18.5.13

Mẹ tôi và 6 lời khuyên về Internet


Kỷ nguyên của Internet bắt đầu khi mà tôi vẫn còn là một đứa trẻ thò lò mũi chưa sạch, tất nhiên trong thời buổi đói ăn mà tôi được nuôi lớn, mẹ tôi không có bất kỳ khái niệm nào về thời đại công nghệ số đang đến và những ảnh hưởng của nó lên xã hội và đặc biệt là đến tôi.

Nhưng có lẽ bản thân bà cũng không biết rằng bà đã dạy tôi rất nhiều điều bổ ích để có thể sống sót trong kỷ nguyên số  chỉ đơn giản từ những bài học trong cuộc sống hằng ngày được truyền từ đời này sang đời khác của bà.

Dưới đây là sáu bài học tôi học được từ mẹ của mình để trở thành một công dân của thời đại số:

1. "Nếu con không biết phải nói gì cho tử tế thì tốt nhất là đừng nói gì cả"


Sống trong xã hội online của kỷ nguyên công nghệ thông tin này tôi phải xử lý khá nhiều thông tin, đọc những bài viết và cả những bình luận của những công dân mạng khác, tôi khẳng định đây là lời khuyên quý giá nhất mà tôi nhận được từ mẹ của mình cho dù bà không hề biết gì về internet. Những công kích cá nhân không dựa trên bất kỳ một dẫn chứng nào với những lời lẽ thô tục, hay tệ hơn là cả một đám đông cùng nhau bắt nạt và ngược đãi một cá nhân trên internet bằng những bình luận hiểm ác có thể dẫn đến những bi kịch đau lòng. Chúng ta vẫn nhớ về những trường hợp các bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên đã phải kết liễu cuộc sống của mình vì những bình luận ác ý như thế này. Tôi luôn nhớ lời dặn này khi trả lời một bài viết hay đăng một comment mình nào đó của mình trên mạng xã hội. Nếu thật sự không thể nói một điều gì đó lịch sự và tử tế, tôi sẽ cố gắng hết mình để không cất lên tiếng nói làm đau lòng người khác.

2. "Con nhớ tìm hiểu thật kỹ trước khi làm điều gì đó"
 

Mẹ tôi thường nhắc nhở tôi như vậy khi yêu cầu tôi làm bài tập về nhà hay quyết định một điều gì đó, cho dù tôi là một đứa trẻ hay là một người đàn ông trưởng thành. Đối với Internet, đây là lời khuyên vô cùng hữu ích bởi trong thế giới số rộng lớn kia có rất nhiều thông tin trái chiều mà chúng ta không thể nhận biết là đúng sai ngay lần đầu tiên. Để là một công dân mạng tốt, chúng ta nên tìm hiểu thật kỹ nguồn gốc của thông tin, đâu là nguồn trích dẫn đáng tin cậy và đó là thông tin đúng hay sai về một vấn đề, cá nhân hay tổ chức nào đó trước khi chia sẻ nguồn thông tin này đến những người chúng ta quen biết hoặc đến với toàn thế giới trong cộng đồng mạng của mình.

3. "Hãy nhìn vào mắt người khác khi con nói chuyện với họ"


Đối với Internet, câu nói của mẹ tôi có thể được hiểu rằng "hãy lắng nghe người khác khi họ đang nói". Sự phát triển của mạng xã hội cho phép chúng ta cập nhật thông tin, trạng thái, hình ảnh hay phát sóng video của mình một cách nhanh nhất, ở bất kỳ địa điểm nào và bất kỳ thời gian nào chúng ta muốn; nhưng như vậy không có nghĩa chúng ta cho phép mình mù quáng đăng tải những gì mình thích. Hãy dừng lại một chút và lắng nghe phản hồi hoặc ý kiến từ những người mà chúng ta chia sẻ thông tin, hình ảnh hoặc video. Cho dù chúng ta đang ở trong một cộng động trực tuyến nhưng điều đó không hề ngăn chặn sự tương tác hai chiều để tăng chữ tín và lòng tin cậy lẫn nhau khi chúng ta chia sẽ một nội dung số nào đó. Hãy cho người khác chúng ta đang thật sự lắng nghe những gì mà họ nói.

4. "Đừng bao giờ đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài"


Mẹ tôi liên tục lặp đi lặp lại điều này với tôi trong cuộc sống hằng ngày và tôi nhận ra rằng điều này hoàn toàn đúng đối với mạng xã hội và thế giới số. Internet cho phép người dùng tìm kiếm những gì hoàn hảo nhất của bản thân và khoe nó ra trước toàn thế giới với những bức ảnh đại diện đẹp lung linh hay những dòng status, những entry thú vị về cuộc sống hiện tại; nhưng những điều đó không hoàn toàn phản ánh chính xác con người thật sự của chúng ta trong cuộc sống thực tại. Thật dễ dàng khi chỉ chia sẻ những hình ảnh đẹp hay những nội dung tích cực trên mạng internet, nhưng chúng ta nên nhớ rằng ai cũng có một cuộc đời thật ngoài kia trước khi họ đưa nó lên internet và không phải điều gì thực tế cũng giống như những gì được đăng tải trên mạng.

5. "Cẩn thận với lời ăn tiếng nói"


Thế giới vốn đã rộng lớn và ở một khía cạnh nào đó Internet còn thật sự vĩ đại hơn nhiều. Mẹ tôi luôn yêu cầu tôi phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói của mình khi giao tiếp với xã hội, tránh chửi thề và sử dụng từ ngữ thô tục hoặc không phù hợp với hoàn cảnh. Trong thế giới số, chúng ta thường không biết chính xác mình đang nói chuyện với ai và người khác có thể cảm thấy bị xúc phạm như thế nào với một số từ ngữ mà chúng ta dùng. Chính vì vậy, tôi cảm thấy rằng thật sự cần thiết khi chúng ta chọn lựa từ ngữ của mình ở trên mạng để giao tiếp với người khác một cách khôn khéo và phù hợp nhất có thể.

6. "Bạn con làm gì thì con phải làm y như vậy sao?" 


Đây là bài học quan trọng nhất mà tôi luôn ghi nhớ. Cho dù ở đời thực hay trên internet, điều quan trọng vẫn là "thành thực với chính bản thân mình". Chúng ta cần cố gắng giữ cho mình một thương hiệu cá nhân riêng, một tiếng nói riêng. Trong mạng xã hội, những trạng thái tinh thần thường gây hiệu ứng tác động lên đám đông một cách rộng rãi và mạnh mẽ, chúng ta được tiếp xúc với những tin tức nóng hổi ngay tức thời và điều đó đòi hỏi mỗi người một sự tỉnh táo và tránh bị cuốn theo những cơn bão thông tin mà bản thân vẫn chưa định hình và hiểu một cách thấu đáo.

Tóm lại, chẳng cần phải học đâu xa, thậm chí những điều bình thường từ một bà nội trợ cũng có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về cuộc sống, thực hay ảo. Những kinh nghiệm được đúc kết, luôn là những gì đáng quý và trân trọng.

(Nguồn từ Mashable, có được tinh chỉnh cho phù hợp với bản thân tôi) 

1 nhận xét: