26.9.13

Khi những mùa vui đi qua (2)


Như đã nói vài lần trong các post trước đây (ở đâyở đây), ngay từ khi mới là một cậu học sinh lớp 10 tôi đã có một ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính đối với trẻ em vị thành niên ở Việt Nam. Tôi luôn cho rằng, công việc quan trọng này dường như không được đánh giá một cách nghiêm túc và đúng đắn tại đất nước của chúng ta, một phần là vì văn hóa và một phần là số đông người lớn - người có trách nhiệm trong việc hướng dẫn những đứa trẻ non nớt trên con đường trưởng thành về mặt thể chất, vẫn chưa thật sự đặt trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc để giáo dục con cái và người thân về tầm quan trọng của giáo dục giới tính và tình dục an toàn.

Nói về hậu quả của những hành động này thì có lẽ việc đất nước có chỉ số lạc quan nhất thế giới này cũng là một trong những nước có tỷ lệ phá thai ở độ tuổi vị thành niên cao nhất thế giới đã là một mình chứng hùng hồn. Tôi luôn thấy phẫn nộ khi nghe những câu chuyện của mẹ mình kể về những đứa trẻ phải trở thành mẹ quá sớm rồi sau đó lại vứt bỏ đứa con của mình để mưu cầu cuộc sống, hay đơn giản chỉ là vứt đi một gánh nặng. Hay những trường hợp chết trên bàn mổ phá thai của những thiếu nữ đang độ xuân thì, độ tuổi đẹp nhất của một đời người. Tôi bật cười thành tiếng một cách ái ngại khi thấy các bạn nữ trong độ tuổi 20 vẫn đỏ mặt và nhảy đành đạch khi chúng tôi bắt đầu nói về bao cao su cũng như những vấn đề liên quan đến tình dục an toàn, một cách nghiêm túc. Và ngay đến một số bạn nam tôi biết cũng vậy, nói đến tình dục và những chuyện tục quanh đó thì rất là hào hứng và tham gia nhiệt tình, nhưng chỉ cần nói đến vấn đề đó một cách nghiêm túc thì ai cũng lảng tránh và tản đi chỗ khác, việc này giống như một phản xạ tự nhiên vậy. Tôi tự hỏi, họ có thật sự yêu bạn gái của họ nhiều đến mức đủ để bước ra khỏi bức tường e ngại vì xấu hổ để quan tâm đến sức khỏe của cả hai, hay đơn giản hơn là quan tâm đến những hậu quả có thể dẫn đến nếu không thực hiện các biện pháp tình dục an toàn? Nghe có vẻ to tát, nhưng đó thật sự là điều tôi nghĩ.

Tôi không mơ về một đất nước Việt Nam mà ở đó tât cả cha mẹ đều thoải mái bàn chuyện về tình dục an toàn hay kiến thức giới tính với con cái như những người bạn đầy tâm lý và hiểu biết, nhưng tôi luôn mong muốn sống trong một xã hội mà ở đó cha mẹ có thể là người cho con cái những lời khuyên thật sự về việc dùng bao cao su khi quan hệ tình dục và sự thiêng liêng của tình dục đối với tình yêu. Tôi luôn mong muốn rằng cha mẹ phải là người đầu tiên mà con cái có thể tìm đến khi chúng đối mặt với các câu hỏi về giới tính, về tình dục, cũng như là người mà chúng có thể an tâm để tin cậy chia sẻ khi chẳng may có thai ngoài ý muốn. Chính các bậc cha mẹ mới là nhân tố quan trọng nhất góp phần vào việc thay đổi nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục giới tính và tình dục an toàn. Và để bắt đầu điều đó, hãy trò chuyện với con cái mình nhiều hơn một chút, hãy làm cho chúng thoải mái bằng cách THẬT SỰ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng để chúng có thể tâm sự về nhưng lo ngại và mơ hồ của tuổi mới lớn. Những câu nói kiểu như "đó không phải là câu hỏi mà trẻ con nên hỏi", "con nít mà nói mấy vấn đề này làm gì?" hay "còn nhỏ mà đã bày đặt trai gái" không giúp cho con cái bạn trưởng thành hơn hay ngoan ngoãn hơn mà chỉ góp phần đẩy con bạn ra xa khỏi bạn mà thôi.

Bên cạnh đó, tôi vẫn mong có nhiều tổ chức phi lợi nhuận quan tâm đến các vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam nhiều hơn. Trong những năm trở lại đây, tại Việt Nam hình như chỉ có tổ chức DKT là hoạt động hiệu quả trong việc phân phối các sản phẩm bao cao su OK, cũng như tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Nếu có nhiều tổ chức như thế này với các hoạt động hiệu quả hơn nữa tại Việt Nam thì vấn đề về nhận thức giáo dục giới tính trong cộng đồng những người trẻ sẽ sớm được cải thiện, tôi hy vọng là vậy.

Nhân ngày Thế giới phòng tránh thai (26/9/2013), lại viết một vài dòng để tự nhắc nhở mình rằng, sau này có con, mình sẽ là người dạy nó những điều về kiến thức giới tính chứ không để nó phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin từ những nguồn không đáng tin cậy trên internet như hiện nay, nếu có tìm thì mình sẽ chỉ nó vào những trang chính thống như thế này. Tôi không muốn con mình hay cháu mình sẽ phải rơi vào tình cảm như thế này:
Hai đứa cháu hiện tại của cô, một đứa bảy tuổi, một đứa 3 tuổi. Con bé bảy tuổi khôn đáo để. Nó lớn và già dặn đến khủng khiếp. Nó giúp cô làm việc nhà, nó chăm em và nấu cơm để đỡ đần cô. Có lần cô có hẹn đi chơi, nấu sẵn đồ ăn và cơm để ở nhà cho hai chị em nó ăn. Cô đi trong vội vã và quên bấm nút nồi cơm điện. Đến giờ ăn, con em đói bụng đòi cơm, con chị dọn cơm ra thì nồi cơm chỉ toàn nước. Nó lột mì gói khô cho con em ăn. Con em không ăn, chỉ khóc. Con chị đánh con em, càng đánh nó càng khóc; khóc cho đến khi mệt nhòi và ngủ thiếp đi. Con chị để em nằm đó, gói mì gói vẫn để mở đấy, lấy bài vở ra học. Vừa viết bài vừa khóc. Bà nội nó về hỏi sao cả nó lẫn em đều khóc, tại sao lại không ăn cơm. Sau khi kể hết mọi chuyện với bà nội, nó òa ra khóc và nói: “Nếu có mẹ con ở đây thì con đã không đánh em và để nó khóc như vậy”.Có lần khác, nó cứ mở tủ lạnh ra chơi và để vậy, cuối tháng tiền điện nhảy lên đến 200 ngàn. Cô đồng nghiệp của mẹ tôi la nó. Cô nói cứ như vậy tiền đâu ra mà cô nuôi được bọn chúng. Ngày hôm sau, con bé từ chỗ đang học bán trú và ở lại trưa ở trường. Nó bỏ về nhà trong buổi trưa. Cô ngạc nhiên và hỏi sao nó lại về. Nó hồn nhiên trả lời: “Từ nay con không đi học bán trú nữa đâu, bà nội sẽ không tốn tiền và có tiền để trả tiền điện”
Khi những mùa vui đi qua, hy vọng sẽ là những mùa vui khác tiếp nối chứ không phải là những nỗi đau đớn và sau đó là một chuỗi các bi kịch không chỉ cho người ở thì hiện tại mà cho cả những đứa trẻ của thì tương lai.

21.9.13

Để tin tưởng, đôi khi cần phải dũng cảm

Có một bộ phim mà khi nghĩ về tôi luôn cảm thấy có một chút gì đó thôi thúc trong lòng, nó gợi lại cho tôi về niềm tin và sự kiên định. Bộ phim là cuộc đấu tranh cả về mặt vật chất, tinh thần và tình cảm với thiên nhiên và với chính bản thân mình của một người đàn ông bị bỏ lại trên một hoang đảo. Tất nhiên sẽ có người biết tôi đang nói đến Cast Away được công chiếu cách đây 13 năm và do nam diễn viên tài năng Tom Hanks đảm nhiệm vai chính và cũng tất nhiên là sẽ có nhiều người biết rằng kết phim thì nhân vật chính của chúng ta đã trở về được với đất liền, với xã hội bằng sự cố gắng và niềm tin mãnh liệt của ông.

Đấy, cứ nghĩ đến cái niềm tin to lớn và kiên định của nhân vật trong phim là cũng đủ làm tôi rùng mình, nó làm tôi phải suy nghĩ về những việc mình làm và những điều mình tin tưởng. Đứng trước một việc tôi nghĩ rằng sẽ khó mà thực hiện được, tôi luôn tự hỏi mình liệu người đàn ông ngoài hoang đảo kia có dễ dàng từ bỏ niềm tin như tôi hay không? Chỉ cần nghĩ như vậy là cũng giúp tôi có đủ động lực để tiếp tục tin tưởng vào lựa chọn của mình. Nhưng, trong thời đại này, tin tưởng thôi dường như vẫn là chưa đủ. Khi chúng ta sống trong một xã hội mà tất cả những giá trị tốt đẹp luôn bị đem lên bàn để mổ xẻ để tìm đến tận cùng những gì khiếm khuyết cho dù là nhỏ bé nhất sau đó thổi phòng nó lên, gieo rắc nó hết các hang cùng ngỏ ngách dưới sức mạnh như bão táp của những con người chỉ biết ngồi một chỗ  sử dụng bàn phím và mạng xã hội như một thứ quyền lực tối thượng để vùi dập và đạp đổ cả những gì mà họ cảm thấy chướng mắt hay chỉ đơn giản là để cho vui theo kiểu của họ, thì để tin tưởng một điều gì đó cần có cả một sự dũng cảm lớn lao.

Ví dụ như, ngoài việc dũng cảm để luôn kiên định với những gì mình tin tưởng như một cô gái 22 tuổi tin vào những chuyến hành trình đi đến những nơi khác nhau trên thế giới để tìm cho mình cảm hứng về cuộc sống và có thể truyền đạt được những gì cô trải nghiệm đến với những người khác, truyền cho họ động lực đi để khám phá cuộc đời, cuộc sống để thấy được ở ngoài kia còn có rất nhiều điều thú vị về tất cả mọi thứ, thì ta cũng phải đủ dũng cảm để gồng lên mà chống đỡ vô vàn công kích trên cả phương diện cá nhân lẫn xã hội từ một đám đông háu chiến sẵn sàng đạp vỡ và nghiền nát những ai không có cùng niềm tin như họ cũng như những ai đủ can đảm và may mắn để làm được những điều mà họ nghĩ sẽ không bao giờ làm được; và cũng đủ dũng cảm để tự nói với bản thân rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi sau bao sóng gió và bão táp để rồi tự động viên tinh thần mà bám vào, ôm chặt lấy cái niềm tin của mình, biến nó thành động lực mãnh liệt hơn nữa để mà đi đến cái đích mình đã chọn. Để làm được tất cả những chuyện ấy, không có chỗ cho người yếu bóng vía.


Sự dũng cảm cũng sẽ giúp chúng ta biến những điều mà ngay cả khi bản thân chúng ta hay những người khác luôn lặp đi lặp lại rằng mình không thể làm được điều đó thành hiện thực. Khi viết những dòng này, tôi chợt nhớ lại khi còn là một thằng bé 13 tuổi, đám đông đối với tôi là một sự sợ hãi tột độ, tôi không thể làm bất cứ điều gì trước mặt nhiều người mà tôi không hề quen biết, tôi không thể đi vào một cửa hàng bách hóa bình thường để hỏi thứ mình cần mua chỉ vì trong đó có quá nhiều người. Vâng, một thằng bé 13 tuổi là tôi lúc đó đã nghĩ rằng cả cuộc đời này về sau có lẽ không bao giờ tôi có thể làm được việc gì cho ra hồn. Hai năm sau, trước mặt gần 2000 học sinh trung học phổ thông tại ngôi trường tôi theo học, tôi đã đứng trên sân khấu của trường để thuyết trình về chủ đề "vai trò của nam giới trong giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên", cho dù tim tôi đập như một hồi trống trận, tay tôi lạnh ngắt vì sợ và chân tôi dường như không thể đứng vững, tôi cũng đã hoàn thành được những gì cần nói, mặc kệ một vài tiếng huýt sáo diễu cợt cũng như một vài nụ cười châm chọc vì tôi đã nói về một chủ đề không mấy bạn nam lấy làm thoải mái. Điều gì đã giúp tôi biến điều mà tôi cho rằng cả cuộc đời này tôi cũng không thể làm được như vậy và chính bản thân tôi cũng không thể tin là mình có thể làm được thành một sự kiện mà tôi luôn cảm thấy tự hào về chính mình? Đó chính là niềm tin mà mẹ tôi đã gieo vào đầu óc của tôi. Bà truyền cho tôi niềm tin về việc không có gì là không thể làm nếu ta cố gắng và sự dũng cảm đương đầu với khó khăn để giữ vững niềm tin của chính bản thân. Xét về một khía cạnh nào đấy, tôi và cô gái trẻ kia đều có chung một điểm, chúng tôi làm những điều mà người khác hay thậm chí chính bản thân đều không nghĩ là mình có thể làm được, và không phải ai cũng tin vào những điều chúng tôi làm.

Có thể việc mà nhiều người cho là không thể thì có những người khác sẽ làm được nếu họ tin tưởng và đủ dũng cảm để dấn thân và việc tin vào họ cũng đòi hỏi chúng ta có sự dũng cảm để giữ cho những niềm tin đó đủ vững chắc trước những con người với lý lẽ đầy "đanh thép" không ngoài mục đích nào khác là đập bỏ niềm tin của chúng ta. Tôi chọn tin vào những mặt tốt đẹp của cuộc sống và tôi tin rằng những giá trị tốt đẹp, dù nhỏ đến đâu nó cũng đủ sức mang lại một điều gì đó tốt đẹp không kém trong lòng người khác, theo cách này hay cách khác, chính vì vậy việc truyền cảm hứng và truyền lửa cho những người trẻ, theo tôi luôn là những điều thật sự đẹp đẽ và những người làm được điều đó luôn xứng đáng có được một sự tôn trọng và tin tưởng. Có được cảm hứng là bước đầu tiên, còn dùng nó như thế nào là tùy vào cái đầu của mỗi người chứ không phải của người truyền cảm hứng bởi một điều đơn giản: đời ai nấy sống, hồn ai nấy giữ, vậy đấy.

11.9.13

Giáo viên mầm non không bằng CON Ở

Đem lên đây để mong mọi người đọc được và tác động đến bạn bè nào đang có con nhỏ được gởi tại các trường mầm non. Giáo viên mầm non đã khổ vì đồng lương ít ỏi rồi vậy mà đến cái quan trọng nhất là nhân phẩm và sự tôn trọng của phụ huynh với hai chữ "nhà giáo" họ còn không nhận được nữa thì còn đâu tâm huyết để họ có thể ở gần 12 tiếng đồng hồ với "con của người ta" đây.