3.3.13

Đôi điều về tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên qua một vài truyện ngắn trong cuốn Năm Mười Mười Lăm Hai Mươi, có một vài truyện khá ấn tượng và một vài truyện khác không thuộc gu của tôi, và đó đã là chuyện của 3 năm trước.


Qua một bài giới thiệu của dịch giả Lâm Vũ Thao (Goldmund), tôi được biết đến cuốn tản văn mới của Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa được xuất bản, với một cái tựa không thể nào dài hơn:  Tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác. Tò mò bởi một cái tựa đề sách dài đằng đẳng ấy và một phần thấy thú vị bởi từ trước đến nay tôi chưa hề đọc bất kỳ bài tản văn nào của Nguyễn Vĩnh Nguyên, cho dù là bài bình sách trên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Phải nói rằng tôi đã không sai lầm khi chọn mua cuốn sách dày 255 trang do NXB Lao động và công ty Alphabooks phát hành với giá 59.000 VNĐ, cùng một cái bài thiết kế đúng kiểu ưa thích của tôi.

Điều đầu tiên phải nói rằng cuốn tản văn này của Nguyễn Vĩnh Nguyên không phải là loại dễ đọc, đối với người có tốc độ đọc tương đối tốt như tôi, khi tập trung tôi cũng không thể đọc nhanh như bình thường được, bởi tác giả đã có những phân tích mang tính chuyên sâu, vừa thú vị, vừa mang tính học thuật và bên cạnh đó còn lồng ghép những suy nghĩ và  cảm nghĩ của chính Nguyễn Vĩnh Nguyên về cuộc sống, xã hội và con người Việt Nam.

Sao mà không thú vị được khi mà chỉ từ cái hành vi "ngậm tăm" sau buổi ăn của người dân Việt Nam, tác giả đã tạo ra một bài viết dài 10 trang theo khổ sách bình thường mà không hề khô khan hay đầy rẫy trích dẫn của các tài liệu nghiên cứu, mà lại khá gần gũi và dễ thấm! Cũng cái hành động "ngậm tăm" ấy mà hệ quả dẫn đến thái độ sống, hành xử "ngậm tăm" trong một số đại bộ phận không nhỏ của người dân nước nhà. Tác giả đã khiến người đọc phải vừa đọc vừa dừng lại suy nghĩ, thẩm thấu và hiểu. Cái hay ở tập sách này  nằm ở chỗ, nó giúp chúng ta nhìn nhận lại một số các sự việc, sự kiện, cách hành xử, thái độ sống mà chúng ta cho rằng rất đỗi bình thường. Từ bài viết về xã hội của những chiếc Tivi, khi mà những bộ phim truyền hình giải trí của thập niên 90 đã ảnh hưởng đến lối sinh hoạt, cuộc sống của con người Việt Nam như thế nào và rồi trong xã hội hiện đại này, chiếc TV một phần nào đó thể hiện sự cô đơn của con người Việt Nam hiện đại, bật TV chỉ để nghe thấy tiếng người bởi "... Em thì ngủ còn tivi thì vẫn nói suốt đêm". Ở đâu đó trong tác phẩm là những hoài niệm về những ký ức không dừng lại với tình yêu dành cho những chiếc bookmark, cho văn hóa đọc và những cuộc tình trong kỷ niệm. Hay những trăn trở rất riêng về một cái Tết truyền thống, một cách nhìn lại cách sống của mỗi người trong những ngày lễ hội. Nguyễn Vĩnh Nguyên còn có một bài khá dài để luận về cà phê cóc và thói quen uống cà phê của người Việt Nam, qua đó thể hiện rõ một nét văn hóa dân dã của hình thức thưởng thức cà phê này và đó mới là một điểm cốt yếu quan trọng, cà phê chất lượng như thế nào đôi khi không phải là điều tiên quyết như trong những tranh luận của Trung Nguyên và Starbuck dạo trước đây.

Phải nói trong tập sách này, tôi thích nhất bài viết về Việt Nam và văn hóa xe máy, vởi những ghi chép tham chiếu thú vị từ những nhà báo nước ngoài và cảm nhận riêng của tác giả. Bài viết đã chỉ ra một nét vân hóa tất yếu của con người Việt Nam và cuộc sống gắn liền với chiếc xe máy. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng không quên báo động về sự lạc quan tếu của những bài báo tung hê Việt Nam là đất nước hạnh phúc hay sự quan ngại về vai trò và sự đấu tranh của tri thức trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay. Có một bài viết thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất là bài viết về sự đọc và viết mà qua đó Nguyễn Vĩnh Nguyên nêu rõ vai trò quan trọng của người đọc, nhiệm vụ của người viết và mối liên hệ với các tác phẩm mình viết ra qua đó nhấn mạnh những gì một nhà văn cần và phải làm để tác phẩm của mình được ngược đọc công nhận chứ không phải viết ra vì giải thưởng rồi sau đó nếu không được giải thì lên báo làm om xòm cả lên. Bài viết này còn làm tôi suy nghĩ nhiều về những gì mình đã và đang đọc, nó là động lực thôi thúc để tôi đi tiếp đến cái tận cùng của những tác phẩm văn học và suy nghĩ về chúng nhiều hơn nữa.


Quả thật đây là một cuốn tản văn hay và thật sự thú vị, bổ ích. Nói không ngoa, với tập sách này, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã làm một cuộc khảo sát đời sống văn hóa Việt hiện đại với nhiều phát hiện khá thú vị về tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và về những nét văn hóa sống rất riêng của người Việt Nam. Có thể có người đồng ý, người không với những gì tác giả viết ra, nhưng có hề gì bởi quyền phán xét, như Nguyễn Vĩnh Nguyên đã viết, là nằm ở người đọc, mà nhờ đó tác phẩm mới có một sức sống lâu dài và sống một cách mãnh liệt. Điều quan trọng nhất, là người đọc đã tìm cho mình được những câu chữ làm lay động đến suy nghĩ của mình, theo cách này hay cách khác. Một cuốn tản văn của người đọc sách, thường thú vị là ở chỗ đó.

1 nhận xét:

  1. Truong Duy Nguyen co phai là Nguyễn Duy Trường không ạ? mình đang cần biết chính xác tên của tác giả bài viết này, cảm ơn nếu được trả lời.

    Trả lờiXóa