6.8.13

Tôi nói gì khi nói về Đường Đua


Điều đầu tiên cần phải nói, Đường Đua là bộ phim tôi rất mong chờ được đi xem và sau nhiều lần không thu xếp được thời gian, vào một đêm chủ nhật đẹp trời, tôi quyết định bằng mọi giá phải đi xem cho được dù sau đó về tới nhà là gần 12h đêm và nguy cơ bị cằn nhằn từ chú là rất cao vì cái thói đi sớm về trễ.


Trước khi đi xem Đường Đua, tôi không đọc bất kỳ một thông tin, review nào liên quan đến bộ phim này trên Facebook, báo và các mạng xã hội khác. Tôi bỏ qua tất cả những bài review từ những người tôi vẫn thường xuyên theo dõi trong cộng đồng online của mình. Nói cách khác, tôi không đặt kỳ vọng cũng như không để những bài viết (nghe nói chỉ toàn khen) ảnh hưởng đến mình trước khi tận mắt được thưởng thức tác phẩm điện ảnh này. Tôi muốn mình tránh một lần thất vọng như đối với Bụi Đời Chợ Lớn.

Một lý do rất lớn khiến tôi háo hức muốn đi xem Đường Đua là bởi đây là tác phẩm của những "lần đầu". Lần đầu của một đạo diễn trẻ (trẻ so với ngành đạo diễn), lần đầu Phạm Anh Khoa được đóng vai chính, lần đầu Nhan Phúc Vinh lấn sân lên màn ảnh rộng... nói tóm lại nó là tập hợp của những gì là tinh nguyên, là đam mê. Chỉ với lý do đó thôi, tôi nghĩ có thể sẽ đi xem Đường Đua từ hai đến ba lần cũng có thể.

Và thật sự, 15 phút đầu của bộ phim không làm tôi thất vọng. Tôi thích cú long take đầu phim về khu chợ của Sài Gòn với những nhịp sống bình thường của người lao động. Tôi thích cái màu vàng cũ cũ của phim nó gợi cho người ta về một không khí bức bối và ảm đảm có tính dự báo về tương lai mịt mù cho những nhân vật trong phim. Tôi thích cả gương mặt, ánh mắt và phong thái của Phạm Anh Khoa với điếu thuốc hờ hững trên miệng. Nếu như đoạn hồi tưởng của Khoa được dàn dựng là một cuộc thi chạy thật sự với cổ động viên, với đường đua chứ không chỉ là một khắc họa của sự hồi tưởng đơn thuần, có lẻ tôi sẽ thích 15 phút đầu phim nhiều hơn nữa. Và nếu, bộ phim chỉ dừng lại ở đấy thì tôi đã vui vẻ.


Đường Đua không mang lại cho tôi cái cảm giác "đã" mà tôi vẫn mong muốn tìm thấy ở một bộ phim mà tôi nghĩ rằng mình sẽ dành nhiều ưu ái cho nó. Bộ phim không tập trung khai thác cuộc đối đầu giữa nhân vật của Phạm Anh Khoa và Nhan Phúc Vinh mà lại "tham lam" tạo ra một kiểu hình sự viễn tưởng thiếu tính chặt chẽ. Nhân vật của Quý Bình xuất hiện một cách đột ngột rồi cũng ra đi một cách đột ngột. Những mâu thuẫn giữa Phạm Anh Khoa và Nhan Phúc Vinh không được đẩy lên cao trào một cách mạnh mẽ nhưng lại kết thúc một cách đột ngột và hơi phi lý. Sau khi xem phim được 15 phút, tôi cứ nghĩ mình sắp được theo dõi những đòn tâm lý căng thẳng hay những dằn vặt bên trong con người nhân vật của Phạm Anh Khoa khi anh đứng trước trách nhiệm với gia đình và món nợ mà anh vướn phải, nhưng rất tiếc, tôi đã không có được cái mình muốn.


Phạm Anh Khoa có một cái thần thái tốt nhưng giọng nói của Khoa mỗi lần bật ra lại khiến tôi phì cười, nó không có được cái phong cách mà nhân vật cần có. Nhan Phúc Vinh đã có một vai diễn tốt cho dù hơi gồng ở một số đoạn, nhưng tạo hình và ánh mắt của Vinh cũng đôi lúc khiến tôi phải lạnh tóc gáy. Ngoài hai nhân vật trên, tôi hầu như không thấy có chút ấn tượng nào với những nhân vật còn lại.

Bạn tôi bảo hai bạn này đánh nhau mà cứ như đang yêu nhau vậy :)

Nói tóm lại, cho dù đã không đặt kỳ vọng cao với Đường Đua, tôi vẫn có một chút hụt hẫng với bộ phim này dù rằng tôi không hề có cảm giác tiếc tiền khi đặt chân đến rạp phim. Đường Đua nên được xem nhiều hơn nữa bởi công chúng Việt Nam bởi phong cách làm phim mới, diễn xuất tốt và thoại cũng đỡ rườm ra hơn, thật hơn rất nhiều so với những phim khác. Chỉ là, đây không phải là bộ phim tôi yêu thích như tôi nghĩ là mình sẽ.

À, có một đoạn tôi rất thích trong phim, đó là lúc hai cha con nhân vật Phạm Anh Khoa đóng ngồi trò chuyện với nhau khi đang đánh cờ. Phân đoạn này chỉ ngắn thôi nhưng nó làm tôi cảm thấy cực kỳ cảm động bởi cảm xúc được diễn đạt vừa phải. Một phần nào đó, nó làm tôi cảm thấy ấm lòng.

P.S: đừng ai bảo tôi nhắc về chiếc túi với tia sáng xanh bí ẩn trong phim nhé. Tôi ghét cay ghét đắng cái chi tiết đó, và tôi nghĩ rằng nếu không tập trung vào nó, bộ phim có thể đã đi theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét