27.12.12

Biến dạng


Cô bé đang chơi đùa gần gốc cây bàng xơ xát, bỗng thấy dưới gốc cây một xấp tiền. Bé lượm lên, đếm từng tờ một một cách cẩn thận, đúng y 270 ngàn.

Bé cứ nhìn quanh mãi và tự hỏi: “Không biết ai làm rơi số tiền này nhỉ?”

Thoáng thấy một người phụ nữ dắt xe từ trên một con dốc đi xuống, mặt ngó quanh, cố bé chạy lại hỏi: “Cô ơi cô đánh rơi tiền à?”
Người phụ nữ hỏi lại, một cách dò xét: “Con nhặt được tiền à?”
Cô bé đưa xấp tiền ra, một niềm vui khó tả hiện ra trên khuôn mặt thiên thần: “Đây cô ạ, 270 ngàn phải không cô?”
Người phụ nữ lúc này giọng nói mạnh bạo hơn: “Ôi đúng của cô, rõ khổ, vừa mới quay đi một cái là rớt mất tiêu, cảm ơn cháu bé nhé!”
Người phụ nữ cầm lấy xấp tiền, rút ra một vài tờ đưa cho cô bé, cô bé không lấy nhưng người phụ nữ liền nhét vào túi quần của cô bé rồi phóng xe đi một cách vội vã. Trên mặt của cô bé hiện lên một niềm vui không trọn vẹn.

Đến tối, khi chỉ có hai mẹ con, cô bé và mẹ trên chiếc giường gỗ cũ kỹ trong một ngôi nhà xộc xệch, cô bé thò tay vào túi mình, lấy ra mấy tờ giấy bạc định khoe với mẹ việc tốt chiều nay mình làm. Bỗng bé thấy mẹ mình mím chặt môi, khóc không thành tiếng. Mẹ bé bảo rằng mẹ lỡ làm mất tiền lương tháng này của mẹ rồi, đúng 270 ngàn chẵn, mẹ bé không biết những ngày tháng sắp tới đây của bé và mẹ sẽ ra sao khi không có 270 đồng tiền lương ấy. Thế rồi mẹ ôm bé khóc nức nỡ. Bé chẳng biết nói gì, chỉ thấy mắt mình mở rộng ra, ứa đầy nước mắt, tay nắm chặt mấy tờ giấy bạc đến nỗi chúng nhanh chóng biến dạng. Bé cũng mím chặt môi mà không khóc được thành tiếng.

(Từ cuốn sách Đừng Bao Giờ Hối Tiếc)



Vậy đấy, một tâm hồn not nớt, trong trắng như một tờ giấy bị một tâm hồn đen tối làm dơ bẩn. Trẻ em là một tâm gương phản chiếu hoàn hảo cho những gì mà người lớn giáo dục chúng. Người lớn cứ chê các bạn trẻ lúc này sao hư thế, mà họ không nghĩ rằng những người trẻ chẳng qua cũng chỉ là một tâm gương phản chiếu cách giáo dục của họ mà thôi.

Khi niềm tin xụp đổ, cái gì sẽ còn lại trong ta?

26.12.12

Phim đã xem trong năm 2012


Dưới đây là danh sách những phim mình đã xem trong năm vừa qua (2012), trong danh sách này có những phim đã có từ lâu nhưng phải đến năm này mình mới có dịp xem. Top 10 là những phim mình cảm thấy thật sự tuyệt vời và có thể coi đi coi lại mấy lần.

Thứ tự của danh sách là xếp theo độ ưa thích của mình, trong list có mấy phim Việt Nam và vì tinh thần tự tôn dân tộc nên xếp hạng có hơi cao một chút (coi như động viên các bạn Việt Nam ha *cười*). Phim trong top 10 là phim thuộc dạng phải xem nhé (theo ý mình). Còn lại thì tùy hứng của mỗi người thôi.

*Top 10 bộ phim mà mình thích và thấy đáng xem nhất:
  1. The Dark Knight Rises  
  2. Detachment  
  3. Tokyo Sonata  
  4. Battle Royale   
  5. Confessions   
  6. Sympathy for Lady Vengeance  
  7. Mother  
  8. Lấy chồng người ta  
  9. Lời nguyền huyết ngải  
  10. Thiên mệnh anh hùng  


*Top 20 bộ phim nếu có thời gian thì nên coi: 
  1. Bi ơi đừng sợ 
  2. Life of Pi  
  3. Perks of being a Wallflower  
  4. We need to talk about Kevin  
  5. Hunger Games  
  6. Ted  
  7. Prometheus  
  8. Hotboy nổi loạn  
  9. Skyfall  
  10. 21 Jump Street  
  11. Magic Mike  
  12. Chronicle  
  13. Girlfriend Boyfriend 
  14. On the Road  
  15. The Rise of the Guardians 
  16. The Avengers  
  17. Ngôi nhà trong hẻm  
  18. Ice Age 4  
  19. Madagascar 3  
  20. Breaking Dawn Pt2  

*Danh sách phim coi cũng được mà không coi cũng chả sao:

  1. Columbiana  
  2. Man on a ledge  
  3. Safe house  
  4. Mirror Mirror  
  5. Snow White and the Huntsman  
  6. Hotel Transylvania  
  7. Step Up 4  
  8. Brave  


*Những phim tốt nhất đừng nên coi, để thời gian làm chuyện khác thì có lý hơn:


  1. This means war  
  2. Wrath of the Titan  
  3. Bourne Legacy  
  4. Taken 2  
  5. Lệ phí tình yêu  

Sang năm sẽ cố gắng xem các bộ phim của những khu vực khác như Iran, Nam Phi ... Mình đã có một list các phim cần xem trong năm 2013, hy vọng là coi được hết. Khi nào rãnh sẽ đưa cái list đó lên blog. Con bây giờ cứ vậy đã! 

24.12.12

Giáng sinh vui vẻ


Chúc mọi người một mùa giáng sinh thật ấm áp và đầy ấp niềm vui bên cạnh gia đình và những người thân yêu nhất của mình. Hãy giành những giờ phút tuyệt vời này để mang lại hạnh phúc cho những người quan trọng nhất của mình nhé! 

Cuộc sống luôn có những bất ngờ mà không ai trong chúng ta có thể biết trước được nên mình chỉ mong rằng vào những thời khắc đặc biệt trong năm, chúng ta có đầy đủ cơ hội để mang yêu thương và niềm hạnh phúc đến bên những người thật sự có ý nghĩa đối với chúng ta.

Merry Christmas and Happy New Year 2013!


19.12.12

Mất mát là lẽ giản đơn


Con người là gì nếu không phải là những sinh vật thức dậy với những hy vọng vào tương lai và những gì tốt đẹp của ngày mai?

Thử tưởng tượng nếu mỗi sớm mai thức dậy chúng ta không còn được nghe thấy những tiếng gọi thân thuộc của những người mà chúng ta yêu mến, những người mà chúng ta luôn biết rằng họ sẽ ở đó và mãi mãi ở đó; rồi đột nhiên tất cả đều biến mất, để lại cho chúng ta những nỗi mất mát không gì có thể diễn tả nổi.

Đi liền với những điều tốt đẹp luôn có những mặt xấu, những mảng màu xám và những nỗi buồn, đó là điều đơn giản và dễ hiểu nhất như 1 +1 = 2 mà cũng khó hiểu và phức tạp như một bài toán ma trận. Mất mát không chừa một ai cả, từ một cô bé mong chờ người cha của mình trở về từ một chuyến đi và rồi ông ta trở về theo một cách khác, lạnh lẽo và miệng luôn mỉm cười với tất cả mọi người từ trong bức ảnh. Từ cậu bé mới chỉ 8 tuổi mong chờ người cha của mình sẽ đến đón mình như mọi ngày và người đến đón cậu lại là người mang tới cái tin làm quay cuồng cả cái thế giởi nhỏ bé ấy. Lúc đấy không ai cho cậu biết sự thật mà cái cách mọi người đối xử với cậu, cái cách họ khóc cũng đủ làm cậu biết điều gì đang diễn ra, lúc ấy cậu không biết đó có phải là đớn đau hay không mà chỉ biết rằng cả thế giới trước mặt đang đảo lộn và tất cả những gì còn lại là sự trống rỗng, cái cảm giác đáng sợ mà cho dù bây giờ mỗi khi nghĩ lại đều cảm thấy đau nhói và cũng từ đó, cậu bắt đầu hiểu được rằng đau khổ là gì. Cho đến những người mẹ, những người cha phải vĩnh viễn chia tay con mình khi mà chúng mới ở độ tuổi xuân thì, cái tuổi còn quá trẻ để về với cõi vĩnh hằng, còn cả một tương lai, còn cả một bầu tuổi trẻ và ước mơ, thế rồi tất cả đóng sầm lại với chính họ và những người thân của họ. Ai nói thời gian sẽ làm phai mờ đi tất cả chứ, nói vậy là chẳng qua họ xạo mà thôi, thời gian có thể làm phai đi tất cả nhưng không bao giờ có thể lấp đầy sự mất mát của mỗi người.

Mỗi người đều có một “cuốn phim”của cuộc đời mình, và trong "cuốn phim" ấy đều hiện diện nhưng con người mà mình cho rằng sẽ luôn luôn có mặt, thế rồi bỗng dưng họ biến mất, thế là chúng ta, những “nhà làm phim” sẽ phải tự tay cắt đi những đoạn phim mà mình đã làm ra từ máu, tự tay chôn vùi nó trong cái ngóc ngách sâu kín nhất của tâm hồn, để rồi lao mình vào làm tiếp những đoạn phim với những con người mới, rồi lại cắt đi rồi lại làm lại, cắt đi rồi làm lại, một vòng tuần hoàn không có điểm kết thúc. Chúng ta không quên đi những mất mát mà chỉ chôn chặt nó trong trái tim mình, để rồi đến cuối đời hay trong những lúc buồn phiền lại lôi ra mà coi lại, mà hồi tưởng và khóc.

Muốn lắm để làm một con người giản đơn, với những lẽ sống giản đơn, nhưng không phải cái gì muốn là làm được. Có người bảo tại sao lại quan trọng hóa vấn đề lên thế? Chả biết trả lời sao cả, bởi cái cảm giác bơ vơ, lạc lõng, không định hướng nó cứ nằm đấy, nó cứ khiến con người ta thấy bồn chồn, thấy khó chịu và đa cảm, từ đó có muốn suy nghĩ một cách giản đơn cũng chả biết phải nghĩ như thế nào! Mà nói cho cùng thế nào là giản đơn, thế nào là phức tạp? Có ai định nghĩa được điều đó một cách rõ ràng không?

Nói cho thi vị thì những người đã ra đi là sung sướng nhất, cho dù họ đã bỏ dở đi cả một tương lại tươi đẹp phía trước nhưng người gánh chịu lại là những người ở lại. Người ở lại đau không chỉ nỗi đau của riêng họ mà còn là nỗi đau của những người đã khuất, như vậy không phải là đau lắm sao? Đau như vậy thì làm sao mà nghĩ cho giản đơn đây? Chỉ có tự họ lừa dối chính mình rằng “tôi là người đơn giản” mà thôi.

Rồi sau này cũng thế, tương lai cũng thế, họ sẽ sống mãi với những bơ vơ và lạc lõng ấy, thế nhưng như vậy không có nghĩa là họ không vui vẻ, họ sẽ vui vẻ theo cái cách của họ, vẫn sẽ sống hết mình với những gì đang diễn ra phía trước, đắm chìm trong những điều tuyệt vời mà cuộc sống ban tặng chỉ có điều luôn luôn song hành với họ là sự mất mát mà thôi. Cái hay của những con người như thế này là lúc nào trong đầu cũng sẽ vang lên câu hát “Pretend you are happy when you are in blue, it’s not a hard thing to do…” Chỉ cần vậy thôi là có thể sống tốt được rồi!

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, vẫn còn thấy mình được nhìn thấy mặt trời, vẫn còn được nghe những điều mà mình muốn hoặc không muốn nghe, và quý giá hơn hết là vẫn còn được sống… Hãy yên nghỉ trong yên bình nhé những người mà tôi yêu mến, quen biết hay không quen biết, một khi đã ra đi thì tất cả đều như nhau, thanh thản và bình yên. Cảm ơn tất cả vì đã cho mọi người thấy cuộc sống ngày một ý nghĩa hơn.

*Cho một ngày với những kỷ niệm buồn

18.12.12

Thế giới hiện hữu (st)


Trái đất - cái cối xay rất cũ
Những vòng quay nặng nề
mỏi mệt
Nóng dần lên, nước biển
Thức dậy những núi lửa
Những cánh rừng trơ cuống họng
Những người đàn bà teo tóp ôm con, không bật nổi tiếng khóc
Ì ạch Lục địa Đen
Nhiều vàng và kim cương, vẫn đói nghèo
Sông Nil không chảy qua những cổ họng rát bỏng
Mầm sống gieo rắc vô tội vạ trong bệnh tật và mông muội
Lục địa Đen không thể trỗi dậy.
Sẽ đến lúc cái - cối - xay - khổng - lồ vận hành theo một chu kỳ khác
Sẽ đến lúc con người phải lên các vì sao và mặt trăng để sống
Mặt đất nứt nẻ và lũ lụt
Lòng đất nứt những mạch chảy
El Niño, La Niña nhào nặn nhịp sống.
Mặc nhiên, như nhiều năm trước
Con người tiếp tục ăn thịt nhiều loài và tàn phá môi trường sống mà bất cần tương lai của thế hệ kế tiếp
Tham vọng khiến họ loại trừ nhau, ném bom xả đạn vào đồng loại
Những tổng thống ngạo nghễ với va-li bấm nút hạt nhân và chất huỷ diệt ...
"Mẹ ơi ? loài nào độc ác hơn tất cả "
Một mai, tôi sẽ phải im lặng trước câu hỏi của con mình.

*

Tôi căm ghét ngày 14 tháng 7 năm 1999, cả loài người kinh ngạc khi cừu Dolly ra đời
Gã Wilmut người Scotland chẳng có gì phải tự hào vì công trình của mình đến thế
Không ai ngăn cản ý đồ nhân rộng kiểu sinh sản phản nhân văn
Thật nực cười những kẻ ngộ nhận sinh sản vô tính là thành tựu của tiến hoá.
Hàng triệu người điên lên theo mãnh lực phần mềm Microsoft
Những tâm hồn đang được mã hoá với nhịp điệu sống lập trình
Ngày đêm, những nơron thần kinh căng cứng cập nhật dữ liệu
Con người không ngây thơ, không nhiều ước mơ và mất dần lãng mạn
Màu dollar sắp nhuộm cả da trời

*

Tôi vẫn tin
Không gì đẹp bằng con người
Khi tình yêu giúp họ vượt mọi ngăn trở.
Tôi mãi run rẩy tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp của thân thể khi thoát ra khỏi sự áp đặt của mẫu mốt, xuất hiện nguyên khôi như tạo hoá sinh ra, trong không gian tình yêu

Không gì kỳ diệu bằng việc tạo thành CON NGƯỜI
Cuộc sống được bắt đầu từ sự phôi thai những đứa trẻ.

Vy Thùy Linh


Cho những ngày mà tin đồn về tận thế cứ râm rang. Dù thế nào thì tôi vẫn nghĩ, trái đất này sẽ quay không ngừng và vẫn còn ở đó một thế giới hiện hữu. 

16.12.12

Hình hài yêu dấu (the Lovely Bones) và suy nghĩ về sự lãng quên


Hãy lãng quên người ta quen ngày trước và đừng bao giờ hoài tưởng nữa, nên quên người cũ, quên cả những ngày của thời xa xưa ấy.
Auld lang syne 

Lãng quên là một chữ mà nói ra thì thật là dễ nhưng làm sao ta có thể lãng quên một ai đó? Cho dù đó là những người ta quen từ những ngày trước - những ngày đã lâu lắm rồi.

Có đôi lúc tôi hình dung mình trong chiếc áo sơ mi xanh màu da trời cùng chiếc quần jean  bạc màu, tai đeo headphone, bước đi trong một dòng người dài bất tận, ở đó tất cả mọi người không một ai có một khuôn mặt thật rõ ràng, họ chỉ như những vệt sáng trôi tuột đi một cách nhanh chóng. Liệu đó có phải là một hình thức của lãng quên? Tôi trong tưởng tượng của mình, cứ bước đi một cách lặng lẽ giữa một đám đông không rõ hình thù, đông đúc nhưng trống trãi. Một cách im lặng, tôi tự hỏi làm thế nào để quên một ai đó?

Tôi vẫn thường đinh ninh rằng, một khi tôi muốn quên đi ai đó, cách tốt nhất là lờ đi tất cả những gì có liên quan đến họ. Bằng cách lờ họ đi, tôi sẽ để đầu óc mình lơ đãng khi một ai đó nhắc về họ. Tôi sẽ thôi không nhìn về phía họ mỗi khi thấy bóng dáng những con người ấy ở đâu đây. Tôi sẽ không nói, không hỏi, không đụng gì đến tất cả những chủ đề có liên quan đến họ. Và một khi bắt buộc phải nói chuyện với họ, tôi chỉ nói những gì thật sự cần thiết và rồi im lặng. Đau đớn đấy nhưng tôi nghĩ rằng, đối với mình, đó là cách để quên đi người mình muốn quên lãng. Thế nhưng, sự thật thì, chưa bao giờ tôi có thể quên một ai, càng muốn quên, tôi lại càng nhớ họ nhiều hơn. Khuôn mặt họ lúc ẩn lúc hiện trong tâm tưởng của tôi, cách họ nói, cách họ cười, cách họ giễu cợt người khác, cách họ uống nước, cách họ gát chân, cách họ ngồi… tất cả vẫn nằm ở đấy, sâu trong ngóc ngách tâm trí và trái tim tôi; im lặng và chờ đợi.

Tôi vẫn thường hay thắc mắc, những người đã chết, họ sẽ đi đâu? Nói thường thì cũng không đúng, chính xác là có đôi lúc đầu óc tôi thường nghĩ về những người đã ra đi mãi mãi, nghĩ về những cuộc chia ly, hay đơn giản nghĩ về tương lai, khi những người thân yêu của mình đi xa, chỉ còn lại một mình mình, ngay tại thời điểm ấy trong đầu tôi chỉ có một câu hỏi lẫn quẩn, “họ sẽ đi đâu?” Với mỗi người khác nhau, sẽ có một câu trả lời khác nhau cho câu hỏi đó. Đối với tôi, chưa bao giờ tôi muốn trả lời câu hỏi mà tôi luôn thắc mắc. Tôi vẫn luôn muốn cho rằng họ vẫn đang ở cạnh tôi, vẫn bước từng bước theo chân tôi, vẫn lặng nhìn tôi ngủ hay chỉ đơn giản là ngồi cạnh tôi những lúc tôi thật sự muốn ở một mình. Nói cho cùng thì tôi chắc có lẽ thuộc dạng bị ám ảnh bởi chuyện “sinh tử”, không phải kiểu sợ chết hay nghe tới đám tang là nổi da gà, mà kiểu như tôi luôn muốn biết cảm giác của cái sống và cái chết, nó khác nhau như thế nào? Cái chết, thực chất đó là gì? Quả thật, kiểu như ám ảnh vậy. Cứ như vậy, từng ngày, tôi càng đối diện với chính mình nhiều hơn, và rốt cuộc tôi cũng phải tự cho mình một câu trả lời thích đáng. Những người đó, những người đã ra đi ấy, họ có thể sẽ ở bên tôi, hoặc có thể họ sẽ ra đi về một nơi nào đó thật xa, tất cả là tùy thuộc ở họ, nhưng cho dù thế nào đi nữa, họ vẫn sẽ luôn dõi theo tôi bởi họ biết, trong tim tôi, lúc nào cũng lưu giữ hình bóng của họ, ở một góc sâu thẳm trái tim mình. Tôi không thể ngồi mãi một chỗ để nghĩ về những gì cái chết mang lại, ví dụ như một thay đổi lớn lao cho một đời người, à hoặc nhiều đời người trong một gia đình chẳng hạn, tôi vẫn phải tiếp bước để đi, để sống một cuộc đời tươi đẹp phía trước với những con người mang hơi ấm của tuổi xuân vẫn nồng nhiệt. Người sống hay người chết, ai cũng quan trọng như nhau cả nhưng chúng ta phải tiếp tục với những ai còn có thể tiếp tục.

Lãng quên một ai đó là điều không thể, cứ ra sức trốn chạy hình bóng đó thì rốt cuộc ta lại bị chính hình ảnh đó quay trở lại ám ảnh. Thật chất, lãng quên chỉ là một quá trình tạm bợ của tâm trí con người, để rồi khi không còn gì gây cho họ cảm giác bận rộn, những gì họ muốn quên lãng lại chiếm lấy tâm trí, làm họ bức bối và mệt mỏi. Phụ nữ hay đàn ông, ai cũng muốn quên đi, muốn vứt bỏ đi những gì làm mình đau khổ, tống khứ những điều ấy khỏi cuộc đời mình, thế nhưng rốt cuộc, có mấy ai làm được, hay chính xác hơn, có ai làm được? Và rồi rốt cuộc, tất cả đều phải nhận ra rằng, chỉ có sống chung với nỗi đau, chập nhận sự thật về nó thì họ mới có thể tiếp tục sống cuộc đời của mình. Hãy cứ để nổi đau như một phần ký ức, và ký ức rồi sẽ trôi dạt về một nơ xa xăm nào đó trong trí óc ta, tuy vẫn nằm đó nhưng không bao giờ ám ảnh.

Tất cả những suy nghĩ trên dâng trào mạnh mẽ khi tôi đọc xong cuốn Hình Hài Yêu Dấu của Alice Sebold. Cái chết, sự sống, tất cả đan xen vào nhau như một sợi dây dài bất tận. Tình yêu, nỗi đau, sự mất mát, tình bạn, tất cả hòa trộn lại với những cung bậc cảm xúc phức tạp, biến dạng những cũng đẹp đến mơ ảo! Cách nhìn của một cô bé từ trên thiên đường xuống dương thế, sự tập trung cao độ vào công cuộc lãng quên. Cuộc sống gia đình cô sau cái chết của cô thay đổi qua từng giai đoạn. Hóm hỉnh, mê mẫn và ám ảnh. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói về quyển sách này.


Một cô gái 14 tuổi bị cưỡng hiếp rồi bị giết. Bạn có nghĩ rằng, cái chết của cô gái có thể làm thay đổi cả một thế giới? Tôi nghĩ là có, ít nhất ra, quyển sách này đã ít nhiều làm gợn sóng thế giới của chính tôi!

15.12.12

Câu chuyện nhỏ dễ thương


Cô bé và cậu bé chẳng quen biết nhau. Cậu bé chỉ quen anh của cô bé. Một lần, cậu bé cãi nhau với anh cô bé, tức giận, cậu bé cầm một cục đá ném bể tan tành tủ thuốc lá đang bán của cô bé ngay tại bờ biển. Cô bé ngạc nhiên không hiểu vì sao. Tối đó, cô bé bị ba đánh cho một trận tơi bời với một cái lý do rất là "phong kiến": "Mi không chọc nó sao nó lấy đá ném tủ thuốc của mi??? Con gái mà răng rượng quá vậy hả???". Kể từ đó, cô bé ghét cay ghét đắng cậu bé. Gét cho đến tận khi cả hai lớn lên, rời xa cái xóm nhỏ yên bình ấy.

Đến lúc họ đã trưởng thành, trở về với cái xóm nhỏ kia. Cô bé hôm nào giờ đã là thiếu nữ xinh xắn. Cậu bé lúc xưa giờ đã trở thành một người đàn ông. "Chào em", là hai tiếng đầu tiên cậu bé nói với cô bé khi họ vừa gặp lại. Đáp lại lời chào đó vẫn là cảm giác tức tối và ghét bỏ của cô bé. Không thèm nói lại một tiếng, cô bé cứ vậy mà quay bước đi.

Thế rồi, duyên phận hay sao ấy, miệng thì vẫn nói là ghét mà trái tim thì đã xao động. Rồi từng chiều cậu bé ngồi chờ cô bé bên bờ biển. Từng ngày lễ là từng đóa hồng nhung đỏ thắm. Cậu bé sợ mất cô bé đến nỗi đổi luôn cả ca làm, chuyển từ làm đêm được nhiều tiền và ưu đãi hơn sang làm ban ngày, chỉ để cả chiều tối ngồi bên cạnh cái quán nhỏ xinh của cô bé. Ngồi nhiều đến nổi ai nhìn vào cũng tưởng là nhân viên bảo vệ của quán.

Và rồi, cái gì đến cũng phải đến. Một cái đám hỏi diễn ra, rồi tiếp đó một cái đám cưới diễn ra. Cô bé giờ đã là vợ, cậu bé giờ đã là chồng. Họ đã ghét nhau, yêu nhau và bây giờ là lấy nhau.

Cô bé chuẩn bị có đứa con đầu lòng. Cậu bé đi công tác xa. Mỗi tuần là một bức thư, nét chữ láu và cực xấu, viết vội, nhưng tuần nào cũng có. Cô bé đọc thư mà lòng ấm áp lạ lùng. Rồi mái nhà hạnh phúc này sẽ mãi vẹn nguyên, cô bé nghĩ.

Họ đã có một mái ấm hạnh phúc. Cãi nhau, giận hờn, ghen tuông, đều có cả, nhưng trên tất cả, vẫn chỉ là hạnh phúc. Họ chuẩn bị có với nhau một cô bé con kháu khỉnh...

Cậu bé ra đi, đột ngột đến ngỡ ngàng. Ra đi không để lại một lời trăn trối, ra đi không nhìn ai lấy lần cuối cùng. Chỉ đơn giản là cô độc và lặng lẽ. Cô bé vẫn ở đó, một tay hai đứa con, tưởng chừng mái nhà đang sụp đổ.

Thời gian cũng qua, tất cả đều cũng qua. Giờ đây cô bé ngồi kể lại kỷ niệm đẹp nhất thời thơ ấu của mình với những cảm xúc khó tả. Vui có, buồn có, tức tưởi có, nhưng trên tất cả vẫn là một hạnh phúc ngọt ngào thể hiện một cách rõ ràng và rạng ngời trong đối mắt.

"Thà có được hạnh phúc ngắn ngũi với người mình thật sự yêu thương, còn hơn là sống với người mình không yêu cả một đời."

Tôi hỏi cô bé, "liệu đã hạnh phúc chưa?". Cô bé trả lời, "đã từng và sẽ sống mãi với những hạnh phúc ngọt ngào ấy".


*Viết tặng Mẹ.

14.12.12

Video: Thế giới một năm nhìn lại (từ Google)


Đến hẹn lại lên, năm nay Google tiếp tục đưa ra video trên Youtube để nhìn lại thế giới một năm qua.

Thật sự mà nói, khi xem xong video này, mình xúc động đến nghẹt thở. Quả thật là một video đầy cảm hứng. Và nói thế nào nhỉ? Thế giới này thật tuyệt vời!

*Ngoài lề:

Bên cạnh đó Google cũng công bồ các top từ khóa tìm kiếm, xu hướng và hình ảnh trong năm vừa qua. Tất cả đều được tổng hợp tại trang Google Zeigeist

Top 10 tìm kiếm trong năm (thế giới):

  1. Whitney Houston (mình cũng còn một bài viết về sự ra đi của Whitney tại đây)
  2. Gangnam Style
  3. Hurricane Sandy
  4. iPad 3
  5. Diablo 3
  6. Kate Middleton
  7. Olympics 2012
  8. Amanda Todd
  9. Michael Clarke Duncan
  10. BBB12
Top 10 tìm kiếm trong năm (Việt Nam):

13.12.12

Mong ước tự do


"Con người được tự do vào cái khoảnh khắc mà họ ước rằng họ được tự do"
Voltaire

Ngôi nhà mới, nước trong vắt nhưng không xanh như tôi vẫn thường ở dưới sông. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại ở đây. Tôi đang tung tăng bơi lội trên dòng sông quen thuộc của mình, đang đùa vui cùng bạn bè thì bổng, ùm, một tiếng vậy thôi là tôi đã bị ném vào chỗ này rồi. Mọi thứ ở đây thật tốt, nước thật trong, thức ăn lúc nào cũng đầy đủ, tôi chưa bao giờ phải bị đói bao giờ dù rằng trước đây khi còn ở sông có một hai ngày tôi phải nhịn đói. Mọi thứ đều rất ổn, nhưng tôi thấy mình không ổn.

Ở đây tôi hay bị đụng đầu lắm. Dường như có một bức tường vô hình hiện hữu vậy. Cho dù trước mắt tôi không thấy gì cả nhưng cứ bơi đến đó là “cộp”, đau điến. Tôi cứ bị như vậy mãi, dù tôi biết rằng ở chỗ nào đó tôi sẽ bị đụng đầu, thế nhưng cái ước muốn được bơi đi xa hơn cái nơi tôi đang sống, được thoát khỏi cái căn nhà mới này luôn thôi thúc tôi bơi, bơi cho đến khi “cộp”.

Một hôm tôi thấy có một cái cái gì đó tròn tròn, sáng sáng, gõ cộp cộp tại nơi mà tôi cho rằng chính là bức tường vô hình. Nó cứ trắng trắng như là thức ăn hằng ngày của tôi vậy, nhưng to hơn rất nhiều. Cái vật đó cứ lượn qua lượn lại trước mắt tôi, thật là ngứa mắt hết sức. Tôi cứ đinh ninh rằng đó là thức ăn của tôi, nên cứ há miệng ra mãi. Nó lượn qua bên trái là tôi bơi sang bên trái, nó lượn sang bên phải là tôi bơi sang bên phải, miệng vẫn há, vẫn đớp liên tục. Và rồi bất tình lình tôi thấy nó ở đằng xa, cũng không xa tôi là mấy, tôi cố gắng bơi thật nhanh. “Nhanh nữa lên”, tôi tự nhủ với mình như vậy, tôi không muốn để hụt chỗ thức ăn to ấy. Và rồi chuyện gì đến sẽ đến. Cộp!

Đến bây giờ tôi đã hiểu đó không phải là thứ để tôi ăn mà là thứ sinh ra để trêu ngươi của tôi, để chọc tức tôi và là thứ giúp tôi tiêu khiển. Tuy đã biết đó không phải là thức ăn của mình, nhưng khi nó xuất hiện, tôi vẫn lượn lờ với nó, vẫn bơi theo nó, vẫn cố gắn chạm vào nó. Và khi không thấy vật đó trong một thời gian dài, tôi lại cảm thấy buồn, cảm thấy nhớ. Bởi một lẽ, tôi chỉ có một mình trong căn nhà với những bức tường vô hình, đồ ăn thì thừa mứa, không khí thì đầy đủ. Nhưng chỉ một mình. Thà tôi bị “cộp” nhiều lần vì cái vật trắng trắng, sáng sáng và to ấy còn hơn là bị “cộp” khi bơi một mình.

Có một lần, tôi bơi lên thật cao, cao đến nổi đầu tôi nhô ra khỏi mặt nước và thấy được một dãy hình chữ nhật màu đen bao quanh khu nhà tôi đang sống. Tôi đoán chắc đó là giới hạn của bức tường màu trong xuốt này. Tôi chợt nghĩ, biết đâu bơi qua được giới hạn ấy là tôi có thể bới xa hơn nữa. Vậy là tôi luyện tập, tôi cứ cố gắng vẫy đuôi thật mạnh, dùng hết sức lực của vây để tăng tốc cho mình. Tôi cố gắng bật lên thật cao. Một lần, hai lần, tôi đều không thể vượt qua cái giới hạn đó.

Vật đó lại xuất hiện, nhưng bây giờ tôi đang tập trung cho một việc khác, một việc quan trọng hơn rất nhiều, vượt qua bức tường. Vì thế tôi bỏ mặt cái vật hấp dẫn đó, mặc cho những tiếng gõ nó tạo nên, mặc cho nó cứ lượn lờ thế nào đi chăng nữa, tôi không quan tâm.

Và tôi bơi, bơi như chưa từng được bơi, nhanh hết sức có thể, đập đuôi mạnh hết sức có thể, “cố lên, cố lên, chỉ còn một chút nữa thôi”, ý nghĩ đó cứ lẫn quẩn mãi trong đầu của tôi. Cho đến một ngày. Ào. Tôi đã nhảy lên khỏi mặt nước, tôi bay qua khỏi cái giới hạn đen ngòm chết tiệt ấy. Tôi mừng rỡ, tôi vui sướng, tôi đã ra khỏi căn nhà chết bầm ấy. Tôi đang bay. Tôi đang tự do. Mặt sông rộng lớn ơi! Đợi tôi nhé, tôi đến với Người đây. Bụp! Đau điến, đau không tưởng nổi! Và rồi cháy cả mang, tôi không thể thở, tôi vùng vẫy, tôi há miệng, tôi đập đuôi liên tục. “Cho tôi không khí, cho tôi nước”, tôi cứ “gào” lên như thế trong đầu. Tôi muốn thở, tôi muốn bơi trong dòng nước. Tôi luôn nghĩ rằng một khi ra khỏi căn nhà đó tôi sẽ trở về với dòng sông của tôi, trở về với tự do của tôi. Việc tôi nằm trên mặt đất lạnh lẽo này, cháy khô cả cổ vì không có không khí thế này là ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Khi tôi bắt đầu yếu đi, thì từ trên cao cái vật trắng trắng đó lại xuất hiện, ngày một to hơn và nhiều màu sắt hơn. Tôi không thể miêu tả nó như thế nào vì đó là thứ tôi chưa từng thấy trước đây bao giờ, nhưng nó to lắm, và nó có thể nắm lấy cả thân mình tôi, nhấc bổng tôi lên và thả tôi vào lại trong căn nhà với những bức tường vô hình.

Tôi vẫn sống, vẫn thở và vẫn chơi đùa với vật đã cứu sống tôi và tôi cũng đồ rằng đó chính là thứ đã bắt tôi về ở trong căn nhà này.

Tôi biết ở ngoài kia, ngoài những bức tường của căn nhà này là một thế giới khác, một thế giới không dành cho tôi. Tôi có thể nhìn thấy nó, có thể chơi đùa cùng nó, nhưng tôi không thuộc về nó. Và tôi cũng không thể ở lại mãi trong căn nhà này, tôi không muốn cả cuộc đời còn lại của mình cứ bơi qua bơi lại giữa những bức tường trong suốt, cô độc cả một cuộc đời. Tôi vẫn luyện tập, tôi vẫn mong muốn nhảy ra khỏi cái nơi quỷ quái này một lần nữa, cho dù sau đó tôi có thể chết vì không có nước và không khí, nhưng dẫu thế cũng không sao bởi tôi đã làm được điều mà tôi mong muốn. Tôi muốn được tự do!


----
*Dành tặng cho "em"

12.12.12

Một thế giới



Thế giới như những vòng quay
vừa cũ kỷ vừa tân thời.
Xã hội như một cái lưới
từng nút thắt
gỡ ra rồi lại thắt vào.
Loài người như những mũi lao
cứ phóng đi mãi, chẳng bao giờ
NHÌN LẠI.

Thế giới cứ xoay vòng
Xã hội cứ quay cuồng trong những trào lưu
Con người thì cứ điên đảo theo những gì mà mình cho là
ĐÚNG.
Vẫn cứ lồng lộn, vẫn cứ đay nghiến những gì
mình cho là
SAI

Giữa những điều hổn loạn ấy
giữa những gì trần trụi ấy
không một tôn giáo nào có thể cứu rỗi chúng ta
Chúa cũng không có ở đây
Phật cũng đã bỏ đi
cả những ông thánh cũng không thèm quan tâm.

Chỉ có con người còn lại với con người.

Giữa những gì là xô bồ ấy
giữa những: bon chen. Tranh giành. Cấu xé.
MỘT
cái bắt tay
cái ôm
cái ghì
cái hôn
cái thắm thiết
cái vỗ về
cái siết chặt

HAI
con người
tình nhân
người thân
kẻ không quen

TẤT CẢ
nhân loại
con người

Sẽ có được cho mình
một thế giới

Có thể
KHÔNG ĐẸP

Nhưng đủ,
để
TIN VÀO.

------

*Từ một ngày đã lâu lắm rồi


11.12.12

Giấc mơ...


Đã lâu rồi, không có lúc nào mơ cả. Cứ gần 2,3 giờ sáng mới đi ngủ, đặt lưng xuống là ngủ như chết thì không thể nào có cái gì gọi là “mơ” nó hiện hữu trong đầu mình được. Để rồi bất chợt, lại mơ…

Giấc mơ bắt đầu bằng cảnh mình đang đứng trên đỉnh của một tòa nhà cao chót vót, cao đến độ có thể chạm đến cả những đám mây, đưa tay ra là có thể cảm nhận cái lạnh buốt của những giọt nước nhỏ li ti đang kết tụ lại đó. Tòa nhà cao đến độ khi nhìn xuống thì chẳng thể thấy được gì ngoài những chấm nhỏ li ti. Trong giấc mơ, mình cứ đứng trên “đỉnh cao chói lọi” ấy mà không hề động đậy, chỉ đứng vậy thôi, mắt vẫn mở to, vẫn thở, nhưng toàn cơ thể cứ cứng đờ như một bức tượng đã ở đó cả ngàn năm vậy. Bất chợt, mình cảm thấy muốn động đậy, mình muốn được cử động, mình muốn được làm một cái gì đó. Một khao khát mãnh liệt bùng lên, nó cứ như một thứ cảm giác mà từ trước đến giờ mình chưa bao giờ có vậy. Cảm xúc ấy cứ dâng lên, dâng cao đến mức cái cơ thể cứng đờ của mình cũng không chịu nổi, và rồi rốt cuộc, mình nhảy xuống.

Khi tỉnh dậy, mình không biết cảm giác khi nhảy xuống từ một tòa nhà thật thì sẽ như thế nào, và đương nhiên sẽ không bao giờ muốn biết, thế nhưng mình có thể nhớ rõ ràng cảm giác khi nhảy xuống từ độ cao ấy trong giấc mơ, chỉ có thể tóm gọn trong ba chữ: “Quá tuyệt vời”. Giờ nhắm mắt lại mình vẫn còn hình dung được những gì đã diễn ra trong giấc mơ, đây là chuyện cực hiếm vì hầu như không bao giờ mình có thể nhớ được cái gì rõ ràng từ những giấc mơ, với lại mình cũng không có mơ nhiều. Trong giấc mơ,mình cứ rơi như vậy thôi, gió đập vào mặt nhưng lại làm cả cơ thể mình thoải mái đến lạ lùng, cứ như được giải thoát khỏi cái gông vô hình nào đó vậy. Chỉ rơi tự do như vậy thôi, mọi thứ trở nên đơn sắc, không có cái gì rõ ràng. Mình cứ lao vun vút như một muỗi tên bắn khỏi cánh cung được giăng thật căng. Kỳ lạ là ở chỗ, khi mình rơi tự do như vậy, mọi chuyện từ trước đến giờ cứ hiện lên rõ mồn một trước mắt , cứ y như trong phim. Không biết trước khi chết, con người có được nhìn thấy tất cả những gì mình đã làm trong quá khứ không? Chứ trong mơ, mình đã nhìn thấy được mình lớn lên như thế nào, đã cười thế nào, khóc thế nào, la hét thế nào… Từng mảng ký ức một cứ ùa về, rõ nét có, mờ nhạt có, đôi lúc chỉ là những vệt chớp của những hồi ức đã qua. Cứ như thế, mình rơi, hết rơi sấp rồi lại rơi ngửa, tư thế cứ thế mà thay đổi. Cả đầu óc và cơ thể đều được thư giãn một cách tuyệt đối. Từng đoạn ký ức cứ trôi đi như vậy. Thế rồi mình chạm đất, không đau đớn, không cảm giác, chỉ thấy tất cả là một màu trắng toát. Vậy là mình đã chết. Mình thấy mình đứng trong đám tang của chính mình. Mình thấy mẹ mình ngồi đờ đẫn bên chiếc quan tài đã đóng kỹ càng. Mặt bà trắng bệch không còn sức sống, mắt thì sâu hoắm và u tối. Mình thấy em mình chỉ ngồi lặng lẽ bên cạnh mẹ. Chỉ hai người ngồi đó, mình cũng chỉ đứng nhìn, tất cả đều bất động, lúc này tràn ngập trong tâm trí mình là một nỗi đau không gì diễn tả được, mình muốn khóc nhưng cơ thể không làm theo ý mình, mình muốn gọi tên mẹ nhưng không thể mở miệng. Tất cả là một sự im lặng đến đáng sợ. Thế rồi mình tỉnh giấc với giọt nước mắt còn nóng hổi trên má.

Thức giấc khi mặt trời vừa mới nhú, trong lòng cảm thấy nặng nề, một cảm xúc trộn lẫn rất lạ lùng, vừa thấy thích thú vừa thấy đau buồn đến tận cùng. Thế rồi mình chợt nghĩ đến những giấc mơ mà mình đã từng mơ ước, những mong ước của tuổi trẻ. Trong lòng chợt tràn lên một niềm khát khao được sống, được mơ, được cảm nhận, được tiếp tục có những giấc mơ mãi về sau. Rồi mình nghĩ đến mẹ, đến em, đến nỗi đau mình đã chứng kiến, mọi thứ khiến con tìm mình như thắt lại. Khao khát sống chưa từng dữ dội như lúc này. Và bất chợt mình mỉm cười vì thấy mình còn quá đổi yêu cuộc đời này thế nào.

Có ai đó đã từng nói, “Chết là vinh quang”. Nó chỉ vinh quang khi vào đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh, làm đúng nhiệm vụ của nó, chỉ như vậy Cái Chết mới thật sự là vinh quang. “Sống khó hơn là Chết”, quả thật như vậy, sống là cả một quá trình chiến đấu không mệt mỏi, yêu thương và cảm nhận không mệt mỏi. Khi ta chết, ta sẽ mục rữa trong lòng đất, còn mọi người sẽ tiếp tục cuộc sống của chính họ. Chúng ta cứ nghĩ rằng khi ta chết ai cũng sẽ nhớ thương chúng ta lắm, nhưng sự thật không phải là như vậy. Chúng ta chỉ được nhớ thương khi chúng ta chết đúng thời điểm của mình, khi mà “cần” phải chết. Khi chúng ta “ra đi” trước thời khắc đó, cái chúng ta để lại chỉ là nổi đau và sự trống rỗng mà thôi, không “vinh quang”, không “đẹp đẽ”, tất cả chỉ là sự “bi thương”.

Còn trẻ thì còn sống, sống là cả một chặng đường thú vị, bỏ qua nó thật sự là một điều vô cùng đáng tiếc. Cho dù bất kỳ vì lí do nào đi chăng nữa, sống vẫn là điều tuyệt vời nhất trên cuộc đời này, theo mình nghĩ là vậy!

10.12.12

Doraemon, người hùng thân thiện nhất Châu Á



 Đi lang thang trên mạng tình cờ kiếm được một số bài báo của Tạp chí TIME viết về những người mà tạp chí này cho là những người hùng của Châu Á trong thời đại hiện nay (bài viết này cũng đã lâu, từ năm 2008 hoặc 2009). Duy nhất trong những nhân vật đó, chỉ có Doraemon là hình mẫu tưởng tượng được coi là người hùng Châu Á.

Có lẽ tất cả chúng ta đều không xa lạ gì với chú mèo máy Doraemon. Đọc bài báo của tờ TIME xong tự nhiên thấy nhớ về tuổi thơ với chú mèo máy này kinh khủng. Tuổi thơ của mình đã gắn liền với Doraemon từ khi mình biết đọc. Năm mình lên 4 tuổi cũng là lúc Dorameon được đưa về Việt Nam. Năm mình 5 tuổi mình đã đọc những cuốn truyện Doraemon đầu tiên đến mức nằm lòng từng câu chữ. Đối với mình, Dorameon, Nobita và những người bạn đã không còn là những nhân vật truyện tranh. Họ đã bước ra khỏi trang sách và làm "giàu" thêm thời thơ ấu của mình. Đối với mình họ là những người bạn "tuyệt vời" khi đã dạy cho mình những bài học đầu tiên về sự tuyệt vời của "tình bạn" và sự kỳ diệu của những nỗ lực không ngừng.

Ngày hôm qua đã là kỷ niệm 20 năm ngày Doraemon đến Việt Nam, nên mình muốn viết một cái gì đó về Doraemon. Tình cờ thấy bài báo nào nên dịch ra và để lên blog cho mọi người cùng đọc. Đây quả thật là một bài báo hay và cũng như một lời cảm ơn mình muốn gởi tới "chú mèo máy" tuyệt diệu này. Cảm ơn vì đã đồng hành với mình trong suốt thời thơ ấu không phải lúc nào cũng tràn ngập niềm vui của mình.



NGƯỜI HÙNG THÂN THIỆN NHẤT CHÂU Á

“Có thể nói rằng Doraemon (どらえもん) là một điều tốt đẹp và dễ thương nhất mà người Nhật Bản mang lại cho thế giởi”, Pico Lyer* nói, “và sự lạc quan không ngừng của Doraemon là một nguồn cảm hứng xuyên lục địa.”

Chắc chắn một lần trong đời bạn đã từng nhìn thấy Doraemon cho dù bạn không biết tên của chú mèo máy. Và một khi đã nhìn thấy Doraemon, bạn ắt hẳn sẽ bị lôi cuốn bởi bầu không khí đầy sức sống và lạc quan xung quanh chú mèo máy màu xanh này. Cái đầu tròn như quả bóng với nụ cười rộng, đôi tay giơ lên khi chào và một vẻ tười cười hồn nhiên, không lo âu; được bắt gặp không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên những con đường ở Hà Nội, trong lớp học của những trường Đại học tại Mỹ và cả trong những rạp chiếu phim ở Hồng Kông. Người ta lấy Doraemon làm hình mẫu cho pháo hoa, làm tem thư, làm con trỏ màn hình máy vi tính của Sony, và Doraemon còn xuất hiện trên cả phim ảnh. Nhưng trên hết thảy, Doraemon mang đến một thông điệp cho tất cả mọi người, cho dù chúng ta là ai, thuộc chúng tộc nào, nghèo nàn hay giàu có thì tương lai sẽ trở nên tốt đẹp, thực tại có thể sửa chữa được, và bạn có thể hạnh phúc cho dù bạn đang buồn.

Từ nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản đã tạo nên cho thế giới những cỗ máy sang trọng với kiểu dáng tao nhã bật nhất, những tác phẩm truyện tranh và hoạt hình của họ hấp dẫn cả thế giới đến nỗi ban nhạc điện tử Gorillaz đã sử dụng những đặc trưng hình ảnh hoạt hình ấy để làm đại diện cho chính họ trong các video ca nhạc, hay bộ phim hoạt hình nổi tiếng Vua Sư Tử lấy cảm hứng từ một bô phim hoạt hình kinh điển của bậc thầy Osamu Tezuka(おさむ てずか). Những vận động viên thể thao như Ichiro Suzuki (いちろ すずき) hay Hidetoshi Nakata(ひでとし なかた) đã đem lại sinh khí mới cho làng thể thao thế giới với những cử động uyển chuyển, đầy kỹ thuật và hiệu quả của họ. Thế nhưng không một biểu tượng văn hóa nào của Nhật Bản có được sự ấm áp, đầy thân thiện và đầy tính nhân đạo đối với tất cả mọi người trên thế giới bằng chú mèo máy màu xanh da trời đến từ thể kỳ 22 với chiếc túi thần kỳ trước bụng này.
 


Doraemon không sống trong một thế giới khác chúng ta là mấy, với những chương trình truyền hình hàng tuần và những bộ phim hàng năm cho thấy chú mèo máy này sống trên những con phố rất bình thường, có những hàng xóm rất bình thường ở Nhật Bản. Bạn thân nhất của DoraemonNobita (のびた)(cái tên có nghĩa là “bị hạ gục”), một cậu bé yếu ớt, hậu đậu, thường xuyên cần được giúp đỡ, học lớp 4, đeo kính và luôn bị bắt nạt bởi bạn bè trong trường lớp cũng như hay bị thầy cô và bố mẹ la mắng. Như bất kỳ một người bạn tốt nào, Doraemon cùng đi tập bóng chày với Nobita, ngồi bên cạnh Nobita mỗi khi cậu phải “vật lộn” với bài tập về nhà, và luôn cố gắng bảo vệ Nobita khỏi cậu bé mách lẻo Suneo(すねお)( Xê-kô) hay “chàng lực sỹ” Gian(ギアン)(Chai-en). Tuy nhiên không như những người bạn bình thường khác, Doraemon ngủ trong một cái tủ áo trong phòng của Nobita, và cổ máy thời gian của cậu ta thì lại ở trong ngăn kéo bàn học.

Cũng như những nhân vật hoạt hình kinh điển khác như chú chó Snoopy hay chú gấu Paddington, Doraemon cũng có những đặc trưng tính cách và lai lịch riêng. Chú mèo máy cân nặng 129,3 kg, cao 129,3 cm và sinh nhật vào ngày 3 tháng 9 năm 2112. Món ăn ưa thích của Doraemon là bánh rán (dorayaki(どらやき) – một loại bánh của Nhật Bản với nhân đậu ngọt ở giữa 2 miếng bánh). Ngoài ra Doraemon còn có một cô em gái – Dorami(どらみ), cô mèo máy màu vàng, có tai và lông mi thật dài. Trong khi những thần tượng của giới trẻ Nhật Bản hay những ngôi sao nhạc Pop được “sản xuất” hàng loạt thường có những đặc điểm chung chung thì những nhân vật hoạt hình ở đất nước này, như Doraemon, lại luôn có cá tính riêng biệt đậm nét và đầy chất “nổi loạn” của đời thực.

Một phần khiến cho Doraemon thu hút, cũng giống như những nhân vật hấp dẫn của Hanna-Barbera như: Top Cat hay Yogi Bear, là ở chỗ Doraemon luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, và hầu hết là chuẩn bị sai. Khi nào Nobita bị bắt nạt, Doraemon sẽ lấy từ trong chiếc túi thần kỷ của mình ra chiếc chong chóng tre (takeoputa) (たけおぷた) hay cánh cửa thần kỳ cho phép họ đi đến bất kỳ đâu. Tuy nhiên với chong chóng tre cả hai chỉ có thể bay thấp trên những nóc nhà của thị trấn, và với cánh cửa thần kỳ thì thường là đưa họ đến những nơi mà cả Doraemon Nobita đều muốn tránh. Lý do mà Doraemon có màu xanh, theo như được giải thích, do có một chú chuột rôbốt đã gặm mất tai của Doraemon và chính vì lý do đó mà Doraemon bị bạn gái cười chế nhạo, vừa xấu hổ vừa tức giận đã khiến da của chú mèo máy chuyển sang màu ngọc lam. Có lẽ, trong thế giới của những chú mèo máy thế kỷ 22, Doraemon như là Nobita của thế kỷ này vậy.

Tất cả những gì ở trong và xung quanh Doraemon đều mang đậm tinh thần và phẩm chất Nhật: sự thần kỳ ở những bảo bổi của Doraemon (tất cả đều di động), quyết tâm đối mặt với mọi thứ bằng vẻ mặt tươi cười và không bao giờ chịu từ bỏ, và thậm chí là trong một số phong cách rất riêng của chú mèo máy này (Doraemon có một bảo bối có thể giúp cậu và Nobita nhìn trộm Shizuka(しずか) (Xuka) – cô bé mà Nobita để ý- trong lúc tắm). Trong sâu thẳm, Doraemon lại mang tính người một cách sâu sắc: đó là niềm vui khi cậu có một cô bạn gái mèo tên là Michan(みちゃん), nhưng cô nàng này dường như lúc nào cũng rất khó tiếp cận.

Trên thực tế, sự hấp dẫn xuyên quốc gia, lục địa của Doraemon sẽ dễ thấy hơn nếu chúng ta so sánh cậu ấy với các nhân vật hoạt hình khác của Nhật Bản có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu. Hello Kitty (ハローキティ) chẳng có lý do nào để tồn tại ngoài việc đó là một cô mèo dễ thương; rất đáng yêu, luôn mặc đồ màu hồng và hoàn toàn thụ động. Hello Kitty dường như được lấy mẫu từ hình ảnh của những cô gái châu Á được dạy bảo là phải cư xử như vậy tại chốn đông người. Trong khi đó, Doraemon lại đại diện cho hình ảnh của một nhân viên văn phòng béo tốt, vui vẻ sau một vài cốc bia. Hello Kitty, suy cho cùng, không có miệng và không bao giờ di chuyển. Trong khi đó thì Doraemon lại luôn lắm mồm, trong suốt 30 phút của một tập phim, chúng ta có thể thấy Doraemon với nhiều trạng thái tâm lý đa dạng: khi thì lo lắng (cho Nobita), lúc thì cười như nắc nẻ, lúc lại tức đến nổ mắc, khi lại đập lên sàn một cách giận dữ và rồi lại thư thái ngồi nhấm nháp chiếc bánh rán của mình.

Những nhà nghiên cứu thường cho rằng Doraemon có dáng vẻ của nhân vật Astro Boy- một nhân vật của Osamu Tezuka ở thập niên 60- người có hơn 100.000 mã lực sức mạnh ở cánh tay, đèn pha trong mắt và một nhà máy sản xuất điện hạt nhân ở trong ngực. Trong khi GodzillaGamera, một ví dụ của thời đại hạt nhân thể hiện khoa học có thể làm gì giúp cho chúng ta, Doraemon (giống như Astro Boy) lại cho thấy một nền công nghệ hứa hẹn và tốt đẹp hơn. Có thể bạn sẽ cho rằng ảnh hưởng của Doraemon cũng giống như Pokemon hay Totoro của Hayao Miyazaki – nhà làm phim hoạt hình tài ba mà hãnh phim Disney mua tất cả bản quyền những tác phẩm ông sáng tác. Nhưng thật ra, Doraemon mang những phẩm chất của chính cậu ta: không chỉ là một người bạn (như Winnie the Pooh) và không chỉ là một biểu tượng (như Mickey Mouse). Trong khi nhân vật Bart Simpson nói và làm những điều mà chúng ta sợ phải làm thì Doraemon lại làm những việc mà chúng ta mơ ước được làm. Như Donald George, người biên tập của ấn phẩm Lonely Planet, nói sau một buổi chiếu của Doraemon ở Califorrnia, “Doraemon tượng trưng cho sự kết hợp tuyệt vời của sự ngây thơ và trí tưởng tượng, sau khi xem phim, bạn ra về với một tâm trạng của “trẻ nít” và cảm giác rằng mọi việc đều có thể. Nó cũng giống như cảm giác mà tôi có khi tôi đi du lịch.”

Một phần khác của huyền thoại Doraemon khiến cậu ta trở thành đề tài luyến tiếc nhất tại Nhật Bản hơn 3 thập kỷ qua đó chính là câu chuyện đằng sau câu chuyện. Gần như mọi người ở Nhật đều biết câu chuyện của Hiroshi Fujimoto(ひろし ふじもと), người tạo ra nhân vật Doraemon ở dạng truyện tranh vào năm 1969 và sau đó thuê một người bạn thời tiểu học của mình là Abiko Moto(あびこ もと) làm việc cho ông (khi Fujimoto qua đời năm 1999, câu chuyện này được đăng trên trang nhất). Và Nobuyo Oyama(大山 のぶ代), người lồng tiếng nhân vật Doraemon, là một diễn viên xuất hiện thường xuyên trên TV Nhật. Khi mà Nhật Bản thay đổi chính mình hàng tuần để tìm vị trí của nó trong thế giới hiện đại thì Doraemon là một trong một số ít nhân vật có thể đem một cụ bà mặc Kimono (きもの)và một cậu bé tóc nhuộm vàng lại gần nhau. Cho đến nay, Doraemon đã sống lâu hơn 17 thủ tướng của Nhật.


Bạn có thể thắc mắc liệu tất cả những điều nói trên có khiến Doraemon trở thành một người hùng? Một người hùng, theo định nghĩa của Joseph Campbell là một hình mẫu: rời xa nhà, vượt qua khó khăn và bằng cách nào đó nói với tất cả mọi người rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn chúng ta đang làm và chúng ta có thể trở thành những con người tốt đẹp hơn. Với những định nghĩa đó, chú mèo máy màu ngọc lam đôi khi ngớ ngẩn nhưng lúc nào cũng vưi tươi với những tia hy vọng không thể cưỡng lại trong đôi mắt, thật sự là một anh hùng. Doraemon cho chúng ta thấy rằng chúng ta luôn phải đối mặt với u sầu và sự mệt mỏi nhưng hãy biến những điều đáng buồn ấy trở thành niềm vui và nụ cười.

*Pico Lyer, tác giả cuố Global Soul, một cộng tác viên của tờ TIME, sống tại Nara, Nhật Bản.


Dịch từ tờ Time

*Hình ảnh trong entry được lấy từ Internet. Mình hoàn toàn không có bản quyền đối với các hình ảnh sử dụng ở trên. 

7.12.12

Book Review: Người truyền ký ức (The Giver)


Hãy tưởng tượng bạn được sống trong một xã hội “hoàn hảo”“đồng nhất”. Ở đó bạn sẽ không bao giờ phải lo lắng về đồ ăn, thức uống, không bao giờ phải lo lắng về an ninh. Ở một cộng đồng “sạch” đến từng milimet vuông, không một tội ác khủng khiếp nào được thực hiện, không chiến tranh, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt màu da, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp vì tất cả mọi người đều như nhau. Mọi người trong cộng đồng không hề biết đến đau khổ hay buồn phiền, cái mà họ mang trong mình chỉ là sự yên ổn và những suy nghĩ bình yên. Đến đây bạn có thực sự thích sống trong cộng đồng ấy không?

Người Truyền Ký Ức (The Giver) của nữ văn sỹ người Mỹ Lois Lowry đã đưa người đọc vào thế giới của một xã hội “hoàn hảo, đồng nhất” như vậy, một xã hội giả tưởng, kỳ lạ nhưng lại gần gũi và không khác mấy với thế giới của chúng ta. Ở đó có một bé trai Jonas chuẩn bị bước vào tuổi 12 và em sắp sửa nhận Nhiệm vụ đầu tiên của đời mình. Ở cái cộng đồng “hoàn hảo” này, mọi thứ đều bị ràng buộc bởi những luật lệ và sự chuẩn xác của ngôn từ là cái quan trọng nhất. Luật lệNhiệm vụ được thiết lập ra bởi Hội Đồng Bô Lão, nơi những người sáng lập ra cộng đồng sẽ theo dõi từng đứa trẻ một trong cộng đồng với nhiều quá trình rèn luyện, làm việc tình nguyện cùng với những góp ý của thầy giáo trực tiếp giảng dạy chúng, để cuối cùng Hội Đồng sẽ phân cho mỗi em bé 12 tuổi một Nhiệm vụ, mà các em sẽ gắn liền cuộc đời mình với nhiệm vụ đó. Nhiệm Vụ ở đây có thể là Mẹ Đẻ, Kỹ Sư, Nhà Khoa Học, Giám Đốc khu giải trí, Người Trông Trẻ, Người Trông Nom Người Già, và có cả một Nhiệm Vụ được xem là vinh dự nhất, lớn lao nhất và rất rất lâu mới có người được chọn, đó là Người Tiếp Nhận Ký Ức.

Ở một xã hội mà chỉ một câu nói đùa của một đứa trẻ “Con sắp chết đói đến nơi rồi” cũng sẽ bị đem ra phê bình nghiêm khắc, bởi trong cộng đồng đó không có khái niệm chết đói. Ở một cộng đồng mà hằng năm chỉ có 50 đứa trẻ được sinh ra. Ở một cộng đồng mà người cha và người mẹ không hề sinh ra con cái mà họ đang nuôi dưỡng. Ở một cộng đồng mà bất kỳ ai khi đến tuổi 12 và qua cái tuổi đó sẽ không còn nhớ gì về tuổi tác của mình nữa. Ở một cộng đồng mà một câu hỏi: “Bố mẹ có yêu con không?” thì câu trả lời nhận lại được không phải là “có” hoặc “không” mà là sự đòi hỏi chính xác về mặt ngôn từ “…con có thể hỏi “bố mẹ có thích con không?”… hoặc là “bố mẹ có tự hào về thành tích của con không?”…” Ở một cộng đồng mà người già hoặc trẻ em mới sinh có khiếm khuyết thì sẽ bị “phóng thích”. Ở một cộng đồng mà tất cả mọi người đều “đồng nhất” như nhau về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tất cả rồi cũng sẽ yên bình trong cái cộng đồng ấy, chỉ cho đến khi…

Jonas nhận được nhiệm vụ là Người Tiếp Nhận Ký Ức, từ đó cậu khám phá ra được “cảm xúc”. Cậu phát hiện được những cảm xúc cơ bản nhất của một con người, cảm giác yêu thương, sự tức giận, sự cô đơn, sự cô độc… Cậu còn biết đến cả chiến tranh, sự tàn khốc của nạn đói, và cả cái chết.

Câu chuyện với một kết thúc mở về tương lại của Jonas và một nhân vật khác đã để lại trong tôi rất nhiều suy nghĩ về cuộc sống và về chính xã hội loài người.

Người Truyền Ký Ức là một quyển sách hay được viết cho thiếu nhi, thế nhưng đó không phải là quyển sách mà bất kỳ em nhỏ nào cũng có thể cầm lên xem. Như lời của chính tác giả nói về tác phẩm của mình “Người đàn ông tôi đặt tên là Người truyền Ký Ức đã truyền lại cho cậu bé hiểu biết, lịch sử, màu sắc, nổi đau, tiếng cười, tình yêu và sự thực. Mỗi lần bạn trao một cuốn sách vào tay một đứa trẻ, bạn cũng đã làm điều đó. Đó là một điều mạo hiểm. Nhưng mỗi lần đứa trẻ mở một cuốn sách ra, nó đã đẩy cánh cổng ngăn cách mình và Nơi Khác. Và điều này đưa đến lựa chọn. Đưa đến tự do. Đó là những điều nguy hiểm một cách quý báu và tuyệt diệu.” Quả thật là vậy, quyển sách mở ra cho những em nhỏ và cả người lớn đọc nó những sự lựa chọn, và từ đó đưa đến tự do trong tư tưởng của chính mình. Xét cho đến cùng, cái mà Người Truyền Ký Ức mang lại cho độc giả chính là những cảm xúc tinh thế, mãnh liệt của con người. Cái đẹp lung linh, ấm áp, huyền ảo nhưng diệu kỳ của tình yêu thương, của gia đình. Cái lạnh lẽo, khô khốc và tàn ác của chiến tranh, đói nghèo và cái chết. Quyển sách là một chiếc chìa khóa kỳ diệu để mở ra cánh cửa cảm xúc cho những em nhỏ, và những người lớn nếu không quá vô tình.

Có những đoạn tôi như cảm thấy mình như được đồng cảm với chính nhân vật vì cũng đã có lúc bản thân đã vô cảm đến thế nào trong cuộc sống này. Vô cảm mà ngay cả chính mình cũng không hề hay biết. Đôi lúc tôi thấy lạnh gáy vì hình ảnh của cái chết nhưng cũng có thế thấy rạo rực và ấm áp một cách lạ lùng vì những tia sáng rực rỡ của tình yêu thương. Và to lớn hơn cả là sự hân hoan đến bất ngờ với vẻ đẹp của sự tự do.

Không bất ngờ mấy khi Người Truyền Ký Ức dành được Huân chương Newberry, vinh danh những tác phẩm văn học có ảnh hưởng và đóng góp to lớn đối với trẻ em, câu truyện mà Lois Lowry xây dựng lên vừa hoang đường, vừa thực với những nhân vật không phức tạp nhưng phản ánh đầy đủ những cảm xúc của một con người hoàn thiện.

Quyển sách này không dành cho những ai có suy nghĩ về một màu hồng vĩnh cữu hay một cái đẹp hoàn hảo đến phi thực tại, nó dành cho trẻ em nhưng chỉ những em nhỏ nào có một trái tim nhân hậu và dũng cảm, cũng như lòng vị tha và thơ ngây của trẻ nít.

Đừng vội đưa ngay cho em bạn đọc, mà hãy đọc nó trước để xem em bạn đã chuẩn bị để đón nhận chiếc chìa khóa đến với cánh cửa cảm xúc này hay chưa.

6.12.12

Người lớn và con nít


Một chiều mưa nặng hạt đổ dồn trên mặt đường, những con gió thổi mạnh tạt những giọt nước mưa trắng xóa và lạnh ngắt vào người, tôi vẫn ngồi đó không muốn di chuyển. Từ vị trí này, tôi hứng vào mình những hạt mưa lạnh ngắt, lạnh nhưng khiến đầu óc tôi thanh thản và tỉnh táo lạ thường.

Từ trong quán nhìn ra đường, tất cả ngập trong một màu trắng xóa của cơn mưa, người người cứ thi nhau lướt qua tầm nhìn của tôi một cách vội vã, ai cũng mong muốn về đến nhà thật nhanh trong thời tiết như thế này. Riêng tôi vẫn ngồi im lặng trong quán nước mía, bên cạnh là thằng bạn, trước mặt là hai ly cà phê đã uống hết từ đời tám hoánh nào, thằng bạn thì tai đeo headphone ngồi nhẩm theo những bài hát được phát ra từ chiếc ipod của nó. Còn tôi chỉ ngồi im lặng ngắm từng đợt mưa rơi và suy nghĩ.

Điện thoại rung, một đứa bạn khác nhắn tin vừa mới đi tắm mưa về. Tôi mỉm cười và chợt nhớ mình cũng đã có một thời như thế, thời tôi vẫn còn là một đứa trẻ…

Trong đầu tôi hình dung ra hình ảnh người bạn của tôi, toàn thân ướt đẫm vì mưa bước chân vào nhà và đối diện với những vị phụ huynh đáng kính, chắc chắn là cậu chàng sẽ bị sạc cho một trận vì tắm mưa. Vẫn biết ba mẹ “la mắng” mình cũng vì xót con, thương con nhưng nhiều khi tôi tự hỏi ở trong họ- những người mà họ cho là đã lớn- có còn hiện diện những cảm xúc muốn khám phá, cảm xúc muốn làm một cái gì đó vượt giới hạn, cảm giác được sống một cuộc sống của tuổi trẻ nữa hay không?

Bạn có nhớ không? Có những lần khi bạn chỉ là những đứa trẻ, có những việc bạn không thể hiểu tại sao người lớn lại làm như thế này hoặc như thế nọ, có những việc bạn được họ dạy rằng đó là những việc không đúng và bạn không được phép làm như vậy, thế rồi cuối cùng bạn tận mắt chứng kiến họ làm những việc đó, bạn thắc mắc, bạn ngạc nhiên và câu trả lời bạn nhận được là “sau này lớn lên con sẽ hiểu” hoặc là “đó là việc người lớn phải làm”, vậy cụ thể “những việc người lớn phải làm” là những việc gì? Có những việc, đặc biệt là những việc về tình cảm, con nít cư xử theo bản năng, thích cái gì là nói thích cái ấy, yêu ai là nói yêu người ấy. Người lớn thì sao? Thích cái này thì lại nói là thích cái kia, yêu người này thì lại nói là thích người kia có khi chính bản thân họ cũng không biết mình yêu ai, thích ai hoặc tình cảm của họ đang ở đâu?

Người lớn nói “con nít không được hút thuốc”, con nít hỏi lại “tại sao người lớn lại hút?”, người lớn sẽ trả lời “có những việc người lớn phải làm!”. Người lớn nói “con nít không được yêu quá sớm”, con nít hỏi lại “tại sao?” người lớn sẽ trả lời “có những việc chỉ khi lớn mới được làm!”. Người lớn nói “con nít phải làm theo những gì người lớn bảo con nít làm”, con nít hỏi “thế nếu con nít muốn làm theo những gì con nít muốn thì sao?”, người lớn sẽ trả lời “những gì người lớn chỉ bảo cho con nít đều tốt cả và con nít phải nghe theo người lớn!”. Tôi tự hỏi, vậy quay lại thời gian trước kia, khoảng thời gian thật lâu là lâu lúc mà “Trời sinh ra trước nhất, chỉ toàn là trẻ con”*, lúc đó trẻ con đâu có “người lớn” ở đó để mà chỉ cho trẻ con phải làm cái này, phải làm cái kia hay là làm những việc mà “người lớn phải làm”. Lúc đó chẳng phải là trẻ con phải tự mình suy nghĩ, tự mình đam mê, tự mình cảm nhận, tự mình sống đó sao, tất cả đều phải “tự mình” cả mà thôi. Vào khoảng thời gian đó đâu có “người lớn” nào ở đó thế nhưng trẻ con vẫn lớn lên, vẫn trưởng thành để trở thành “những người lớn”. Thế thì những việc mà “người lớn phải làm” đó chẳng phải là những việc mà trẻ con làm được lặp đi lặp lại từ ngày này qua ngày nọ, từ năm này qua tháng nọ mà thôi ư? Hay “người lớn” thực chất chỉ là những “đứa trẻ” được giấu trong những thân xác to lớn và những “đứa trẻ” đó bị cuộc đời làm tổn thương, bị cuộc đời đem đến những màu đen vào những giấc mơ hồng đầu đời, để rồi từ đó “những đứa trẻ” đó bị thất vọng, thế rồi chúng khép kín lại, chúng sống trong những thân xác lớn hơn, làm những công việc ít bị tổn thương hơn, hy vọng những điều nhỏ hơn hay thậm chí là không hy vọng, sống một cuộc sống ít đam mê hơn thế rồi dần dần, những “đứa trẻ” ấy trở thành những “người lớn” và rồi những “người lớn” ấy với một tình thương tràn ngập với con cái của mình, họ cũng biến con cái thành những “đứa trẻ” như họ, sống một cuộc đời như họ. Hay “người lớn” quá e sợ trước những điều thất vọng để rồi không sống được một cuộc đời đầy hào hứng và một khi đã quá quen với cuộc sống đó họ lại e sợ con cái họ sống một cách quá hào hứng, thế là họ tìm mọi cách để ngăn cản cách sống đó từ khi nó mới manh nha bắt đầu bằng những lý do như “đó là những việc chỉ người lớn mới làm”, tuy nhiên có nhiều việc “người lớn” nói là chỉ có họ mới làm mà thật chất họ cũng có làm được đâu. Có thật là mọi thứ đang diễn ra như vậy không?

Vậy rốt cuộc, “lớn lên” là một quá trình đau thương và đầy đau khổ đến nổi mà có một số “đứa trẻ” không bao giờ có thể trở thành người lớn, hay đó là một trải niệm đầy tuyệt vời mà chỉ một số trẻ nhỏ biết cách nắm bắt để trở thành người lớn thật sự? Liệu thật sự có ranh giới giữa “người lớn” và “trẻ con” hay không? Và thật sự thì, ai phải học hỏi từ ai đây, trẻ con hay người lớn?

*Lấy từ bài thơ Truyện Cổ Tích Loài Người của Xuân Quỳnh