1.4.13

Những người mẹ độc thân


Năm tôi lên 9, ba tôi mất sau một giấc ngủ vì chứng nhồi máu cơ tim, một tháng sau, em gái tôi chào đời. Kể từ giây phút đó, mẹ tôi trở thành người mẹ đơn thân một nách hai con cho đến tận hôm nay. Trong chặng đường trưởng thành của mình, tôi đã chứng kiến bà phải vất vả đánh vật với cuộc sống như thế nào để kiếm ra bữa ăn hằng ngày cho hai anh em tôi, có nhiều lúc, bà phải nhịn đói để hai đứa có cái bỏ vào miệng. Một ngày của bà bắt đầu từ 3 giờ sáng để chuẩn bị bánh trái và đồ ăn sáng cho căn-tin tại một trường tiểu học nhỏ nơi bà đấu thầu để được bán hàng tháng; đến 6h sáng bà phải có mặt tại trường mầm non bà làm việc với tư cách là một nhà giáo, nơi mà một lớp 40 trẻ chỉ có 2 cô giáo lo toan hết tất cả các công việc từ chăm trẻ, bón ăn, dạy dỗ và dọn vệ sinh; đến 5 giờ chiều bà phải tất bật chạy về nhà lo cho em tôi và nấu cơm cho cả gia đình; 7 giờ tối là lúc bà lái chiếc xe dream Trung Quốc ra khỏi nhà để đi ghi sổ cho công trình đổ đất cát xây dựng nơi chú tôi làm thầu xây dựng, ngày nào cũng vậy, bà về đến nhà là 11 giờ đêm sau khi đã đi về trên đoạn đường dài 10km không một bóng người. Nhiều lúc tôi tự hỏi, sức lực nào có thể khiến bà làm được những điều phi thường như vậy. Bà cứ cố gắng hết ngày này sang ngày khác bởi bà biết rằng bà không thể dừng lại khi trên hai vai bà là những đứa con còn thơ dại. Bà - một người mẹ đơn thân với những nỗi khổ mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy.

Có một dạo, trong xóm lao động mà tôi ở có một chị không chồng mà có con. Một lẽ tất nhiên là không ít lời đàm tếu xung quanh chị ấy và đứa trẻ vừa chào đời. Ngày nào chị cũng phải chịu tiếng mắng nhiếc từ chính cha mẹ ruột của mình, chưa kể đến ánh mắt ghẻ lạnh của những người trong xóm. Tôi, ở cái tuổi 13, đã hùa theo những đứa trẻ trong xóm, mỗi lần đi qua nhà chị, chúng tôi tập hợp thành một nhóm và cùng nhau hát to một bài vè mà đến bây giờ tôi không nhớ rõ nội dung, chỉ nhớ rất rõ một từ trong đó: "con đĩ". Mẹ tôi một lần nghe thấy tôi hát, đã chạy ra tận nơi, trước mặt những đứa trẻ cùng xóm, bà tát tôi một cái thật mạnh, mạnh đến mức răng tôi rỉ máu. Ấn tượng về cái tát đó vẫn hằn mãi trong trí óc tôi đến tận bây giờ. Tất nhiên là tôi  khóc dữ dội, một phần vì đau, một phần khác là vì nhục. Tôi bỏ bữa cơm chiều hôm đó. 

Tối lại, sau 11 giờ đêm khi đã đi làm về, mẹ nhẹ nhàng đến bên giường tôi và chỉ cho tôi biết tôi đã sai như thế nào. Bà nhẹ nhàng vuốt tóc tôi và nói: "Để nuôi một đứa trẻ trưởng thành là một việc vô cùng khó, chọn lựa sinh ra một đứa con là một việc làm đáng trân trọng và dũng cảm. Chị L đã dũng cảm hơn nữa khi chỉ có một mình mà vẫn quyết định sinh ra đứa bé đó, đó là điều cùng thiêng liêng và đáng cảm phục con ạ. Con thấy một mình mẹ đã phải vất vả như thế nào mới nuôi nổi hai đứa, nhưng mẹ con may mắn vì mẹ đã có chồng, còn chị ấy thì sao, biết bao nhiều điều tiếng của xã hội, rồi cả sự rầy la của cha mẹ ruột, những điều đó chị ấy hẳn phải biết là sẽ phải đối mặt khi sinh ra đứa bé. Nhưng chị ấy vẫn quyết định để nó chào đời và quyết định thương yêu, chăm sóc nó. Một người phụ nữ như vậy thật quá dũng cảm và đáng thương. Con không thấy như vậy sao? Những điều con và bạn bè nói là không tốt, nó sẽ làm tổn thương chị ấy, cuộc sống đã vốn dĩ khó khăn rồi, tại sao lại làm người khác đau bằng những lời không đúng như vậy. Con có hiểu không?" Những lời dặn ấy đi theo tôi đến khi tôi trưởng thành. Trong tâm trí tôi, những người phụ nữ, những người mẹ độc thân, những người quyết định đổi lại sự tự do, không ngại điều tiếng và cái nhìn đánh giá của xã hội, để sinh ra những sinh linh bé bỏng trên cuộc đời này và nuôi dạy chúng trưởng thành, là những con người dũng cảm nhất và đáng trân trọng nhất. Chỉ việc họ sinh đứa bé đó ra, đã là một nghĩa cử cao đẹp và trân quý. 

Tôi nói những điều trên là bởi vô tình đọc về những tranh cãi xung quanh việc ca sỹ Thái Thùy Linh, một bà mẹ đơn thân, được nhận giải thưởng tiêu biểu của Trung Ương Đoàn vì những đóng góp của mình cho công tác xã hội. Sự tranh cãi bắt nguồn từ một nhà báo với bút danh Bút Lông, đăng một bài viết trên một diễn đàn cũng dành cho các nhà báo. Nhà báo này phê phán việc Thái Thùy Linh được nhận giải là không đúng và việc cô là một người mẹ đơn thân, không chồng mà được TW Đoàn trao giải như vậy là không xứng đáng và sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến thế hệ trẻ; đại ý là cỗ vũ lối sống buôn thả, không lấy chồng mà vẫn có con.


Thú thật, khi đọc những gì nhà báo kia viết, tôi thật bất ngờ với những thành kiến mà anh ta dành cho Thái Thùy Linh. Tôi thường nghĩ, một nhà báo phải là người có óc quan sát, có một cái đầu rộng mở để có thể nhìn sự việc đa chiều, và nhất là cần phải có một trái tim nóng, để nhìn thấy được những điều tốt đẹp cũng như những gian trá trong xã hội một cách rành rọt. Ở đây, tôi không thấy gì hết ngoài những thù ghét cá nhân và suy nghĩ hủ lậu. Tôi tự hỏi anh ta đã từng ở cạnh một người mẹ độc thân bao giờ chưa? Hay anh ta có quen biết ai phải một mình nuôi con hay không? Và việc họ làm mẹ nhưng không có chồng thì có liên quan gì đến những thành quả mà họ đóng góp cho xã hội. Tất nhiên tôi tôn trọng những ý kiến đa chiều, nhưng ít nhất nó phải liên quan đến những gì mà nhà bào kia đang nhận xét. Tôi tự hỏi, anh ta đang nhận xét về cái gì:

1) Về Thái Thùy Linh trên phương diện con người và những ràng buộc về mặt đạo đức với đặc thù văn hóa và lễ giáo Việt Nam, hay

2) Về giải thưởng mà Thái Thùy Linh được TW Đoàn trao tặng.

Nếu là về điểm 1, thì những gì anh nhận xét không có liên quan với cái giải thưởng mà cô ca sỹ này được nhận. Anh đang nói về sự đoan chính và việc không chồng mà có con có thể ảnh hưởng như thế nào đến thế hệ trẻ. Cái này cần nhiều nghiên cứu rộng rãi hơn là một bài viết bừa từ một người tự nhận là nhà báo. Xét về mặt đạo đức, Linh không mất đạo đức khi cô đã dũng cảm sinh ra đứa trẻ của mình trong khi cô có quyền không làm như vậy để giữ gìn danh tiếng của một ca sỹ. Xét về mặt văn hóa và truyền thống, đó là sự tranh cãi lâu đời giữa lễ giáo và lối sống hiện đại mà mỗi người có một cách nhìn khác nhau, anh đem cách nhìn cá nhân của mình để cho rằng người khác có thể gây ảnh hưởng xấu đến cả một thế hệ là một cáo buộc không có cơ sở. Và trên phương diện là một nhà báo, điều đó là vô đạo đức bởi anh có một tiếng nói đối với một công đồng và trên phương diện là một nhà báo, lời nói của anh và những gì anh viết cần có tính minh bạch hơn là những công kích cá nhân.

Nếu là về điểm 2, thì những gì anh nhận xét về đời tư của Thái Thùy Linh không liên quan gì đến giải thưởng mà cô ấy được nhận vì những đóng góp cho xã hội mà Linh đã làm được với danh nghĩa là một ca sỹ và là người của công chúng. Cô không làm điều đó với danh nghĩa là một bà mẹ độc thân không chồng. Các hoạt động xã hội là cái mà chúng ta quan tâm khi đánh giá về giải thưởng mà cô ấy nhận được; những câu hỏi đặt ra nên là: tính minh bạch của những chuyến quyên góp áo quần hay tính hiệu quả của các chương trình công ích đó; chứ không phải là những điều vớ vẫn như chuyện có con không chồng hay vấn đề về tư cách đạo đức và sự ảnh hưởng của nó đối với cả một thế hệ vốn không phải do Thái Thùy Linh có trách nhiệm dạy dỗ mà cũng không thể nào làm như vậy.

Nói nhiều như vậy, chỉ để thấy rằng tôi thật sự buồn khi có những người được mệnh danh là trí thức lại nhìn đời và đánh giá con người qua việc cô ta có chồng khi sinh con hay không và từ đó phủ định sạch sẽ những gì người khác đã làm được. Cách nhìn đó nó hàm chứa một sự thù ghét lớn lao với những người phụ nữ mà theo như anh ta là không đoan chính. Anh ta lấy cái thang "đoan chính" đó mà đánh giá cuộc sống, đánh giá xã hội trong khi cái chữ "đoan chính" liệu anh ta đã thật sự hiểu. Một người phụ nữ có chồng có con vẫn có thể không đoan chính. Đoan chính hay không nó thể hiện qua những hành động và công việc mà người phụ nữ ấy làm chứ không phải thông qua việc họ phải cưới chồng mới được có con.

Thái Thùy Linh cũng đã có một note khá dài nói về chuyện này trên Facebook về những bức xúc của cô đối với anh nhà báo Bút Lông. Sau đó Bút Lông cũng đã đăng tải thông tin xin lỗi về những gì mình đã phát ngôn, nhưng quả thật, những gì đã nói, đôi khi xin lỗi cũng chẳng thể làm mọi chuyện khác đi, huống hố  anh ta xin lỗi vì thực tâm anh ta cảm thấy mình sai hay vì sức ép dư luận buộc anh ta phải làm vậy? Những cái miệng, thường làm nên những trò cười ra nước mắt, quả thật đồn vẫn như lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét