31.7.11

Những câu chuyện khác

Tôi thích những đêm cuối tuần được ngồi với đám bạn trong một góc nhỏ của quán xá nào đó để nói những câu chuyện bất tận, không đầu không cuối và cũng không có liên kết; tất cả chỉ đơn giản là sự chia sẽ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, công việc vả cảm nhận về thế giới quan của mình. Tôi thích cái cảm giác giác được nói, được lắng nghe, được cười một cách thoải mái và quan trọng nhất, được thể hiện cảm xúc của mình một cách chân thật nhất, không che đậy, không giả tạo.

Những câu chuyện cứ bắt đầu một cách tự nhiên, chuyển chủ đề cũng rất tự nhiên và kết thúc cũng nhanh chóng như cái cách mà chúng được bắt đầu. Chúng được kể, được thảo luận một cách sôi nổi và thông qua đó, mỗi người trong bàn lại có được những nhận định và cảm nhận của riêng mình. Điều mà tôi cảm thấy thú vị nhất là ở chỗ, cũng câu chuyện đó thôi nhưng chắc chắn chẳng ai cảm nhận giống người khác cả, mỗi người đều tự tìm thấy cho mình cách lí giải mọi thứ theo cá tính riêng của mình nhất. Chủ đề thì vô cùng đa dạng; từ công việc cho đến cuộc sống, tình yêu, đám cưới và tương lai. Tôi thích cái cách những tâm hồn đồng điệu tìm đến với nhau qua những câu chuyện phím, để được cùng nhau chia sẽ một hy vọng tốt đẹp và tương lai, dẫu có là mơ ước thì cũng thật ngọt ngào khi có được cảm giác mình đang chia sẽ một niềm tin và hy vọng với một người nào đó.

Tôi thường tưởng tượng khi mình ba, bốn mươi tuổi, tôi sẽ ngồi tại một quán cà phê thật yên tĩnh, nhâm nhi tách cà phê sữa ngọt ngào và nhớ lại những đêm như thế này, chắc chắn tôi sẽ mỉm một nụ cười nhẹ nhàng. Một nụ cười bình yên cho những câu chuyện khác, những câu chuyện mang lại cảm giác nhẹ nhàng và dễ chịu.

25.7.11

This is a cruel world

Thế giới này thật tàn nhẫn

.

.

.

Đúng vậy, thật sự tàn nhẫn. Tôi không nói rằng tất cả mọi người trên cuộc đời này, trên quả đất này đều tàn nhẫn. Nhưng, thế giới mà chúng ta đáng sống, thế giới nơi mà cuộc sống và cái chết luôn hiện hữu, thì thật sự tàn nhẫn.

Ở trong cái thế giới đó, sự tàn nhẫn hiện hữu hằng ngày, hiện hữu trong từng cữ chỉ, từng hành động và lời nói giữa con người với nhau; không kể không gian, thời gian và chúng tộc. Chúng ta dễ dàng nhìn nhau và lạnh lùng, tàn nhẫn nhận xét về đểm này hoặc điểm khác của người khác. Chúng ta dễ dàng chê bai, dễ dàng đánh giá và dễ dàng quy kết cho những điều, những người mà chúng ta không thật sự hiểu, hay chỉ đơn giản là chúng ta không buồn bận tâm để mà hiểu.

Tôi cũng vậy, bạn cũng vậy và người khác cũng vậy, chúng ta luôn mong muốn có một kết luận khiến chúng ta thoải mái nhất, an toàn nhất, dễ chịu nhất và khiến chúng ta “cao hơn thiên hạ” nhất. Tuy chỉ là suy nghĩ, chỉ là những điều thầm kín ẩn chứa trong đầu nhưng cũng đã đủ để thế giới này ngày càng trở nên tàn nhẫn và lạnh lùng hơn mà thôi.

Ai cũng một lần trong đời nói rằng “mỗi nhà, mỗi người mỗi cảnh” nhưng chưa có ai thật sự hiểu và làm theo đúng những gì mình đã nói. Chúng ta luôn muốn người khác phải làm như những gì mình nghĩ, luôn hài lòng khi họ làm đúng theo những gì chúng ta hình dung, những gì chúng ta cho là đúng, và sẽ nhăn mặt, sẽ lắc đầu và sẽ này nọ lọ chai khi họ tự chọn cho mình những con đường mà chúng ta chưa bao giờ thử, những con đường chưa bao giờ quen thuộc với lộ trình sống của chính chúng ta.

Có người một người tôi biết đã nói “great people are also great at self-destruction sometimes.” Nhưng mấy ai thấy được đâu là “great people” và đâu là “self-destruction”??? Tôi tự hỏi?

Đã là người, ai cũng muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn khi cuối đời. Nhưng thế giới này vốn dĩ đã tàn nhẫn thì không có cớ gì nó có thể trở nên công bằng, và kết cục là không phải ai cũng có được cái mình muốn và cần. Có người tìm được những giá trị mình cần nhưng chết ngập trong những dục vọng và ước muốn xa vời. Có kẻ cứ ngập chìm trong những thứ vật chất mà họ tưởng là thứ mình cần, nhưng rốt cuộc không có cái gì là cái họ thật sự cần, từ đó cứ loay hoay tìm cho mình một câu trả lời. Đôi lúc, có mấy ai hiểu và trải qua cái cảm giác đầy đủ về mọi thứ nhưng luôn có cảm giác thiếu vắng? Có những người không cần đến vật chất và đối với họ, ngày qua ngày, sống trong vật chất đầy đủ nhưng cái hố tâm hồn thì ngày một rộng ra. Họ lạc lối và học mắc kẹt trong chính cơ thể và suy nghĩ mình. Có ai thật sự hiểu và thật sự cảm thông với những người như vậy? Hay tất cả chỉ nhìn vào và nói rằng “giàu quá rãnh mở”

Cuộc sống và cái chết, dẫu thế nào, đều là như nhau đối với tất cả mọi người cực lực lao động và sống cuộc sống của chính mình. Dù là Amy Winehouse tối ngày chìm ngập trong khói thuốc và rượu hay những nạn nhân của cuộc thảm sát tại Na Uy, cái chết của họ đều đáng được tiếc thương. Không ai tự chọn cho mình một kết cục của cuộc đời mình, nhưng cách họ sống và cách họ chiến đấu với nó hằng ngày đã là một nổ lực đáng được trân trọng, bởi cuộc sống này vốn không hề dễ dàng. Chết thì dễ lắm, sống mới thật sự là khó khăn!!!

Thế giới này thật sự tàn nhẫn như vậy đấy. Dẫu biết là thế, nhưng sống vẫn là một trải nghiệm hấp dẫn và mãnh liệt, còn cái chết cũng là một trải nghiệm mà mỗi người chỉ có thể trải qua được một lần, bởi vậy sống thật đủ rồi hãy tìm đến trải nghiệm cuối cùng của cuộc đời. Tôi ước mình đủ dũng cảm để suy nghĩ khác đi nhiều hơn, nhìn con người bằng ánh mắt bao dung hơn, suy nghĩ cho họ nhiều hơn. Nhưng đợi chút, tôi cũng chỉ là con người, chỉ có thể làm hết sức mình, còn kết quả thế nào, phải để người khác đánh giá mà thôi.


P/S: Tôi sẽ luôn chìm đắm trong gia điệu của bài hát này. Tôi nghĩ đây là bài hát mà Amy Winhouse trình bày thành công nhất. Nổi cô đơn và đau đớn thể hiện rất rõ qua từng lời từng chữ. Một lần nữa, R.I.P Amy Winehouse. Cảm ơn về một cuộc đời của cô.

23.7.11

Ta nói chuyện gì khi không nói chuyện tình

I.

Có một dạo, tôi luôn tự hỏi mình cảm giác cô đơn là như thế nào? Nó có giống như cảm giác của chàng Robinson khi bị trôi dạt vào hoang đảo hay không? Hay nó có giống với cảm giác của một nhân vật do Tom Hank trong một bộ phim nào đó mà tôi chẳng thể nhớ tên; bộ phim là hành trình tìm về với thế giới con người sau những ngày tháng một mình trên hoang đảo, không người trò chuyện. Tôi thì chưa có khi nào lâm vào tình trạng như vậy, nếu có thì đối với tôi việc kinh hãi nhất không phải là chuyện không có ai nói chuyện mà chắc là chuyện không chỗ tắm rửa, tự nhiên nghĩ đến đó tôi chợt bật cười. Buồn cười là ở chỗ, cảm giác sợ hãi đến với tôi đầu tiên không phải là chuyện đói khát, cô đơn hay tuyệt vọng mà lại là chuyện lo lắng về vấn đề vệ sinh, tắm gội. Không lẽ, tôi đã quen với việc cô đơn đến tự nhiên như thế? Tôi coi cảm giác đó như một “người bạn thân thiết lâu năm”, sự hiện diện của nó là một điều cần thiết và bắt buộc.

Tôi là kẻ nói nhiều khi có những người bạn, những người tạo cho tôi cảm giác dễ chịu và an toàn, ở bên cạnh. Tôi nói và khi nào cũng vậy, tôi luôn có cảm giác, nếu mình ngừng nói thì sẽ chẳng còn ai nghe mình, và rồi, mình sẽ thật sự cảm thấy cô đơn, cho dù là trong một cuộc vui với rất rất nhiều người đi chăng nữa. Tôi không sợ cô đơn, không coi đó là một điều gì đó thật sự ghê gớm. Dường như đối với tôi, cảm giác một mình làm điều gì đó, một mình đi đâu đó và một mình chui vào một góc nào đó để suy nghĩ, để gậm nhấm những nổi niềm, những tâm sự của mình đã là một thói quen không dễ gì từ bò. Tôi là kẻ ít khi chia sẽ một điều gì đó riêng tư của mình cho những người khác, vậy mà thật buồn cười là đôi lúc tôi lại mong những người khác có thể hiểu được mình, quả thật họ phải là siêu nhân thì mới làm được điều đó.

Có khoảng thời gian, cả ngày tôi chả nói với ai tiếng nào, quá lắm thì vài tiếng ậm ừ với bà già mỗi khi về nhà. Dạo ấy, để tránh những người quen, tránh những người mà khi gặp tôi không cớ gì để không mở miệng, tôi thường đi vòng vòng các con đường của thành phố, ngồi quán cà phê này một lúc, ghé quán kia một chút, lang thang ở nhà sách này nhà sách nọ, cứ thế cho đến hết ngày. Những lúc như vậy, thật lạ là tôi cảm thấy thật sự dễ chịu và bình yên. Tất nhiên tôi chẳng muốn cái tình trạng đó kéo dài mãi mãi, cứ như vậy thì chỉ có thể gọi là “tự kỷ cấp độ cao” mà thôi. Cái chính là, cảm giác cô đơn mà tôi luốn thắc mắc và tự hỏi với bản thân mình, có lẽ cũng giống như một thói quen cố hữu của tôi. Một thói quen không tốt cũng chẳng xấu, nhưng nó khiến tôi có cảm giác yên bình và tự chủ. Có lẽ, đến bây giờ thói quen đó vẫn còn, chỉ là không còn nhiều nữa mà thôi. Lúc này mà không mở miệng thì chỉ có đói mà thôi, cái miệng là cái cần câu cơm mà!

II.

Tuổi trẻ luôn là khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người. Đó là điều tôi luôn nghe mọi người nói và tôi cũng gật gù cho vậy là đúng và cũng chẳng buồn tranh cãi bởi những cái tuổi khác như tuổi trung niên hay tuổi già tôi chưa có trải qua nên tôi cũng chẳng cách gì mà nói được là liệu những tuổi ấy với tuổi trẻ thì cái nào thú vị và tươi đẹp hơn. Tôi nghĩ rằng, hoặc đồ rằng, tuổi nào thì nó cũng có những điều thú vị và tuyệt vời của riêng nó. Tôi không thích người khác cứ hay nhìn tôi và nói rằng: “Cháu/con/em hãy sống và tận hưởng tuổi trẻ cho hết mình đi, chứ giờ như chú/bác/cô/anh/chị, đã đến tuổi này rồi cực lắm, chẳng chơi bời được gì cả, gánh nặng gia đình đủ thứ, cực lắm”. Tuổi nào mà chẳng phái có những suy nghĩ, những gánh nặng và những trăn trở? Tuổi nào mà chẳng phải có những ràng buộc níu kéo? Tại sao phải lấy những trăn trở đó ra làm chướng ngại vật trong việc tìm kiếm những thú vui khiến mình vui vẻ và thoải mái? Chẳng phải người xưa đã từng nói rằng chỉ khi tâm trạng thoải mái vui vẻ thì việc gì xong, cũng thoải mái ư? Nếu bảo tôi bây giờ cứ sống vội, sống thật gấp rút để tranh thủ những ngày còn tươi trẻ để rồi như các anh/chú/bác/chị thì có cho vàng tôi cũng không làm.

III.

Những thay đổi trong cuộc sống là những điểu không tránh khỏi. Thay đổi thói quen sinh hoạt. Thay đổi môi trường sống. Thay đổi môi trường làm việc. Thay người yêu và thay người tình… Tất cả đều là những điều khó tránh khỏi, nó đến và rồi tay phải thay đổi, phải trôi theo những sự thay đổi đó và phải thích nghi, vậy thôi. Nhưng nếu ta thật sự không thích nghi được thì sao? Chắc là ai cũng có câu trả lời nhưng chẳng ai muốn nói ra…

15.7.11

Những ngày thật khác...

I. 
Những ngày này mình thấy Đà Nẵng thật đẹp, nắng nhẹ thôi nhưng trong vắt, đôi lúc có những cơn mưa rào mang lại sự dễ chịu vào cuối ngày. Có hôm cứ chạy về nhà trong cơn mưa nặng hạt, mát và thật sự thoải mái; tưởng chừng như muốn đắm chìm mãi trong cái mát lạnh của những cơn mưa bất chợt như vậy.
Thích nhất là vào những buổi trưa, trời không nắng một cách gay gắt, đủ để mình đi lang thang từ công ty đến sạp báo nhà bạn, đọc cho chán chê rồi lại tiếp tục lang thang đến các quán cà phê cóc quen thuộc, hoặc cứ đánh xe vòng vòng tuyến đường Lê Lợi và Nguyễn Chí Thanh. Tự nhiên cảm thấy thật sự yêu cái không khĩ tĩnh lặng nhưng không buồn bã, êm đềm nhưng cũng không quá nhàm chán của những buổi trưa như thế này của thành phố.
II.
Cuộc sống là một chuỗi những bất ngờ và những điều không dự đoán trước. Vui có, buồn có, tốt có mà xấu cũng chẳng thiếu, nhưng điều quan trọng là sau đó chúng ta có được những gì và học được những gì. Mình thích nghĩ như vậy. Có thể đôi lúc, bực đến run người vì những chuyện chướng tai gai mắt, đau như thắt cả tim hay vui đến phát khóc, nhưng rốt cuộc, đó là những cảm xúc và những bài học quý giá cho những trải niệm của cuộc sống, điều đọng lại cuối cùng mới thật sự là điều quan trọng. Cứ tự nhủ như vậy mà sống để tránh bực tức, tránh đố kỵ và biết đâu được, tránh cả phiền phức. 
III.
Mình bắt đầu thấy thoải mái hơn với công việc hiện tại, mọi thứ khá là mới mẻ và hoàn toàn không quen thuộc với mình, nhưng chẳng sao cả, cứ vậy mà chiến thôi. Đùa chứ, cũng sợ và run nhưng chắc cố gắng thì chả sao cả, nhiều khi thấy AQ một chút để mà động viên tinh thần thì cũng chẳng có gì xấu, nhỉ? 
Mình thích quang cảnh từ văn phòng mình nhìn xuống đường Bạch Đằng. Lần đầu tiên nhìn từ tấng 11 xuống, mình đã tròn xoe mắt và ngạc nhiên vì vẻ đẹp của cầu Sông Hàn và cả dòng sông mà mình từng cho rằng “xấu nghí, chắc chả ma nào khen đẹp”. Cứ tầm 3 đến 4 giờ chiều, mình hay dành ra vài phút để ngắm dòng người đi lại trên cầu Sông Hàn và cả dòng xe cộ dưới chân cầu. Nhìn từ trên xuống, mọi thứ thật nhỏ bé, có cảm giác như mình chỉ cần đưa tay ra là đã có thể nắm trọn cả một góc thành phố trong lòng bàn tay vậy. Thật sự rất thú vị.
IV.
Có những thói quen phải thay đổi nhưng cũng có những thói quen đã thấm vào trong máu, khó mà có thế thay đổi được. Đôi lúc cần phải thỏa hiệp vì những lợi ích to lớn hơn. Lại AQ, nhưng thà như vậy còn hơn cứ ôm cái tôi lớn bằng trời đâm đầu vào chảo lửa, và rồi kết cục là những bi hài không ai biết trước được. 
Những ngày thật sự khác, ít nhất là đối với những cảm xúc của mình…

3.7.11

Như Một Lời Chia Tay

(Bàn làm việc cũ tại Tuyên Sơn)


Cũng đã gần 2 tuần kể từ ngày mình xin nghỉ làm tại Tuyên Sơn. Quả thật nhiều lúc thời gian trôi nhanh đến không ngờ. Mình đã có hơn 10 ngày không làm gì cả, đã có hơn 10 ngày để suy nghĩ và chào tạm biệt với những kỷ niệm đẹp của một công việc toàn thời gian lần đầu tiên trong đời. Và quả thật, đến lúc này, mình vẫn chưa quen được với việc hằng ngày không phải chạy xe lên Tuyên Sơn.

Không một công việc nào là quá hoàn hảo, cho dù đó là công việc đầu tiên hay cuối cùng của cuộc đời mình. Ở đó có những nụ cười, những niềm hân hoan, những sự mê say và cả những giọt nước mắt. Thế nhưng dù sau này "cuộc đời làm việc" của mình có đi theo hướng nào đi chăng nữa thì vẫn phải nói một điều rằng, mình chân thành cảm ơn "Tuyên Sơn" đã cho mình những kỷ niệm và bài học quý giá cho những tháng năm đầu tiên chập chững bước đi trong một môi trường làm việc "đúng nghĩa".




Tuyên Sơn mình đã được cười rất nhiều, được chứng kiến những niềm đam mê và hăng say công việc to lớn của những con người thật sự trẻ. Ở họ, những người đồng nghiệp đáng quý, luôn khiến mình cảm nhận tâm huyết và tình cảm lớn lao mà họ dành cho nơi này, cũng chính từ đó lại càng khiến mình yêu quý và lưu luyến nơi này nhiều đến thế. Ở đây đã dạy cho mình biết yêu quý công việc của mình một cách trọn vẹn nhất, tâm huyết với công việc của mình một cách lớn lao nhất và cho phép mình được thử những điều mà trước đây mình chưa có cơ hội được kiểm chứng bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Tuyên Sơn dạy cho mình bài học về quyết tâm làm đến cùng để tự hoàn thiện bản thân và tự cho mình một cơ hội khác. Tuyên Sơn cho mình thấy được rằng mình có thể vượt ra khỏi những giới hạn của mình để làm những công việc mà mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình có khả năng làm được và Tuyên Sơn cũng dạy cho mình biết rằng, mình cần tôn trọng bản thân mình trước tiên, làm cho mình tốt lên để rồi từ đó mới có thể dồn sức đi cùng với sự phát triển của công ty. Mình chân thành cảm ơn và cảm kích những gì mình đã được học ở đây.


Tuyên Sơn, mình đã được gặp những con người tuyệt vời. Họ không hoàn hảo. Họ không phải thánh để mà hoàn hảo. Họ có những trăn trở, có những điểm yếu và cả những sai lầm. Nhưng bằng cách này hay cách khác, họ đã dạy cho mình rất nhiều thứ về công việc, về xã hội và về trách nhiệm đối với công việc. Họ, có thể nói rằng, "hoàn hảo" theo đúng cái cách mà họ thể hiện. Và mình phải cảm ơn họ rất nhiều vì đã được gặp những người tuyệt vời như vậy trong những năm tháng đầu tiên đi làm. Cảm ơn họ vì đã cho mình thấy được một không khí làm việc của những người trẻ là như thế nào, tinh thần làm việc không đố kỵ, không bon chen và không dành dật là như thế nào! Đó quả thật là một điều may mắn cho cuộc đời mình.


Mình luôn thích nghĩ rằng cuộc đời này là một chuyến đi không có điếm dừng. Chúng ta "lên xe", thực hiện "cuộc hành trình của đời mình", rồi "dừng lại" để nghỉ ngơi và tiếp tục "khám phá" những chân trời khác. Mình đã kết thúc "cuộc tìm kiếm đầu tiên" trong đời, và đã tìm được cho mình một lời giải đáp về cuộc sống, về tương lai và nhiều thứ khác. Bây giờ cũng là lúc, "vác ba lô lên vai" để đi "tìm một khung trời mới" cho chính bản thân mình. 


Cảm ơn Tuyên Sơn vì những kỷ niệm đẹp mình đã có ở đây. Cảm ơn những con người trẻ và tuyệt vời ở đây. Cảm ơn tất cả như một lời chia tay mà khó có thể nói nên lời trong cái ngày mình thu dọn đồ mang về nhà. Cảm ơn vì một chặng đường đầy thử thách và thật sự thú vị.


Chào tạm biệt và chúc may mắn!