12.5.13

Tôi viết gì khi viết về mẹ



1. 
Hôm nay là Chủ Nhật, ngày 12 tháng 5 năm 2013. Đối với toàn thế giới, hôm nay là Ngày Của Mẹ. Đối với gia đình tôi, hôm nay là ngày tròn 16 năm ngày ba tôi qua đời. Tôi chợt cảm thấy cuộc sống thật có quá nhiều điều trùng hợp thú vị. Rốt cuộc, dù đã thuộc về hai thế giới khác nhau, ba mẹ tôi cũng có chung một ngày của riêng mình, cứ như họ vẫn còn có một mối liên hệ nào đấy. Cũng như những đứa con trên toàn thế giới, tôi mua cho mẹ mình một ổ bánh (tôi không mua hoa vì biết bà vốn không thích phung phí tiền bạc vào những bông hoa), cũng ôm mẹ một cái và cố gắng thốt ra cái câu "Con thương mẹ" một cách ngại ngùng. Tất nhiên, những hành động trên ngoài xuất phát từ sâu trong trái tim bởi ý nghĩ muốn làm một cái gì đó khác biệt so với nhịp sinh hoạt thường ngày của gia đình, nó còn có một chút gì đó chạy theo phong trào và tôi nghĩ điều đó cũng không có gì xấu cho lắm, phải không? Nghĩ lại một chút, cuối cùng tôi muốn kết thúc ngày hôm nay bằng cách viết một cái gì đó về mẹ, người phụ nữ đã dạy tôi tất cả những gì tôi nghĩ là cần thiết cho cuộc sống này. 

2.
Tôi nhớ đã từng đọc một câu truyện ngắn trên báo Hoa Học Trò cách đây đã rất rất lâu. Trong câu truyện được đăng báo, tác giả tả về một giờ học tập làm văn, trong đó giáo viên cho một đề văn miêu tả về mẹ. Có một vài tiếng phàn nàn của các bạn học sinh vì trật tủ và có bạn nói không biết phải viết cái gì về mẹ cả, chính điều này đã làm tác giả buồn và viết ra một câu truyện ngắn. Tóm lại là tôi cũng chỉ nhớ có từng đó và thật tình tôi cũng khó mà trách bạn học sinh nào đó ở trên đã nói không biết phải viết cái gì về mẹ, bản thân tôi có thể dễ dàng vung bút viết về những chuyện, những con người ở tận đâu đâu, thậm chí là ở đâu đó cách đất nước này nửa vòng trái đất, vậy mà để viết ra một đoạn văn đàng hoàng tử tế về mẹ của mình cũng khiến tôi đôi lúc cảm thấy bất lực. Mỗi khi nghĩ về mẹ của mình, những hình ảnh về quá khứ, cảm xúc về tình mẫu tử luôn làm tôi cảm thấy mình khó mà tìm được một từ ngữ nào thích hợp để miêu tả về những gì mẹ đã làm cho mình. Và hôm nay, trong ngày dành cho mẹ, tôi cố gắng hết sức mình để viết ra một cái gì đó để dành cho bà cho dù bà sẽ không bao giờ đọc được, bởi xét trên một phương diện nào đó, viết  có lẽ là cách duy nhất tôi biết để thể hiện tình cảm của mình.

Để bắt đầu, tôi phải nói rằng mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán, nếu nghĩ về một hình mẫu phương Tây nào để so sánh, tôi thường liên tưởng nét tính cách của mẹ mình có phần nào đó hao hao cố thủ tướng nước Anh - Margaret Thatcher; tất nhiên là chỉ hao hao phần nào đó theo quan điểm của tôi. Có thể một số người quen biết tôi ngoài đời sẽ cho rằng bởi ba tôi qua đời sớm và một mình bà phải nuôi hai đứa con nên mẹ tôi bắt buộc phải trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập. Điều đó hoàn toàn không đúng. Qua những gì tôi được nghe kể lại từ mẹ và từ những người cậu, mợ trong gia đình, ngay từ nhỏ mẹ của tôi đã là một cô bé có cá tính. Từ năm lên 4 tuổi bà đã phải lãnh trách nhiệm trông nom cậu út trong nhà ngoại của tôi, năm 6 tuổi bà phải ra Huế để trông nom cho anh họ tôi để dì tôi lúc đó là vợ của một đại tá của Việt Nam Cộng Hòa. Ở ngoài Huế, không có ai chăm lo, đã có lúc bà sốt rất cao và nằm trên chiếc xích đu trong vườn nhà, cậu tôi từ Sài Gòn vào chơi thấy vậy thì vô cùng bực mình và bế thẳng bà trở về Đà Nẵng. Bà đã phải sống tự lập ngay từ khi còn nhỏ bới lúc đó gia đình ngoại tôi nghèo. 

Cách mạng về, ông ngoại tôi trắng tay cho dù trước đây cũng không có nhiều của ăn của để gì, bởi tiền bạc và vàng gởi trong ngân hàng đã mất sạch và không còn chút giá trị dưới chế độ  mới.  Bởi nghèo và vốn tính nghiêm khắc thường thấy của người Huế, ông ngoại tôi trở nên xa cách và hằn học với con cái, đặc biệt là với những người con gái. Năm 11 tuổi mẹ tôi đã phải đi phụ bán nước mía cùng dì tôi. Năm 12 tuổi ông ngoại không cho bà đến trường để ở nhà phụ giúp gia đình. Cả cuộc đời bà, có lẽ chỉ được 3 năm chính thức ngồi ghế nhà trường. Năm 13 tuổi, mùa hè bà tự đẩy xe nước mía ra đầu xóm để bán, các khoản thời gian khác thì phụ bà ngoại buôn bán ngoài biển Thanh Bình, một cái vịnh của thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là khoản thời gian mà bà gặp ba tôi lần đầu tiên, tuy nhiên cuộc chạm trán này lại không để lại ấn tượng tốt đẹp gì trong tâm trí bà. Ba tôi vốn là bạn của cậu tôi, hai người thường xuyên cãi vã nhau vì những lý do trẻ con vặt vãnh, một hôm vì bực mình cậu tôi mà ba tôi đã cầm một cục đá ném bể tủ kính bán thuốc lá của mẹ tôi. Tối hôm đó, mẹ tôi đã bị ông ngoại cho ăn một trận đòn nhừ tử vì đã không giữ gìn tủ thuốc. Tất nhiên bà rất là ức và không tiết lời tổng xỉ vả ba tôi, và bà thề rằng từ đó về sau sẽ không bao giờ nói một lời với "thằng khốn" đó. Vậy mà năm bà 25 tuổi, bà đã lấy người bà từng gọi là thằng khốn đó làm chồng, duyên nợ cuộc đời quả thật thú vị, nhưng đó lại là một câu chuyện khác mà tôi hy vọng có thể chia sẽ với mọi người sau này. 

Có thể nói từ năm 11 tuổi đến năm 15 tuổi mẹ tôi đã phải làm khá nhiều công việc buôn bán lặt vặt khác nhau để trợ giúp gia đình, bên cạnh đó bà còn phải làm tất cả các công việc trong nhà. Có những đêm đã hơn 11 giờ tối, bà vẫn phải thức chờ ông ngoại đi đạp xích lô về để dọn cơm và sau đó rửa chén bát, nhiều lúc bà ngồi chờ với cái bụng đói và sau đó thèm thuồng nhìn cậu út ăn chiếc bánh mỳ nóng hổi ông ngoại tôi mang về (lúc đó ông ngoại chỉ cưng nhất có hai người trong đám con cái 10 đứa của mình là cậu út và một người dì bị bệnh tim bẩm sinh của tôi). Sự thèm thuồng, sự cơ cực và tủi thân đó đã để lại trong đầu mẹ tôi một ấn tượng sâu sắc mà sau này bà nói rằng, bà sẽ cố gắng làm việc và cho dù bà có đói thế nào cũng sẽ không bao giờ để con bà phải thèm thuồng bất cứ cái gì, lúc đó tôi thật sự không hiểu lắm những gì bà nói, nhưng sau ba năm đi làm, tôi có thể hiểu được tình cảm sâu sắc và tâm tư của bà khi nói ra câu nói đó. Năm 16 tuổi, vì muốn sống một cuộc sống tự do và cũng muốn được giúp đỡ gia đình mình nhiều hơn, mẹ tôi đã xin ông ngoại vào làm trong một lò vôi ở Hội An. 

Trong lò vôi tại Hội An, mẹ tôi là người con gái nhỏ tuổi nhất tại đó. Cuộc sống tại lò vôi trong giai đoạn này vô cùng cực khổ, cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, bà phải làm tất cả các công việc bưng bê vôi sống như bất kỳ người đàn ông nào, có những lúc vôi làm bỏng rát cả hai vai của bà, nhưng điều đó cũng không hề khiến bà dừng lại. Bà làm lụng và tiết tiết kiệm để dành tiền gởi về nhà sau khi đã trang trải một ít chi phí cá nhân. Thời gian đó mẹ tôi vô cùng gầy gò và mảnh khảnh bới đói ăn (chế độ tem phiếu) và làm việc cực nhọc, nhưng bà luôn nói rằng đó là khoản thời gian bà cảm thấy hạnh phúc vì bà được sống một khoảng thời gian của niềm vui tuổi trẻ, được sống với bạn bè. Bà ở lại Hội An một năm thì ông ngoại gọi về, sau khi về Đà Nẵng, bà đi học bổ túc trong hai năm và rồi xin học trường đào tạo mầm non, rồi xin vào làm cấp dưỡng cho nhà trẻ Tiên Sa, cũng là nơi bà gắn bó cả cuộc đời của mình cho đến tận bây giờ. 

Để xin vào vị trí cấp dưỡng tại nhà trẻ Tiên Sa, bà đã phải chạy 5 phân vàng cho mẹ của một người mà mẹ gọi là người yêu cũ. Lúc đó nhà trẻ thông báo tuyển cấp dưỡng mà không phải tốn bất kỳ chi phí nào, nhưng vì không biết thông tin và bị mẹ của người yêu cũ lừa nên mẹ tôi phải chạy chọt mượn tiền để xin vào làm. Sau này biết được thông tin đó mà bà đã chia tay ông người yêu cũ đó, tôi thì cho rằng đây quả là ý trời. Lúc đó bà có chơi một chân hụi trong xóm và sau đó thì bị họ quỵt tiền hụi. Mẹ tôi đã rất tức giận và đến tận nhà người quỵt tiền để đòi, khi họ nói không có tiền, bà đã lao vào nhà lấy chiếu và mùng để cầm cố. Khi kể lại điều này với tôi bà đã cười không ngớt mà nói rằng không hiểu bà lấy đâu ra sức mạnh để làm điều đó, điều mà trước đây bà không bao giờ nghĩ tới. Sau đó, anh đội trưởng công an phường, người có quen biết với mẹ tôi đã đến và khuyên mẹ trả lại chiếu và mùng cho gia đình kia vì như vậy là phạm pháp, bà đành phải trả lại mọi thứ trong ấm ức và nước mắt đầm đìa. 

Trong khi học tại trường đào tạo cô nuôi dạy trẻ lúc bấy giờ, mẹ tôi thuộc vào top 3 của trường, cho dù bà chỉ được đào tạo chính quy có 3 năm. Bà đã phải dấu điều này khi xin vào trường đào tạo cô nuôi dạy trẻ vì bà cho rằng không gì xấu hổ bằng việc không có kiến thức và không được giáo dục. Thành thích học tập của bà trong khóa đó rất cao và bà được chọn để báo cáo điển hình cuối khóa. Vào lúc đó, có một cô, hình như là tên Tâm, vì ghen tức với thành thích của mẹ tôi nên đã đặt điều nói xấu bà với mọi người bà. Khi nghe người khác kể lại, bà đã hẹn gặp cô Tâm đó để nói rõ mọi chuyện, sau một hồi cãi nhau và cô Tâm đó có một vài lời xúc phạm đến mẹ tôi, bà đã không ngại ngừng vung tay tát cô ta một bạt tai. Mọi người chứng kiến đều rất là sốc bởi mẹ tôi vốn nổi tiếng hiền lành, nết na và sống biết điều ở trong trường. Sau sự kiện cái bạt tai đó, mẹ tôi đã không được báo cáo điển hình cuối khóa nữa. Mẹ nói với tôi rằng bà đã không hối tiếc khi làm như vậy, bà cho rằng cho dù hiền lành đến thế nào, phẩm giá của một người là điều tối quan trọng, khi phẩm giá bị xúc phạm và chúng ta đã dùng cách hòa bình nhất để giải quyết mà không được gì thì chỉ còn cách sử dụng bạo lực mà thôi. Tất nhiên là bà cấm tôi đánh người khác. Nhiều khi tôi thấy các bật phụ huynh thật là mâu thuẫn. 

Sau khi làm ở trường mầm non Tiên Sa, đến năm 25 tuổi mẹ tôi cưới ba tôi và một năm sau đó tôi chào đời. Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn và tất nhiên nhà nào cũng đói. Ba tôi lại có tham vọng ra làm riêng nên đã bỏ việc thợ máy mà ra mở cửa hàng cơ khí riêng. Mẹ tôi đã phải làm hai ba công việc một lúc, buổi sáng thì nấu cháo để bán, tối lại sau khi hoàn thành công việc tại trường thi làm sữa chua để bán và tới 8h tối thì ra phụ bà nội tôi bán trứng vịt lộn trước ga Đà Nẵng. Làm nhiều như vậy nhưng nhà tôi lúc nào cũng không đủ ăn bởi phải trả thêm chi phí thuê ki-ốt làm cửa hàng cho ba tôi, lại gặp điều kiện kinh tế khó khăn nên ba tôi không làm ăn ra. Lúc đó ông lâm vào cảnh thất chí và uống rượu suốt ngày, sau khi uống rượu thì lại đi đánh bài để quên đi hiện thực tàn khốc và cũng cố gắng tìm một vận may nào đó. Một hôm, mẹ tôi vừa trông tôi vừa nấu nước sôi để làm sữa chua, bà bô tình trượt chân trên một vũng nước và làm bỏng cả một bên chân vì nước sôi đổ vào người. Trong suốt thời gian bà bị thương, bà vẫn tìm cách để ngăn ba tôi không đi đánh bạc. Hằng đêm, bà nghe phong phanh thông tin chỗ nào ba tôi đến đánh bạc, bà đều tìm đến con đường có tụ điểm ấy, nhìn  vào từng nhà để kiếm. Một ngày, trên đường Nguyễn Hoàng, tình cờ phát hiện ra chiếc xe đạp của ba tôi trước một căn nhà. Bà đòi vào gặp ba tôi nhưng người giữ cửa không cho, bà ở ngoài kêu gào tên ba tôi và đòi ông ra ngoài cho bằng được, một lúc sau ba tôi bị đẩy ra ngoài. Ông đuổi mẹ tôi về nhưng bà nhất quyết chỉ ra về khi ông cùng về. Bà khuyên ngăn ba tôi hết lời, có lẽ vì thấy giáng vẻ tôi nghiệp với cái chân phỏng của bà, mà ba tôi đã thú nhận là đã thua khá nhiều tiền, ước tình chừng 1 hay 2 chỉ vàng gì đấy và ông muốn gỡ lại những gì đã mất. Mẹ tôi đã lột 5 phân vàng cuối cùng của gia đình và đưa cho ba tôi, bà nói rằng ông có thể đánh hết hôm nay và nếu ông thua hết 5 chỉ vàng này thì kể từ nay về sau ông tuyệt đối không được đụng đến bài bạt nữa, nếu không bà sẽ bồng tôi và bỏ nhà ra đi. Tất nhiên là ba tôi thua sạch. Nhưng điều đó không ngăn ông tiếp tục dấn thân vào con đường cờ bạc. Vậy là mẹ tôi đã bồng tôi và bỏ về ngoại. Ba tôi về nhà không thấy vợ con đâu thì phát hoảng, ông chạy xuống ngoại nhưng cũng không thấy mẹ tôi, ông sợ vợ mình làm bậy nên chạy thẳng ra biển thì quả nhiên thấy bà đang bế tôi đứng ngoài đấy, mặt ba tôi theo lời mẹ tôi kể là tái mét không còn giọt máu vì nghĩ rằng mẹ tôi định tự vẫn, khi kể lại cho tôi thì bà ôm bụng cười vì bà nói rằng thật ra lúc đấy bà chỉ đứng đó và làm ra vẻ như vậy để hù ba tôi mà thôi; nghe như vậy tôi phải nói rằng phụ nữ quả thật không hề đơn giản. Ba tôi đã phải lạy lục và thề sống thề chết sẽ không bao giờ đụng đến bài bạc nữa thì mẹ tôi mới chịu theo ông về nhà, và quả thật kể từ đó cho đến lúc ông qua đời, không bao giờ ông con đụng đến một con bài nào cả. 

Năm tôi lên 6 hoặc 7 tuổi, cuộc sống của gia đình có phần khắm khá hơn khi ba tôi bắt đầu lằm ăn nên ra. Lúc này ông muốn mẹ tôi bỏ nghề cô nuôi dạy trẻ để ở nhà chăm sóc gia đình hoặc ra buôn bán ngoài vì ông cho rằng đồng lương kiếm từ nghề nuôi dạy trẻ quá ít trong khi mẹ tôi phải làm việc quá nhiều. Mẹ tôi đã kiên quyết phản đối vì bà muốn giữ cho mình một cái nghề và muốn mình được tự chủ hơn trong vấn đề kinh tế. Bà nói với tôi rằng bà không muốn trở thành một người phụ nữ phụ thuộc vào chồng và suốt ngày chỉ biết có gia đình và bếp núc. Bà tiếp tục tham gia lớp học lấy bằng 12+1 và 12+2 trong hai năm liền để trở thành giáo viên chính được đứng lớp. Mẹ tôi là giáo viên đầu tiên thuộc thế hệ của bà tại trường mầm non Tiên Sa có bằng 12+2. Năm tôi lên 9 tuổi cũng, mẹ tôi mang thai em gái tôi và cũng là lúc ba tôi qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim. Gia sản ba tôi để lại chỉ vài chục triệu sau khi trừ đi các khoản nợ thanh toán cho công nhân làm công trình. Tất nhiên tôi nghĩ rằng mẹ tôi tuyệt vọng vào thời điểm đó. Nhưng có lẽ chưa bao giờ trong ký ức tuổi thơ của tôi có hiện diện một hình ảnh nào của một người phụ nữ tuyệt vọng, có lẽ mẹ đã không cho tôi thấy điều đó. Bà vẫn lặng lẽ lo lắng chu toàn đám tang của ba trong khi chỉ còn 2,3 tháng nữa là em tôi chào đời. Sau khi hạ sinh em tôi, 2 tháng sau bà đã quay trở lại trường làm việc và làm thêm để kiếm tiền. Trong khoảng thời gian em tôi một tuổi, bà làm 3 công việc cùng một lúc, sáng bán căng tin tại một trường tiểu học, cả ngày làm giáo viên dạy trẻ và tối thì đi ghi sổ công trình đổ đất cho cậu tôi. Tất cả những gì bà làm, cốt để nuôi sống anh em chúng tôi và sửa lại căn nhà của gia đình tôi bên quận ba để 3 mẹ con có thể quay về nhà với một không khí ấm cúng hơn. Trong khoản thời gian này, bà cũng tiếp tục nộp đơn đi học đại học để lấy bằng đại học tâm lý mầm non. Bà cũng là giáo viên đầu tiên trong trường lấy được bằng đại học này. 

Mẹ tôi là một người đa cảm và lãng mạn. Đối với bà, âm nhạc, thơ ca là những thứ có thể làm bà xúc động. Nhưng đối với chuyện tình cảm, bà cũng rất là dứt khoát. Bà yêu với một lý trí vững vàng và bà biết đâu là thời điểm cần phải dừng lại. Trong tâm trí bà, con cái là điều quan trọng nhất, tất cả những thứ khác đều phải đứng sau. Có một dạo bà yêu một người đàn ông có gia cảnh tốt, phù hợp với mẹ tôi rất nhiều nhưng ông ta muốn chỉ bà và em gái nhỏ của tôi sống cùng ông, còn tôi lúc này đã học lớp 9 có thể tự lo và sống tự lập ở nhà của mình, hằng tuần bà có thể về thăm tôi thường xuyên. Tất nhiên là mẹ tôi đã không đồng ý và chia tay với người đàn ông đó mặc dù tôi cho rằng bà vẫn còn có tình cảm rất nhiều với ông ta. Chỉ duy nhất một lần tôi thấy bà mù quáng vì yêu, điều đó cũng gây cho tôi một sự khổ tâm mà mãi về sau có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được. Tôi chỉ mong ước mẹ của mình có một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người mà bà yêu thương, nhưng dường như điều đó là không thể tại thời điểm đó. Sự dằn vặt và cả mâu thuẫn, tất cả đều đi đến một hồi kết mà người bước ra khỏi mớ lộn xộn tình cảm ấy, vẫn luôn là mẹ tôi. Bà sẵn sàng bỏ lại hạnh phúc cá nhân của mình đằng sau để gia đình tôi có thể sống yên ổn. Điều đó làm tôi vừa nể phục bà, vừa không tán đồng với bà, nhưng có lẽ tôi phải luôn tôn trọng những gì mà bà đã làm. Suy cho cùng, tất cả những điều đó chỉ nhằm mang lại một cuộc sống tốt đẹp cho hai anh em tôi mà thôi. 

3. 
Người phụ nữ đã sinh ra và nuôi nấng tôi thành người cũng là người đã dạy cho tôi tất cả những đức tính tốt đẹp của một con người tốt. Bà nghiêm khắc với tôi nhưng cũng vô cùng dịu dàng. Bà dạy tôi phải sống như một con người và phải biết tha thứ với lỗi lầm của người khác, điều quan trọng và tốt đẹp nhất của một con người là sự khoan dung, thứ mà có lẽ đến giờ tôi cũng không hiểu rõ mấy cho dù có được mẹ dạy nhiều như thế nào. Bà dạy tôi về sự cần mẫn và lòng quyết tâm để đạt được một điều gì đó; tôi luôn tin rằng nếu bà được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khá giả hơn và được học hành tử tế, chắc hẳn bà sẽ làm được một điều gì đó lớn lao và thành công. Tôi học được rất nhiều thứ từ người phụ nữ tuyệt vời này, và điều quan trong khiến tôi luôn tự hào về bà là bởi bà luôn tôn trọng những gì tôi làm, bà không phải đối cho dù bà không thích một vài hành động hay ý tưởng mà tôi có. Trong gia đình của tôi, mọi thứ phải bắt đầu bằng sự trao đổi, thảo luận và đi đến một sự đồng thuận chung và chính bà là người tạo ra được một tiền đề tuyệt vời ấy. 

Tất nhiên mẹ tôi cũng có những rắc rối và tật xấu của bất kỳ người phụ nữ nào khác, và đôi khi điều đó cũng khiến tôi cảm thấy bức bối và khó chịu. Nhưng điều đó càng làm tôi ngưỡng mộ bà nhiều hơn nữa bởi bà là một người phụ nữ không hoàn hảo. 

Có thể sau này, khi nhìn lại, ký ức của tôi sẽ chỉ còn là những vệt màu loang không rõ nét, nhưng chắc chắn một điều, trong những vệt màu ấy, ký ức và hình ảnh về mẹ, luôn là những gì sống động và đẹp đẽ nhất, bởi đó là mẹ của tôi. 

3 nhận xét:

  1. Một người mẹ tuyệt vời!

    Trả lờiXóa
  2. Mẹ bạn có đọc được bài viết này không. Mình nghĩ là mẹ bạn sẽ hạnh phúc nếu biết bạn yêu mẹ nhiều như thế :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mẹ mình không biết gì về Internet đâu :) nên chắc chắn là không có đọc được rồi hehe

      Xóa