16.12.12

Hình hài yêu dấu (the Lovely Bones) và suy nghĩ về sự lãng quên


Hãy lãng quên người ta quen ngày trước và đừng bao giờ hoài tưởng nữa, nên quên người cũ, quên cả những ngày của thời xa xưa ấy.
Auld lang syne 

Lãng quên là một chữ mà nói ra thì thật là dễ nhưng làm sao ta có thể lãng quên một ai đó? Cho dù đó là những người ta quen từ những ngày trước - những ngày đã lâu lắm rồi.

Có đôi lúc tôi hình dung mình trong chiếc áo sơ mi xanh màu da trời cùng chiếc quần jean  bạc màu, tai đeo headphone, bước đi trong một dòng người dài bất tận, ở đó tất cả mọi người không một ai có một khuôn mặt thật rõ ràng, họ chỉ như những vệt sáng trôi tuột đi một cách nhanh chóng. Liệu đó có phải là một hình thức của lãng quên? Tôi trong tưởng tượng của mình, cứ bước đi một cách lặng lẽ giữa một đám đông không rõ hình thù, đông đúc nhưng trống trãi. Một cách im lặng, tôi tự hỏi làm thế nào để quên một ai đó?

Tôi vẫn thường đinh ninh rằng, một khi tôi muốn quên đi ai đó, cách tốt nhất là lờ đi tất cả những gì có liên quan đến họ. Bằng cách lờ họ đi, tôi sẽ để đầu óc mình lơ đãng khi một ai đó nhắc về họ. Tôi sẽ thôi không nhìn về phía họ mỗi khi thấy bóng dáng những con người ấy ở đâu đây. Tôi sẽ không nói, không hỏi, không đụng gì đến tất cả những chủ đề có liên quan đến họ. Và một khi bắt buộc phải nói chuyện với họ, tôi chỉ nói những gì thật sự cần thiết và rồi im lặng. Đau đớn đấy nhưng tôi nghĩ rằng, đối với mình, đó là cách để quên đi người mình muốn quên lãng. Thế nhưng, sự thật thì, chưa bao giờ tôi có thể quên một ai, càng muốn quên, tôi lại càng nhớ họ nhiều hơn. Khuôn mặt họ lúc ẩn lúc hiện trong tâm tưởng của tôi, cách họ nói, cách họ cười, cách họ giễu cợt người khác, cách họ uống nước, cách họ gát chân, cách họ ngồi… tất cả vẫn nằm ở đấy, sâu trong ngóc ngách tâm trí và trái tim tôi; im lặng và chờ đợi.

Tôi vẫn thường hay thắc mắc, những người đã chết, họ sẽ đi đâu? Nói thường thì cũng không đúng, chính xác là có đôi lúc đầu óc tôi thường nghĩ về những người đã ra đi mãi mãi, nghĩ về những cuộc chia ly, hay đơn giản nghĩ về tương lai, khi những người thân yêu của mình đi xa, chỉ còn lại một mình mình, ngay tại thời điểm ấy trong đầu tôi chỉ có một câu hỏi lẫn quẩn, “họ sẽ đi đâu?” Với mỗi người khác nhau, sẽ có một câu trả lời khác nhau cho câu hỏi đó. Đối với tôi, chưa bao giờ tôi muốn trả lời câu hỏi mà tôi luôn thắc mắc. Tôi vẫn luôn muốn cho rằng họ vẫn đang ở cạnh tôi, vẫn bước từng bước theo chân tôi, vẫn lặng nhìn tôi ngủ hay chỉ đơn giản là ngồi cạnh tôi những lúc tôi thật sự muốn ở một mình. Nói cho cùng thì tôi chắc có lẽ thuộc dạng bị ám ảnh bởi chuyện “sinh tử”, không phải kiểu sợ chết hay nghe tới đám tang là nổi da gà, mà kiểu như tôi luôn muốn biết cảm giác của cái sống và cái chết, nó khác nhau như thế nào? Cái chết, thực chất đó là gì? Quả thật, kiểu như ám ảnh vậy. Cứ như vậy, từng ngày, tôi càng đối diện với chính mình nhiều hơn, và rốt cuộc tôi cũng phải tự cho mình một câu trả lời thích đáng. Những người đó, những người đã ra đi ấy, họ có thể sẽ ở bên tôi, hoặc có thể họ sẽ ra đi về một nơi nào đó thật xa, tất cả là tùy thuộc ở họ, nhưng cho dù thế nào đi nữa, họ vẫn sẽ luôn dõi theo tôi bởi họ biết, trong tim tôi, lúc nào cũng lưu giữ hình bóng của họ, ở một góc sâu thẳm trái tim mình. Tôi không thể ngồi mãi một chỗ để nghĩ về những gì cái chết mang lại, ví dụ như một thay đổi lớn lao cho một đời người, à hoặc nhiều đời người trong một gia đình chẳng hạn, tôi vẫn phải tiếp bước để đi, để sống một cuộc đời tươi đẹp phía trước với những con người mang hơi ấm của tuổi xuân vẫn nồng nhiệt. Người sống hay người chết, ai cũng quan trọng như nhau cả nhưng chúng ta phải tiếp tục với những ai còn có thể tiếp tục.

Lãng quên một ai đó là điều không thể, cứ ra sức trốn chạy hình bóng đó thì rốt cuộc ta lại bị chính hình ảnh đó quay trở lại ám ảnh. Thật chất, lãng quên chỉ là một quá trình tạm bợ của tâm trí con người, để rồi khi không còn gì gây cho họ cảm giác bận rộn, những gì họ muốn quên lãng lại chiếm lấy tâm trí, làm họ bức bối và mệt mỏi. Phụ nữ hay đàn ông, ai cũng muốn quên đi, muốn vứt bỏ đi những gì làm mình đau khổ, tống khứ những điều ấy khỏi cuộc đời mình, thế nhưng rốt cuộc, có mấy ai làm được, hay chính xác hơn, có ai làm được? Và rồi rốt cuộc, tất cả đều phải nhận ra rằng, chỉ có sống chung với nỗi đau, chập nhận sự thật về nó thì họ mới có thể tiếp tục sống cuộc đời của mình. Hãy cứ để nổi đau như một phần ký ức, và ký ức rồi sẽ trôi dạt về một nơ xa xăm nào đó trong trí óc ta, tuy vẫn nằm đó nhưng không bao giờ ám ảnh.

Tất cả những suy nghĩ trên dâng trào mạnh mẽ khi tôi đọc xong cuốn Hình Hài Yêu Dấu của Alice Sebold. Cái chết, sự sống, tất cả đan xen vào nhau như một sợi dây dài bất tận. Tình yêu, nỗi đau, sự mất mát, tình bạn, tất cả hòa trộn lại với những cung bậc cảm xúc phức tạp, biến dạng những cũng đẹp đến mơ ảo! Cách nhìn của một cô bé từ trên thiên đường xuống dương thế, sự tập trung cao độ vào công cuộc lãng quên. Cuộc sống gia đình cô sau cái chết của cô thay đổi qua từng giai đoạn. Hóm hỉnh, mê mẫn và ám ảnh. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói về quyển sách này.


Một cô gái 14 tuổi bị cưỡng hiếp rồi bị giết. Bạn có nghĩ rằng, cái chết của cô gái có thể làm thay đổi cả một thế giới? Tôi nghĩ là có, ít nhất ra, quyển sách này đã ít nhiều làm gợn sóng thế giới của chính tôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét