26.9.13

Khi những mùa vui đi qua (2)


Như đã nói vài lần trong các post trước đây (ở đâyở đây), ngay từ khi mới là một cậu học sinh lớp 10 tôi đã có một ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính đối với trẻ em vị thành niên ở Việt Nam. Tôi luôn cho rằng, công việc quan trọng này dường như không được đánh giá một cách nghiêm túc và đúng đắn tại đất nước của chúng ta, một phần là vì văn hóa và một phần là số đông người lớn - người có trách nhiệm trong việc hướng dẫn những đứa trẻ non nớt trên con đường trưởng thành về mặt thể chất, vẫn chưa thật sự đặt trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc để giáo dục con cái và người thân về tầm quan trọng của giáo dục giới tính và tình dục an toàn.

Nói về hậu quả của những hành động này thì có lẽ việc đất nước có chỉ số lạc quan nhất thế giới này cũng là một trong những nước có tỷ lệ phá thai ở độ tuổi vị thành niên cao nhất thế giới đã là một mình chứng hùng hồn. Tôi luôn thấy phẫn nộ khi nghe những câu chuyện của mẹ mình kể về những đứa trẻ phải trở thành mẹ quá sớm rồi sau đó lại vứt bỏ đứa con của mình để mưu cầu cuộc sống, hay đơn giản chỉ là vứt đi một gánh nặng. Hay những trường hợp chết trên bàn mổ phá thai của những thiếu nữ đang độ xuân thì, độ tuổi đẹp nhất của một đời người. Tôi bật cười thành tiếng một cách ái ngại khi thấy các bạn nữ trong độ tuổi 20 vẫn đỏ mặt và nhảy đành đạch khi chúng tôi bắt đầu nói về bao cao su cũng như những vấn đề liên quan đến tình dục an toàn, một cách nghiêm túc. Và ngay đến một số bạn nam tôi biết cũng vậy, nói đến tình dục và những chuyện tục quanh đó thì rất là hào hứng và tham gia nhiệt tình, nhưng chỉ cần nói đến vấn đề đó một cách nghiêm túc thì ai cũng lảng tránh và tản đi chỗ khác, việc này giống như một phản xạ tự nhiên vậy. Tôi tự hỏi, họ có thật sự yêu bạn gái của họ nhiều đến mức đủ để bước ra khỏi bức tường e ngại vì xấu hổ để quan tâm đến sức khỏe của cả hai, hay đơn giản hơn là quan tâm đến những hậu quả có thể dẫn đến nếu không thực hiện các biện pháp tình dục an toàn? Nghe có vẻ to tát, nhưng đó thật sự là điều tôi nghĩ.

Tôi không mơ về một đất nước Việt Nam mà ở đó tât cả cha mẹ đều thoải mái bàn chuyện về tình dục an toàn hay kiến thức giới tính với con cái như những người bạn đầy tâm lý và hiểu biết, nhưng tôi luôn mong muốn sống trong một xã hội mà ở đó cha mẹ có thể là người cho con cái những lời khuyên thật sự về việc dùng bao cao su khi quan hệ tình dục và sự thiêng liêng của tình dục đối với tình yêu. Tôi luôn mong muốn rằng cha mẹ phải là người đầu tiên mà con cái có thể tìm đến khi chúng đối mặt với các câu hỏi về giới tính, về tình dục, cũng như là người mà chúng có thể an tâm để tin cậy chia sẻ khi chẳng may có thai ngoài ý muốn. Chính các bậc cha mẹ mới là nhân tố quan trọng nhất góp phần vào việc thay đổi nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục giới tính và tình dục an toàn. Và để bắt đầu điều đó, hãy trò chuyện với con cái mình nhiều hơn một chút, hãy làm cho chúng thoải mái bằng cách THẬT SỰ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng để chúng có thể tâm sự về nhưng lo ngại và mơ hồ của tuổi mới lớn. Những câu nói kiểu như "đó không phải là câu hỏi mà trẻ con nên hỏi", "con nít mà nói mấy vấn đề này làm gì?" hay "còn nhỏ mà đã bày đặt trai gái" không giúp cho con cái bạn trưởng thành hơn hay ngoan ngoãn hơn mà chỉ góp phần đẩy con bạn ra xa khỏi bạn mà thôi.

Bên cạnh đó, tôi vẫn mong có nhiều tổ chức phi lợi nhuận quan tâm đến các vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam nhiều hơn. Trong những năm trở lại đây, tại Việt Nam hình như chỉ có tổ chức DKT là hoạt động hiệu quả trong việc phân phối các sản phẩm bao cao su OK, cũng như tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Nếu có nhiều tổ chức như thế này với các hoạt động hiệu quả hơn nữa tại Việt Nam thì vấn đề về nhận thức giáo dục giới tính trong cộng đồng những người trẻ sẽ sớm được cải thiện, tôi hy vọng là vậy.

Nhân ngày Thế giới phòng tránh thai (26/9/2013), lại viết một vài dòng để tự nhắc nhở mình rằng, sau này có con, mình sẽ là người dạy nó những điều về kiến thức giới tính chứ không để nó phải tự mò mẫm tìm kiếm thông tin từ những nguồn không đáng tin cậy trên internet như hiện nay, nếu có tìm thì mình sẽ chỉ nó vào những trang chính thống như thế này. Tôi không muốn con mình hay cháu mình sẽ phải rơi vào tình cảm như thế này:
Hai đứa cháu hiện tại của cô, một đứa bảy tuổi, một đứa 3 tuổi. Con bé bảy tuổi khôn đáo để. Nó lớn và già dặn đến khủng khiếp. Nó giúp cô làm việc nhà, nó chăm em và nấu cơm để đỡ đần cô. Có lần cô có hẹn đi chơi, nấu sẵn đồ ăn và cơm để ở nhà cho hai chị em nó ăn. Cô đi trong vội vã và quên bấm nút nồi cơm điện. Đến giờ ăn, con em đói bụng đòi cơm, con chị dọn cơm ra thì nồi cơm chỉ toàn nước. Nó lột mì gói khô cho con em ăn. Con em không ăn, chỉ khóc. Con chị đánh con em, càng đánh nó càng khóc; khóc cho đến khi mệt nhòi và ngủ thiếp đi. Con chị để em nằm đó, gói mì gói vẫn để mở đấy, lấy bài vở ra học. Vừa viết bài vừa khóc. Bà nội nó về hỏi sao cả nó lẫn em đều khóc, tại sao lại không ăn cơm. Sau khi kể hết mọi chuyện với bà nội, nó òa ra khóc và nói: “Nếu có mẹ con ở đây thì con đã không đánh em và để nó khóc như vậy”.Có lần khác, nó cứ mở tủ lạnh ra chơi và để vậy, cuối tháng tiền điện nhảy lên đến 200 ngàn. Cô đồng nghiệp của mẹ tôi la nó. Cô nói cứ như vậy tiền đâu ra mà cô nuôi được bọn chúng. Ngày hôm sau, con bé từ chỗ đang học bán trú và ở lại trưa ở trường. Nó bỏ về nhà trong buổi trưa. Cô ngạc nhiên và hỏi sao nó lại về. Nó hồn nhiên trả lời: “Từ nay con không đi học bán trú nữa đâu, bà nội sẽ không tốn tiền và có tiền để trả tiền điện”
Khi những mùa vui đi qua, hy vọng sẽ là những mùa vui khác tiếp nối chứ không phải là những nỗi đau đớn và sau đó là một chuỗi các bi kịch không chỉ cho người ở thì hiện tại mà cho cả những đứa trẻ của thì tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét