27.2.13

Những người đàn bà nhăn rúm và Trần Thị NgH


Tôi tình cờ biết đến nhà văn Trần Thị NgH và các tác phẩm của bà qua mục điểm sách của bác Nhị Linh và bị thu hút đặc biệt bởi bìa sách của các tác phẩm này, tất cả các trang bìa cho ba cuốn tuyển tập truyện ngắn phát hành ở Việt Nam đều do chính tay bà Trần Thị NgH vẽ minh họa.

Ai có thể làm ngơ trước những quyển sách có bìa đẹp như thế này chứ?

Trần Thị NgH tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng, một nhà văn thuộc thế hệ trước năm 1975 tại Việt Nam, bà xuất hiện khá muộn so với các tên tuổi cùng thời và có thể đã có một cuốn sách được xuất bản vào năm 1975, trước khi sự kiện 30 tháng 4 diễn ra. Bà sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam và hiện đang làm việc - sáng tác tại Sài Gòn và Paris. Các tác phẩm được xuất bản tại Việt Nam do NXB Hội Nhà Văn và Phương Nam bảo trợ bao gồm 3 tuyển tập truyện ngắn: Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạnNhăn rúm. Trong đó, Nhăn rúm là cuốn có độ dày nhiều nhất với hơn 236 trang.

Trong quá trình tiếp cận lại với các tác phẩm Việt Nam, tôi cho rằng thật may mắn khi đọc Đỏ của Ngyễn Dương Quỳnh (tôi đã có một bài viết về Đỏ tại đây) đầu tiên và tiếp theo là bộ ba cuốn tuyển tập truyện ngắn này của Trần Thị NgH. May mắn ở chỗ, các tác phẩm của hai người phụ nữ này - một già, một trẻ - đều không mang nặng sự dài dòng, lang mang của các tác phẩm văn học Việt Nam tôi được đọc trước đây, mà về điểm này tôi xin được phép phiến diện một chút bởi hai lý do sau:
  
1.     Tôi không có cơ hội đọc nhiều các tác phẩm văn học Việt Nam trước đây, và phần nhiều những gì tôi đọc đều khiến tôi cảm thấy dài dòng, không tập trung và nặng tính "lạc quan chính trị"

2.     Đây là cảm nhận riêng của cá nhân tôi đối với những tác phẩm văn học Việt Nam tôi có cơ hội đọc trong một giới hạn tương đối hạn hẹp về số lượng, nên nhận xét này chỉ tham chiếu trên giới hạn đó. Tôi không có ý định phủ đầu và khái quát cho cả một hệ thống các tác phẩm văn học trong nước với một bề dày sâu rộng. 

Nếu ở Đỏ là sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và lắng đọng cùng với hơi thở của thời đại, của tuổi trẻ; thì các truyện ngắn của Trần Thị Nguyệt Hồng lại là sự khắc họa đến chân thật cuộc sống nội tâm và suy nghĩ của những người phụ nữ trong thời kỳ chuyển mình giữa chế độ xã hội này sang chế độ xã hội khác. Với giọng văn gọn, chắc và lạnh, Trần Thị NgH đã giúp người đọc gặp gỡ những người phụ nữ, trẻ có, trung niên có, già có; với những suy nghĩ hết sức độc lập và tự chủ trong một thời kỳ lạ lùng của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Họ, có thể là một thiếu nữ mới lớn với khát vọng sống một cách trọn vẹn cuộc sống của đời mình, muốn trải nghiệm cho bằng hết những giới hạn của cuộc sống để cuối cùng được là chính mình (Lạc đạn); hoặc cũng có thể là một người phụ nữ độc lập, tìm cách "trơ" với cuộc đời, để mà sống mà vượt lên tất cả những ganh tỵ, những điều tiếng và cả những cuộc tình, nhưng đâu đó, sâu bên trong cõi lòng là sự mất cân bằng bởi khao khát được yêu thương và được quan tâm, không chỉ từ người tình mà còn từ phía gia đình (Nhăn rúm). Và cũng không thiếu, gương mặt của người đàn bà lụy tình với người đàn ông đã có gia đình, sự ê chề, mệt mỏi và cả yêu thương trĩu nặng sẽ đi theo họ đến cuối cuộc đời và sẽ đau nhói khi nhìn vào những ngôi nhà có cửa khóa trái (Nhà có cửa khóa trái). 

26.2.13

Đôi điều về Đỏ của Nguyễn Dương Quỳnh

Tháng 2, đối với tôi là tháng của tết âm lịch, của gia đình, của bạn bè và của những nhà văn nữ Việt Nam.

Nói ra thì tôi không tha thiết lắm đối với các tác phẩm văn học Việt Nam đương đại là mấy ngoại trừ các sáng tác của chị Nguyễn Ngọc Tư. Tôi có thể dành hàng giờ, hàng tuần để nhẩn nha những tác phẩm văn học của thế giới, mua như lên đồng những cuốn sách mới ra của những nhà văn ngoại quốc, vậy mà lại rất dè dặt khi đụng đến các tác phẩm văn học đương đại Việt Nam. Nói thật tình thì nhiều lúc cũng cảm thấy mình có cái tư tưởng "sính ngoại" đậm đặc. Nghĩ vậy, qua năm mới này, tôi đã tự ép mình vào một thói quen mới, tìm hiểu và cố gắng đọc những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại mà không phải là Nguyễn Ngọc Tư (viết đến đây thì chắc ai cũng biết tôi là fan cuồng của chị, tôi cũng có một bài review tác phẩm của chị Tư tại đây). [nói như thế này không có nghĩa là trước đây tôi không mua hay đọc bất kỳ tác phẩm văn học nào của các nhà văn trong nước, thật ra tôi cũng có đọc và ưa thích một số tác phẩm đương đại như Nhân trường hợp chị thỏ bông của Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh), Big Bang bỏ túi của Thu Nguyệt, Song Song của Vũ Đình Giang và một số quyển khác không đáng kể. Đại ý ở đây, văn học Việt Nam ở giai đoạn này không cuốn hút tôi là mấy.]

Để bắt đầu cho thử nghiệm này, tôi chọn Đỏ của Nguyễn Dương Quỳnh. Lý do tôi chọn tác phẩm này để đọc đầu tiên là vì cái en-try Đọc Đỏ trong Đỏ của chị . Lý do thứ hai là vì bìa sách đỏ rực nhưng lại đẹp đến quyến rũ, nhiều khi tôi mua sách cũng chỉ vì những trang bìa đẹp hết sảy!


Trước hết tôi muốn nói về Đỏ - tập truyện vừa của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Dương Quỳnh, đây là một tác phẩm thật sự làm tôi bất ngờ bởi hai lý do sau:
  1. Tác giả còn khá trẻ, chỉ mới sinh năm 1990 nhưng những gì Quỳnh viết trong Đỏ, thật sự đòi hỏi trải nghiệm về cuộc sống tương đối dài hơi.

  2. Văn phong của Đỏ làm tôi gợi nhớ rất nhiều về Kitchen của Banana Yoshimoto, một trong những tác phẩm yêu thích nhất của tôi. Tất nhiên so sánh Quỳnh với Yoshimoto là một điều hết sức phi lý, nhưng phải nói rắng, Quỳnh đã tạo cho tôi một cảm giác thật sự dễ chịu khi đọc Đỏ, hệt như Yoshimoto làm tôi phải run rẫy khi đọc Kitchen.

Cần phải nói thêm rằng, Đỏ là một tập truyện vừa gồm hai truyện ĐỏNước xốt cà chua. Cá nhân tôi chỉ thích truyện Đỏ và tôi cũng đồng ý với ý kiến của chị Nguyễn Ngọc Tư khi cho rằng, Đỏ chỉ cần đứng riêng với thêm một số tranh minh họa thì đã là một tác phẩm tuyệt vời. Để thêm Nước xốt cà chua vào thật sự khiến tác phẩm như một nồi bún ngon bị cho thêm quá nhiều gia vị.

Ở truyện ngắn Đỏ, tôi tìm thấy sự lặng lẽ của một người trẻ tuổi xa xứ, với sự cô đơn thường trực như một điều hết thảy bình thường. Một vòng quay của cuộc sống cứ quay đều đến nhàm chán nhưng nhân vật vẫn cứ xuất hiện một cách rõ nét và kiên trì đi hết chặng đường của mình. Là một sinh viên mỹ thuật cô độc, sống trong một khu nhà trọ của người Hoa mà lại không biết nói một chữ tiếng Hoa, với thói quen thích ăn táo và gọt táo, chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm nhân vật chính của Đỏ có một cái gì đó thật bình thường nhưng cũng thật sự ấn tượng. Những mối quan hệ giữa người và người trong Đỏ không dựa trên sợi giây kết nối của ngôn từ, mà chỉ có cảm xúc và nỗi niềm mới chính là chất liệu để các nhân vật đến với nhau, chạm vào nhau, rồi lại rời xa nhau. Những mối liên hệ như những đường vòng cung gợn sóng của mặt hồ, chạm vào nhau rồi lại lan rộng ra đến vô cùng. Tôi cứ vậy, thả mình bay theo những cảm xúc của nhân vật chính, những xao động, trăn trở và bứt rứt, để rồi, đến cuối cùng, tôi lại trở về với tôi với những bình yên của một sự cân bằng về mặt xúc cảm. Ngoài nhân vật chính ra, những tuyến nhân vật khác như người đàn ông Trung Hoa, cô người mẫu, đứa trẻ, chủ tiệm bánh, bà chủ nhà trọ đều tạo được một sự cân bằng vừa đủ cho câu truyện, họ không quá rõ nét cũng không quá mờ nhạt, hệt như những thứ gia vị được nêm nếm vừa phải để cho ra đời một món ăn tuyệt hảo.Tôi mừng vì đã mua vé để xem "bộ phim" Đỏ và được thưởng thức trọn vẹn mạch cảm xúc chầm chậm, mọi thứ đều diễn ra một cách từ tốn, nhẹ nhàng nhưng quả thật, vô cùng sâu lắng.


Cũng chính vì Đỏ được viết một cách xuất sắc như vậy, vô tình truyện tiếp theo Nước xốt cà chua, qua giọng kể của nhân vật Trần Nam Trung và quá trình thừa kế quán ăn của ông nội để lại sau khi mất; kèm theo một loạt các mối quan hệ chồng chéo với một cô gái cùng vẻ bề ngoài trung tính, người bạn gái cậu yêu đơn phương với những tình cảm lẫn lộn phức tạp và với một chàng đầu bếp không nói chuyện, chưa kể với con mèo hoang xấu đau đớn mang tên Nước Xốt Cà Chua, như một cú lọt thõm không đáng có trong mạch cảm xúc của người đọc. Nước xốt cà chua, mặc dù là một truyện ngắn khá với những tình tiết thú vị, có thắt nút, mở nút rồi lại thắt nút và để đó. Truyện cũng có sự lồng ghép khéo léo của cảm xúc, của triết lý và cả sự trăn trở thời đại (mà không hẳn là về cuộc sống hay xã hội) của những người trẻ tuổi. Bằng cách tạo ra một loạt các nhân vật không ít thì nhiều với những bí ẩn trong quá khứ và cả hiện tại, tôi có cảm tưởng như Nguyễn Dương Quỳnh muốn đưa người đọc vào mê lộ của những tiểu tiết và sự phức tạp của các mối quan hệ, nhưng điều đáng tiếc, kết quả cuối cùng là không có mối quan hệ nào được giải quyết một cách trọn vẹn cũng như không có một cảm xúc nào được đẩy đến cao trào. Tất cả đều mang một cảm giác dở dang, lưng chừng, và tóm lại là chưng hửng. Thêm vào đó, tôi cũng thật sự không thích cách trình bày nội dung của Nước xốt cà chua, Quỳnh chủ ý làm cho rõ ràng nội dung những bức thư giữa các nhân vật gởi cho nhau ngày từ đầu mỗi phần khiến tôi có cảm giác tác giả không tin tưởng lắm việc người đọc có thể tự nhận biết bức thư nào được gởi đi bởi nhân vật nào và gởi cho ai. Tôi cực kỳ không thích kiểu chú-thích-mà-không-phải-chú-thích như thế này: Thư của Vương Lệ Hoa (trang 137), Thư của Trần Nam Phong gởi cho Vương Lệ Hoa (trang 152), hay "chương này dành cho bạn, người bạn yêu mến nhất của tôi" (nếu để dòng đề tặng này ngay đầu truyện thì tôi có lẽ đã không thấy khó chịu). Có lẽ Quỳnh nên tin tưởng nhiều hơn vào khả năng nhận thức của độc giả. Thật ra, Nước xốt cà chua không phải là không có những nét đặc sắc của một truyện ngắn hiện đại, nhưng sau cái không khí tuyệt vời của Đỏ, nó nên được đứng riêng ở một tuyển tập khác bởi nó mang một phong cách quá trẻ, quá ngây thơ và gấp gáp khi so sánh với sự sâu lắng dịu dàng của Đỏ. Quả thật là một điều đáng tiếc!

Đối với tôi, Đỏ là một cuốn sách đáng đọc và Nguyễn Dương Quỳnh thật sự là một niềm hy vọng cho nền văn học đương đại Việt Nam, có thể vẫn còn quá sớm để đưa ra một nhận định như vậy, nhưng tôi vẫn tin rằng với những gì Quỳnh làm được trong truyện ngắn Đỏ, cô còn có thể tiến xa hơn nữa, miễn sao cô vẫn còn giữ được sự sâu lắng, nhẹ nhàng và "yên tĩnh" mà cô đã có với Đỏ.

Cuộc hành trình, hy vọng, cứ như thế mà tiếp tục...

PS: Ban đầu tôi định so sánh giữa Đỏ và bộ ba tuyển tập truyện ngắn của Trần Thị NgH (tên thật là Trần Thị Nguyệt Hồng), nhà văn nữ thuộc thời kỳ trước 1975, gồm Nhà có cửa khóa trái, Lạc đạnNhăn rúm. Nhưng nghĩ lại thì nên có một entry khác cho bộ ba tuyển tập thú vị này. Trong trường hợp các bạn không biết Trần Thị NgH là ai thì mời xem thêm tại entry điểm sách của bác Nhị Linh.

25.2.13

Truyện ngắn: Nó không có ở đây


1.

Nó không có ở đây!

Vậy nó ở đâu? Hắn không biết. Hắn quay quắt đi tìm nó như một kẻ dại. Hắn thở dốc khi phải vật lộn từng ngày chỉ để làm một công việc duy nhất: kiếm tìm nó.

Hắn ăn. Hắn ngủ. Hắn làm tình và hắn chỉ nghĩ về nó. Đối với hắn việc tìm cho ra nó là một nỗi ám ảnh không dứt. Ngay cả trong giấc mơ hắn cũng chỉ mơ về nó. Khi tỉnh, hắn tìm kiếm nó, khi nhắm mắt lại, hắn và nó mãi chơi trò cút bắt trong một không gian vô định. Nó trốn, hắn tìm. Giật mình tỉnh giấc, chưa bao giờ hắn cảm thấy thật sự được nghỉ ngơi. Tất cả cảm xúc. Tất cả suy nghĩ. Tất cả các mối quan hệ. Tất cả những gì của hắn. Chỉ quay xung quanh một điểm. Là nó.

Hắn đi lang thang trên những con phố dài, hết nhìn chỗ này đến ngó chỗ kia. Hắn ngồi ở quán này một lát, trú lại quán kia một chốc; ở đâu cũng vậy, như một quy trình máy móc và cũ kỹ, thức uống hắn gọi luôn là một ly đen đá không đường và một bao thuốc con ngựa. Cà phê chưa bao giờ hắn nốc cạn đến tận cùng của thứ nước đắng chát và đậm đặc nicôtin ấy, nửa ly, đó là tất cả những gì hắn có thể uống. Thuốc lúc nào hắn cũng chỉ đốt 3 điếu ở mỗi quán hắn ghé qua, không nhiều hơn, cũng không ít hơn. Có lẽ hắn tự ép mình nghĩ rằng mọi thứ chỉ là sự nửa vời khi không có nó. Có những khi hắn đến với những quán bar, ngồi đó hàng giờ với ly gin - tonic và một lát chanh dưới đáy ly. Hắn nghiêng nghiêng chiếc cốc thủy tinh trong suốt cho rượu sóng sánh, hắn nhìn những viên đá lắc qua lắc lại trong chiếc cốc dày cộm đó, miệng nở một nụ cười mông lung mà đôi lúc anh chàng bartender phía sau quầy rượu chột dạ nghĩ rằng mình đang tiếp một kẻ điên. Cũng có đôi khi hắn ghé thăm vũ trường có tiếng bật nhất trong cái thành phố này và cũng tại đó những ly rượu cũng nửa vời như không bao giờ được uống cạn, chỉ có những điếu thuốc là được đốt không ngừng nghĩ, khói nhả trắng cả một bàn, khói nhuộm một màu xanh lè của những tia đèn lazer cực mạnh, ánh sáng ma quỷ đó quét lên mặt hắn những đường rằn ri, vằn vện, không phân biệt được đâu là khuôn mặt của hắn, đâu là ánh sáng của nền văn minh tiệc tùng. Tiếng nhạc đập đến thủng tai, đập đến rớt tim ra ngoài còn tay hắn thì ôm trọn ngực của đàn bà. Trong những phút giây đó, bất chợt hắn ngửa mặt lên trời, mắt lim dim, không biết có phải vì những suy nghĩ mông lung hay bởi cám giác đê mê khi ôm trọn bầu ngực của những người con gái xinh đẹp trong tay, rồi lại tự hỏi nó đã đi đâu.

Như một thói quen, mở đầu ngày mới của hắn là quán cà phê thân thuộc và hàng giờ “ngồi đồng”, mắt nhìn dòng người qua lại rồi lại ra tự tạo ra vẻ suy tư về một nỗi lo ngại nào đó cho xã hội, cho nhân loại. Người khác không biết nhìn vào lại tưởng có một kẻ trẻ tuổi đang ngồi suy nghĩ cho thành phố, cho đất nước; kỳ thật chẳng có cái mẹ nào trong cái mớ suy nghĩ của hắn liên quan đến mảnh đất này dù chỉ là mảy may. Trong ánh nhìn của hắn, nếu nhìn thật kỹ, người ta sẽ dễ dàng nhìn ra những tia nhìn khinh miệt, có phần ác ác. Hắn không thèm che dấu cái sự khinh miệt đó khi nghe người khác nói chuyện về chính trị, về xã hội, về con người và về cả tình yêu. Tất cả những thứ đó, không thật sự thuộc về thế giới của hắn. Đối với hắn, một ngày nữa vừa mới trôi qua trong sự chờ đợi, lang bạt và khinh miệt, phải, khinh miệt là từ mà hắn luôn nghĩ tới. Hắn khinh miệt mọi người, hắn khinh bỉ xã hội này, và như một sự cân bằng tất yếu, cả thế giời này cũng khinh miệt hắn, không nhiều hơn cũng chẳng ít hơn. Màn đêm rồi sẽ rơi xuống, đánh thõm như một hòn đá rơi xuống một mặt hồ phẳng lặng đến mức buồn chán, nó như một cái tát trời giáng vào khuôn mặt đờ đẫn, không cảm xúc của hắn, một lần nữa nhắc hắn nhớ ra rằng, cuộc tìm kiếm vẫn còn ở đó, chưa thể kết thúc. Nó ở đâu? Hắn mệt mỏi tự hỏi, không biết lần thứ bao nhiêu trong ngày.

7.2.13

Những điều tốt đẹp

Trong cuộc sống, có những lúc tôi chọn tin vào những điều tốt đẹp mà không phải suy nghĩ quá nhiều về những gì diễn ra đằng sau; và chính cách nghĩ như vậy đôi lúc giúp tôi thấy dễ thở hơn trong cuộc sống này.

Đối với việc làm từ thiện cũng vậy, tôi luôn cho rằng khi chúng ta chọn làm việc thiện, tất là chúng ta đã chọn tin vào những gì mình nhìn thấy và cho đi những gì chúng ta cho rằng đó là điều tốt đẹp đối với người nhận và đối với cả bản thân người cho. Những ý nghĩ thiện tâm đó sẽ làm chúng ta cảm thấy bình an hơn và có niềm tin vào cuộc sống vốn dĩ chẳng đẹp đẽ này. Cái chúng ta cho đi không chỉ là những đồng tiền, những gì thuộc về vật chất mà còn là niềm tin, sự vị tha và thương cảm. Trong cuộc sống xã hội ngày hôm nay trên đất nước này, khi mà việc gọi xe cấp cứu cho một người bị tai nạn giao thông thay vì tụm lại đứng xem là một việc hiếm thấy, đứng ra bảo vệ cho những người yếu hơn khỏi sực ức hiếp của những kẻ tự cho là "mạnh hơn" là điều hầu như không có, thì một niềm tin vào những nghĩa cử tốt đẹp với lòng tốt bao la là điều cần thiết để giúp tâm hồn mình tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống.

Cho dù có những lùm xùm quanh việc có những lòng tốt bị "lợi dụng", những lời cảnh báo phải tìm hiểu thật kỹ càng thông tin của những người cần được giúp đỡ. Thì tôi vẫn hy vọng rằng đó không phải là rào cản khiến chúng ta chùng bước để tiếp tay mang lại những điều giúp làm ấm lòng những mảnh đời còn bất hạnh ngoài kia.