm hận người khiến bi kịch đó diễn ra, chắc chắn trong trí óc tôi sẽ bùng lên cảm giác muốn được trả thù ngay lập tức. Nhưng rồi sau đó thì sao? Tôi tự hỏi chính mình. Liệu nếu có cơ hội đối mặt với kẻ đó, tôi có làm vậy không? Tôi nghĩ là không bởi tôi tin vào luật nhân quả, vai trò của công lý và pháp luật. Tôi luôn quan niệm rằng, những kẻ gây ra tội ác cần phải bị trừng phạt bởi công lý và luật pháp, chứ không phải là luật rừng. Nếu tôi có một chú chó mà tôi yêu quý, nếu chú chó ấy bị đánh chết bởi một kẻ trộm chó và tôi có cơ hội đối diện với người thanh niên kia. Tôi sẽ làm gì? Tôi biết chắc chắn một điều là tôi muốn người đứng trước mặt tôi phải cảm nhận được nỗi đau và sự mất mát của mình. Tôi làm điều đó thế nào nếu không phải bằng bạo lực? Có lẽ tôi sẽ nhìn sâu vào mắt của kẻ đánh chó ấy và khóc, cứ như vậy, nước mắt chảy ra khi tôi nhìn hắn, chỉ đơn giản như vậy. Tôi muốn hắn thấy được nỗi mất mát và đau đớn của mình và tôi muốn hắn phải cảm nhận điều đó bằng chính trái tim của hắn và điều đó, có lẽ sẽ khiến hắn phải nhớ cảm giác đau đớn ấy thật lâu, và tự bản thân hắn sẽ phải đặt câu hỏi cho chính lương tâm của mình. Nước mắt, không có gì là xấu hay yếu đuối, đó là hình thức để thể hiện nỗi đau và sự thống khổ, tôi sẽ không ngại ngần thể hiện điều đó ra bên ngoài để cho người khác có thể thấy được tôi đã đau đớn như thế nào bởi những hành động mà họ gây ra. Tôi nghĩ, đó cũng là một cách để cảm hóa những hành động tàn ác. Chúng ta thường quên mất rằng, những người gây ra lỗi lầm cũng là con người có lương tri và lương tri đó cần được đánh thức, chứ không nên gieo vào đó sự đau đớn và hận thù.

Những sự việc như thế này làm tôi nhớ lại những gì đã đọc trong cuốn du ký Gỗ Mun của nhà văn người Ba Lan Ryszard Kapuscinski về con người và cộng đồng ở Châu Phi trong từ những năm 60 đến 90. Ở các quốc gia Phi Châu non trẻ vừa dành được độc lập, nghèo đói, bệnh tật và trộm cắp là nỗi ám ảnh tại đây. Những người nghèo ở Châu Phi muốn đi làm cần phải có một cái gì đó để làm kế sinh nhai như một cái thau, một bộ áo quần tươm tất; đối với họ đó là những thứ có giá trị nhất, là cần câu cơm quan trọng nhất và quý giá nhất, quý còn hơn cả sinh mạng. Bị trộm hoặc cướp đồng nghĩa với trắng tay, tuyệt vọng và đói đến chết. Có một đoạn trích trong tác phẩm làm tôi liên tưởng đến cách hành xử với những kẻ trộm chó mình đang nói đến trong entry này. Đoạn trích đó như sau:
Ở trường hợp chiếc xe Toyota của chúng tôi, chuyện đó kéo dài bốn tiếng đồng hồ và khi chúng tôi đã sắp lên đường thì người tài xế tên là Traoré - một anh nông dân trẻ lực lưỡng, cường tráng - khẳng định rằng có người đã ăn cắp cái bọc anh để trên ghế gói chiếc váy bên trong. Những trò trộm cắp như thế này là chuyện thường ngày trên khắp thế giới, nhưng tôi cũng không hiểu tại sao Traoré nổi cơn thịnh nộ, điên lên, phát rồ, khiến mọi người trong xe co rúm lại vì sợ anh ta sẽ xé xác mình - những hành khách vô tội! Một lần nữa tôi lại tình cờ nhận thấy ở Châu Phi, phản ứng đối với việc trộm cắp có một nét gì đó không tỉnh táo, nằm ở ranh giới của sự điên rồ, mặc dù ở đây trộm cắp đầy rẫy. Bởi vì ăn cắp của một kẻ nghèo xác, thường chỉ có một cái bát hay một chiếc áo tả tơi, thực sự là một việc phi nhân tính, cho nên phản ứng của anh ta đối với trộm cắp có vẻ như cũng phi nhân tính. Đám đông đánh đập tên kẻ cắp trong chợ, trên quảng đường, trên phố, có thể giết anh ta tại chỗ. Do đó, thật nghịch lý, ở đây nhiệm vụ của cảnh sát dường như không phải là bắt kẻ trộm cắp, mà là bảo vệ và cứu hắn ta.
Như vậy đấy, ở một xã hội tăm tối con người đối xử với nhau như vậy đã đành, khi chúng ta phát triển hơn một chút, mọi chuyện trong một vài trường hợp cụ thể cũng không khác nhau là mấy. Bạo lực xuất phát từ sự tăm tối và đói nghèo. Bạo lực liệu có phải là câu trả lời? Đánh chết kẻ trộm chó này thì có làm kẻ khác run tay mà không làm nữa khi nhu cầu ăn thịt chó ở Việt Nam không hề giảm đi hay không? Và có một điều tôi muốn nhấn mạnh, gây ra cái chết của những kẻ đập chó là cả một đám đông - một cộng đồng, chính điều đó không làm một cá nhân nào có mặc cảm tội lỗi. Cá nhân cho rằng đó không phải là lỗi của họ mà là lỗi của một đám đông. Về lâu về dài, điều đó nảy sinh quan điểm rằng họ có quyền trừng phạt tội lỗi bằng bạo lưc, nó có thể trở thành một hành động mang tính bộc phát khi đối mặt với một vấn đề mang tính chất sai phạm trong tâm trí của cá nhân đó. Những người có cùng suy nghĩ bạo lực này, liên kết lại với nhau sẽ trở thành một nhóm người với chủ trương sử dụng bạo lực để hành xử và giải quyết bất kỳ một hành động sai trái (theo quan điểm của họ). Điều đó có tốt không? Lịch sử đã chứng minh, bạo lực thường đi liền với máu và nước mắt, nó có thể có tính đúng sai nhưng đó chưa bao giờ là một điều tốt lành với thế giới này cả.

Và có một câu hỏi quan trọng hơn mà tôi thường nghĩ đến, chúng ta sẽ dạy con cái của mình nhân từ với người khác như thế nào khi những người lớn ngoài kia vẫn hành xử một cách bạo lực như vậy? Đây không phải là những ví dụ cho trẻ con thấy rằng chúng hoàn toàn có thể đánh chết người khác nếu họ phạm phải một sai lầm nào đấy và đây là bài học cho cái gọi là "máu phải trả bằng máu" ư? Tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên lắm khi ngày nay các trang báo mạng liên tục đưa những tin tức về tội phạm vị thành niên với những hành động giết người kinh khủng, một phần nào đó, chính người lớn phải chịu trách nhiệm cho những đứa trẻ ấy, bởi họ đã dạy chúng rằng bạo lực là câu trả lời cho các câu hỏi.

Tôi vẫn tin vào thuyết nhân quả và sự tha thứ, nếu có thể, hãy tha thứ và mở cho người khác một cơ hội, bởi bất cứ người nào cũng có cho mình một lương tri. Đó là điều mà tôi tin tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét