20.5.13

Món nợ của các bậc nhà giáo


Tôi muốn viết một cái gì đó vui vẻ về quyển sách Trời hôm ấy không có gì đặc biệt của Phan An nhưng có một số thứ đập vào mắt khiến dự định thay đổi, thôi đành có thêm chút gì đó đắng chát cho ngày hôm nay vậy.

Trong những ngày nóng nực của tiết trời mùa hè dường như cái gì cũng khiến mọi thứ như nằm trên lửa, từ bầu không khí của thiên nhiên cho đến hầm bà lằng các thứ khí khác từ đời thực cho đến đời ảo. Tất nhiên không thể bỏ qua tin tức nóng hổi, mà hình như một đại bộ phận không nhỏ các thành viên của mạng xã hội, những con người "yêu nước" và các thành phần khác đều quan tâm, về một phiên tòa nho nhỏ tại một thành phố nho nhỏ trên một cái đất nước cũng nho nhỏ nốt. Một bản án 6 năm và 10 năm được đưa ra lại càng làm cho tình hình nóng dần lên. Và một loạt những trò lố với tagline "Hồ Chí Minh sống mãi trong em", cùng với việc cộng thêm cho bác 50 năm tuổi.

Ở đây tôi không có nhu cầu bàn về các vấn đề yêu hay ghét chế độ, tôi cũng không bàn về các quan điểm chính trị hay các vấn đề có liên quan đến chính trị. Câu hỏi tôi đặt ra với bản thân mình trong tình huống này là biết tin vào bên nào? Điều này nói ra thì không hề quá ngạc nhiên bởi chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà thông tin thì đầy rẩy nhưng thực chất cũng như là chẳng có gì bởi các nguồn tin thì nhiều chiều mà tính xác thực thì không có ai kiểm chứng hay khẳng định, ngoài chính bản thân người đọc. Điều này dẫn đến một sự hồ nghi và hoang mang rất lớn. Tôi vốn không thích sự hồ nghi và bực bội với những gì gây hoang mang nên đối với những chủ đề không hứng thú tôi chọn cách thức bỏ qua, không quan tâm đến. Tôi không rõ những người khác trong trường hợp tương tự sẽ hành xử thế nào? Lờ đi hay tìm hiểu đến cùng?

Suy nghĩ này dẫn tôi đến hai câu hỏi lớn:

1. Nếu lờ đi như vậy, liệu nó sẽ trở thành một thói quen khiến con người bỏ qua những gì mơ hồ và gây hoang mang, cho dù đó là những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống của mình? Về lâu về dài chúng ta sẽ mặc định chấp nhận những điều mơ hồ đó và bị nó chi phối?

2. Nếu tìm hiểu đến cùng thì giữa những nguồn thông tin trái chiều như vậy và chỉ có bản thân chúng ta quyết định đâu là thông tin chúng ta có thể tin tưởng thì như vậy có quá mạo hiểm? Một nguồn thông tin sai có thể dẫn đến những cách nghĩ sai lệch và hệ quả của nó có thể lớn hơn những gì mà chúng ta tưởng tượng.

Ở hai câu hỏi trên, tôi nghĩ mỗi người sẽ có cho riêng mình một câu trả lời và chúng không hẳn là giống nhau. Nhưng dù câu trả lời như thế nào, để có thể giải quyết những vấn đề mà câu hỏi trên đặt ra, tôi nghĩ chúng ta cần có cho mình một kỹ năng biện chứng và một đầu óc đủ độc lập để quyết định cái gì là tốt cho mình. Và đây là điều tôi cảm thấy các bậc nhà giáo ở Việt Nam đã nợ các thế hệ học trò của mình rất là nhiều. Tôi không bàn về cơ cấu và hệ thống giáo dục của Việt Nam tệ thế nào ở đây, tôi cũng không bàn về những đợt cải cách thiếu khoa học và những căn bệnh thành tích cố hữu. Tôi không bàn về những gì thuộc về vai trò của hệ thống và tổ chức. Điều tôi muốn nói đến trong bài viết này là về vai trò của người thầy trong việc xây dựng nên khả năng tư duy biện chứng và cách nhìn nhận vấn đề một cách độc lập ở học sinh, những người được gọi là thế hệ tương lai của đất nước.

Trong những năm tháng dài ngồi trên ghế nhà trường và có người thân trong gia đình làm nghề gõ đầu trẻ, tôi hiểu được nổi vất vả của những người giáo viên khi họ phải chạy đua với cuộc sống mưu sinh hằng ngày cũng như phải chạy đua với căn bệnh thành tích của ngành, nhưng điều đó không có nghĩa là họ được phép đi ngược lại nghĩa vụ thiêng liêng của một người giáo viên là truyền đạt kiến thức và dạy dỗ học trò phải biết cách suy nghĩ chứ không phải là sao chép. Theo cách nghĩ của cá nhân tôi, nghề giáo là một ngành nghề cao quý mà ở đó người giáo viên là người thắp lửa và truyền đạt cho học viên niềm đam mê học tập cũng như cách thức tự mình tìm tòi nghiên cứu nguồn kiến thức vô hạn. Một người thầy giỏi không phải là người dạy tất cả mà là người biết làm thế nào để học sinh có thể tự mình tìm kiếm những kiến thức quý giá. Ở đây, trong trường hợp mà tôi muốn đề cập đến là cách suy nghĩ độc lập trước một vấn đề ở học viên, điều dường như không được giáo viên dạy trong 12 năm đi học của đời học sinh. Học sinh không được khuyến khích để nói lên quan điểm của mình trước một vấn đề nào đó trong quá trình giảng dạy của giáo viên. Học sinh không được chỉ bảo cách thức suy nghĩ theo cách hiểu của mình trước một bài thơ hay một tác phẩm văn học và học sinh cũng không được dạy cách thức đối diện với những luồng thông tin trái chiều và cách tự vấn bản thân xem mức độ đáng tin cậy của những nguồn thông tin ấy là như thế nào.

Tôi nhớ  vào năm tôi học lớp 11, khi tôi giơ tay xin phát biểu ý kiến về một đoạn thơ (trong một bài thơ nào đó mà tôi cũng quên mất tên) và hoàn toàn không có trong sách, lúc này cũng đã gần hết tiết và các bạn ngồi cạnh tôi đã tỏ ra khá khó chịu khi tôi đứng lên đặt câu hỏi với thầy giáo để giờ dạy tiếp tục. Bản thân thầy dạy Văn của tôi cũng khá lúng túng trước câu hỏi trên và câu trả lời tôi nhận được cũng khá là chung chung và tôi hầu như không thỏa mãn với những gì mình nhận được. Điều này để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc và từ đó tôi không bao giờ tìm đến giáo viên cho những câu hỏi của mình, tôi tìm đến thư viện và sách và tự quyết định rằng những gì mình thắc mắc là phù hợp hay không phù hợp. Điều này nói nên rằng các nhà giáo cũng không chuẩn bị cho mình một kiến thức đủ tốt để có thể chỉ cho học sinh của mình những cách nhìn nhận rộng lớn hơn, khác biệt hơn và tạo ra sự phấn khích và niềm đao mê tìm tòi trong lòng học sinh. Mưu cầu về một cuộc sống no đủ khiến một nhà giáo phải tất bật dạy thêm và không dốc hết công sức cho lớp học chính quy có thể được tôi bỏ qua và thông cảm, những áp lực về mặt thành tích và số lượng học sinh một lớp quá đông cho một giáo viên quan tâm đến từng học viên cũng có thể làm tôi thông cảm; nhưng sự thiếu lửa và thờ ơ với những con người trẻ tuổi đang cần được dạy dỗ về tính định hướng và sự tự suy là không thể chấp nhận đối với những người được mệnh danh là người "mở đường". Trong suy nghĩ của tôi, nếu đã không thể truyền đạt được những gì tốt đẹp mà học sinh cần, anh tốt nhất là không nên trở thành nhà giáo. Đó cũng là lý do tôi từ chối lời đề nghị ở lại làm giảng viên tại trường Đại học mà tôi tốt nghiệp bởi trong thâm tâm tôi biết rằng mình không phải là người có thể truyền đạt và dạy người khác những gì họ cần.

Chúng ta có thể thấy được một hệ quả to lớn trước mắt mà các bậc nhà giáo đã để lại là một bộ phận lớn các bạn trẻ không thể tự suy nghĩ cho riêng mình, họ hùa vào đám đông bởi họ nghĩ rằng những gì nhiều người tin và cho là đúng thì nó là đúng. Họ không tự phân biệt và chọn cho mình một cách nghĩ đúng và hơn hết là họ không xây dựng được tính tự phê bình bản thân và từ đó không thông cảm hay có một cách nghĩ đúng về những lời góp ý hoặc nhận xét từ người khác. Chúng ta cũng đã có một loạt những người trẻ tuổi bị nhào nặn đến mức không thể phân biệt được các giá trị của các tác phẩm văn học nếu không đươc người khác chỉ ra cho. Đến cả cách tư duy cho chính bản thân mình họ còn không làm được thì làm sao có thể hy vọng họ sẽ hiểu và thông cảm cho những người khác? Và trách nhiệm thuộc về ai? Bản thân họ hay những người làm nghề giáo?


Tôi cảm thấy bức ảnh trên rất thú vị, họ đều là thành phần của một thế hệ mới và họ có cho mình hai cách suy nghĩ khác nhau với những hành động khác nhau. Họ đều là một thành phần của một "sự thúc đẩy" mới cho đất nước này nhưng dường như cả hai đều đi theo hai hướng, không mấy thực sự tốt đẹp và có tương lai. Tất nhiên tôi không vơ đũa cả nắm vì còn rất rất nhiều bạn trẻ tài giỏi ở ngoài kia. Nhưng thật sự, nhìn vào bức ảnh trên tôi không thể tránh khỏi một cảm giác "châm biếm" đầy nghịch lý xâm chiếm bản thân mình. Nó như là một sự tiếc nuối trước những gì đang diễn ra và mình chỉ có thể bất lực đứng nhìn những dòng chuyển động ấy. Vâng, một lần nữa, chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi, nếu được, để chứng kiến những dòng chuyển động này, thật mỉa mai thay!

Đối với tôi, 6 năm hay 10 năm, thuộc về phe phái nào đều không quan trọng. Điều quan trọng là họ có được cho mình một cách nhìn nhận vấn đề riêng và họ tin tưởng vào điều đó cho dù kết quả cuối cùng có hơi tàn khốc đối với quảng đời tuổi trẻ phía trước. Niềm tin đôi lúc cần phải trả một cái giá, nhưng nếu được chuẩn bị tốt hơn, cái giá chúng ta phải bỏ ra sẽ không quá khắc nghiệt và đắt đỏ như vậy.

1 nhận xét:

  1. Nhà giáo thì cũng làm công ăn lương mà thôi, đâu thể đòi hỏi hơn được!

    Trả lờiXóa