23.7.11

Ta nói chuyện gì khi không nói chuyện tình

I.

Có một dạo, tôi luôn tự hỏi mình cảm giác cô đơn là như thế nào? Nó có giống như cảm giác của chàng Robinson khi bị trôi dạt vào hoang đảo hay không? Hay nó có giống với cảm giác của một nhân vật do Tom Hank trong một bộ phim nào đó mà tôi chẳng thể nhớ tên; bộ phim là hành trình tìm về với thế giới con người sau những ngày tháng một mình trên hoang đảo, không người trò chuyện. Tôi thì chưa có khi nào lâm vào tình trạng như vậy, nếu có thì đối với tôi việc kinh hãi nhất không phải là chuyện không có ai nói chuyện mà chắc là chuyện không chỗ tắm rửa, tự nhiên nghĩ đến đó tôi chợt bật cười. Buồn cười là ở chỗ, cảm giác sợ hãi đến với tôi đầu tiên không phải là chuyện đói khát, cô đơn hay tuyệt vọng mà lại là chuyện lo lắng về vấn đề vệ sinh, tắm gội. Không lẽ, tôi đã quen với việc cô đơn đến tự nhiên như thế? Tôi coi cảm giác đó như một “người bạn thân thiết lâu năm”, sự hiện diện của nó là một điều cần thiết và bắt buộc.

Tôi là kẻ nói nhiều khi có những người bạn, những người tạo cho tôi cảm giác dễ chịu và an toàn, ở bên cạnh. Tôi nói và khi nào cũng vậy, tôi luôn có cảm giác, nếu mình ngừng nói thì sẽ chẳng còn ai nghe mình, và rồi, mình sẽ thật sự cảm thấy cô đơn, cho dù là trong một cuộc vui với rất rất nhiều người đi chăng nữa. Tôi không sợ cô đơn, không coi đó là một điều gì đó thật sự ghê gớm. Dường như đối với tôi, cảm giác một mình làm điều gì đó, một mình đi đâu đó và một mình chui vào một góc nào đó để suy nghĩ, để gậm nhấm những nổi niềm, những tâm sự của mình đã là một thói quen không dễ gì từ bò. Tôi là kẻ ít khi chia sẽ một điều gì đó riêng tư của mình cho những người khác, vậy mà thật buồn cười là đôi lúc tôi lại mong những người khác có thể hiểu được mình, quả thật họ phải là siêu nhân thì mới làm được điều đó.

Có khoảng thời gian, cả ngày tôi chả nói với ai tiếng nào, quá lắm thì vài tiếng ậm ừ với bà già mỗi khi về nhà. Dạo ấy, để tránh những người quen, tránh những người mà khi gặp tôi không cớ gì để không mở miệng, tôi thường đi vòng vòng các con đường của thành phố, ngồi quán cà phê này một lúc, ghé quán kia một chút, lang thang ở nhà sách này nhà sách nọ, cứ thế cho đến hết ngày. Những lúc như vậy, thật lạ là tôi cảm thấy thật sự dễ chịu và bình yên. Tất nhiên tôi chẳng muốn cái tình trạng đó kéo dài mãi mãi, cứ như vậy thì chỉ có thể gọi là “tự kỷ cấp độ cao” mà thôi. Cái chính là, cảm giác cô đơn mà tôi luốn thắc mắc và tự hỏi với bản thân mình, có lẽ cũng giống như một thói quen cố hữu của tôi. Một thói quen không tốt cũng chẳng xấu, nhưng nó khiến tôi có cảm giác yên bình và tự chủ. Có lẽ, đến bây giờ thói quen đó vẫn còn, chỉ là không còn nhiều nữa mà thôi. Lúc này mà không mở miệng thì chỉ có đói mà thôi, cái miệng là cái cần câu cơm mà!

II.

Tuổi trẻ luôn là khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người. Đó là điều tôi luôn nghe mọi người nói và tôi cũng gật gù cho vậy là đúng và cũng chẳng buồn tranh cãi bởi những cái tuổi khác như tuổi trung niên hay tuổi già tôi chưa có trải qua nên tôi cũng chẳng cách gì mà nói được là liệu những tuổi ấy với tuổi trẻ thì cái nào thú vị và tươi đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng, hoặc đồ rằng, tuổi nào thì nó cũng có những điều thú vị và tuyệt vời của riêng nó. Tôi không thích người khác cứ hay nhìn tôi và nói rằng: “Cháu/con/em hãy sống và tận hưởng tuổi trẻ cho hết mình đi, chứ giờ như chú/bác/cô/anh/chị, đã đến tuổi này rồi cực lắm, chẳng chơi bời được gì cả, gánh nặng gia đình đủ thứ, cực lắm”. Tuổi nào mà chẳng phái có những suy nghĩ, những gánh nặng và những trăn trở? Tuổi nào mà chẳng phải có những ràng buộc níu kéo? Tại sao phải lấy những trăn trở đó ra làm chướng ngại vật trong việc tìm kiếm những thú vui khiến mình vui vẻ và thoải mái? Chẳng phải người xưa đã từng nói rằng chỉ khi tâm trạng thoải mái vui vẻ thì việc gì xong, cũng thoải mái ư? Nếu bảo tôi bây giờ cứ sống vội, sống thật gấp rút để tranh thủ những ngày còn tươi trẻ để rồi như các anh/chú/bác/chị thì có cho vàng tôi cũng không làm.

III.

Những thay đổi trong cuộc sống là những điểu không tránh khỏi. Thay đổi thói quen sinh hoạt. Thay đổi môi trường sống. Thay đổi môi trường làm việc. Thay người yêu và thay người tình… Tất cả đều là những điều khó tránh khỏi, nó đến và rồi tay phải thay đổi, phải trôi theo những sự thay đổi đó và phải thích nghi, vậy thôi. Nhưng nếu ta thật sự không thích nghi được thì sao? Chắc là ai cũng có câu trả lời nhưng chẳng ai muốn nói ra…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét