16.3.12

“Mức giảm trừ như thế là khoan sức dân rồi”?


Cuộc trao đổi này được thực hiện khi hầu hết ý kiến chuyên gia và dư luận đều không đồng tình.
Bà Mai nói:
- Hiện Bộ Tài chính đã gửi dự án Luật sửa đổi bổ sung luật này để lấy ý kiến các bộ ngành, UBND các tỉnh thành. Đồng thời, nội dung sửa đổi cũng được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính mong nhận được góp ý của người dân.
* Như bà đã khẳng định tại buổi họp báo, việc sửa Luật thuế TNCN là do giá cả tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mức giảm trừ gia cảnh không còn phù hợp. Tại sao không đề xuất sửa luật ngay trong năm nay hoặc năm 2013?
- Đúng là như vậy, giá cả tăng cao gây khó khăn đến đời sống người dân, trong đó có người nộp thuế. Nhưng khi xem xét sửa luật phải tính trên nhiều yếu tố khác chứ không chỉ riêng lạm phát tăng cao. Bản chất của luật này là ngày càng có nhiều người nộp thuế. Còn những người nộp thuế đều có thu nhập khá trở lên.
Còn tại sao không đề xuất áp dụng luật ngay trong năm 2013 là vì thời gian áp dụng luật từ năm 2009-2014 là năm năm. Khi trình luật, Bộ Tài chính cũng nêu rất rõ mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 4 triệu đồng và 1,6 triệu đồng cho người phụ thuộc sẽ ổn định một thời gian. Quan điểm của luật này là chính sách phải ổn định. Chính vì vậy Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ gia cảnh 2,4 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc, mức giảm trừ cho mỗi người nộp thuế nâng lên 6 triệu đồng cũng phù hợp vào năm 2014.
* Nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất nên tính mức giảm trừ theo lương tối thiểu để khắc phục tình trạng áp dụng mức cứng nhắc như hiện nay sẽ chỉ dễ cho cơ quan thuế mà thiệt thòi cho người nộp thuế khi lạm phát tăng cao?
- Luật thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 cũng không dựa vào tiền lương tối thiểu hay dựa vào trượt giá, hay GDP bình quân đầu người… Và luật sửa đổi lần này cũng vậy. Căn cứ vào một yếu tố nào cũng là không toàn diện. Nếu căn cứ vào mức sống dân cư thì mức sống dân cư rất thấp, không phải 6 triệu đồng/tháng, còn thu nhập bình quân đầu người 2,2 triệu đồng/tháng cũng thấp hơn nhiều. Nói tóm lại không dựa vào một chỉ tiêu nào cả mà theo tổng hợp các yếu tố.
Mục tiêu sửa lần này cũng ổn định năm năm, tức là mức này cũng sẽ giữ đến hết năm 2018.
* Vậy Bộ Tài chính căn cứ vào những yếu tố gì để xác định mức giảm trừ gia cảnh 6 triệu đồng/ tháng?
- Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, vào mức sống và phong tục tập quán để xác định mức giảm trừ gia cảnh. Bản chất của luật thuế này là thuế TNCN chứ không phải là thuế thu nhập cao.
Quan điểm của Luật thuế TNCN là dần dần các đối tượng nộp thuế sẽ mở rộng ra, tức là cá nhân có thu nhập thì phải nộp thuế. Tuy nhiên, sau hơn ba năm áp dụng, tính đến cuối năm 2011 chỉ có 1,5% dân số nộp thuế TNCN, trong đó 1,3 triệu người có thu nhập từ tiền công tiền lương và 194.000 hộ kinh doanh.
* Nhưng ở các nước chính sách an sinh xã hội của họ rất hoàn hảo. Như người lao động bị thất nghiệp vẫn có lương để có thể chi trả những sinh hoạt tối thiểu…?
- Phúc lợi xã hội mỗi nước khác nhau tùy điều kiện kinh tế - xã hội. Như ở VN so với năm năm trước thì rất cách xa, chi từ ngân sách cho an sinh xã hội, phúc lợi tăng rất lớn. Như chi cho giáo dục, khoa học công nghệ, bảo hiểm xã hội cho người nghèo… cũng tăng đáng kể. Nguồn để thực hiện các chính sách này phải từ tiền nộp thuế. Tôi nói như thế không có ý là chính sách thuế là tận thu.
* Để nghĩa vụ thuế không là gánh nặng, người nộp thuế không tìm cách trốn thuế, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên giảm mức thuế ở bậc 1 xuống 2% thay vì 5% như hiện hành?
- Giãn ra như thế sẽ giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp. Bước đầu là năm 2014, với dự thảo lần này thì nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng đã được xem là khoan sức dân rồi. Vì quy định không hạn chế người phụ thuộc. Như thế được hiểu là giảm nghĩa vụ thuế rồi.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, đến năm 2014 khi áp dụng phương án đề xuất thì 70% người đang nộp thuế ở bậc 1 sẽ không phải nộp thuế. 70% bậc 2 sẽ chuyển sang nộp ở bậc 1. Như vậy ngân sách sẽ giảm thu 8.150 tỉ đồng rồi.
* Tuy nhiên, đến lúc đó thu nhập của người dân cũng tăng lên và sẽ có thêm nhiều người nộp thuế?
- Mức giảm 8.150 tỉ đồng là tính trên cơ sở tốc độ tăng thu nhập của năm 2014.
* Cùng kỳ năm ngoái, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định quan điểm về việc sửa luật này. Theo đó, phương án xem xét là ngưỡng tính thuế gấp 8-10 lần mức lương tối thiểu?
- Đó là thông tin không chính thống.
————————————
Đọc cái bài báo này mà muốn lấy dép quăng vào mặt bà “thứ trưởng bộ tài chính” này dễ sợ! Soạn cái luật gì mà không căn cứ vào tình hình thực tế chút nào, lạm phát thì ngày một gia tăng, mà lúc nào luật cũng chạy theo đuôi thế kìa thì bao giờ người dân mới có một khoản đóng thuế hợp lý?
Cứ đem giá xăng dầu, vàng, gas của các nước phát triển ra để mà xo rồi đòi tăng giá, trong khi trợ cấp an sinh xã hội trong nước thì cứ lẹt đẹt mà thuế thì cứ thu theo kiểu này ai chấp nhận được?
Một người lao động ở mức trung bình khá với mức thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng một tháng, nếu không có giảm trừ phụ thuộc thì đã phải nộp thuế, như vậy trong vòng một năm thu nhập của họ chỉ đạt 72 triệu là max, là phải nộp gần 4 triệu đồng tiền thuế, một con số không nhỏ! Làm lụng cả năm, chưa chắc dành dụm được quá 15 triệu mà đã bị trừ thuế đi gần 4 triệu đồng. Chưa kể thời gian lao động tối đa là 30 năm, vậy tổng tính cả đời làm việc, tổng thu nhập chỉ hơn 2 tỷ một chút, thì tiền nộp thuế cá nhân đã là 108 triệurồi, quá nhiều cho một đời người. Chưa chắc gì cả một đời người có thể dành dụm được cả trăm triệu cho con cái, vậy mà đã phải nộp chừng đó tiền cho nhà nước! Quá hết sức bất hợp lý. 
Ghi nhanh cảm nghỉ từ văn phòng khi đọc bài báo này, có dịp mình sẽ viết về vấn đề này nhiều hơn nữa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét