15.7.13

Thời đại của thông tin


1.

Sài Gòn những ngày mưa làm tôi suy nghĩ nhiều về sự gấp rút. Tôi thường có thói quen chạy xe nhanh khi trời mưa, vẫn biết đây là một thói quen xấu, nhưng dường như cứ mỗi lúc trời đổ mưa, tôi vẫn mặc định nghĩ rằng nếu chạy nhanh hơn một chút thì tôi sẽ ít bị ướt hơn, và kết quả thì thường không giống như là tôi nghĩ.

Điều này, ở một phương diện nào đó cũng khiến tôi suy nghĩ nhiều về cách mọi người xunh quanh mình đang tiếp nhận dòng chảy thông tin dữ dội của kỷ nguyên số này. Mọi thứ đều gấp gáp, đều vội vã và đều phải "ngay lúc này". Thông tin cứ đến, được xử lý và được tiêu thụ với vận tốc ánh sáng, thậm chí việc tìm hiểu tính chính xác của một thông tin dường như là một thói quen xa xỉ đối với một số người trong những năm gần đây. Tất nhiên, việc chọn lựa tin vào một thông tin nào đó thường tự do bản thân mỗi người quyết định, có những thông tin sai rõ mười mươi mà vẫn có một vài cá nhân tin sái cổ thậm chí lập ra những entry trên blog, tạo status trên Facebook chỉ để bảo vệ cho những thông tin đó.

Thực tế trên khiến tôi suy nghĩ về việc chúng ta có tự hỏi mình rằng thông tin mà chúng ta chuẩn bị tiếp nhận nói về việc gì, nói về ai, thời gian xảy, địa điểm xuất hiện và nguyên nhân hoặc động cơ đằng sau những sự vật, sự việc ấy? Chỉ cần trả lời những câu hỏi trên là tự bản thân mỗi người đã có thể tự hình dung trong đầu về một bức tranh toàn cảnh và phần nào đoán được mục đích của bài viết, để từ đó có cho mình một nhận định; đủ đúng để không tin lấy tin để vào những tin tức "thối". Nói cho cùng, câu hỏi luôn có sẵn đó, người nào chủ động hỏi, người đó có được thông tin cần thiết. Chỉ vậy thôi.



2.

Tình cờ tôi đọc được một bài viết trên Mashable, cùng thời điểm tôi được xem một video clip do một Vblogger khá có tiếng thực hiện, cả hai đều chia sẻ một vài thông tin về một khái niệm mà tôi tự gọi tên là "nỗi sợ bị bỏ lại đằng sau" trong thời đại số, internet và mạng xã hội hiện nay.

Trong cái kỷ nguyên mà người ta gọi là hiện đại và văn minh này, cứ mỗi một phút trôi qua lại có hơn 168 triệu email được gởi đi, 695 ngàn status trên Facebook được đăng tải, 98 ngàn tweet xuất hiện trên Twitter và 1,500 blog entry được tạo ra. Thông tin và thông tin có ở khắp mọi nơi. Chỉ cần lướt mắt nhìn vào màn hình điện thoại hay máy tính, chúng ta có thể dễ dàng biết được bạn bè mình đang ở đâu, làm cái gì, làm với ai, nghĩ về cái gì, chụp được những bức ảnh như thế nào... và cũng mỗi phút giây trôi qua, chúng ta sẽ đi từ trạng thái cảm xúc này sang trạng thái cảm xúc khác từ những chia sẻ vui buồn của những người mà chúng ta gọi là "bạn" và được ưu tiên đặt vào trong Facebook Friendlist của mình. Thậm chí có hơn 26% trong số 4200 tại nước Mỹ xa xôi kia sẵn sàng bỏ thói quen xem TV hoặc hút thuốc chứ không bỏ rơi việc cập nhật tin tức trên mạng xã hội.

Tất cả như một dòng chảy bất tận mà việc thoát ra khỏi đó không phải là điều đơn giản. Dòng chảy bất tận của thông tin tạo cho nhiều người sống trong thời đại này áp lực phải được là môt phần của dòng chảy đó, phải tức thời và phải liên tục, điều đó khiến cho nhiều người trong chúng ta sợ cái cảm giác bị bỏ lại đằng sau vì không biết gì về những công việc hằng ngày của bạn bè xunh quanh. Nó như một thứ đại dịch nhưng lại có quá nhiều người tự nguyện "tiêm" vào mình những con virut của thời đại số này. Qua đó cũng thấy được rằng mạng xã hội ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và cuộc sống hằng ngày của một người như thế nào.

3.

Điều tôi muốn nói ở đây là một khi chúng ta có thể xây dựng cho mình một bộ lọc thông tin đủ mạnh và nhận biết được đâu là những thông tin có giá trị và tốt cho bản thân mình thì tự mỗi người đã có đủ sức đề kháng đối với con "virus mạng xã hội" và biến nó thành một công cụ để phục vụ cho đời sống hằng ngày và công việc của mình. Biết được đâu là nguồn thông tin cần theo dõi, nội dung của thông tin là tốt hay xấu và mục đích đằng sau những đăng tải đó giúp chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh hơn về cuộc sống, xã hội và tự định hình cho mình một cách suy nghĩ độc lập và tự tin hơn vào quan điểm của mình.

Không có một công thức chung nào cho tất cả mọi trường hợp, chọn lựa tin tưởng và tiếp nhận thông tin như thế nào đều do bản thân tự quyết định. Nó tùy thuộc vào việc chúng ta muốn kiểm soát cuộc đời của mình như thế nào mà thôi. Và lúc này, có lẻ tôi đã góp thêm một cái entry trong số 1500 blog entry được tạo ra mỗi phút. Có thể có người đọc, cũng có người cho vào bộ lọc thông tin vì cho rằng nó vô bổ ^^.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét