29.10.12

Sương Khói Quê Nhà: Câu chuyện muôn năm cũ

Sương Khói Quê Nhà - Nguyễn Nhật Ánh
Tôi luôn có tình cảm đặc biệt dành cho những tác phẩm của bác Nguyễn Nhật Ánh. Từ những tác phẩm viết về tình yêu thưở đầu đời hãy những câu chuyện hồn nhiên trong trẻo xoay quan thế giới của tuổi học trò và trẻ nít cho đến những câu chuyện mang màu sắc thần bí viễn tưởng (có mượn chút ít từ Harry Porter),  bất kỳ trang viết nào cũng mang đậm dấu ấn của bác: giản dị, mộc mạc và tưng tửng. Bởi yêu những tác phẩm của bác nhiều đến vậy mà tôi cảm thấy không hài lòng lắm với tuyển tập tản văn Sương Khói Quê Nhà vừa được phát hành.

Sương Khói Quê Nhà là tập hợp những bài báo, tạp văn của bác Ánh được viết dưới những thời điểm khác nhau và bao gồm những sự việc, những vấn đề khác nhau. Tác phẩm được chia làm ba phần rõ rệt: phần một viết về những suy nghĩ và hoài niệm của tác giả về tuổi thơ, về quê hương và về cuộc sống; phần hai là những bài viết về những người bạn, người thầy và đồng nghiệp của bác Ánh và phần cuối cùng của cuốn tản văn là tập hợp những bài viết về xứ người trong những dịp bác Ánh đi công tác hoặc đi vì việc gia đình.

Theo tôi, tản văn là thể loại mà người viết có cơ hôi đưa những suy nghĩ của mình đến gần với độc giả hơn, thông qua chính những trang viết của mình dưới chính cách mình trò chuyện và cảm nhận thế giới xung quanh và để từ đó, giúp cho độc giả cũng nhìn được và cảm được những câu chuyện mà người viết muốn chia sẻ. Điểm mạnh của tản văn là dễ lấy thiện cảm của người đọc nhưng điểm yếu là nếu không có một sự sắp xếp rõ ràng, mạch lạc với những câu chuyện đi theo một chủ đề thống nhất thì kết quả là người đọc sẽ cảm thấy rối trong chính những câu chuyện và mạch cảm xúc của người viết. Trong trường hợp này của tôi, Sương Khói Quê Nhà làm tôi không biết phải suy nghĩ thế nào về những bài viết tác phẩm chứa đựng. Quá yêu thích cũng không mà quá nhàm chán cũng không hẳn.

Có lẽ chính sự sắp xếp không hợp lý các câu chuyện và việc cố gắng dồn các bài viết theo ba chủ đề tách bạch đã làm mất đi sự liên kết của cả tác phẩm. Phần một của cuốn tản văn lại đi vào lối mòn của những hồi ức, nó như những câu chuyện kể của bác Ánh đã từng kể trong các tác phẩm của mình và bây giờ nó được kể lại qua chính miệng của tác giả mà thôi. Chính vì điều này đã khiến các bài viết trong phần này mất đi sự thú vị bởi người đọc đã biết quá rõ về những "vùng trời ký ức" của tác giả qua các tác phẩm thành công rực rỡ trước đây. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng khi bác Ánh bàn về những trăn trở của mình đối vơi văn hóa đọc, và bài viết tôi thích nhất là bài viết so sánh tình yêu và bóng đá, đây mới chính là phong cách tưng tửng của bác mà tôi yêu thích. Còn lại, dường như vẫn còn thiếu một cái gì đó trong các bài viết này. Một chút gì đó thuộc về cảm xúc và chính con người của bác!

Phần hai là phần hay nhất của toàn bộ cuốn tản văn. Bằng sự chân thành và giản gị của mình, bác đã khắc họa chân dung của những nhà văn, nhà thơ yêu nghề. Họ chính là những nhà trí thức tuyệt vời của đất nước này bởi sự tận tụy của mình. Tôi đã thực sự thấy xúc động khi đọc từng dòng chữ của bác Ánh. Bác đã thể hiện một khía cạnh khác trong lối viết của mình trong phần hai này và điều đó càng làm tôi yêu quý bác nhiều hơn nữa bởi sự chân thành và yêu quý bạn bè của bác thật đáng ngưỡng mộ!

Phần ba cũng không có gì quá đặc sắc, có lẽ bác Ánh không phù hợp với những thể loại du ký như thế này. Trong từng bài viết, tôi không tìm thấy được sự đồng cảm trên những chuyến hành trình của bác, sau khi đọc xong các bài viết trong phần này, những gì đọng lại trong tôi là thông tin: ngày đó bác đi đâu, đã làm gì... và sau đó là "quên". Câu chuyện tôi thích nhất trong phần này là câu chuyện cuối cùng: "Tuyết", câu chuyện đậm chất Nguyễn Nhật Ánh nhất trong phần ba này.

Tuy vậy, Sương Khói Quê Nhà vẫn thật sự là một cuốn sách nên đọc. Qua cuốn tản văn này chúng ta sẽ thấy được sự tận tụy tuyệt vời của những nhà văn, nhà thơ và những nhà tri thức của Việt Nam và cả những nổi niềm và trăn trở của họ; để từ đó chúng ta có cơ sở mà tin rằng đất nước chúng ta rồi sẽ tốt đẹp lên từng ngày. Đọc Sương Khói Quê Nhà để thấy cái phong vị quê hương đậm đà luôn hiện diện trong lòng những người con xa xứ. Đọc để mơ về một ngày khi chúng ta đã già, chúng ta sẽ có những câu chuyện muôn năm cũ như thế này để mà kể cho con cháu sau này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét