3.5.13

Bấm like liệu có cứu người!?


Tôi thường có một mối quan hệ yêu ghét không rõ ràng với những bức ảnh, status mà một cá nhân hay tổ chức đăng tải để vận động tài trợ, quyên góp cho một hoạt động hay chiến dịch từ thiện nào đó hoặc cho những chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về một vấn nạn xã hội.

Yêu là bởi:

  • Những bức ảnh, status có lượng likes lớn sẽ nâng cao tỷ lệ nhiều người khác trên mạng có thể biết về hoạt động hoặc các chiến dịch mang mục đích và ý nghĩa nhân văn to lớn kia nhờ cơ chế hoạt động của Facebook cho phép bạn bè có thể thấy được những bức ảnh hoặc đường dẫn mà chúng ta bấm like. Tỷ lệ nhận biết cao thường đồng nghĩa với cơ hội gia tăng số lượng người tham gia vào những sự kiện tình nguyện.


  • Bấm like, một phần nào đó biểu hiện ý muốn được là một phần của những hoạt động mang tính cộng đồng kia, nó khơi dậy trong ta một ý niệm về hành động tốt và ý nghĩ muốn giúp đỡ người khác. Những hành động thường xuất phát từ những ý niệm, một ý niệm tốt luôn làm gia tăng khả năng làm việc có ích của một người. Đôi lúc những ý nghĩ đó sẽ nằm mãi trong đầu chúng ta và thôi thúc chúng ta phải hành động.


Ghét là bởi:

  • Có một khả năng khá lớn là con người chúng ta thường bị tính bầy đàn chi phối, thấy người khác like thì cũng bấm like cho dù không thật sự đọc qua nội dung mà người khác muốn chia sẻ. Điều này thể hiện rõ nhất đối với những hình ảnh và status có lượng likes cao ngất ngưởng nhưng số lượng tương (comment, chia sẻ) tác lại khá thấp.
  • Hành động bấm like, xét về mặt tâm lý, có thể nói rằng nó mang lại cảm giác làm được một điều gì đó có ích cho những đối tượng, sự kiện cần nhận được sự chú ý của công chúng và cộng đồng mạng xã hội. Nhưng thật chất không phải là vậy, việc bấm like mang nặng về mặt ý niệm đối với việc cần làm một hành động tốt, chứ bản thân nó chưa phải là một hành động mà đối tượng chính của các chiến dịch kia thật sự cần. Những ý nghĩ như vậy thường chỉ thoả mãn tâm trí của người bấm like tại thời điểm đó mà thôi. Nó còn mang lại sự ngộ nhận khi chúng ta cho rằng nhiều người like thì sẽ có nhiều người giúp đỡ và quyên góp, đó là một ngộ nhận hết sức lớn lao. Ý niệm tốt là cần thiết, nhưng đôi lúc lại không đủ mạnh để cho ra đời một sự ủng hộ hay giúp đỡ người khác.


Một ví dụ rõ ràng hơn là tổ chức UNICEF Thụy Điển vừa thực hiện một chiến dịch truyền thông mới trên Youtube, mà ở đó họ nhấn mạnh vào việc có nhiều likes không hẳn mang lại lợi ích thiết thực cho những đối tượng cần được giúp đỡ như mong đợi, chi tiết có thể xem tại clip dưới đây.


Trong đoạn video nói trên, cậu bé tên Rahim nói với mọi người rằng câu rất lo lắng nếu mình bị ốm vì sẽ không có ai chăm sóc cho cậu em nhỏ của mình, nhưng giờ cậu đã không còn bận tâm nhiều đến vấn đề đó nữa bởi hiện tại trên UNCIEF Facebook Fanpage đã có 177,000 lượt likes và dự kiến đến mùa hè con số này sẽ là 200,000 lượt. Chúng ta có thể thấy được sự tương phản rõ ràng trên nét mặt của cậu bé nghèo khổ này. Kết thúc đoạn video, UNICEF nhấn mạnh rằng "Likes don't save lives. Money does." (tạm dịch: Likes không thể cứu mạng người nhưng tiền quyên góp thì có thể).

Từ đó có thể thấy, một ý nghĩ tốt vẫn là chưa đủ cho dù nó thật sự là một tiền đề quan trọng. Từ những ý nghĩ này cần có những hành động tốt thiệt thực, mà trong trường hợp cụ thể ở đây không hẳn chỉ gói gọn trong việc quyên góp tiền trực tiếp mà có thể chia sẽ thông tin đến những cá nhân hoặc tổ chức có khả năng quyên góp. Điều đó sẽ giúp ích cho những chiến dịch và cá nhân cần sự trợ giúp đó một cách thực tế và hiệu quả hơn nhiều.

Nói như vậy không có nghĩa tôi lên án hành động bấm like trên Facebook, bởi như tôi đã nói, tất cả đều bắt đầu từ một ý niệm tốt mà qua việc bấm nút like, chúng ta đã xây dựng cho mình một tiền đề tốt để bắt đầu cho một công việc nhân đạo. Lý tưởng nhất là những ý niệm nhân văn ấy được nhân lên rộng rãi để mọi người trong cộng đồng cùng ý thức về một việc tốt mình cần phải làm và từ đó có được những hành động cụ thể để giúp đỡ và quyên góp. Nói cho cùng, vật chất mới là thứ hữu hình chúng ta có thể trợ giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh hơn; và tại thời điểm đó, vật chất là thứ cấp thiết mà họ đang cần. Động viên tinh thần cũng rất quan trọng, nhưng nó cần được đánh giá một cách công bằng và thứ yếu tùy thuộc vào tình hình của các chương trình, chiến dịch hoặc đối tượng.

Tóm lại, hành động là điều mà các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoặc các tổ chức khác muốn hướng đến, tuy nhiên để biến ý nghĩ của người tham gia mạng xã hội thành hành động thì không thể chỉ trông chờ vào bản thân của các thành viên tham gia. Cần phải có những phương thức hoặc hình thức ủng hộ đơn giản bằng các công cụ dễ nhận biết và dễ sử dụng, ví dụ như chia nhỏ giá trị quyên góp và sử dụng các hình thức tiếp nhận trực tiếp và dể liên hệ, bởi bản thân con người vốn lười, chúng ta thường tìm đến những gì đơn giản và tiện lợi nhất để mà làm. Theo ý tôi, like hay không like, thật sự không quan trọng lắm, điều quan trọng là sự tương tác và những gì mà người tham gia sẽ đóng góp và hành động mới là cái đích cuối cùng, không chỉ của các tổ chức phi lợi nhuận mà còn của các doanh nghiệp. Và tóm lại điều tôi muốn tóm lại ở trên là mọi người ngoài bấm like, còn phải share, comment và hành động nữa nhé ^^. Bấm like không thôi thì không thể cứu người đâu!

PS: Trong entry này tôi chỉ lấy ví dụ về Facebook là đại diện cho Social Media (Mạng xã hội), Google+ hay Pinterest hoặc Tumblr đều như trên, chỉ khác là thay thế nút like bằng những nút khác.

2 nhận xét: