Để nói về con người, trước hết mình muốn nói một chút rất ít về Arthur Schopenhauer. Theo triết gia vĩ đại này, ý chí của của con người quyết định tất cả, bất chấp lý trí của anh ta cự tuyệt thế nào. Điều đó có thể là, ý chí anh giằng co bởi các chuẩn mực đạo đức của cái xã hội mà người ta gọi thuần Á Đông này khi anh mở web lên và vào một cái trang Liên Xô Chống Mỹ để mà coi Porn hay còn gọi là phim khiêu dâm, rằng như vậy là không tốt là có lỗi với bạn gái/ vợ tương lai của anh, nhưng đấu tranh một hồi thì anh vẫn thản nhiên xem hết một bộ phim xxx dài gần 90 phút với đủ các tư thế khác nhau, bởi một điều đơn giản là ý chí của anh đã quyết định hôm nay anh phải xem porn và không làm gì khác là ngồi trước màn hình và thưởng thức cái thú vui trần tục của anh. Đó là vì ý chí đã quyết định như vậy.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Con người, bị quyết định bởi ý chí của chính bản thân họ chứ không phải của một người nào khác, không phải của một con bé chưa học đại học đi lang thang ở một vài quốc gia rồi về ngồi viết sách kiếm tiền, không phải của một ông nào đó được nhận một cái học bổng từ đất nước Mỹ xã xôi đang trong tình trạng đóng cửa chính phủ vì mâu thuẫn giữa hai cái đảng điều hành đất nước ấy, và cũng không phải từ bất kỳ một cá nhân nào khác, ngoài chính bản thân con người ấy. Mỗi cá nhân tự quyết định điều họ muốn nói, động cơ sau những lời nói đó, việc họ muốn làm, những việc đó để đạt mục đích gì. Sự quyết định này, bản thân mỗi người đã có sẵn câu trả lời trong sâu thẩm suy nghĩ của mình, những lời góp ý, những lời bình luận từ người khác, chỉ đóng vai trò tư vấn và cung cấp một cái nhìn khác, đa chiều hơn chứ không phải là nhân tố quyết định. Ở khía cạnh ấy, con người có thể thần tượng một ai đó nhưng khó mà bị ảnh hưởng bới lối sống (có thể không tốt hoặc có thể quá vĩ đại) của những thần tượng này, khi cá nhân người hâm mộ đã có sẵn mong muốn và ý định trở thành một người như thế nào, sống một cuộc đời ra sao.
Cộng đồng thường cho rằng một cá thể là vô cùng yếu đuối và cần có sự bảo vệ của những người xung quanh mà thường quên mất một điều rằng, ý chí của một cá nhân có sức mạnh vô cùng to lớn. Con người ta có thể bị bỏ mặt một mình ở nơi không có ai bên cạnh nhưng họ vẫn có thể tồn tại. Con người, nói một cách khác, có thể sống mà không cần cộng đồng nhưng cộng đồng lại không thể tồn tại nếu không có từng cá thể ghép lại. Ở đây, nó là một mối quan hệ tương hỗ không tách rời, cộng đồng và cá nhân có sự tác động qua lại và ảnh hưởng lên nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là cả một cộng đồng đủ khả năng ảnh hưởng và điều khiển một cá nhân phải suy nghĩ như thế nào và hành xử ra sao nếu như ý chí của cá nhân đó không thật sự quyết định như vậy.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi cá nhân có được một nền tảng vững chắc về các giá trị đạo đức và xã hội, nơi mà anh ta/cô ta được sinh ra, nuôi nấng và trưởng thành. Ý chí của cá nhân có thể bị ảnh hưởng được không? Tất nhiên là được, khi mà cá nhân đó vẫn hoàn toàn chưa có được một khái niệm rõ ràng về chính ý chí của bản thân. Khi con người được nuôi dưỡng và tác động tích cực từ lúc còn nhỏ, anh ta/ cô ta sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc về cách thức suy nghĩ và đánh giá những gì đang diễn ra trước mắt đề từ đó tham khảo và đối chiếu với các chuẩn mực của bản thân, rồi sau đó đưa ra một quyết định cuối cùng.
Nói một cách khác, đừng đỗ lỗi cho xã hội hay cộng đồng làm hư hỏng một cá nhân nào đó, mà hãy nhìn lại cách anh ta/cô ta được nuôi dạy như thế nào trong gia đình. Gia đình chính là nguồn tác động lớn lao lên cách thức suy nghĩ và hành xử của một cá nhân. Nếu một cá nhân được cha/mẹ hoặc người thân thiết nhất tác động theo một cách tích cực, với lối suy nghĩ đầy cảm thông và nhân ái thì cá nhân đó khi trưởng thành sẽ nhìn cuộc sống với ánh mắt thiện cảm hơn rất nhiều. Đừng hy vọng con cái chúng ta có thể lớn lên và tự xác định được cái gì là đúng là sai nếu như ngay từ nhỏ chúng ta thản nhiên nói dối trước mặt trẻ con về một vấn đề gì đấy, hay thản nhiên vứt rác ra giữa đường phố hoặc đối xử một cách tàn tệ với người khác cho dù là xúc phạm về mặt tinh thần trước mặt con trẻ hay tệ hơn là xúc phạm thầy cô giáo của con trẻ trước mặt chúng; bởi tất cả những điều mà người lớn chúng ta làm ở trên mâu thuẫn với những giá trị đạo đức về sự trung thật hay về trách nhiệm của cá nhân với xã hội mà trẻ em được học ở trường hay tình chính những gì cha mẹ chúng vẫn thường khuyên bảo hàng ngày. Những mâu thuẫn trong suy nghĩ của trẻ là nền mống cho việc nhìn nhận các giá trị của cuộc sống một cách lệch chuẩn và mơ hồ, dẫn đến có một đánh giá không đúng hay nhìn nhận một chiều về một vấn đề nào đấy. Nói tóm lại, nếu một người trẻ có vấn đề, trước hết hãy nhìn lại chặng đường mà họ đã trải qua và nhìn vào cách mà họ “được” gia đình đối xử, rồi sau đấy hãy đánh giá về tư cách con người và sự ảnh hưởng của xã hội và môi trường xunh quanh. Một lần nữa, đừng mong rằng xã hội sẽ dạy bạn tốt đẹp lên hay cho rằng xã hội sẽ làm bạn xấu đi, không, không ai làm được điều đó, ngoài chính bạn và những người sinh ra và có trách nhiệm dạy dỗ bạn. Đó mới là căn nguyên của mọi vấn đề.
Tóm lại một lần nữa, đối với các nhà “đạo đức học” đang ra rả diễn thuyết trên mặt báo, mặt blog, mặt facebook ngoài kia, đừng khoác lên vai người khác những cái áo quá rộng để rồi quy chụp cho họ một cái trách nhiệm to lớn mà họ không hề có ý định vơ vào. Hãy góp ý làm thế nào cho các bậc cha mẹ dành nhiều thời gian nói chuyện với con cái nhiều hơn, dạy chúng những điều hay lẽ phải nhiều hơn, cho chúng được có quyền lựa chọn và làm những điều chúng mơ ước hay đơn giản là phân tích cho con trẻ hiểu được những tình huống phải lựa chọn giữa việc phải làm việc này hay làm việc kia với những dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục chứ không phải vì lý do “vì ba/mẹ nói vậy”; có như vậy các ngài mới có quyền hy vọng vào những điều tốt đẹp nơi những người trẻ và hy vọng vào một xã hội có văn hóa và tình người.